3 cách để cải thiện tính linh hoạt nhận thức (cognitive flexibility)

3-cach-de-cai-thien-tinh-linh-hoat-nhan-thuc-cognitive-flexibility

Nghiên cứu mới làm sáng tỏ cách chúng ta cưỡng lại thay đổi.

Thích ứng, xoay vòng, đổi mới. Những đặc điểm này thường gắn liền với các nhà lãnh đạo, doanh nhân và nhà phát minh tài ba—chứ không phải là ong nghệ, chuột, quạ, khỉ rhesus, và tinh tinh (đại loại thế). Tuy nhiên, có một điểm chung gắn kết chúng lại với nhau, và nó được gọi là tính linh hoạt về nhận thức (cognitive flexibility).

Dù có sự tương đồng này, song vẫn có một dị biệt lớn. Dường như một tỷ lệ lớn cá thể trong những loài đó có sự linh hoạt về nhận thức nhiều hơn so với loài người. Trước khi khám phá những gì chúng ta có thể làm với nó, trước tiên tôi xin được giải thích thế nào là tính linh hoạt về nhận thức, mô tả cách mà các loài khác bộc lộ hành vi này, và thảo luận tại sao hành vi này lại là một lợi thế.

Nói chung, tính linh hoạt nhận thức liên quan đến việc di chuyển giữa các nhiệm vụ khác nhau cùng một lúc, áp dụng các khái niệm từ một bối cảnh hướng đến giải quyết một vấn đề trong một tình huống mới hoặc không liên quan khác. Nó cũng liên quan đến việc đánh giá các chiến lược và đưa ra các giải pháp mới. Khả năng này thường được coi là một phần của chức năng điều hành của não bộ.

Làm sao chúng ta biết được những loài khác có nó và biểu lộ nó ở mức độ cao hơn? Chúng ta có thể quay lại với một nghiên cứu gần đây của Watzek et al. (2019) để biết được vài câu trả lời. Họ đã thiết kế một dự án đơn giản nhằm để so sánh mức độ tự mãn nhận thức (sự lười biếng) của khỉ mũ và khỉ rhesus so với loài người. Trước khi mô tả kết quả, tôi muốn cảnh báo bạn rằng khỉ mũ là những nhà cải cách thứ thiệt. Chúng nổi tiếng vì đưa ra những giải pháp, hành vi và tập quán văn hóa mới lạ. Một số hành vi, chẳng hạn như chọc vào mắt nhau như một bài kiểm tra về niềm tin và tình bạn tiềm năng, có lẽ kém đẹp mặt, nhưng lại mang tính tiên phong. Bạn có thể xem các video về điều này và những “tập quán” trên website Capuchin Traditions.  

Trong nghiên cứu Watzek et al. (2019), tất cả những người tham gia được dạy một trình tự các bước dẫn đến một phần thưởng. Sau khi học trình tự này, họ được cho biết một chiến lược thay thế có hiệu quả hơn đáng kể. Ngay lập tức, 70 phần trăm động vật linh trưởng không phải con người (của cả hai loài) đã chọn cách tiếp cận mới, so với chỉ có 1 người, hay 1.7 phần trăm.

Nhưng rốt cuộc thì loài người chúng ta cũng bắt kịp những loài khác, đúng không? Không. Thay vì đuổi kịp những người anh em họ linh trưởng của chúng ta, khi mà 100 phần trăm cá thể linh trưởng tích hợp chiến thuật mới, giỏi xoay sở hơn, thì 61 phần trăm con người chưa bao giờ dùng đến lối tắt. Thậm chí họ cũng không dùng lối tắt sau khi xem người khác làm việc đó trong một video! Điều này có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là hầu hết mọi người khá tệ trong việc đưa ra quyết định tối ưu. Có vẻ như một khi chúng ta học được điều gì theo một cách thức nào đó thì chúng ta sẽ trung thành với nó ngay cả khi còn có một cách tiếp cận nhanh hơn, tốt hơn và hiệu quả hơn. Tệ hơn nữa là, chúng ta kịch liệt chống lại sự thay đổi, từ chối áp dụng những đổi mới trái ngược với kiến thức hiện có của chúng ta. Nói tóm lại, chúng ta đầy thành kiến một cách khó tin.

Bạn có thể tự hỏi, vậy thì sao chứ, có gì to tát đâu? Vấn đề lớn ở đây là: Có được sự linh hoạt lớn về nhận thức mang lại rất nhiều lợi thế, bao gồm khả năng lĩnh hội và tích hợp thông tin mới nhanh hơn, giải quyết vấn đề một cách sáng tạo hơn, nhanh chóng điều chỉnh cách phản ứng trước những hoàn cảnh thay đổi, và kiềm chế hành vi vô ý thức. Tất cả những lợi ích này cho phép các cá nhân đó vượt trội người khác trong một loạt bối cảnh khác nhau (xã hội, học tập, chính trị, kinh doanh...).

Nếu tính linh hoạt về nhận thức là giá trị và phần đông chúng ta đang thiếu khả năng thích ứng, vậy chúng ta có thể làm được gì? Phải, May mắn thay, chúng ta không bị trói buộc bởi sự cứng nhắc và thành kiến của mình, mặc dù quỹ đạo phát triển phần nào đó đã được củng cố vào cuối thời thơ ấu hay đầu tuổi thiếu niên. Làm sao chúng ta biết được điều đó? Có một vài tin tốt đến từ loài chuột.

Chuột quả thực là để lại ấn tượng ngoạn mục, dù nó biểu lộ khả năng thấu cảm lớn lao như tôi đã thảo luận ở bài trước, tình bạn, hay sự công bằng, dường như không có giới hạn cho những bài học mà chúng ta có thể học hỏi từ loài chuột—bao gồm cách gia tăng và củng cố nền tảng thần kinh cho sự linh hoạt về nhận thức.

Trong một nghiên cứu thú vị khác, Crawford et al. (2019) đã dạy lũ chuột lái những chiếc xe hơi tí hon và đến lượt lũ chuột lại dạy cho các nhà khoa học nhiều điều. Trước tiên, việc học một kỹ năng mới có thể khá căng thẳng. Thứ hai, một khi chuột đã học được những kiến thức căn bản thì chúng chấp nhận nhiều thử thách hơn, chứ không phải ít hơn. Thứ ba, sau khi chuột làm chủ được nhiệm vụ thì mức độ căng thẳng của chúng giảm xuống. Thứ tư, những con chuột được ở trong một môi trường phong phú hơn với nhiều loại đồ chơi và cơ hội thì học nhanh hơn và là những tài xế giỏi hơn. Và cuối cùng, làm một hành khách cũng gây ra nhiều căng thẳng cho lũ chuột cũng như cho con người! Để xem lũ chuột lái những chiếc xe tí hon đặc biệt, các bạn có thể xem một clip nhỏ ở đây.

Con chuột có vẻ thích lái xe 

Kelly Lambert/University of Richmond

Những gì mà nghiên cứu này và các nghiên cứu khác làm đó là gợi ý cho chúng ta một số điểm chính để cải thiện tính linh hoạt về nhận thức, mà cuối cùng sẽ giúp chúng ta kiên cường, sáng tạo và tự tin hơn.

