Dùng hình ảnh chạm đến phần cảm xúc bên trong tâm trí bạn
Thiết lập hình ảnh về một tương lai tốt đẹp hơn
NHỮNG Ý CHÍNH
- Có rất nhiều lý do vì sao mọi người thường cảm thấy bị mắc kẹt trong hoàn cảnh của họ.
- Nhiều trường hợp chỉ kéo dài một khoảng thời gian, nhưng mọi người lại không cảm thấy như vậy.
- Hiểu rằng tất cả rồi sẽ trở nên tốt hơn cả về mặt trí tuệ lẫn cảm xúc sẽ giúp mọi người có thể giải quyết được vấn đề.
Bạn có cảm thấy bản thân bị mắc kẹt ở hoàn cảnh hiện tại không? Mặc dù ở đâu đó trong tâm trí bạn biết rằng tình huống này chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian, bản thân bạn lại nghĩ: “Mọi chuyện sẽ không bao giờ tốt hơn được đâu.” Bạn cảm thấy như mọi thứ sẽ không bao giờ thay đổi. Có thể bạn có một dự án vô tận cần hoàn thành. Hoặc có thể bạn cảm thấy đứa con nhỏ của mình sẽ thức suốt đêm nay. Hoặc cũng có thể bạn phải sống chung với một người bạn cùng phòng độc đoán cho đến khi bạn tiết kiệm đủ tiền để chuyển nhà. Khi bạn cảm thấy những khó khăn của mình không có hồi kết, bạn có thể trải qua sự thất vọng, bất lực, lo âu hoặc tuyệt vọng.
Trong liệu pháp hành vi nhận thức, các nhà trị liệu sử dụng một quy trình gọi là bảng câu hỏi Socratic để giúp khách hàng kiểm tra những suy nghĩ đau khổ hoặc không có ích và xác định xem chúng có phải là 100% đúng, 100% sai, hay 50-50. Trong bảng câu hỏi Socratic, nhà trị liệu có thể bắt đầu bằng cách hỏi: “Bạn có bằng chứng nào cho thấy suy nghĩ này là đúng không?” Sau đó, họ có thể hỏi: “Bạn có bằng chứng nào cho thấy suy nghĩ này không đúng hoặc không hoàn toàn đúng không?" Có thể sau khi xem xét các bằng chứng hỗ trợ và chống đối lại suy nghĩ, khách hàng có thể nghĩ ra một suy nghĩ mới, chính xác hơn, hoặc hữu ích hơn để thay thế suy nghĩ phiền phức kia. Khi mọi người có thể suy nghĩ về các tình huống trong cuộc sống của họ một cách chính xác hơn, họ thường có khả năng giải quyết vấn đề tốt hơn. Ví dụ, khách hàng có suy nghĩ rằng: “Tôi sẽ không bao giờ hoàn thành dự án này”, có thể cuối cùng sẽ thay đổi suy nghĩ thành: “Dự án này rất tốn thời gian. Tôi có thể phải mất vài tuần để làm, nhưng cuối cùng tôi sẽ hoàn thành. Tôi sẽ chia dự án này thành các bước nhỏ hơn và đánh dấu từng bước khi tôi làm, để tôi có thể thấy rằng tôi đang tiến bộ.”
Nhưng đôi khi bảng câu hỏi Socratic không đủ để thay đổi cách một người cảm thấy như thế nào ở một mức độ cảm xúc. Bố mẹ có đứa con sơ sinh thức dậy nhiều lần mỗi đêm có thể hiểu một cách logic rằng hầu hết trẻ con sẽ không thể thức được suốt cả đêm. Nhưng khi vào lúc 3 giờ sáng, họ đang rất cần ngủ, chắc chắn họ sẽ không cảm thấy như vậy. Đối với khách hàng này, hình ảnh có thể giúp họ không chỉ nghĩ, mà còn cảm thấy rằng tình huống của họ sẽ sớm trở nên tốt hơn. Khi khách hàng có cả sự hiểu biết về lý trí và cảm xúc rằng những suy nghĩ tiêu cực của họ là không chính xác, họ thường cảm thấy tốt hơn.
Hình Ảnh Có Thể Giúp Ta Những Gì?
