Recreational fear: Tại sao cái gì càng sợ chúng ta càng thích?

recreational-fear-tai-sao-cai-gi-cang-so-chung-ta-cang-thich

Biết phim kinh dị sợ nhưng vẫn vừa rón rén xem qua những kẽ tay? Biết parkour nguy hiểm nhưng vẫn nhảy từ đỉnh này sang nóc nọ? Đó chính là RECREATIONAL FEAR!

Đa phần chúng ta có xu hướng né tránh những điều khiến bản thân sợ hãi. Vậy tại sao ta lại xem phim kinh dị? Tại sao trẻ em thích thú với trò chơi ú òa, hay được nhấc bổng lên không trung rồi hạ xuống một cách đột ngột? Rồi có những đứa trẻ đam mê trò chơi trò rượt đuổi hay trốn tìm dẫu biết rằng cảm giác khi bị phát hiện ra thót tim thế nào?

Sợ hãi là một cảm giác không mấy dễ chịu nhưng hầu như luôn thu hút chúng ta. Thậm chí, nó còn là động cơ của hàng loạt các hành vi thú vị, cái được gọi là “recreational fear” (nỗi sợ hãi mang tính giải trí). Phải chăng có nghịch lý ở đây?

ĐIỂM SỢ HÃI NGỌT NGÀO

Để hiểu hơn về mối quan hệ giữa sự thích thú và nỗi sợ hãi, Malmdorf-Andersen và các cộng sự của ông tại “phòng thí nghiệm về nỗi sợ hãi mang tính giải trí” của Đại học Aarhus (Đan Mạch) đã thực hiện thí nghiệm với một nhóm người đến thăm ngôi nhà ma ám Dystopia nổi tiếng ở Đan Mạch.

Tại đây, người tham gia tự nguyện đăng ký để trải nghiệm “cảm giác mạnh” này. Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu bằng cách quay lại phản ứng của người chơi, theo dõi nhịp tim của họ thông qua hệ thống máy đo được gắn từ trước, v.v.

Thông qua thí nghiệm trên, các nhà khoa học phát hiện ra rằng con người không muốn ở quá xa trạng thái sinh lý bình thường của mình, song lại cực thích được bước ra khỏi vùng an toàn, nhưng chỉ một chút.

Malmdorf-Andersen cho biết: “Có thể có một ‘điểm ngọt ngào’ (sweet spot) giữa nỗi sợ hãi và sự thích thú. Một điểm vừa phải nơi mà nỗi sợ hãi quá nhiều sẽ làm giảm sự thích thú, nhưng sợ hãi quá ít cũng làm giảm sự hứng thú."

Tại thời điểm đó, nỗi sợ hãi ở trạng thái cân bằng và nó sẽ dẫn đến việc giải phóng các chất hóa học tạo cảm giác dễ chịu trong não - endorphin và dopamine. Từ đó, mang lại cho bạn cảm giác hưng phấn dâng trào.

SỰ HỨNG THÚ VỚI NỖI SỢ HÃI MANG TÍNH BẢN NĂNG

Tất nhiên, không phải ai cũng thích phim kinh dị hay đi tham quan những ngôi nhà ma ám. Nhưng sự hứng thú khi trải qua cảm giác được hù dọa một phần có thể bắt nguồn từ cơ chế sinh học bản năng của con người.

Một nghiên cứu năm 2017 trên tạp chí Neuron cho thấy amygdala trung tâm - vùng não mà các nhà khoa học từ lâu cho rằng liên quan đến nỗi sợ hãi, chủ yếu chứa các tế bào thần kinh thúc đẩy hành vi tạo ra khoái cảm.

Khi phải đối mặt với một mối đe dọa được nhận thức - đối với người nguyên thủy, nỗi đe dọa này có thể là việc phải đối đầu trực diện với một con hổ răng kiếm, bộ não sẽ gửi tín hiệu đến hệ thống nội tiết, gây ra một loạt phản ứng: Tim đập nhanh hơn để máu lưu thông tốt hơn. Hơi thở gấp gáp để cung cấp đủ oxy cho tế bào máu. Đổ mồ hôi và cơ bắp dần căng cứng…

CON NGƯỜI ĐƯỢC THIẾT LẬP ĐỂ GHI NHỚ NHỮNG SỰ KIỆN KHIẾN BẢN THÂN SỢ HÃI

Một nghiên cứu trên tạp chí Nature Communications tiết lộ, sợ hãi là một công cụ tiến hóa nhằm cảnh báo chúng ta về những mối nguy hiểm tiềm ẩn.

Nhà khoa học thần kinh Jeffrey Tasker của Đại học Tulane (Mỹ) và tác giả chính của nghiên cứu này cho biết: “Chúng ta có khả năng ghi nhớ những điều khiến bản thân sợ hãi bởi vì không muốn lặp lại vết xe đổ. Mục đích của cơ chế này giúp chúng ta chuẩn bị cho những sự kiện tồi tệ có thể xảy ra trong tương lai.”

Jason Moser - Giáo sư khoa học thần kinh tại Đại học bang Michigan có suy kết luận tương tự: “Những trải nghiệm đáng sợ thường rất quan trọng về mặt tiến hóa và động lực - vấn đề của sự sống và cái chết và vì vậy hệ thống nhận thức của chúng ta cố gắng sắp xếp những dấu vết ký ức đó một cách rõ ràng để giúp chúng ta học hỏi và rút kinh nghiệm theo thời gian, nhằm tránh những tình huống có thể gây hại trong tương lai.”

Chất dẫn truyền thần kinh căng thẳng norepinephrine tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xử lý nỗi sợ trong não bằng cách kích thích một số tế bào thần kinh trong amygdala (phần não chịu trách nhiệm về cảm xúc, hành vi cảm xúc và động lực) để tạo ra kiểu phóng điện lặp đi lặp lại (repetitive bursting pattern of electrical discharges).

Mô hình đó thay đổi tần số sóng não trong hạch hạnh nhân (amygdala) từ trạng thái nghỉ ngơi (resting state) sang trạng thái kích thích (aroused state). Và điều đó thúc đẩy sự hình thành ký ức về nỗi sợ. Về cơ bản, khi bạn sợ hãi, cơ thể sẽ tiết ra một lượng lớn hormone gây căng thẳng, từ đó những ký ức về nỗi sợ sẽ găm vào não bạn dễ dàng hơn.

NHỮNG NGƯỜI HAY XEM PHIM KINH DỊ CÓ TÂM LÝ KIÊN CƯỜNG

Không dừng lại ở những cảm giác hồi hộp đơn thuần, phim kinh dị có thể mang lại nhiều lợi ích không tưởng. