Đưa chánh niệm vào nghề nghiệp của bạn

dua-chanh-niem-vao-nghe-nghiep-cua-ban

Điều quan trọng là phải nhận thức được cơ thể, tâm trí và sự tập trung của chúng ta, cuốn sách mới của Leah Weiss cho biết.

Điều quan trọng là phải nhận thức được cơ thể, tâm trí và sự tập trung của chúng ta, cuốn sách mới của Leah Weiss cho biết. | iStock / Wavebreakmedia

Trong cuốn sách mới của mình, “How We Work”, giảng viên Stanford GSB, Leah Weiss đã khám phá cách giúp bạn biến đổi trải nghiệm trong công việc.

Một ngàn năm trước, có một người thợ giày chán ghét công việc của mình nhưng không thể thoát khỏi nó. Một ngày nọ, khi quá chán nản anh tìm gặp một nhà sư, người đã khuyên anh thực hành nghề của mình như một sự thiền định - bằng cách thay đổi sự chú ý, chủ đích và cảm xúc khi anh tiếp cận công việc. Anh đã làm theo lời khuyên của nhà sư. Ngày nay, người đàn ông này được nhớ đến như Người Thợ Giày Thần Thánh, một trong 84 Đại thành tựu giả của Ấn Độ, những bậc thiền sư đã giác ngộ chánh niệm.

Giảng viên kinh doanh của trường đại học Stanford, Leah Weiss, giáo viên chính và cũng là huấn luyện viên trong Chương trình nuôi dưỡng từ bi của Stanford. Cô đã mở đầu cuốn sách mới của mình, How We Work: Live Your Purpose, Reclaim Your Sanity, and Embrace the Daily Grind, bằng câu chuyện của người thợ giày này. Câu chuyện vẫn lan tỏa giá trị đến ngày nay, cô chia sẻ, bởi vì “không nơi đâu khiến chúng ta cảm thấy chán nản, thất vọng, buồn tẻ, mệt mỏi, ghen tị, xấu hổ, lo lắng, bực bội, cảm thấy bị xúc phạm và e sợ nói ra những gì chúng ta thực sự cảm thấy hơn chỗ làm việc.”

Tất nhiên, hầu hết mọi người ngày nay không bị mắc kẹt trong công việc như người thợ giày trong ví dụ trên. Nhưng từ bỏ một công việc chúng ta không thích có thể không làm giảm bớt sự đau khổ. “Nó giống như chia tay với một người sau khi chia tay với một người khác và một người khác nữa trong các mối quan hệ tình cảm. Có một mẫu số chung trong những thứ không mang lại kết quả” Weiss nói.

Ở đây, cô thảo luận về lý do tại sao công việc áp lực làm cho chúng ta trở thành những nhà lãnh đạo tốt hơn và làm thế nào để thực hành chánh niệm nhằm kết nối lại với mục đích của mình.

Xem khó khăn như một Cơ hội

Trong khóa học GSB của Stanford mang tên "Lãnh đạo bằng chánh niệm và từ bi", Weiss dạy rằng mồ hôi và nước mắt mà chúng ta chịu đựng trong công việc có thể là con đường giúp ta thay đổi bản thân. Cô nói "Chúng ta là một nhân tố lớn trong trải nghiệm làm việc của mình, lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể nhận biết. Chúng ta sẽ ở một vị trí tốt hơn nhiều để thay đổi một tình huống xấu nếu chúng ta nhìn thẳng vào các câu hỏi như ‘Điều gì đang xảy ra với tôi khi trải qua ngày làm việc của mình? Điều gì là nguyên nhân gốc rễ của những gì đang xảy ra với tôi? Tôi có thể ảnh hưởng bao nhiêu đến việc này bằng tư duy của mình?’ ”.

Hơn nữa, trải nghiệm đau đớn trong công việc có thể làm cho chúng ta trở thành các nhà lãnh đạo và đồng nghiệp tốt hơn. “Những đớn đau của chính mình sẽ giúp ta kết nối và thấu hiểu những người khác cũng đang làm việc cật lực và đôi khi cảm thấy chán nản công việc” Weiss giải thích. “Khi chúng ta dành nhiều thời gian với cùng một người, đôi khi chúng ta không thấy được những bản tính tốt đẹp nơi họ. Họ trở nên phiền toái và cản trở chúng ta, nhưng ta sẽ không nghĩ về họ như vậy nếu nhận ra rằng chúng ta đều đang dành cả cuộc sống của mình vào công việc, ngay cả khi chúng ta hầu như không nói về nó”.

“Với tất cả các lựa chọn công nghệ mà chúng ta có thể sử dụng, chúng ta cần lưu ý về sự phân tâm. Nhiều người trong chúng ta có thói quen đa nhiệm, nhưng tất nhiên là việc đó không tồn tại. Chỉ có nhiệm vụ chuyển đổi và đi kèm với một cái giá rất lớn về năng suất của chúng ta.” Leah Weiss

Khi chú ý đến những khó khăn trong công việc, Weiss tin rằng chúng ta có thể đưa ra quyết định sáng suốt hơn về cách hành động và phản hồi. Chúng ta có thể trở nên có chánh niệm hơn, như nghiên cứu cho thấy, chánh niệm bao gồm tất cả các khía cạnh của trí thông minh cảm xúc.

"Chú ý đến cảm xúc của mình tại nơi làm việc không có nghĩa công việc là một nhóm tham vấn tâm lý trị liệu của những năm 70, nơi mọi người la hét và hoảng sợ", Weiss nói. “Nó có nghĩa là chúng ta biết những gì chúng ta đang cảm thấy. Khi chúng ta có kiến thức về nó, chúng ta có thể quyết định cách chúng ta muốn xử lý nó và liệu chúng ta muốn thể hiện nó hay không. Một khi chúng ta muốn thể hiện nó, chúng ta có thể làm điều đó một cách có chủ ý. ”

Ba loại chánh niệm

Trong cuốn sách của mình, Weiss mô tả ba loại chánh niệm có thể giúp chúng ta thay đổi trải nghiệm công việc của mình: pháp thân, siêu nhận thức và tập trung.

Pháp thân là chánh niệm của thân thể. "Đó là khả năng nhận thức được cơ thể của bạn khi bạn đang hoạt động trong suốt cả ngày", Weiss nói. “Có một đại dịch mất ý thức pháp thân đối với mọi người.

Tôi cũng gặp khó khăn với nó. Tôi đi quá sâu vào thế giới của những ý tưởng mà quên mất mình đang ở trong một cơ thể. ”

Khi chúng ta bỏ qua cơ thể của mình, chúng ta bị cắt đứt khỏi một nguồn thông tin quan trọng. Chúng ta bỏ lỡ những biểu hiện vật lý của cảm xúc và đó là những dấu hiệu đầu tiên có thể trở thành cơn đau mãn tính nếu không được ý thức. Weiss cho biết thêm “Tất cả chúng ta đều làm những điều kỳ quặc khi chúng ta bị căng thẳng - nghiến chặt hàm, vai co lại. Nhưng chúng ta có thể khiến căng thẳng giảm nhẹ, trước khi nó làm cho chúng ta phát bệnh, bằng cách chú ý đến những vị trí có thói quen co cứng của cơ thể mình."

Siêu nhận thức là khả năng biết những gì chúng ta đang trải qua khi ta trải nghiệm nó. "Điều này thực sự quan trọng đối với công việc," Weiss nói. “Chúng ta không muốn trải qua các hoạt động và thấy mình ngửa mặt lên hàng giờ sau đó và suy nghĩ, 'Khoảng thời gian đó đã đi đâu?'”

Siêu nhận thức cho chúng ta cơ hội để quan sát những suy nghĩ và hành động của chính mình trong hiện tại. Weiss viết trong cuốn How We Work là “Bạn sẽ thấy một sự thôi thúc thuần túy, một thứ sẽ trôi qua nếu bạn để nó trôi đi, không phải là thứ bạn nhất thiết phải làm”.

Điều này cũng đúng với lời nói và hành động của người khác. “Họ có thể không đúng về mọi thứ. Mặt khác, có thể có điểm nào đó trong bối cảnh mà họ nói là đúng, một cái gì đó nhiều hơn lần đầu tiên bạn nhận ra”, Weiss tiếp tục chia sẻ, "Bằng cách tách dữ liệu - điều thực sự xảy ra so với cách diễn giải của chúng ta về những gì đang xảy ra - chúng ta có thể tìm thấy những điểm mà chúng ta xoay chuyển câu chuyện có chiều hướng không hữu ích cho chúng ta, những người khác hay năng suất của mình."

Tập trung là khả năng hướng sự chú ý của ta vào nơi mình muốn. “Với tất cả các lựa chọn công nghệ mà chúng ta có thể sử dụng, chúng ta cần lưu ý về sự phân tâm. Nhiều người trong chúng ta có thói quen đa nhiệm, nhưng tất nhiên là việc đó không tồn tại. Chỉ có nhiệm vụ chuyển đổi, và đi kèm với một cái giá rất lớn về năng suất của chúng ta”, Weiss nói.

Thực hành tập trung đòi hỏi chúng ta phải luyện tập lại cách nhận biết những khi mình bị phân tâm và quay trở lại đối tượng chúng ta cần tập trung. “Nó giúp chúng ta cải thiện việc hiểu rõ cách thức mà khi nào sự phân tâm xảy ra, dự đoán nó và tăng khả năng tập trung của chúng ta” Weiss nói. Một cách tốt để làm điều này là đặt thời gian 20 phút để hoàn thành một công việc đơn lẻ.

Đối với Weiss, thực hành chánh niệm là cách để chúng ta theo đuổi mục tiêu. “Đối với nhiều người trong chúng ta, vấn đề với mục tiêu đề ra là chúng ta quá bận rộn để nhớ về nó. Hoặc chúng ta biết nó, nhưng nó dường như không có bất kỳ kết nối nào với các hoạt động hàng ngày của chúng ta”, cô kết luận, "Nhưng nếu chúng ta có thể nhận ra khi một điều gì đó mình đang làm không kết nối với mục tiêu lớn hơn và nó cũng không phải là những gì chúng ta thực sự muốn làm, đó là khi chúng ta nên kết nối lại với chánh niệm - điều thật sự có ý nghĩa với chúng ta và mang đến tác động to lớn."

Nguồn: https://www.gsb.stanford.edu/insights/bringing-mindfulness-your-career\

Nguồn dịch: Openedu.vn

menu
menu