  1. Làm việc gì đó mà bạn biết, nhưng làm khác đi (và thường xuyên). Nếu chúng ta nghĩ về mấy con chuột lái xe thì chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy ta có thể áp dụng điều này vào thói quen lái xe của chính mình ra sao. Bạn đã bao giờ lái xe đi làm về và đến nhà mà không nhớ mình đã đến đó bằng cách nào chưa? Tất cả chúng ta đều có những lề thói hằng ngày và chúng mang lại cho ta cảm giác dễ đoán và thậm chí là thoải mái nữa. Tuy nhiên, lề thói hằng ngày có thể trở thành vết đường mòn, làm giảm khả năng nhận thức của chúng ta. Để tránh điều này, bạn cần phải xốc lại mọi thứ. Đối với việc lái xe, điều đó có nghĩa là lái xe về nhà bằng con đường khác. Song, nó có thể dễ dàng là những việc khác, như thử những món ăn mới, thay đổi thời gian tập thể dục trong ngày, hay thậm chí là ngồi trên một cái ghế mới. Không cần phải khác biệt một cách phi thường, chỉ cần hơi khác thôi.
  2. Theo đuổi những thử thách và trải nghiệm mới. Nếu chuột có thể học cách lái xe thì chắc chắn là loài người chúng ta cũng có thể học cách làm những việc mới mẻ. Giống như chuột, nếu bạn biết kết hợp giữa học hỏi về trí óc và thể chất thì thậm chí còn tốt hơn. Ví dụ, khiêu vũ, võ thuật, quyền anh và hội họa, tất cả đều thách thức cơ thể và tâm trí bạn hợp tác với nhau để học một kỹ năng mới. Ngoài ra, hãy học một ngôn ngữ mới, thay đổi công việc hay đi du lịch đến một địa điểm mới. Một lần nữa, việc đó không cần phải quá hoành tráng và bạn có thể kết hợp #1 và #2 một cách dễ dàng bằng cách khám phá một phần của thành phố nơi bạn sống mà bạn không quen thuộc và thưởng thức ẩm thực ở một nhà hàng mới. Hãy sáng tạo lên.
  3. Gặp gỡ những con người mới. Một điểm khác mà chúng ta hội tụ với những loài khác đó là chúng ta có xu hướng thích những ai giống mình, ngưu tầm ngưu mã tầm mã. Tuy nhiên, nghiên cứu khá rõ ràng. Bạn càng tiếp xúc với những người khác nhau và những quan điểm, văn hóa và tư tưởng của họ thì tính linh hoạt về nhận thức của bạn không chỉ được cải thiện mà còn la bàn đạo đức về đúng sai của bạn. Quả thật, những loài bộc lộ ít thành kiến nhận thức hơn thì cũng có một khả năng lập luận đạo đức và sự công bằng mạnh mẽ hơn nhiều. Một ví dụ, lại lần nữa từ những con chuột, đó là chuột có xu hướng xem tất cả con chuột khác là giống với chúng, trong khi con người chúng ta thì bám chặt vào xu hướng trong-và-ngoài nhóm của chúng ta. Câu trả lời? Hãy nói chuyện với những người mới, trao đổi ý tưởng và thông tin, hay đơn giản là giúp người khác thông qua hoạt động tình nguyện.

Xét đến cùng, việc rắc lên cuộc đời bạn bằng một vài hoạt động được thiết kế để thách thức bạn và đưa bạn ra khỏi vùng an toàn sẽ tăng khả năng thích nghi, giảm lo lắng và căng thẳng, và mở rộng tầm nhìn của bạn. Vì vậy hãy tiến lên và thích thú với sự bất tiện không dễ chịu. Ai mà biết được bạn sẽ khám phá ra điều gì.

Tham khảo

Crawford, L.E., Knouse, L.E., Kent, M., Vavra, D., Harding, O., LeServe, D., Fox, N., Hu, X., Li, P., Glory, C. and Lambert, K.G., 2019. Enriched environment exposure accelerates rodent driving skills. Behavioural Brain Research, p.112309.

Julia Watzek, Sarah M. Pope, Sarah F. Brosnan. Capuchin and rhesus monkeys but not humans show cognitive flexibility in an optional-switch task. Scientific Reports, 2019; 9 (1) DOI: 10.1038/s41598-019-49658-0

Nguồn

https://www.psychologytoday.com/us/blog/wild-connections/201912/3-ways-improve-your-cognitive-flexibility

menu
menu