ADHD không phải là sự lười biếng, mà là lực cản vô hình

Ba rào cản khiến người mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) khó duy trì hiệu suất làm việc.
NHỮNG ĐIỂM CHÍNH
- Rối loạn chức năng điều hành là một trở ngại lớn trong khả năng hoàn thành công việc của người mắc ADHD.
- Việc bị kích thích cảm giác quá mức làm hệ thần kinh quá tải.
- Người mắc ADHD cảm nhận phần thưởng khác với người bình thường, khiến họ thiếu động lực theo cách truyền thống.
Sự lười biếng được định nghĩa là không muốn làm việc hay không chịu nỗ lực. Với những người sống chung với ADHD, họ rất dễ bị gán cho nhãn mác này, vì trễ hạn, né tránh việc vặt, hoặc chật vật bắt đầu một công việc. Nhưng nếu đó không phải là lười biếng, mà chỉ đơn giản là… có lực cản?
Bất cứ việc gì, từ đi làm, rửa bát, cho đến việc đứng dậy đi vệ sinh, đều cần não bộ tiêu hao một lượng tài nguyên nhất định, đặc biệt là các chức năng điều hành như: bắt đầu, lập kế hoạch, tổ chức. Thật không may, đây lại là những chức năng thường bị tổn thương ở người ADHD. Vấn đề không nằm ở đạo đức hay ý chí, mà là sự khác biệt đơn giản trong cách não bộ họ được lập trình. Và điều này tạo nên ba rào cản lớn trong việc duy trì hiệu suất sống và làm việc.
1. Quá tải nhận thức
Với người ADHD, việc hoàn thành những điều tưởng chừng đơn giản lại thường phức tạp hơn nhiều. Nghiên cứu cho thấy họ gặp khó khăn lớn trong việc chuyển đổi giữa các nhiệm vụ hay bối cảnh. Những việc như lên kế hoạch hay tổ chức đều trở nên lộn xộn, khiến cho việc rửa bát hay gửi một email cũng có thể trở thành gánh nặng. Trong đầu họ, mọi thứ đều quan trọng mà cũng chẳng có gì thật sự quan trọng cả.
Những danh sách việc cần làm, những lời nhắc nhở liên tục về việc chưa xong, cứ tích tụ dần, gây ra cảm giác mệt mỏi triền miên, đôi khi là lo âu dữ dội. Hàng loạt suy nghĩ đan xen về những việc phải làm cứ lặp đi lặp lại trong đầu, chiếm dần không gian nhận thức, cho đến khi cơ thể không chịu nổi nữa và adrenaline buộc phải trỗi dậy.
Trên mạng xã hội, hiện tượng này thường được gọi là “tê liệt ADHD” hay “rối loạn chức năng điều hành”. Người ngoài nhìn vào có thể thấy đó là lười biếng. Nhưng bên trong, não bạn đang gào lên “hãy làm đi”, còn cơ thể thì đứng im như hóa đá.
Kết quả không phải là “không làm việc nhưng được nghỉ ngơi”, mà là “không làm được gì, cũng không được nghỉ ngơi.”
Lâu dần, điều này dễ dẫn đến cảm giác tội lỗi, bất lực, và có thể kéo theo cả trầm cảm hoặc rối loạn lo âu.
2. Quá tải cảm giác
Thách thức tiếp theo với người ADHD là việc bị kích thích cảm giác quá mức. Ngay cả việc phân loại thông tin, điều gì quan trọng, điều gì không, cũng là một nỗ lực rất lớn. Bình thường, não bộ sẽ tự động sàng lọc: bỏ qua thứ không liên quan, giữ lại điều đang tập trung, và chừa chỗ cho các tín hiệu khẩn cấp.
Nhưng não ADHD không làm việc như vậy. Rất nhiều nhiễu lọt qua bộ lọc ban đầu, khiến người ADHD phải xử lý khối lượng thông tin nhiều hơn người bình thường rất nhiều, và thế là họ dễ mất tập trung.
Đó là lý do tại sao những nơi đông người, nhiều âm thanh, hoặc không gian mở khiến họ mệt mỏi và khó làm việc.
Người ngoài có thể thấy họ chậm chạp, bồn chồn, hoặc thậm chí thô lỗ. Nhưng thực ra, hệ thống thần kinh của họ đang quá tải vì phải “chạy cùng lúc quá nhiều cửa sổ” như một chiếc máy tính bị đứng hình vì mở quá nhiều tab.