Tôi vừa có một buổi nói chuyện với một khách hàng đã nhập viện được tầm một tháng. Anh ấy rất chán nản về viễn cảnh phải ở lại bệnh viện thêm một tháng nữa. Tôi yêu cầu anh ấy tưởng tượng rằng đã một tháng trôi qua và anh ấy đã trở về nhà vào ngày hôm trước. Khi anh ấy thức dậy vào sáng hôm sau và mở mắt ra, anh ấy thấy gì hoặc thấy ai? Anh ấy cảm thấy thế nào? Anh ấy đang nghĩ gì? Anh ấy sẽ làm gì tiếp theo? Điều đó có gì tốt? Anh ấy cảm thấy gì? Anh ấy làm gì tiếp theo đó nữa? Có điều gì tốt khi làm điều đó không?
Người khách hàng của tôi đặc biệt thích phần hình ảnh mà anh ấy sử dụng các giác quan để tưởng tượng như nhìn thấy, ngửi và nếm thử loại cà phê yêu thích, những bữa ăn yêu thích của mình. Chúng tôi tiếp tục hình ảnh ấy cho đến khi anh ấy trở lại giường vào buổi tối và nhắm mắt lại. Trong suốt bài thực hành, anh ấy bày tỏ cảm giác hạnh phúc và biết ơn vì anh ấy đã về nhà, vợ anh ấy ở bên anh ấy cả ngày, anh ấy có sự yên bình và tĩnh lặng, anh ấy cảm thấy khỏe hơn về thể chất và anh ấy có quyền kiểm soát những gì anh ấy đang làm, những gì đang xảy ra.
Bạn có thể sử dụng bài tập hình ảnh này mỗi khi bạn cảm thấy bế tắc và cần một chút sự giúp đỡ để thuyết phục phần cảm xúc trong tâm trí bạn rằng tình huống của bạn một ngày nào đó sẽ trở nên tốt hơn. Hãy chọn một ngày trong tương lai, khi mọi thứ có khả năng được cải thiện. Cặp vợ chồng vừa mới trở thành bậc cha mẹ có thể tưởng tượng khi thức dậy vào một buổi sáng, con của họ đã lớn hơn vài tháng và hiện tại đang ngủ say giấc suốt cả đêm qua. Người sống cùng với người bạn cùng phòng hống hách có thể tưởng tượng rằng bản thân thức dậy sau đêm đầu tiên tại một căn hộ mới.
Sau đây là một số câu hỏi giúp bạn bắt đầu bài thực hành:
- Bạn cảm thấy như thế nào khi bạn thức dậy?
- Điều gì hoặc ai mà bạn nhìn thấy hoặc nghe thấy?
- Bạn đang nghĩ về điều gì?
- Bạn sẽ làm gì tiếp theo? Sau đó thì sao? Rồi sau đó nữa?
Thêm càng nhiều chi tiết càng tốt và cố gắng kích thích các giác quan của bạn. Nếu bạn tưởng tượng rằng bạn đang ăn một bữa ăn, hãy nghĩ về mùi và vị của nó. Liên tục phản hồi về trải nghiệm của bạn bằng cách tự hỏi bản thân đang cảm thấy thế nào và có gì tốt về từng yếu tố hình ảnh của bạn. Hình ảnh nên tích cực theo một cách thực tế. Nói cách khác, mọi thứ nên tốt hơn so với hiện tại, nhưng phải là những điều khả thi. Bạn không cần phải tưởng tượng rằng bạn đã trúng xổ số, tìm thấy tình yêu đích thực và chuyển đến một hòn đảo nhiệt đới để có được cảm giác tích cực từ bài thực hành này.
Để duy trì cảm giác đó, hãy xem lại hình ảnh của bạn ít nhất một lần một ngày, với càng nhiều chi tiết càng tốt, để bất cứ khi nào bạn cảm thấy bế tắc, bạn có thể ghi nhớ rằng những thời điểm tốt đẹp hơn sắp đến. Nếu bạn có thể, hãy kể hình ảnh của bạn cho một người bạn hoặc thành viên trong gia đình. Đó là một cách tốt để kết nối và bạn có thể hỏi họ xem họ có thể nghĩ ra bất kỳ hoạt động tích cực nào khác để thêm vào hình ảnh hay không. Họ có lẽ sẽ cảm thấy rất vui khi có thể giúp bạn.
Tưởng tượng về tương lai một cách tích cực, chi tiết và sử dụng các giác quan có thể thực sự cải thiện tâm trạng của mọi người khi họ đang ở trong một tình huống bất hạnh mà vào một thời điểm nào đó tình huống ấy sẽ kết thúc. Xem lại hình ảnh tưởng tượng thường xuyên và suy ngẫm về nó sẽ giúp ta củng cố quan điểm mới của những hình ảnh ấy.
Tác giả: Tiến sĩ Judith S. Beck
Dịch giả: Ngọc My - Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ
Bài gốc: Using Imagery to Tap into the Emotional Part of the Mind