2 kiểu quyền lực trong mối quan hệ bạo hành bằng lời nói 

2-kieu-quyen-luc-trong-moi-quan-he-bao-hanh-bang-loi-noi 

Có 2 kiểu quyền lực. Một kiểu giết chết tinh thần. Kiểu còn lại nuôi dưỡng tinh thần.

Có 2 kiểu quyền lực. Một kiểu giết chết tinh thần. Kiểu còn lại nuôi dưỡng tinh thần. Kiểu đầu tiên là Quyền lực trên cơ. Còn lại là Quyền lực nội tại.

Quyền lực trên cơ biểu hiện dưới dạng kiểm soát và áp chế. Quyền lực nội tại biểu hiện qua sự tương hỗ và đồng kiến tạo. Tương hỗ là cách chung sống với người khác sao cho sự phát triển và điều kiện của bản thân và người kia đều được thúc đẩy thông qua việc giao tiếp rõ ràng và sự thấu hiểu, cảm thông. Đồng kiến tạo là sự đóng góp chung một cách có chủ đích để giúp mỗi người đạt được mục tiêu của mình.

Vì bạo hành bằng lời nói là biểu hiện của các vấn đề cá nhân, văn hoá và toàn cầu bắt nguồn từ việc lạm dụng quyền lực, tôi sẽ bắt đầu với cái nhìn bao quát và toàn diện về Quyền lực trên cơ.

Có người tin rằng thế giới vận hành theo mô hình Quyền lực trên cơ. Niềm tin vào mô hình Quyền lực trên cơ giống như một lăng kính mà những người tin tưởng nó dùng để nhìn thế giới. Những người này kỳ vọng có được thứ họ muốn bằng cách sử dụng Quyền lực trên cơ người khác. 

 

Nguồn ảnh: Photographee.eu/Shutterstock

Cơ chế Quyền lực trên cơ kéo theo lối sống trên cơ. Lối sống này có thể phủ nhận giá trị và chất lượng cuộc sống. Mô hình kiểm soát và thống trị Quyền lực trên cơ đã ăn sâu vào ý thức cá nhân qua hàng nghìn năm và đẩy chúng ta đến bờ vực của tình trạng hỗn loạn trên toàn cầu.

Khoa học chỉ ra rằng từ tình trạng hỗn loạn này, trật tự mới sẽ hình thành. Vậy thì trật tự mới đó đến từ đâu? Nó không thể do pháp luật đề ra, cũng không thể đến từ những cuộc chiến tranh và Quyền lực trên cơ. Tôi tin rằng trật tự mới chỉ có thể hình thành trong ý thức cá nhân. Vì lý do này, tất cả chúng ta đều thực sự cần nhận thức được rằng bạo hành bằng lời nói là một phương tiện kiểm soát, cưỡng chế và áp đặt Quyền lực trên cơ với người khác.

Để có thể nhận biết và giải phóng bản thân khỏi ảnh hưởng của mô hình Quyền lực trên cơ, chúng ta phải lắng nghe chính mình: Chúng ta nói điều gì và nói như thế nào. Tương tự, chúng ta phải nghe cả điều người khác nói và cách họ nói với chúng ta. Để ý điều đó giúp chúng ta nhận ra cách đề cao, tôn trọng, bảo vệ và yêu thương bản thân và rộng hơn là tất cả mọi người. Chúng ta có thể bắt đầu với việc tin tưởng vào giá trị và nhận thức của mình.

Đây có thể là một nhiệm vụ khó khăn với những người từng ở bên kẻ bạo hành bằng lời nói, bởi vì bạo hành bằng lời nói khiến họ trở thành nạn nhân như bất cứ hệ thống huỷ diệt nào khác. Bạo hành bằng lời nói vốn dĩ là hành vi hạ thấp và xem thường nhận thức của nạn nhân. Rất ít phụ nữ tôi từng phỏng vấn ý thức được điều gì đang xảy ra trong mối quan hệ của họ; chắc chắn họ không coi bản thân là nạn nhân. Họ chỉ biết rằng có gì đó không đúng. Nếu có ai trong số họ chấm dứt một mối quan hệ, lý do thường liên quan đến các vấn đề khác.

Trong mối quan hệ với một kẻ bạo hành bằng lời nói, đối phương học cách chịu đựng hành vi bạo hành và đánh mất lòng tự tôn mà không biết. Cô ấy bị kẻ bạo hành đổ lỗi và trở thành người phải “giơ đầu chịu báng.” Cứ như vậy, cô ấy trở thành nạn nhân.

