Trưởng thành đi: Hướng dẫn làm người lớn

truong-thanh-di-huong-dan-lam-nguoi-lon

Đây là một sự thật không mấy vui vẻ: rất ít người tiến đến bước trưởng thành. Và càng có ít người hơn duy trì được nó.

 Hồi tôi 4 tuổi, mặc cho mẹ đã dặn đi dặn lại là không được sờ tay vào lò nướng, tôi vẫn cứ sờ. Tôi biết những món khoái khẩu của mình đi ra từ cái lò nướng đỏ hồng và sáng rực ấy, một sức hấp dẫn không thể chối từ.

Ngày hôm đó, tôi học được một bài học quan trọng: những thứ nóng chẳng có gì vui cả. Nó làm ta bỏng tay. Và ta chẳng bao giờ muốn đụng vào nó nữa.

Cùng quãng thời gian đó, tôi khám phá ra một điều quan trọng khác. Hộp kem mà bố mẹ thỉnh thoảng mới cho tôi ăn thật ra được giấu trong tủ lạnh, trên một cái kệ mà chỉ tôi cần nghến chân lên một tí tẹo là lấy được.

Một ngày nọ, trong lúc mẹ tôi đang ở phòng khác, tôi lén lấy hộp kem, ngồi trên sàn và ngấu nghiến ăn bằng tay.

Đó là lần gần với cực khoái nhất cho đến tận 10 năm sau. Nếu có một thiên đường nào đó trong cái tâm trí bốn tuổi ngây thơ của tôi thì chính là cảm giác đó. Quá sức hoàn hảo. Hộp kem bé nhỏ của tôi chứa đầy cảm giác lâng lâng thần thánh.

Và rồi kem bắt đầu chảy, tôi bôi một ít lên mặt, để nó chảy từ từ xuống khắp áo, tắm mình trong dòng chất lỏng ngọt ngào ấy. Oh yeah, dòng sữa ngọt lành mát tươi, hãy kể cho ta nghe bí mật của em, vì ngày hôm nay ta sẽ biết được điều vĩ đại.

…và rồi mẹ tôi bước vào. Mọi thứ chao đảo - bao gồm cả một bữa tắm táp ra trò. Tôi học được bài học tiếp theo, đó là ăn trộm kem rồi đổ lên người và sàn bếp sẽ khiến cho mẹ vô cùng giận dữ. Và những bà mẹ giận dữ không có gì vui cả. Họ mắng mỏ và trách phạt bạn. Và ngày hôm đó, giống như ngày cho tay vào lò nướng, tôi học được điều không nên làm.

Nhưng rồi, quá tam ba bận, tôi lại học thêm một bài học nữa. Đó là một bài học đơn giản - hết sức hiển nhiên đến mức ta không để ý khi nó xảy ra. Nhưng bài học này thực sự quan trọng hơn nhiều những bài trước: ăn kem thì tốt hơn bị bỏng.

Đây có thể không phải bài học quá thâm thúy. Nhưng thực ra là có đấy. Bởi vì đó là một phán đoán giá trị. Kem lạnh tốt hơn lò nóng. Tôi thích sự ngọt ngào tan chảy trong miệng hơn là một vết phỏng trên bàn tay. Đó là một khám phá về sở thích, do đó cũng là về sự ưu tiên. Đó là hiểu biết về việc một thứ trên đời được ưa thích hơn những thứ khác, và vì vậy tất cả hành vi trong tương lai sẽ được cân nhắc dựa trên nó.

Và đó là tất cả những việc mà một thằng cu bốn tuổi thò lò mũi xanh đã làm - khám phá không ngừng. Khám phá thế giới xung quanh, quyết định xem cái gì khiến nó cảm thấy vui và khó chịu - rồi tạo nên sự phân cấp giá trị trong những hiểu biết này. Ăn kem tốt hơn bị bỏng. Chơi với cún vui hơn chơi với một hòn đá. Ngày nắng dễ chịu hơn ngày mưa. Tô màu vui hơn hát hò. Những cảm xúc vui sướng và đau đớn ấy sẽ làm nền tảng cho mọi sở thích và hiểu biết của ta trên đường đời và thậm chí cả tính cách của chúng ta sau này.

NHƯ THẾ NÀO LÀ TRƯỞNG THÀNH?

Một người bạn tôi từng mô tả quãng đời làm cha mẹ như sau, "về cơ bản là chạy theo một đứa thò lò mũi xanh khoảng vài thập kỷ để chắc chắn nó không tình cờ tự làm mình ngủm, và mày sẽ bất ngờ khi biết có bao nhiêu cách để một đứa trẻ con có thể làm chính nó ngủm củ tỏi."

Người ta có thể nói rằng trẻ con luôn luôn tìm ra cách mới để không may tự giết chính mình vì động lực thúc đẩy sau đó là sự tò mò ngây thơ. Những năm đầu đời, chúng ta được thúc đẩy tìm tòi thế giới quanh mình vì não bộ đang thu thập thông tin về những thứ khiến ta vui sướng cũng như gây hại cho ta, những điều xấu và tốt, những điều đáng để theo đuổi và điều đáng phải tránh xa.

Song đến cuối cùng, giai đoạn khám phá này tự ngừng lại. Không phải vì ta chẳng còn gì trên đời để khám phá, mà là ngược lại. Quá trình khám phá không tiếp tục vì chúng ta già đi, ta bắt đầu nhận ra có quá nhiều thứ trên đời cần khám phá. Quá nhiều để thu nạp vào tâm trí. Bạn không thể sờ và nếm mọi thứ. Bạn không thể gặp tất cả mọi người. Bạn chẳng thể nhìn thấy tất cả mọi vật. Có quá nhiều trải nghiệm tiềm năng và tầm vóc to lớn về sự tồn tại của bản thân khiến ta choáng ngợp.

Do đó, não bộ của chúng ta bắt đầu tập trung ít hơn vào việc thử mọi thứ và nhiều hơn vào việc phát triển một số quy tắc nhằm giúp ta điều chỉnh sự phức tạp vô tận của thế giới trước mắt mình. Ta kế thừa phần lớn những nguyên tắc này từ cha mẹ và thầy cô. Nhưng rất nhiều nguyên tắc là do ta tự tìm lấy. Ví dụ, sau những lần ở cạnh nguồn phát lửa đủ nhiều, bạn phát triển một quy tắc tâm lý là tất cả những ngọn lửa đều nguy hiểm, không phải chỉ có lửa trong lò nướng. Và sau những lần nhìn thấy mẹ tức giận đủ nhiều, bạn bắt đầu phát hiện ra ăn trộm luôn xấu, không phải chỉ ăn trộm kem mới xấu.

Kết quả là, một số quy tắc bắt đầu xuất hiện trong tâm trí chúng ta. Cẩn thận khi ở gần những đồ vật nguy hiểm giúp bạn tránh khỏi đau đớn. Trung thực với cha mẹ sẽ khiến họ yêu thương bạn hơn. Chia sẻ với anh chị em và họ sẽ chia sẻ lại với bạn.

Những giá trị mới này tinh vi hơn vì chúng trừu tượng. Những đứa thò lò mũi xanh sẽ nghĩ, "kem rất ngon, mình muốn ăn kem." Còn bọn thiếu niên thì khôn hơn, "kem thì ngon đấy, nhưng ăn trộm đồ sẽ khiến bố mẹ tức giận và mình sẽ bị phạt, mình sẽ không lấy trộm kem trong tủ lạnh." Bọn thiếu niên áp dụng những quy tắc và luật lệ vào việc ra quyết định mà những đứa con nít không thể làm được.

Kết quả là một thiếu niên học được rằng hãy theo đuổi những gì khiến mình vui sướng và tránh xa những chuyện có thể gây ra rắc rối. Hành động gây hậu quả. Bạn phải đàm phán với khao khát bên trong mình với những khao khát bên ngoài. Bạn phải chơi theo luật của xã hội và chính quyền, và rồi thường thì bạn sẽ được khen thưởng.

Đây chính là sự trưởng thành về mặt hành động: phát triển những nguyên tắc ở mức độ cao hơn và trừu tượng hơn nhằm cải thiện khả năng ra quyết định trong những bối cảnh có phạm vi rộng hơn. Đó là cách bạn điều chỉnh trong thế giới này, cách bạn học để xử lý những trải nghiệm vô cùng đa dạng của cuộc sống. Đó là một bước nhảy vọt về nhận thức cho con trẻ và làm nền tảng để chúng lớn lên theo một cách thức lành mạnh và hạnh phúc.

Khi mới chập chững bước đi, chúng ta học cách nhìn thế giới dựa trên nguyên tắc nhân quả. Vui sướng và đau đớn. Chạm vào lò nóng sẽ khiến bàn tay đau đớn, do vậy đó là điều xấu. Trộm kem từ tủ lạnh khiến cơ thể cảm thấy vui sướng, do vậy đó là điều tốt. Điều tốt thì hiển nhiên tốt hơn điều xấu.

Đó là lý do vì sao bọn trẻ nhỏ thường hơi giống các bệnh nhân tâm thần. Chúng không thể tưởng tượng ra bất cứ điều gì trong cuộc sống ngoài những niềm vui hay nỗi đau tức thời. Chúng không cảm thấy đồng cảm. Chúng không thể đặt mình vào bạn để hình dung cuộc sống. Chúng chỉ muốn ăn kem. NGAY LẬP TỨC!

Khi lớn lên ta bắt đầu nhận ra rằng có nhiều hậu quả đến từ một hành động, và nó ảnh hưởng đến chúng ta theo cách gián tiếp hoặc tại một thời điểm nào đó trong tương lai. Những luật lệ và sự trao đổi nói chung được hiểu là cách những hậu quả này vận hành. Bố và mẹ sẽ tức giận nếu tôi ăn trộm thứ gì đó; cho nên tôi sẽ không ăn cắp, dù nó khiến tôi sung sướng. Giáo viên sẽ phạt nếu tôi nói chuyện trong giờ; cho nên tôi sẽ không nói, dù tôi muốn nói.

Nhận thức về niềm vui và nỗi đau vẫn còn đó khi đứa trẻ lớn dần. Chỉ là nó không còn định hướng cho hầu hết những quyết định. Nó không còn là căn cứ cho những giá trị của chúng ta. Những đứa trẻ lớn cân nhắc cảm xúc cá nhân của mình với những hiểu biết về luật lệ, sự trao đổi, và trật tự xã hội quanh chúng để lên kế hoạch và ra quyết định.

Đây là một bước tiến, song nó vẫn là một điểm yếu cho những thiêu niên này bước vào đời. Mọi thứ đều là sự trao đổi. Lứa tuổi thiếu niên (và một số lượng lớn những người trưởng thành) tiếp cận cuộc đời như một chuỗi những vụ thương lượng bất tận. Mình sẽ làm những gì sếp nói để có tiền. Mình sẽ gọi cho mẹ để không bị mắng. Mình sẽ làm bài tập về nhà để có một tương lai xán lạn. Mình sẽ nói dối và giả vờ tử tế để không phải đối mặt với mâu thuẫn.

Không việc gì được thực hiện vì lợi ích của chính nó. Mọi thứ là sự trao đổi có tính toán, thường được thực hiện dựa trên nỗi sợ những hậu quả tiêu cực.

Bạn không thể sống mãi cả đời theo cách đó, bằng không thì bạn đang không thực sự sống cuộc đời của chính bạn. Bạn chỉ đơn thuần đang sống trong sự mong đợi của những người xung quanh. Để trở thành một cá nhân tối ưu và lành mạnh về cảm xúc, bạn phải vượt ra khỏi những vụ thương lượng và hiểu các quy tắc ở mức độ cao hơn và trừu tượng hơn.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI LỚN

Khi bạn google "làm thế nào để trở thành người lớn" ("how to be an aldult"), hầu hết các kết quả cho ra nội dung về cách chuẩn bị phỏng vấn xin việc, kiểm soát tài chính, tự chăm sóc bản thân, và không trở thành một đứa mất dạy.

Những thứ đó đều tuyệt, và thực ra nó là tất cả những gì mà người lớn được mong đợi phải làm. Nhưng tôi sẽ tranh luận rằng bản thân những điều đó không biến bạn thành người lớn. Nó chỉ ngăn bạn không quay về là một đứa trẻ, và điều đó không đồng nghĩa với trở thành người lớn.

Đó là bởi vì rất nhiều người làm những điều tương tự vì chúng là những quy tắc và giao dịch. Bạn chuẩn bị tốt cho buổi phỏng vấn vì bạn muốn có một công việc tốt. Bạn học cách dọn dẹp nhà cửa vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và những gì người khác nghĩ về bạn. Bạn kiểm soát tài chính của mình vì nếu không, bạn sẽ trắng tay một ngày không xa.

Thương lượng với quy tắc và trật tự xã hội cho phép chúng ta trở thành một con người có chức năng trong thế giới này. Song lý tưởng là, sau một thời gian, chúng ta sẽ bắt đầu nhận ra rằng thế giới này không phải lúc nào cũng đổi chác được, và ta cũng không nên đặt mọi khía cạnh của cuộc sống lên bàn thương lượng. Bạn không muốn mặc cả với cha mẹ vì tình yêu, hay với bạn bè vì tình bằng hữu, hay với ông sếp vì sự tôn trọng. Vì sao? Vì cảm giác phải thao túng để người khác yêu mình chẳng có gì hay ho cả. Nó làm suy yếu toàn bộ kế hoạch. Nếu bạn phải thuyết phục ai đó yêu mình, thì có nghĩa là họ không yêu bạn. Nếu bạn phải nịnh hót ai đó để họ tôn trọng bạn, vậy thì họ không hề tôn trọng bạn. Điều quý giá và quan trọng nhất trên đời không thể mặc cả được. Cố quá sẽ thành quá cố.

Bạn không thể âm mưu dành được hạnh phúc. Đó là điều bất khả. Nhưng đây lại là cách mọi người thường làm, đặc biệt khi họ tìm kiếm những lời khuyên tự phát triển bản thân - họ thường nói rằng, "Hãy cho tôi thấy quy tắc của những trò chơi tôi phải chơi, và tôi sẽ tuân theo nó." Họ không nhận ra việc họ nghĩ rằng có quy tắc dẫn đến hạnh phúc thực ra lại ngăn cản họ trở nên hạnh phúc.

Trong khi những người vận hành trong thế giới bằng luật lệ và thương lượng có thể tiến xa về mặt vật chất, song họ lại bị tê liệt và đơn độc về mặt cảm xúc. Đó là bởi vì những giá trị giao dịch được tạo nên những mối quan hệ độc hại - những mối quan hệ dựa trên sự thao túng.

Khi đến tuổi trưởng thành, bạn sẽ nhận ra quan điểm coi những mối quan hệ và sự theo đuổi như một vụ thương lượng sẽ tước đi toàn bộ niềm vui và ý nghĩa của nó. Đó là khi sống trong một thế giới nơi mọi thứ đều được đổi chác để phục vụ cho bạn và suy nghĩ, mong muốn của người khác, thay vì tự do theo đuổi mong ước của chính mình. Để có thể tự đứng trên đôi chân mình, đôi khi bạn phải sẵn sàng đứng một mình.

Trưởng thành là khi bạn nhận ra rằng đôi lúc một nguyên tắc trừu tượng là đúng và có ích bởi chính nó. Tương tự như một đứa trẻ mới lớn nhận ra có nhiều thứ trên đời hơn niềm vui và nỗi buồn trẻ thơ, thì người lớn cũng nhận ra có nhiều hơn những cuộc thương lượng bất tận thời niên thiếu để xác thực, chấp thuận và hài lòng. Người trưởng thành làm điều đúng đơn giản vì nó đúng. Không bàn cãi gì nữa.


Một thiếu niên sẽ nói cô bé đánh giá cao sự trung thực - vì cô học được rằng nói thật sẽ mang đến những kết quả tốt - nhưng khi đối mặt với những cuộc trò chuyện khó khăn, cô sẽ nói ra vài lời nói dối vô hại, phóng đại sự thật và thất bại trong việc đứng lên vì giá trị trung thực của mình.

Một thiếu niên sẽ nói họ yêu bạn. Nhưng khái niệm về tình yêu của anh ta là anh ta sẽ nhận lại được thứ gì đó (có thể là sex), tình yêu kiểu đó chỉ đơn thuần là trao đổi về mặt cảm xúc, khi mỗi người mang tất cả những gì mình có thể trao đổi ra và mặc cả để có được cái tốt nhất cho bản thân.

Một thiếu niên có thể nói cô ta hào phóng. Nhưng khi tặng quà cho ai đó, nó luôn kèm theo điều kiện dù không nói ra, rằng cô sẽ nhận lại một món quà khác vào một ngày khác.

Một người trưởng thành sẽ thành thật vì một lý do đơn giản rằng sự trung thực quan trọng hơn niềm vui hay nỗi đau. Trung thực quan trọng hơn có được thứ bạn muốn hay đạt được mục tiêu. Trung thực vốn là điều tốt và có giá trị, tự thân nó đã như vậy. Một người trưởng thành sẽ yêu một cách vô tư mà không mong chờ nhận lại bất cứ điều gì vì họ hiểu rằng đó là cách duy nhất để tạo nên tình yêu đích thực. Một người trưởng thành sẽ trao đi mà không mong chờ đáp lại vì nó làm mất đi mục đích của món quà ngay từ đầu.

Vì vậy một đứa nhóc ăn trộm kem vì kem khiến nó vui sướng, nó không hề biết hậu quả ra sao. Một đứa lớn hơn sẽ không ăn trộm kem vì nó biết điều đó sẽ gây ra hậu quả tệ hơn trong tương lai. Song rốt cuộc quyết định của thằng bé vẫn là một cuộc thương lượng với chính nó trong tương lai: "Mình sẽ từ bỏ vài niềm vui trong hiện tại để tránh nỗi đau lớn hơn trong tương lai."

Song chỉ có người lớn mới không ăn cắp vì nguyên tắc đơn giản rằng ăn cắp là xấu. Và việc ăn cắp - dù họ đã thoát khỏi nó - sẽ khiến họ cảm thấy bản thân tệ hại.

GIÁ NHƯ CÓ NHIỀU NGƯỜI LỚN HƠN TRÊN THẾ GIỚI NÀY

Giờ thì tôi biết bạn đang nói, "Trời ạ, Mark này, theo định nghĩa của ông thì hầu hết mọi người trên thế giới này đều chỉ là bọn thiếu niên ngu ngốc, hay tệ hơn là một lũ trẻ con to xác à.."

Chà…đúng vậy đấy. Bạn đã từng nói chuyện với bất kỳ người nào gần đây chưa? Hầu như bọn họ đều chẳng ra gì.

Đây là một sự thật không mấy vui vẻ: rất ít người tiến đến bước trưởng thành. Và càng có ít người hơn duy trì được nó. Tại sao ư?

1. Khi còn là những đứa trẻ, cách chúng ta học để vượt qua những giá trị vui sướng/đau đớn thông thường ("kem thì ngon", "lò nóng thì đau") là bằng cách theo đuổi những giá trị đó và xem nó thất bại như thế nào. Ta lấy trộm kem, mẹ tức giận và phạt ta. Bỗng nhiên, "kem thì ngon" không còn đơn giản như trước nữa - có nhiều loại yếu tố khác phải cân nhắc. Tôi thích kem. Và tôi cũng thích mẹ. Nhưng lấy trộm kem sẽ làm cho mẹ phiền lòng. Tôi phải làm sao đây? Cuối cùng, đứa trẻ bị buộc phải tính đến thực tế rằng có những hậu quả không mong muốn đến từ việc theo đuổi niềm vui và tránh nỗi đau.

2. Đây là cách thức chủ yếu mà các bậc cha mẹ có hiểu biết thường áp dụng: thi hành những nguyên tắc đối với các hành vi của trẻ. Phạt nếu trẻ ăn trộm kem. Thưởng nếu trẻ ngồi ngoan trong nhà hàng. Theo nghĩa đen, bạn đang giúp chúng hiểu ra rằng thế giới này phức tạp hơn nhiều so với việc đơn giản theo đuổi niềm vui của bản thân và tránh xa nỗi đau. Những bậc phụ huynh thất bại trong việc này sẽ khiến cho con họ mất đi nền tảng, vì khi những đứa trẻ lớn lên, chúng sẽ bị sốc khi nhận ra rằng thế giới này không đáp ứng tất cả mong đợi của chúng. Điều này sẽ khiến chúng vô cùng đau đớn, hơn cả nỗi đau chúng phải chịu đựng nếu học được bài học này sớm từ khi còn nhỏ. Và kết quả là, vì chỉ có được bài học khi đã lớn, chúng sẽ phải chịu sự trừng phạt mang tính xã hội bởi những đứa trẻ ngang tuổi vì đã không hiểu điều đó. Chẳng ai muốn làm bạn với một kẻ ích kỷ. Chẳng ai muốn làm việc với một người không quan tâm đến cảm xúc của người khác hay tôn trọng những nguyên tắc. Những đứa trẻ không được dạy dỗ sẽ bị xa lánh và chế giễu vì hành vi của mình trong thế giới thực, dẫn đến nhiều đau khổ và tổn thương hơn.

3. Cha mẹ còn có thể khiến con mình thất bại theo cách khác: Ngược đãi chúng. Một đứa trẻ bị ngược đãi cũng không phát triển vượt lên giá trị động lực niềm vui/nỗi đau được vì sự trừng phạt mà chúng nhận được không có khuôn mẫu logic nào và không củng cố những giá trị sâu sắc hơn. Nó xảy ra ngẫu nhiên và hung dữ. Ăn trộm kem đôi khi dẫn đến những đau đớn khôn tả, song đôi lúc lại không có hậu quả gì. Do đó, nó không dạy cho trẻ bài học nào cả, không cung cấp giá trị nào cao hơn. Và đứa trẻ không bao giờ học được cách kiểm soát hành vi của mình. Đó là lý do tại sao những đứa trẻ bị bạo hành và bị bỏ bê thường lặp lại những rắc rối khi lớn lên: chúng mắc kẹt trong hệ thống giá trị thuở nhỏ của mình.

4. Tệ hơn, nếu sự bạo hành quá sức chịu đựng (hoặc nếu đứa trẻ đặc biệt nhạy cảm) thì những nỗi đau không ngừng này có thể hằn sâu vào tâm lý. Sự tồn tại bình thường ngày qua ngày của chúng sẽ là một trạng thái luôn nghi ngờ và sợ hãi, và chúng sẽ mải mê tìm kiếm niềm vui để xoa dịu nỗi đau ẩn nấp phía sau. Đó là lúc nghiện ngập và những thôi thúc xuất hiện. Rượu, sex, ma túy, cờ bạc, Instagram - khi lớn lên chúng sẽ bị hút vào những hoạt động này vì nó cho phép chúng quên đi ngay lập tức mình là ai và mình cảm thấy như thế nào. Quan trọng hơn, nhiều đứa trẻ bị bạo hành sẽ vô thức tìm kiếm sự bạo hành trong các mối quan hệ của mình khi trưởng thành vì đơn giản bạo hành là thứ duy nhất có ý nghĩa với chúng. Nó trở thành nhân cách của chúng. Chúng cần nó để cảm thấy mình là một tổng thể toàn vẹn.

5. Người ta thường mắc kẹt ở giai đoạn thiếu niên của những giá trị vì những lý do tương tự, mặc dù kết quả ít nghiêm trọng hơn. Một số người cực kỳ xuất sắc trong trò chơi thương lượng. Họ quyến rũ và lôi cuốn. Họ giỏi trong việc đọc những gì người khác mong muốn ở họ và đáp ứng nó. Nói thẳng ra, họ quá giỏi trong việc thao túng người khác để đạt được những gì mình muốn. Và bởi vì kỹ năng thao túng của họ hiếm khi thất bại nên họ bắt đầu tin rằng đó đơn giản là cách thế giới này vận hành. Ai cũng nghĩ như vậy cả. Tất cả mọi người đều thao túng và kiểm soát lẫn nhau. Yêu đương chỉ là trò vớ vẩn. Tin tưởng là dấu hiệu của sự yếu đuối.

6. Điều này đòi hỏi những bậc cha mẹ và giáo viên tốt không cho phép bản thân mình thỏa hiệp trước những phương thức mặc cả của con trẻ.. Trách nhiệm của họ là chỉ ra rằng với một đứa trẻ mới lớn hành vi mặc cả đó là chỉ một trò mè nheo dai dẳng, rằng điều duy nhất có giá trị và ý nghĩa thực sự trong cuộc sống sẽ có được mà không kèm theo điều kiện và sự giao dịch nào. Cách tốt nhất để làm điều này là thông qua những ví dụ. Cách tốt nhất để dạy trẻ biết tin tưởng là tin tưởng chúng. Cách tốt nhất để dạy trẻ biết tôn trọng là tôn trọng chúng. Cách tốt nhất để dạy ai đó về tình yêu là yêu thương họ.



7. Nếu cha mẹ và thầy cô thất bại trong việc này, thường là do họ mắc kẹt trong khả năng phán đoán giá trị cấp độ ngang với một đứa trẻ mới lớn. Họ cũng nhìn thế giới bằng những giao dịch. Họ cũng trao đổi tình yêu lấy sex, lòng trung thành lấy cảm tình, sự tôn trọng lấy vâng lời. Thực tế, họ gần như mặc cả với con mình vì tình cảm, sự yêu thương và tôn trọng. Họ nghĩ đó là bình thường, vì thế những đứa con họ lớn lên cũng suy nghĩ tương tự. Và rồi mối quan hệ cha mẹ/con cái nông cạn và mang tính giao dịch này sẽ được nhân rộng khi đứa trẻ bắt đầu hình thành quan hệ tình cảm.

8. Một vài thiếu niên bị mắc kẹt ở giai đoạn thứ hai vì cùng một lý do với những người bị mắc kẹt ở giai đoạn đầu: bị bạo hành và tổn thương. Nạn nhân của bạo lực là một ví dụ đặc biệt đang chú ý. Một người từng bị bắt nạt suốt những năm tháng đi học sẽ bước vào đời với một giả định rằng không ai thích và tôn trọng họ vô điều kiện, và mọi tình cảm đều chỉ có được thông qua một chuỗi những cuộc trò chuyện đã được tập luyện trước và hành động dập khuôn. Bạn phải mặc theo một cách nhất định, nói theo một cách nhất định, làm theo một cách nhất định. Không thì đừng hòng.

9. Là người trưởng thành, họ sẽ bước vào đời với niềm tin rằng mọi mối quan hệ đều dựa trên thỏa thuận có qua có lại. Sự thân mật chỉ là cảm giác hiểu đối phương một cách giả tạo vì lợi ích của đôi bên. Một lần nữa, lý do cho việc này là trong thế giới giao dịch của các trường học, người này đã bị bắt nạt và bạo hành vì không biết cách giao dịch với người khác. Họ không mặc đúng cách, không phải một đứa trẻ "sành điệu". Họ bị điểm kém hoặc không có khả năng tiếp thu nhanh hoặc tỏ ra yếu đuối hay lúng túng. Kết quả là, họ bị trừng phạt về mặt tâm lý suốt nhiều thập kỷ, cũng như sống cả phần đời còn lại trong nỗi sợ hãi không ngừng về việc sẽ làm hỏng bất cứ mối quan hệ giao dịch nào. Và thay vì nhận ra vấn đề là bản thân cách tiếp cận giao dịch với thế giới, họ lại cho rằng vấn đề là phải mất nhiều thời gian để thực hiện các giao dịch một cách phù hợp.

Có thể hơi quá nếu nói Marilyn Manson đã cứu đời tôi. Song anh ấy hẳn đã cứu rỗi sự trưởng thành của tôi. Khi mới 13, tôi bị đuổi học và mất gần hết bạn. Vài tháng sau thì bố mẹ tôi ly dị, và không lâu sau đó anh trai tôi chuyển ra khỏi nhà. Để cho tôi tránh bị nhiễm những thói hư tật xấu, bố mẹ đã gửi tôi đến một trường dòng ở ngoại ô bang Texas, nơi tôi không biết một ma nào. Tôi là một người vô thần và không hứng thú gì với thể thao trong một đất nước tôn thờ bóng đá và Jesus, theo đúng thứ tự.

Thời gian đầu chẳng phải chuyện vui vẻ gì cho cam. Tôi bị khóa vào tủ đựng đồ, bị cười nhạo trên sân bóng. Tôi mất gần hai năm để kết bạn. Khốn kiếp. Tôi cảm thấy nỗi thôi thúc để cố gắng hòa nhập, để tuân theo bản chất giao dịch tự nhiên trong môi trường cấp ba, để "giả vờ cho đến khi nó biến thành sự thực". Song, cùng lúc đó, những hành vi người khác mong đợi từ tôi cũng là cái mà tôi ghét cay ghét đắng.

Marilyn Manson là một nguồn cảm hứng bên cạnh tôi thời điểm đó vì thông qua âm nhạc và những buổi phỏng vấn, anh ấy đã lên tiếng thúc đẩy một thông điệp về sự tự cường, đặc biệt dành cho các thiếu niên vỡ mộng giống như tôi. Anh ấy là người đầu tiên gợi ý rằng tôi là người quyết định cái gì ngầu hay không ngầu, rằng người ta chế giễu những kẻ không tuân thủ vì họ sợ phải tuân theo chính mình, và rằng việc dám không tuân theo và tự cho phép bản thân trở thành người mình muốn là đang cho phép người khác được làm điều tương tự.

Ngày nay, Marilyn thường được nhớ đến vì kiểu trang điểm đậm và những bộ đồ gây sốc khi chơi nhạc trên sân khấu. Người ta không nhận ra mối liên hệ anh ta có với những thanh thiếu niên bất mãn vùng ngoại ô những năm 90. Lý do anh ta khiến người khác sốc vì những bài phỏng vấn cũng nhiều như khi anh làm trò trên sân khấu. Bởi vì luôn có một thông điệp ẩn dưới sự điên rồ của anh: rằng bạn không cần tuân theo trò chơi thương lượng nếu bạn không muốn. Bạn luôn được tự do lựa chọn. Và không chỉ tự do, bạn còn buộc phải lựa chọn con người mình sẽ trở thành, dù nhận ra hay không. Câu hỏi duy nhất là: bạn có can đảm làm điều đó không? Bạn có can đảm trở thành người lớn không? Bạn có can đảm để quyết định giá trị của bản thân mình không?

CÁC GIẢ TRỊ CỦA BẠN ĐANG Ở CÂP ĐỘ NÀO?

Vấn đề của việc viết những bài phân bậc kiểu này là mỗi độc giả có xu hướng hình dung ngay bản thân họ đang ở trên nấc thang cao nhất, mừng thầm trong lòng và phán xét một loạt những tâm hồn nghèo nàn, bất hạnh đang mắc kẹt ở những nấc thang phía dưới.

