6 kiểu 'chữa lành' âm thầm khiến bạn lo âu nhiều hơn

6-kieu-chua-lanh-am-tham-khien-ban-lo-au-nhieu-hon

Những hoạt động 'chữa lành' phổ biến này tưởng chừng là cách thư giãn tinh thần, nhưng ít ai ngờ tới rằng chúng lại có thể tăng thêm stress cho bạn.

Khi bị căng thẳng, rất nhiều người không biết làm thế nào để giải tỏa cho đúng cách. Từ việc xem phim triền miên đến giả vờ mặc kệ, những kiểu "chữa lành" phổ biến mà chúng ta hay làm để giải tỏa căng thẳng thực tế có thể gây hại nhiều hơn lợi.

Theo nhà tâm lý trị liệu Niro Feliciano, ngay cả các chuyên gia cũng có thể rơi vào cái bẫy căng thẳng này.

Dưới đây là 6 kiểu hoạt động giảm căng thẳng mà các chuyên gia khuyên bạn nên tránh vì có thể gây căng thẳng và lo âu nhiều hơn.

1. Xem TV hoặc mua sắm triền miên

"Một điều tôi cố gắng hết sức để không làm khi căng thẳng là quá đà với bất cứ việc gì, như xem phim, mua sắm xả stress hay ăn vặt,..." - Nhà trị liệu tâm lý và sáng tạo nội dung Sadaf Siddiqi cho biết.

"Là con người, tất cả chúng ta thi thoảng đều cần những khoảnh khắc trốn tránh và nuông chiều bản thân, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc biến chúng thành cơ chế đối phó".

Những loại hành vi này thường là một hình thức né tránh cảm xúc, có thể dẫn đến nhiều căng thẳng hơn.

"Nghiên cứu cho thấy rằng việc kìm nén những suy nghĩ khó khăn trong thời gian dài có thể dẫn đến suy giảm sức khỏe tâm thần và thể chất. Những cảm xúc mạnh mẽ cần được cảm nhận, xử lý và kiểm soát" - Siddiqi giải thích.

Thay vì triền miên với một điều gì đó, Siddiqi cố gắng tập trung vào các kỹ thuật giúp giảm căng thẳng tức thì, chẳng hạn như đi bộ, nhảy, trò chuyện với bạn bè.

Một lựa chọn khác là các bài tập hít thở sâu và chậm rãi, tắm nước ấm để thư giãn cơ bắp và giảm căng thẳng, hoặc tắm nước lạnh để cải thiện lưu thông máu và giảm mức cortisol.

Để quản lý căng thẳng về lâu dài, Siddiqi khuyên bạn nên tạo thói quen vận động, ngủ đủ giấc, thiền, ăn thực phẩm toàn phần, uống đủ nước và trị liệu.

2. Ép bản thân ngừng suy nghĩ tiêu cực

"Khi tôi có những suy nghĩ tiêu cực rằng mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ... tôi sẽ không né tránh" - Bác sĩ tâm lý sức khỏe lâm sàng Calvin Fitchchi sẻ.

Ông nói điều này có thể dẫn đến "nghịch lý con voi hồng". Nghịch lý liên quan đến việc tưởng tượng một con voi màu hồng, sau đó cố gắng ngừng suy nghĩ về nó. Nghịch lý cho thấy rằng việc cố gắng kìm nén suy nghĩ có thể khiến chúng trở nên dai dẳng, khó tránh hơn.

Thay vào đó, Fitch thích tưởng tượng những suy nghĩ của mình như những "chiếc hộp trên băng chuyền" mà anh ta có thể chọn mở hoặc không.

"Khi một suy nghĩ tiêu cực không có căn cứ hoặc không thể giải quyết được, tôi sẽ để mặc nó đi qua vì biết rằng việc mở nó ra để xem bên trọng sẽ không giúp ích gì, thậm chí ngăn cản những suy nghĩ hoặc chiến hộp khác đi qua" - Fitch nói.

Theo ông, việc học cách không kiểm soát suy nghĩ quá mức không chỉ giúp giảm căng thẳng mà còn có thể giúp ích cho các vấn đề về sức khỏe tâm thần như rối loạn ám ảnh cưỡng chế và rối loạn hoảng sợ.

3. Hỏi ý kiến quá nhiều người

Giám đốc lâm sàng và người sáng lập Women of Color Therapy Tamika Lewis giải thích: "Khi gặp một vấn đề, chúng ta thường muốn tham khảo ý kiến của nhiều người khác và nhận được đủ loại phản hồi. Và đôi khi điều đó có thể phức tạp hóa mọi chuyện."

Điều này có thể khiến bạn không tập trung được vào cảm nhận của chính mình. Thay vào đó, Lewis sẽ cố gắng ngồi yên lặng và lắng nghe bên trong mình.

Cô ấy nói: "Tôi cố gắng tin tưởng vào trí tuệ của mình, nó thường là kim chỉ nam tốt hơn ý kiến của người khác. Để tĩnh lặng sẽ cần rất nhiều kỷ luật, nhưng bạn sẽ ngộ ra được nhiều điều."