Rồi chúng ta sẽ thấy, nạn nhân của hành vi bạo hành bằng lời nói phải giành lấy ý thức về giá trị của bản thân và lòng tự tôn trong những tình huống bất lực và khó hiểu nhất. Họ có thể làm điều đó khi nhận biết được bản chất của bạo hành bằng lời nói.

Mô hình Quyền lực trên cơ có nguồn gốc từ đâu? Nó là kết quả, và cũng là thủ phạm, của “phương pháp giáo dục độc hại” được thảo luận trong cuốn sách For your own Good của Alice Miller và trong các công trình của John Bradshaw. Đó là một phương pháp nuôi dạy trẻ độc hại. Nó kiểm soát hành vi của trẻ bằng cách lạm dụng Quyền lực trên cơ. Sự lạm dụng quyền lực khiến đứa trẻ vô cùng đau đớn. Nếu đứa trẻ không giải quyết được những tổn thương từ trải nghiệm ấy trong thời gian trưởng thành, nó sẽ duy trì sự lạm dụng quyền lực ngay cả khi trở thành người lớn. Kết quả là con người trưởng thành này trở nên tiêu cực và độc hại với những người khác. Sự độc hại là thứ chúng ta tìm thấy trong mối quan hệ bạo hành.

Chúng ta đã xem xét mô hình Quyền lực trên cơ và cả thực tế là các cá nhân, quốc gia có động cơ để kiểm soát và áp chế nhau. Chúng ta có thể lưu ý rằng sự ảo tưởng sức mạnh của họ chỉ được duy trì khi họ có một “đối tượng khác” để thể hiện quyền lực. Đáng buồn là nhiều người ra sức níu giữ lập trường này vì nó là kiểu quyền lực duy nhất mà họ biết đến. Nếu không có sẵn “đối tượng khác” thì phải tạo ra nó.

Quyền lực nội tại là một cách tận hưởng quyền lực khác, không cần đến kẻ thắng – người thua, kẻ thống trị – người lệ thuộc và cũng không đòi hỏi phải có quyền lực lớn hơn một “đối tượng khác.” Quyền lực nội tại phát huy tác dụng nhờ tính tương hỗ và đồng kiến tạo, có thể coi đây là một cách sống và nhận thức về thế giới mới.

Hãy cùng đặt những ý tưởng này vào bối cảnh một mối quan hệ, nơi tồn tại hai người đang sống và nhận thức thông qua hai mô hình khác nhau; một người sống với tư tưởng Quyền lực trên cơ, và người còn lại tin vào Quyền lực nội tại. Qua những lăng kính này, hai người họ không thể nhìn thấy đối phương hay thực tại trong nhận thức của đối phương.

Trong quá trình nghiên cứu về mối quan hệ bạo hành bằng lời nói, phát hiện quan trọng nhất và bất ngờ nhất với tôi là kẻ bạo hành bằng lời nói và nạn nhân dường như sống trong hai thực tại khác nhau. Định hướng của kẻ bạo hành là kiểm soát và áp chế, trong khi người kia hướng đến sự tương hỗ và đồng kiến tạo. Xét trên nhiều phương diện, họ ở trong hai thực tại hoàn toàn khác nhau.

--------------

Trích từ cuốn sách Thao Túng Cảm Xúc Bằng Ngôn Từ – Nhận diện hành vi, chữa lành tâm lý và bảo vệ bản thân trước những mối quan hệ độc hại -- Tác giả: Patricia Evans

Mời bạn đặt sách tại: https://shope.ee/VdJbP3fQ7

Nếu bạn không biết thao túng bằng lời nói là gì, bạn sẽ biết khi đọc cuốn sách này. Nếu bạn không hiểu bắt đầu từ mắt xích nào và tại sao mối quan hệ của bạn lại nhiều tổn thương đến vậy, bạn sẽ hiểu khi đọc cuốn sách này.

Bạn sẽ học được những cách mới để đối phó với sự thao túng và làm thế nào để biết đâu là những ám thị vô lý từ đối phương và đâu là con người của chính bạn. Thao túng bằng lời nói có thể ẩn sâu những vỏ bọc ngôn từ tinh vi hoặc có thể được điểm mặt chỉ tên trước ánh sáng.

Thao túng bằng lời nói có thể khiến một người phụ nữ mạnh mẽ gục ngã, biến cô ấy trở thành một cái vỏ trống rỗng, vậy nhưng nhiều phụ nữ không biết họ đang đối mặt với kẻ thao túng hoặc nhận ra mình là nạn nhân của điều sai trái và nghiêm trọng đó. Cuốn sách “Thao túng cảm xúc bằng ngôn từ” sẽ giúp bạn không mất quá nhiều thời gian để chịu đựng những tổn thương, giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thân mình, hoàn cảnh của mình hơn và hướng về tương lai phía trước.

menu
menu