Sự thật là nếu bạn đang đọc bài này, hầu hết các giá trị của bạn đều có khả năng đang trong gia đoạn vui sướng/đau khổ hoặc thương lượng mặc cả. Tôi biết điều này vì một lý do đơn giản rằng phần lớn dân số vẫn đang vẫy vùng trong giai đoạn này (kể cả tôi). Và nói thực thì đây là một trang web phát triển bản thân - bạn sẽ không đến đây nếu mọi chuyện không rối tung cả lên rồi.

Trên hết, những giá trị cao và trưởng thành là định nghĩa cho những gì ta cho là cao quý và có đạo đức. Đó là một CEO nhận lỗi vì sai sót của nhân viên. Đó là một giáo viên hi sinh kỳ nghỉ để hướng dẫn một học sinh đang gặp khó khăn. Đó là một người bạn mạo hiểm nói cho bạn biết rằng bữa tiệc của bạn đang vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Chúng ta đều biết và kính trọng những câu chuyện ấy. Và lý do ta biết và kính trọng chúng vì chúng không phổ biến. Vì chúng ta hiếm khi, hoặc chẳng bao giờ có khả năng tự mình làm những điều đó. Hầu hết chúng ta phần lớn thời gian đều mắc kẹt ở cấp độ thương lượng, tự hỏi bản thân rằng, "Ừ thì chuyện này có lợi gì cho mình?" hoặc tệ hơn, ở cấp độ vui sướng của trẻ con và hét lên "Đưa đây, tôi muốn cái đó."

Sự thật là rất khó để phát hiện ra giá trị của ta đang ở cấp độ nào. Bởi vì ta nói với bản thân đủ loại chuyện được chau chuốt kỹ lưỡng để biện hộ cho cái ta muốn. Một tên nghiện cờ bạc sẽ cảm thấy thôi thúc muốn theo đuổi niềm vui sướng khi được và mất tiền, nhưng trong đầu anh ta đã sáng tạo ra một câu chuyện thuyết phục về việc anh ta sẽ thắng mọi thứ và cho mọi người thấy rằng mình không phải một kẻ thất bại (cấp độ thương lượng thiếu niên) hoặc anh ta thực sự làm thế vì lợi ích của gia đình (trách nhiệm của người trưởng thành).

Dĩ nhiên, đó chỉ là những lý do vớ vẩn. Đơn giản là anh ta không đừng được.

Rõ ràng là chúng ta chẳng thể tin được những diễn giải của bản thân cho hành động của mình. Có cả núi bằng chứng tâm lý học ủng hộ cho điều này: Trước tiên ta sẽ cảm thấy gì đó, sau đó ta biện hộ cho nó bằng một vài câu chuyện ta tự kể cho chính mình. Và câu chuyện đó thường thiên vị và đánh giá quá cao sự cao quý và quên mình của chúng ta.

Do đó ta phải học cách nghi ngờ những suy nghĩ của mình. Ta phải trở nên hoài nghi những diễn giải hành động của bản thân. Thay vào đó, ta phải tập trung vào bản thân những hành động đó.

Suy nghĩ có thể lừa dối ta. Những diễn giải có thể bị thay đổi và lãng quên. Song hành động thì tồn tại mãi mãi. Do đó, chỉ có một cách duy nhất tiến đến giá trị của mình - thực sự hiểu giá trị của mình - là quan sát hành động của bản thân.

Nếu bạn nói mình muốn quay lại trường học và lấy bằng, nhưng đã là 12 năm sau và bạn đang biện hộ lần thứ 57, thì không, bạn không thực sự muốn quay lại trường học. Cái bạn muốn chỉ là cảm giác rằng mình muốn quay lại trường. Đó là hai thứ khác biệt hoàn toàn.

Nếu bạn nói rằng mình đánh giá cao sự chân thành trong mối quan hệ trên tất cả những thứ khác, tuy nhiên lại thường xuyên giấu giếm hành động sau lưng người yêu của mình, luôn dò hỏi động cơ của họ và những nơi họ đến, lục lọi tin nhắn điện thoại lúc họ đang ngủ, thì bạn không hề đánh giá cao sự chân thành. Bạn nói thế chỉ để biện minh cho những giá trị cấp thấp của mình. Có thể bạn giữ được những giá trị bậc cao trong bối cảnh này và không giữ được trong bối cảnh khác. Có người là những người bạn tuyệt vời trong khi lại là những ông bố bà mẹ tệ hại. Có người là những kẻ đểu cáng, song họ lại làm việc siêu năng suất. Tất cả chúng ta đều có vùng trưởng thành và chưa trưởng thành riêng.

Hầu hết những vấn đề cảm xúc lặp đi lặp lại mà mọi người trải nghiệm chỉ đơn giản là các hệ thống cấp độ một và hai mà họ đang níu giữ dù cho chúng đang thất bại. Một người mẹ cáu kỉnh với con mình liên tục vì không gọi cho bà định kỳ là đang níu giữ cách tiếp cận trao đổi tình yêu thương - với suy nghĩ rằng tình yêu thương có thể đo đếm được. Một người bạn nói những lời nói dối vô hại có thể vì anh ta không muốn mất những gì anh ta sẽ có từ bạn. Một đồng nghiệp ăn cắp thành quả của bạn và coi đó là của họ đang lạm dụng thôi thúc mong muốn niềm vui (hoặc trong trường hợp này là thành công)

Cách duy nhất để xác định rõ giá trị của bản thân là học cách quan sát hành động của mình và quan sát chúng một cách độc lập như thể ta là người những ngoài cuộc trung lập:

  • Những hành động liên tục làm tổn thương bản thân và người khác, những cái bạn luôn tự biện minh hoặc nói dối để che giấu có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang sở hữu giá trị động lực thúc đẩy cấp độ thấp. Nói dối là tính ích kỷ cố hữu và được thiết kế để thực hiện những khao khát ích kỷ nhất của chúng ta. Nếu tôi nói dối vợ nơi mình đã qua đêm thì điều đó có nghĩa là tôi đang hành động một cách ích kỷ và theo thôi thúc bản năng. Nói chung, càng nói dối nhiều thì thôi thúc bản năng của ta càng mạnh.
  • Những hành động được tính toán trước với mong muốn đạt được một kết quả nhất định từ người khác là các giá trị thương lượng/trao đổi.
    Có sự khác biệt giữa việc nói với người khác rằng bạn quan tâm đến họ vì bạn nghĩ họ muốn nghe điều đó, với việc nói rằng bạn quan tâm đến họ vì bạn đang bày tỏ suy nghĩ của mình một cách thoải mái. Cái sau là sự chân thành, cái trước là thao túng. Và ranh giới giữa chúng đối với nhiều người vô cùng mờ nhạt.

Các hành động được thúc đẩy bởi những nguyên tắc đạo đức sâu hơn, những thứ bạn sẵn sàng chịu khổ vì chúng bởi bạn tin rằng các nguyên tắc đó đúng trong mọi hoàn cảnh, thay vì có những kết quả đặc biệt dành cho mình, là biểu thị cho giá trị cấp độ cao.

Bạn sẽ hiểu bản thân mình hơn khi đặt câu hỏi không chỉ về hành động mà còn về những diễn giải cho hành động đó. Bạn phải ngồi xuống và tự vấn về bản thân và những thứ bạn chọn quan tâm, không chỉ qua lời nói mà còn qua hành động.

Đến cuối cùng, điều này chỉ tóm gọn trong câu "biết chính mình" - biết giá trị thực sự của bản thân, có một hiểu biết rõ ràng về hành động và những gì thúc đẩy nó, thấu hiểu cấp độ trưởng thành mà bạn đang vận hành.

Bất cứ khi nào bạn ngồi xuống với một bác sĩ, gia sư tâm lý hay một người bạn, đây là quá trình sẽ diễn ra. Bạn mô tả hành động và những diễn giải về hành động đó. Với hướng dẫn từ bác sĩ tâm lý/bạn bè, bạn sẽ ngồi xuống và chọn ra phần nào trong những diễn giải kia hợp lý hay không. Hay bạn chỉ đang lừa dối bản thân? Hành động của bạn có phản ánh những gì bạn nghĩ là quan trọng không? Nếu không thì đâu là sự thiếu kết nối đó?

Đó là quá trình sắp xếp những diễn giải của bản thân bạn với hành động, sẽ giúp bạn điều khiển cuộc sống và hành vi của mình. Sự sắp xếp này cho phép bạn cảm thấy sự ý nghĩa trọn vẹn trong cuộc sống. Để trở nên hạnh phúc và khỏe mạnh. Và sự sắp xếp này cho phép bạn trưởng thành.

KHỦNG HOẢNG TRƯỞNG THÀNH TRONG VĂN HÓA CỦA CHÚNG TA

Thể chế dân chủ hiện đại cơ bản được phát minh ra dưới giả định rằng con người bình thường là một lũ hoang tưởng và ích kỷ. Niềm tin đó dẫn đến cách duy nhất để bảo vệ chúng ta khỏi chính mình là tạo ra các hệ thống siêu ăn khớp và liên kết với nhau khiến cho không một ai hay tổ chức nào có thể phá được phần dân số còn lại tại bất cứ thời điểm nào.

Nói cách khác, những người đứng đầu và các nhà tư tưởng hiểu rằng trò chơi chính trị và pháp luật chắc chắn được chơi ở cấp độ các mối quan hệ thương lượng và trao đổi, và do đó các hệ thống cần được xây dựng theo cách không một cá nhân (hay tập thể) nào thắng quá nhiều và quá thường xuyên.

Hầu hết các chính trị gia tạo dựng tên tuổi và đời sống của họ bằng cách tồn tại trong một mạng lưới các mối quan hệ giao dịch rộng lớn. Họ thương lượng với các cử tri và các nhà tài trợ. Họ thương lượng với nhau để tạo nên các liên minh và quan hệ đồng minh. Họ thương lượng với các nhánh khác của chính phủ và đảng phái chính trị nhằm nâng cao vị thế. Chính trị là một trò chơi đổi chác và ích kỷ, và đảng dân chủ là hệ thống tốt nhất cho đến nay vì nó là hệ thống công khai thừa nhận điều đó.

Có một cách duy nhất để đe dọa hệ thống dân chủ: đó là đòi hỏi mong muốn và niềm vui của một người quan trọng hơn của những người khác. Và đó là những gì con nít vẫn làm.

Đó là bản chất của những kẻ cực đoan: trẻ con. Họ chỉ là một đám con nít. Bởi vì những kẻ cực đoan bất trị và không thể thương lượng được, do đó cực đoan được định nghĩa là trẻ con. Họ muốn thế giới này tồn tại theo một cách nhất định và từ chối tìm hiểu bất cứ thú vui hay giá trị nào vượt ngoài bản thân mình. Họ từ chối thương lượng. Họ từ chối vươn lên một đức tính hay nguyên tắc cao hơn mong muốn ích kỷ của bản thân. Do đó họ phá hoại mọi thứ quanh mình.

Những kẻ cực đoan rất nguy hiểm vì họ biết cách ngụy trang cho những giá trị ấu trĩ của mình bằng ngôn cứ của giao dịch hay nguyên tắc phổ quát. Một kẻ cực đoan cánh hữu sẽ tuyên bố ông ta mong muốn "tự do" hơn bất cứ giá trị nào khác và ông ta sẵn sàng hi sinh cho nó. Song điều ông ta thực sự muốn nói là ông ta muốn trốn tránh những giá trị khác. Ông ta muốn trốn tránh việc đối mặt với sự thay đổi hay xa lánh của người khác. Ông ta muốn tự do theo đuổi khao khát và động lực của bản thân.

Những kẻ cực đoan cánh tả cũng chơi tương tự, chỉ khác cách nói. Một kẻ cực đoan cánh tả sẽ nói bà ta muốn "bình đẳng" cho tất cả mọi người. Và bà ta sẵn sàng hi sinh mọi thứ cho nó. Song ý bà ta thực sự muốn nói là bà ta không bao giờ muốn có cảm giác bị hạ thấp hay tổn hại. Bà ta không bao giờ muốn có cảm giác bị đe dọa hay không an toàn. Về bản chất, bà ta không bao giờ muốn cảm thấy đau đớn. Và đòi hỏi mọi người phải cư xử bình đẳng mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh là một cách thoát khỏi nỗi đau đó.

Không thể phủ nhận những kẻ cực đoan, cả cánh tả và cánh hữu, đều đã tăng lên trong vài thập kỷ qua. Có nhiều lý do phức tạp và chồng chéo lên nhau. Nhưng tôi sẽ tung ra một giả định: rằng sự trưởng thành của dân số đi bỏ phiếu đang giảm đi. Văn hóa Mỹ dựa trên đam mê sự sung sướng và tránh né nỗi đau. Chủ nghĩa tiêu thụ của Mỹ trở nên quá giỏi trong việc nuông chiều những xung động trẻ con mà phần lớn dân số coi đó là những quyền lợi. Những kẻ cực đoan cánh hữu tuyên bố là họ tin biến đổi khí hậu chỉ là trò lừa đảo hay thuyết tiến hóa là sai lầm, họ có quyền tin vào bất cứ điều gì họ muốn.

Những kẻ cực đoan cánh tả thì tuyên bố rằng người dân vốn tồn tại sự bất bình đẳng, và một xã hội tự do, năng động đòi hỏi có người thắng và kẻ thua bằng cách tuyên bố họ có quyền được đối xử bình đẳng như mọi người khác.

Đó đều là những góc nhìn trẻ con. Họ phủ nhận thực tế. Và khi bạn phủ nhận thực tế, những điều tồi tệ sẽ xảy ra.



Vấn đề là truyền thông (một lần nữa, cả cánh tả và cánh hữu) đã phát hiện ra rằng củng cố những mong ước trẻ con trong những kẻ cực đoan ở mỗi bên có lợi cho việc kinh doanh của họ. Bởi vì những kẻ cực đoan, giống như trẻ con, đều mang cảm giác thôi thúc. Họ không biết cách để dừng lại. Họ đắm chìm vào nhu cầu của bản thân. Họ để bản thân trôi theo nó. Và bởi vì họ thả trôi cuộc đời mình theo nhưng ham muốn tưởng tượng, họ đã tạo nên những khán giả cuồng nhiệt nhất. Và việc internet đã vắt kiệt mô hình kinh doanh truyền thông, dần dần họ phải lang thang trên mạng để tìm kiếm những người có phản ứng mạnh nhất: những đứa trẻ cực đoan. Sự cực đoan thu hút được nhiều sự chú ý nhất. Họ có nhiều like nhất. Và họ tạo ra nhiều tranh cãi nhất. Do đó họ điều khiển những cuộc thảo luận của giới truyền thông.

Chào mừng đến năm 2018. Mong rằng tất cả chúng ta sẽ sống sót.

CÁCH ĐỂ TRƯỞNG THÀNH

BƯỚC 1 - THẤT BẠI

Khả năng cao là nếu bạn đang đọc bài này và bạn vẫn đang mắc kẹt trong việc vận hành cuộc đời mình quanh các giá trị niềm vui/đau khổ, hoặc trao đổi/luật lệ, thì bạn không cần tôi phải giải thích thêm vì sao nó gây ra nhiều vấn đề - cuộc đời bạn đã là một đống tạp nham rồi.

Tuy nhiên phòng khi bạn cần tôi giải thích thêm, thì đây là lý do:

  • Các giá trị niềm vui/đau khổ thất bại vì lý do đơn giản là niềm vui và nỗi đau là những dự đoán tồi trong dài hạn về sức khỏe, sự trưởng thành và hạnh phúc. Ok, chạm vào lò nóng rất khó chịu và bạn không nên làm như vậy nữa. Nhưng nói dối một người bạn thì sao? Hay dậy sớm để đi làm? Hay là, không chơi thuốc. Đó chỉ là một vài trong rất hàng triệu ví dụ mà giá trị niềm vui/đau khổ sẽ khiến bạn lạc lối.
  • Các giá trị trao đổi/ luật lệ trói bạn vào lòng tin, sự thân mật và tình yêu cần thiết để duy trì một con người có cảm xúc lành mạnh và hạnh phúc. Đó là bởi vì khi bạn nhìn mọi mối quan hệ và hành động là phương tiện để đạt được mục đích, bạn sẽ nghi ngờ những động cơ ẩn giấu đằng sau tất cả những gì xảy ra và những điều người khác làm cho bạn.

    Trước khi bạn có thể tiến lên và học hỏi từ những hệ thống giá trị lỗi này, bạn phải trải nghiệm nỗi đau thất bại do chúng mang lại. Có nghĩa là không phủ nhận các giá trị này đã thất bại, không tránh né nỗi đau thất bại. Nó cũng có nghĩa là đối mặt với thất bại phía trước và thừa nhận điều hiển nhiên là: bạn là một kẻ thất bại, và phải có một cách khác tốt hơn.

BƯỚC HAI - NHẬN RA TA KHÔNG CHỈ SỐNG CHO RIÊNG MÌNH

Những người vận hành trên giá trị vui sướng/đau khổ trẻ con thường để cho lòng từ trọng bị ảnh hưởng từ mức độ niềm vui và đau khổ mà họ cảm thấy. Do đó, khi cảm thấy vui, họ tự hào về bản thân, và khi buồn thì họ tự ti. Do đó khi một người ở cấp độ này gặp thất bại lớn trong đời, lời biện hộ đầu tiên của họ sẽ là, "Mình đúng là đồ bỏ đi, một đứa chẳng ra gì. Mình đã nghĩ gì vậy?"

Điều này gây hại vô cùng. Nó chỉ làm vấn đề tệ hơn. Vấn đề không nằm ở bạn, nó nằm ở việc bạn lựa chọn điều gì đáng để coi trọng, cách bạn nhìn nhận thế giới và cách mọi thứ vận hành. Không có gì sai trái với niềm vui. Cũng chẳng có gì sai với nỗi đau. Chỉ có lý do khiến nó xảy ra mới biến nó thành sai hay đúng.

Công nhận sự thật này sẽ từ từ nâng hệ thống giá trị của bạn lên một mức độ thương lượng/trao đổi trưởng thành hơn. Bạn không phải là đồ bỏ đi chỉ vì bạn gây ra nỗi đau. Bạn là đồ bỏ đi khi bạn gây ra nỗi đau vì những lý do tồi tệ. Lý do một tài xế say xỉn tông vào xe khác là vô đạo đức không phải vì nó làm người khác bị thương - đó là bởi vì người tài xế say xỉn ấy đã chểnh mảng hơn người kia - và đó là một giao dịch không công bằng.

Nhiều người cố "chữa" cho những người đang phải chịu đựng những hành động thôi thúc và mắc kẹt trong hệ thống giá trị vui sướng/đau khổ bằng cách đưa họ lên thẳng mức độ trưởng thành. Họ muốn dạy cho kẻ nghiện rượu về đạo đức của sự chân thành. Họ muốn thuyết phục những kẻ bạo lực về tầm quan trọng của sự rộng lượng và kiên nhẫn.

Nhưng chẳng làm như vậy được đâu. Bạn không thể đốt cháy giai đoạn. Giống như bỏ qua môn đại số cơ bản mà đi thẳng vào tích phân. Bạn không thể đi từ giai đoạn trẻ con đến người trưởng thành mà bỏ qua giai đoạn dậy thì ở giữa.

Những người bị mắc kẹt trong sự thôi thúc cần học cách nghĩ về những thứ trong điều khoản giao dịch trước tiên. Nghiện rượu không xấu vì cơ thể bạn là một ngôi đền và việc tự phá hoại nó về bản chất là sai lầm - những lý do đó là của giá trị của người lớn.

Không, nghiện rượu xấu vì nó là một thương vụ giao dịch tệ hại. Những người xung quanh bạn không đáng phải chịu đựng điều đó. Những người bạn yêu thương và muốn giúp đỡ. Nó phá hoại kế hoạch của những cuộc đời khác. Nó phá hoại gia đình, tài chính và lòng trung thành. Về bản chất là bạn đang từ bỏ những thứ quan trọng để thu về những thứ vặt vãnh.

Những kẻ nghiện ngập và tội phạm thường vượt qua điều này bằng cách bắt đầu hiểu ra một vài giá trị mang tính chất giao dịch. Ví dụ như tôn giáo. Song hầu hết thường là người thân yêu của họ. Tôi từng nói chuyện với một người nghiện ma túy đã cai nghiện, anh ta nói điều duy nhất giúp anh ta vượt qua được là con gái anh ta. Anh ta chẳng thèm quan tâm đến bản thân mình. Nhưng suy nghĩ về những mất mát mà con gái phải chịu khi không có cha, trong khi con bé không làm gì để đáng phải chịu điều đó, đã giúp anh ta đứng dậy và tỉnh ngộ.

Những người nghiện thường nói về "cảm giác chạm đáy". Đó là khi họ cảm thấy bị phá hủy hoàn toàn, tột cùng đau đớn, đến nỗi họ không còn tránh được sự thật đơn giản rằng hành vi của họ đang phá hủy cuộc đời của chính họ và người khác. Chỉ bằng những đau đớn này mới giúp người nghiện đối mặt với những giao dịch tự nhiên của đời sống. Rằng lựa chọn của họ chứa những hậu quả, không chỉ cho tương lai của nó mà còn ảnh hưởng đến người khác. Và những hậu quả đó phải được kiểm soát.

Chúng ta vượt lên những giá trị ấu trĩ khi ta nhận ra rằng ta không chỉ sống một mình - rằng có những hậu quả từ hành động của chúng ta vượt ra ngoài bản thân ta.

Đó là lý do nghiên cứu chỉ ra rằng cách hiệu quả nhất để từ bỏ bất kỳ thói quen xấu nào là thương lượng với nó. Thử xem: viết một tờ séc 3.000 đô cho bạn thân nhất của bạn và nói với anh ta rằng nếu bạn hút một điếu thuốc thì chỗ tiền kia thuộc về anh ta. Nó thực sự hiệu quả đến bất ngờ. Tạo ra hậu quả cho chính bạn. Tạo ra trách nhiệm.

BƯỚC 3 - SẴN SÀNG CHẾT VÌ MỘT ĐIỀU GÌ ĐÓ

Đứng vững trên những giao dịch thương lượng/trao đổi sẽ giúp bạn trở thành một người có ích. Song nó không biến bạn thành người trưởng thành. Bạn vẫn phải chịu đau khổ từ việc đổi chác, những mối quan hệ độc hại và khủng hoảng về ý nghĩa cuộc sống ngày qua ngày của mình.

Bí quyết khác biệt giữa một thiếu niên và một người trưởng thành là thiếu niên sợ phải làm mọi thứ, trừ phi là thứ họ cảm thấy tự tin là mình sẽ được đáp lại:

- Họ không muốn mạo hiểm từ bỏ công việc cho đến khi họ biết chắc mình sẽ vui vẻ hơn ở nơi khác.

- Họ không muốn nói ra cảm xúc của mình trừ phi họ có thể đảm bảo một mối quan hệ tốt đẹp sẽ diễn ra.

- Họ không muốn mạo hiểm chia sẻ ý tưởng của mình trừ phi họ biết chắc mình sẽ được người khác công nhận.