Ngoài ra, bạn cũng có thể giải phóng căng thẳng bằng cách vận động cơ thể bằng hít thở, giãn cơ, đi bộ. Chúng sẽ giúp bạn sáng suốt và tránh sự trì trệ.

4. Nghe tiếng ồn trắng

Chuyên gia tư vấn Priya Tahim - người sáng lập Kaur Counseling - cho biết: "Tiếng ồn trắng khiến tôi lo âu nhiều hơn. Tôi thấy rằng những âm thanh đó khiến suy nghĩ của tôi quay cuồng, gần giống như đang bị kích thích."

Theo Tahim, mặc dù tiếng ồn trắng có thể giúp một số người thư giãn khi dùng kết hợp với thiền định, nhưng một số khác có thể bị kích thích quá mức bởi tần suất cao của nó.

Thay vào đó, chuyên gia Tahim thích nghe nhạc có giai điệu nhẹ nhàng hoặc lãng mạn cho phép não bộ thư giãn. Cô giải thích rằng nghe nhạc với nhịp điệu chậm, êm dịu có thể giúp thư giãn thể chất và làm dịu tâm trí.

5. Nhận thêm việc để phân tâm

Nhà trị liệu Feliciano chia sẻ: "Khi tôi căng thẳng, tôi luôn cố gắng không nhận thêm việc. Khi chúng ta nhận thêm việc mà mình không đủ thời gian hoặc năng lực cảm xúc, tinh thần để thực hiện, thì chúng ta sẽ càng thấy bực bội."

Điều này có thể làm tăng mức độ căng thẳng và gây ra thêm các triệu chứng lo âu, hoảng sợ và trầm cảm. Thay vào đó, Feliciano tập trung lập ranh giới và ưu tiên rõ ràng.

Cô cho biết: "Tôi bắt đầu nói 'không' với những thứ không cần thiết. Tôi xem xét những việc có thể hoãn lại để có thêm thời gian chăm sóc bản thân... Nếu chúng ta không chủ động dành ra thì chúng ta sẽ không bao giờ có thời gian cho việc đó".

Đối với cô, chăm sóc bản thân có thể là đi bộ với bạn bè, dành thời gian ngoài thiên nhiên, thiền hoặc hít thở sâu (ngay cả khi chỉ 5 hoặc 10 phút mỗi ngày).

Đối với các nhiệm vụ cần hoàn thành, cô lập danh sách để xếp hạng theo thứ tự ưu tiên. Điều này giúp cô sắp xếp suy nghĩ và đỡ phải ghi nhớ.

Feliciano giải thích: "Khi chúng ta căng thẳng, chúng ta đang ở chế độ chiến đấu hoặc bỏ chạy và bị giảm khả năng nhận thức. Thực tế, chúng ta sử dụng rất nhiều năng lượng thần kinh chỉ để nhớ một danh sách. Khi viết nó ra giấy, chúng ta có thể dành năng lượng đó để hoàn thành công việc".

6. Bỏ qua hoặc giả vờ không căng thẳng

"Né tránh căng thẳng không bao giờ có hiệu quả mà chỉ khiến tình hình thêm tồi tệ" - Giáo sư tâm lý học Jeffrey Barnett của Đại học Loyola Maryland (Mỹ) nói.

Barnett nhận thấy rằng việc cố gắng giả vờ như thể căng thẳng không tồn tại chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn. Thay vào đó, ông cố gắng cho phép bản thân nghỉ giải lao để thư giãn hoặc phục hồi sức khỏe.

Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các phương pháp phòng ngừa căng thẳng, chẳng hạn như tập thể dục thường xuyên, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi đầy đủ và không quá khắt khe với bản thân.

Leanna Stockard, một nhà trị liệu hôn nhân và gia đình tại LifeStance Health, đồng ý rằng càng phớt lờ căng thẳng thì nó càng lảng vảng trong tâm trí bạn. Điều đó sẽ dẫn tới một vòng lặp của sự trì hoãn và căng thẳng, cho đến khi đạt điểm giới hạn và cần giải quyết.

Thay vào đó, theo Stockard, nên thừa nhận cảm xúc của mình và xác định xem mình có thể kiểm soát được bất kỳ yếu tố gây căng thẳng nào không (ví dụ chia nhỏ mục tiêu để thực hiện). Đối với những tác nhân gây căng thẳng ngoài tầm kiểm soát, cô ấy sử dụng các kỹ năng đối phó như thở sâu và viết nhật ký.

Điều quan trọng nhất: Tìm ra phương pháp phù hợp với bạn

Nhà trị liệu tâm lý Siddiqi nhấn mạnh rằng, muốn quản lý căng thẳng, bạn có thể phải thử và phải sai. Cách hiệu quả với người khác chưa chắc đã hiệu quả với bạn. Tốt nhất bạn nên thử các phương pháp khác nhau cho đến khi xác định được cách giúp bạn bình tĩnh tốt nhất.

Siddiqi nói thêm: Quan trọng nhất là đừng ngại nhờ giúp đỡ. Là con người, chúng ta không được sinh ra để tự mình chữa lành".

(Theo Huff Post)

Hoàng Nguyên/giadinhmoi.vn

menu
menu