3 dấu hiệu bạn đang trở thành “phụ huynh” trong mối quan hệ yêu đương

3-dau-hieu-ban-dang-tro-thanh-phu-huynh-trong-moi-quan-he-yeu-duong

Không ai nên phải đóng vai trò làm cha mẹ trong một mối quan hệ tình cảm. Nếu bạn cảm thấy mình đang làm vậy, đây là những dấu hiệu cần lưu tâm.

Một mối quan hệ chỉ thực sự đơm hoa kết trái khi cả hai người cảm thấy được trân trọng và đối xử như những người ngang hàng. Tuy nhiên, ranh giới giữa việc là một người bạn đời hỗ trợ và một người chăm sóc có thể dần mờ đi, dẫn đến sự chênh lệch tinh tế nhưng đầy ảnh hưởng trong cách hai người gắn bó với nhau.

Sự mất cân bằng này dễ tạo ra căng thẳng, khiến sự thân mật nhạt dần, một người thì cảm thấy gánh nặng quá lớn, trong khi người kia ngày càng phụ thuộc. Dĩ nhiên, việc chăm lo cho người mình yêu là điều rất đỗi tự nhiên và cần thiết – nhưng nếu bạn luôn là người “lo hết mọi việc”, mối quan hệ có thể trở nên méo mó và khiến cả hai cùng mệt mỏi.

Dưới đây là ba dấu hiệu cho thấy bạn có thể đang “làm cha làm mẹ” trong chính mối quan hệ của mình – và làm sao để lấy lại sự cân bằng giữa hai người.

1. Bạn luôn ở trong trạng thái “người sửa chữa”

Một dấu hiệu rõ ràng của sự lệch vai là khi bạn luôn cảm thấy mình đang ở chế độ “xử lý sự cố”. Có thể bạn thường ngắt lời người yêu để đưa ra giải pháp, luôn muốn kiểm soát hoặc giám sát quyết định của họ, hay cảm thấy bực bội khi họ không làm theo lời khuyên của bạn.

Khi sự giúp đỡ xuất phát từ một chiều và trở thành thói quen chỉ đạo hơn là đồng hành, mối quan hệ sẽ mất dần sự cân bằng. Việc liên tục “sửa lỗi” cho đối phương có thể vô tình tước đi quyền chủ động của họ, khiến bạn kiệt sức và họ thì thụ động, rời rạc khỏi trách nhiệm chung.

Một nghiên cứu công bố năm 2019 trên Personality and Social Psychology Review đã chỉ ra rằng: trong mô hình “Giải quyết vấn đề trong mối quan hệ” (RePS), việc khích lệ và tạo không gian cho người yêu tự vượt qua thử thách là cách giúp cả hai cùng phát triển. Việc bạn luôn vào vai “người sửa lỗi” có thể ngầm gửi đi thông điệp rằng bạn không tin tưởng họ, làm họ mất đi sự tự tin và cản trở quá trình trưởng thành của chính họ.

Thay vì chen vào mọi lúc, hãy thử tự hỏi: “Liệu người yêu mình có cảm thấy đủ khả năng tự giải quyết vấn đề của họ, hay họ đang trông chờ mình làm thay?”

Một mối quan hệ khỏe mạnh đòi hỏi sự chia sẻ trách nhiệm trong từng khó khăn. Khi bạn lùi một bước, ủng hộ nhưng không kiểm soát, bạn đang tạo cơ hội cho người ấy phát triển, tự tin hơn và góp phần gìn giữ sự an yên về mặt cảm xúc cho cả hai.

Source: Cam Ferland / Unsplash

2. Người ấy cảm thấy như một đứa trẻ, không phải người bạn đời

Một dấu hiệu nữa cho thấy bạn đang “cha mẹ hóa” trong mối quan hệ là khi người yêu bắt đầu cảm thấy mình không còn là một người trưởng thành ngang hàng, mà giống như một ai đó bạn cần chăm sóc – như một đứa trẻ.

Điều này thường xuất hiện khi bạn vô tình tước quyền tự quyết của người kia: đưa ra quyết định thay họ, nghi ngờ khả năng của họ, hay dùng giọng điệu dạy bảo trong các cuộc trò chuyện. Từ sự quan tâm, bạn dễ trượt dài vào kiểm soát – và điều này khiến đối phương cảm thấy nhỏ bé, bực bội và bị xem thường.

Khi bị “trẻ con hóa”, người yêu bạn có thể bắt đầu né tránh việc ra quyết định, ngại va chạm hay trao đổi, và để mặc bạn gánh hết. Dần dần, họ trở nên thụ động, không còn chủ động vun đắp mối quan hệ.

Một nghiên cứu năm 2024 trên Social Psychological and Personality Science cho thấy: cảm nhận về “quyền lực cá nhân” là yếu tố then chốt tạo nên sự hài lòng trong tình yêu. Khi một người cảm thấy mình có tiếng nói, cả hai sẽ cùng hưởng lợi về mặt cảm xúc và kết nối.

Ngược lại, khi bị tước quyền ấy, họ sẽ dễ rơi vào cảm giác bất mãn và xa cách. Và mối quan hệ sẽ không còn là sự gắn kết của hai người trưởng thành, mà là một người làm hết – và một người chẳng thiết tha.

Muốn giữ được sự cân bằng, bạn cần tôn trọng khả năng, tiếng nói và giá trị của người kia. Khi cả hai cùng thấy mình là những người bạn đời đúng nghĩa – không hơn, không kém – sự tôn trọng và tình yêu sẽ lớn dần theo năm tháng.

3. Bạn là người gánh hết phần cảm xúc

Gánh nặng cảm xúc trong một mối quan hệ là khi bạn vừa phải lo cho cảm xúc của chính mình, lại vừa luôn tìm cách vỗ về, nâng đỡ tâm trạng người kia – để giữ cho mối quan hệ được êm ấm, tròn vẹn.

Nếu bạn liên tục là người lo liệu mọi “cảm xúc chung” – từ việc mở lời những cuộc trò chuyện khó khăn, kiểm tra xem người yêu đang nghĩ gì, đến việc trấn an họ khi họ bất an – thì có thể, bạn đang một mình cáng đáng phần việc đáng ra nên được chia sẻ.

Khi một người gánh quá nhiều cảm xúc, còn người kia dần trở nên thờ ơ, mối quan hệ sẽ trở nên lệch pha. Bạn có thể cảm thấy kiệt sức vì luôn phải “giữ không gian” cho người yêu, trong khi nhu cầu cảm xúc của mình lại bị lãng quên.

Một nghiên cứu công bố năm 2018 trên Journal of Social and Personal Relationships chỉ ra rằng: công việc cảm xúc mà phụ nữ đảm nhận thường là yếu tố tiên đoán chính cho sự hài lòng của cả đôi bên trong mối quan hệ.

Nghiên cứu này vừa nhấn mạnh tầm quan trọng của sự chăm sóc cảm xúc, vừa cảnh báo về rủi ro khi chỉ một người gánh hết phần đó. Khi sự chăm sóc không được đáp lại, người chịu đựng sẽ cảm thấy mệt mỏi, bị bỏ rơi, và không được trân trọng.

Một mối quan hệ lành mạnh là khi cả hai cùng nâng đỡ nhau – cùng sẻ chia, cùng lắng nghe, cùng an ủi. Sự cân bằng ấy khiến mỗi người đều cảm thấy được yêu thương mà không thấy mình phải hy sinh cả phần hồn mình vì người kia.

May mắn thay, việc nhận ra rằng bạn đang trong vai một “phụ huynh” là bước đầu tiên để thay đổi. Từ đó, bạn có thể học cách phân biệt rõ ràng giữa việc là một người đồng hành – và một người cha/mẹ – để cả hai cùng lớn lên trong một mối quan hệ lành mạnh, nâng đỡ và yêu thương đúng cách.

Nguồn: 3 Signs of Being the "Parent" in a Relationship | Psychology Today

menu
menu