Với một thiếu niên, cách họ cảm nhận về bản thân được quyết định bằng vụ thương lượng giữa họ với thế giới diễn ra tốt đẹp đến đâu. Và nếu họ thất bại trong việc đàm phán với thế giới, họ sẽ tự trách mình. Vì lý do này, các thiếu niên khiếp sợ lời từ chối hay thất bại. Với họ, thất bại hay bị từ chối là một hình thức của cái chết vì mọi thứ họ muốn từ thế giới - mọi ý nghĩa, mọi mục đích - đều sẽ bị từ chối.

Tinh thần sẵn sàng chết sẽ đưa bạn đến cấp độ trưởng thành. Trưởng thành xảy ra khi một người nhận ra rằng cách duy nhất để chiến thắng khổ đau là dửng dưng trước đau khổ, rằng thà chịu đựng nỗi đau vì lý do chính đáng còn hơn cảm thấy vui sướng vì những điều giả dối. Trưởng thành xảy ra khi một người nhận ra thà yêu rồi mất đi còn hơn không bao giờ yêu.
- Một người trưởng thành nhìn thấy sự thay đổi nghề nghiệp trước mắt và nói, "Tôi thà chết còn hơn làm một cái xác sống bước vào một cuộc đời không phải của mình." Và anh ta từ bỏ.

- Một người trưởng thành sẽ nhìn vào người đàn ông khiến nàng rung động và nói, "Em thà chết còn hơn phải che giấu trái tim mình với thế giới này." Và rồi nàng sẽ thổ lộ tình cảm của mình.
- Một người trưởng thành sẽ nhìn vào những ý tưởng của mình và nói, "Tôi thà chết còn hơn phải kìm hãm tài năng và những tiềm năng của mình." Và rồi nàng hành động.

Một người trưởng thành chấp nhận rằng có nhiều cách sống tệ hại hơn việc không còn tồn tại. Và vì họ nhận ra điều đó, họ có khả năng can đảm đối mặt với nỗi xấu hổ hay sợ hãi của mình.

Trong cuốn sách của tôi, "Đếch quan tâm cũng là một nghệ thuật", tôi đã liệt kê một số những trải nghiệm đau đớn và khủng hoảng từ tuổi thiếu niên của mình: gia đình chia rẽ, xã hội từ chối, tình yêu đầu tan vỡ, cái chết của một người bạn.

Vì tôi trải nghiệm quá nhiều nỗi đau trong các mối quan hệ khi còn nhỏ cũng như giai đoạn đầu trưởng thành, tôi tiếp cận các mối quan hệ theo cách cứng nhắc: Tôi nghiên cứu sách vở liên quan đến con người và học cách thể hiện bản thân theo cách ít bị từ chối nhất, khiến tôi chịu nhiều ảnh hưởng từ cách người khác nhìn nhận mình. Tôi không ngừng tìm kiếm tình dục, nhằm xoa dịu những tổn thương tinh thần phải chịu đựng từ những mối quan hệ hời hợt. Nhiều năm trong đời mình, tôi nhìn nhận tình bạn đơn giản là mối quan hệ lợi ích: Tôi làm một việc cho người khác và họ đáp trả tôi hành động tương tự. Và khoảnh khắc một mối quan hệ bắt đầu khiến tôi tổn thương, tôi sẽ tìm cách trốn tránh nó.

Tôi đã rất thành công trong việc này suốt nhiều năm. Tôi tạo ra nó và thoát khỏi - theo đúng nghĩa đen, tôi đã đi du lịch khắp thế giới thể thoát khỏi nó - hàng tá những mối quan hệ với những người nếu không tốt thì cũng thực sự quan tâm đến tôi, song tôi chưa đủ trưởng thành để gánh vác nó.

Tuy nhiên chủ nghĩa trốn chạy này là một giải pháp đau đớn chẳng kém gì vấn đề nó phải đối mặt. Điều duy nhất đau đớn hơn mất đi một mối quan hệ giá trị là không có lấy một mối quan hệ giá trị nào. Và nó bắt đầu khiến tôi nhận ra rằng hạnh phúc không phải cốt lõi của vấn đề, mà là nỗi đau. Đó cũng là cách những thách thức trong đời tôi khiến cuộc sống của tôi trở nên ý nghĩa hơn, sự sẵn sàng đối mặt với nỗi đau và sự không thoải mái thực ra lại là thứ khiến cho mối quan hệ ý nghĩa hơn. Không phải sự quyến rũ, hưng phấn hay hài lòng.

Và do đó, tới gần tuổi 30, tôi cuối cùng cũng hiểu ra sống như một người trưởng thành là như thế nào. Đó là khả năng lựa chọn: niềm vui nào đáng để theo đuổi, nỗi đau nào đáng để chịu đựng, theo đuổi và yêu thương vô điều kiện, không phán xét hay ngại ngùng. Do đó tôi chọn việc ăn mừng. Tôi và 8 người bạn thân đã cùng nhau đến Las Vegas và uống hết 1000$ rượu trong một đêm. Và đó là một đêm tuyệt vời.

 Footnotes

  1. Pretty much all of this article is my own spin on the research and pioneering ideas of the developmental psychologists Jean Piaget, Lawrence Kohlberg, and Robert Kegan. My version is simplified, of course. If I had to recommend one book to dive into the subject, I would recommend Kegan’s The Evolving Self.
  2. According to Lawrence Kohlberg’s model of moral development, which much of this article is based on, by 36 years old, 89% of the population has achieved the adolescent stage of moral reasoning and only 13% achieve the adult stage. See: L. Kohlberg (1987). The Measurement of Moral Judgment. Cambridge, Massachusetts: Cambridge University Press.
  3. Delayed self-gratification is one of the strongest predictors of a child’s future success in the world. See the famous “marshmallow experiments:” Mischel, Walter; Ebbesen, Ebbe B.; Raskoff Zeiss, Antonette (1972).“Cognitive and attentional mechanisms in delay of gratification”. Journal of Personality and Social Psychology. 21 (2): 204–218.
  4. More about how this adolescent values torpedo relationships can be found here. Good books on how the parent/child dysfunction creates romantic dysfunction later in life are Getting the Love You Want by Harville Hendrix, and Attached by Amir Levine and Rachel Heller.
  5. Shout out to St. Andrew’s Episcopal School for turning out to be one of the best things that ever happened to me. But it was rough there for the first couple years.
  6. For more on this topic, I recommend Daniel Kahneman’s brilliant book, Thinking, Fast and Slow.
  7. One of the first things taught in Alcoholics Anonymous is that addicts are compulsive liars. But it’s not because they want to. It’s because they are so compulsive with their actions, that they must compulsively lie to continue to justify those actions. They lie so frequently and so easily that they believe themselves. This is probably the clearest definition of a child-like pleasure/pain value I can imagine. All that matters is the pleasurable feeling. Nothing and nobody else.
  8. This is what a lot of men don’t understand: that telling a woman something honest for the wrong reason is no better than lying in the first place. Women implicitly get this, even though they often can’t express it. To them, it makes a guy feel ‘creepy’ or ‘desperate.’ But, at the heart of it, is the fact that the man is treating his relationship with her transactionally to get something from her (usually sex) instead of treating her unconditionally as one would in an adult relationship. Much of feminism is simply trying to get men to stop seeing relationships with women in terms of a transaction and instead see them as other adults. The problem is that most men don’t even see other men as respectable adults.
  9. This is the major reason why I don’t buy into utilitarian ethical philosophies. This idea that you can simply calculate life in terms of pleasure-added and pain-averted strikes me as naive at best and misguided at worst. Some of the best moments of my life were incredibly painful and undesirable. Some of the worst moments of my life felt amazing at the time. The utilitarian framework sounds wonderful in theory but quickly falls apart in practice for any situation of even modest complexity.
https://markmanson.net/how-to-grow-up

Người dịch: Hoàng Dung

menu
menu