3. Mất cân bằng động lực
Người ADHD không được thúc đẩy bởi những điều giống người khác. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra: thứ kích thích người ADHD nhiều nhất là “bất kỳ điều gì khiến thời gian trôi nhanh.”
Nói cách khác, họ ít khi bị hấp dẫn bởi phần thưởng dài hạn. Thay vào đó, họ cần những kết quả nhanh chóng, hoặc ít nhất là cảm giác hài lòng tức thời.
Có lẽ vì vậy mà người ADHD thường tỏa sáng khi có tình huống khẩn cấp, hoặc hay chọn con đường làm chủ, vì phần thưởng đến nhanh, và công việc có thể xoay vòng giữa những giai đoạn làm việc cường độ cao và nghỉ ngơi.
Còn cuộc sống hàng ngày thì không như vậy. Việc nhà phải làm đều đặn, dù thích hay không. Làm tốt cả năm có thể chỉ được tăng lương 2%. Ngay cả người bình thường cũng thấy khó duy trì động lực trong môi trường này. Vậy mà người ADHD với đặc điểm não bộ rất khác biệt lại được kỳ vọng vẫn phải cố gắng như bao người khác. Điều đó là không thực tế.
Lực cản
Tất cả những điều trên tạo nên friction, lực cản vô hình trong cuộc sống hàng ngày. Với người ADHD, mọi việc giống như bơi ngược dòng: chỉ để không chìm thôi đã tốn rất nhiều sức, huống chi là bơi tới được đích.
Đó là lý do vì sao những điều chỉnh dành cho ADHD, trong cả đời sống cá nhân lẫn công việc, đều nên hướng tới việc giảm lực cản: giảm bớt sự mâu thuẫn giữa môi trường bên ngoài và cách não bộ của họ hoạt động.
Một điều bất kỳ ai cũng có thể bắt đầu ngay bây giờ, đó là học cách nhận ra khi não bạn đang mắc kẹt và cho phép bản thân được sống mà không phán xét, không tội lỗi.
Nếu bạn thấy mình rơi vào trạng thái tê liệt ADHD, hãy chấp nhận sự thật rằng hôm nay bạn không thể hoàn thành công việc và chủ động quyết định nghỉ ngơi thay vì tiếp tục vật lộn. Không phải ai cũng biết: cảm giác tội lỗi làm hao tổn năng lượng. Khi bỏ được nó, bạn sẽ ngạc nhiên vì mình có thể làm được những việc tưởng chừng không thể, chỉ cách đây vài ngày.
Bạn không cần phải hoàn hảo. Bạn có quyền nghỉ ngơi, ngay cả khi bạn cảm thấy mình chưa làm đủ. Bạn có quyền dừng lại, dù hôm nay bạn chưa hoàn thành gì cả. Bạn có quyền là chính mình, kể cả khi bạn có ADHD.
Tài liệu tham khảo:
Rauch WA, Gold A, Schmitt K. To what extent are task-switching deficits in children with attention-deficit/hyperactivity disorder independent of impaired inhibition? Atten Defic Hyperact Disord. 2012 Dec;4(4):179–187. doi: 10.1007/s12402-012-0083-5. Epub 2012 Jul 4. PMID: 22760550.
Rani I, Agarwal V, Arya A, Mahour P. Sensory Processing in Children and Adolescents with Attention Deficit Hyperactivity Disorder. J Atten Disord. 2023 Jan;27(2):145–151. doi: 10.1177/10870547221129306. Epub 2022 Oct 14. PMID: 36239408.
Morsink S, Sonuga-Barke E, Mies G, Glorie N, Lemiere J, Van der Oord S, Danckaerts M. What motivates individuals with ADHD? A qualitative analysis from the adolescent's point of view. Eur Child Adolesc Psychiatry. 2017 Aug;26(8):923–932. doi: 10.1007/s00787-017-0961-7. Epub 2017 Feb 23. PMID: 28233072.
Wagner D, Mason SG, Eastwood JD. The experience of effort in ADHD: a scoping review. Front Psychol. 2024 Jun 3;15:1349440. doi: 10.3389/fpsyg.2024.1349440. PMID: 38895497; PMCID: PMC11184226.
Nguồn: ADHD Is Not Laziness—It's Friction | Psychology Today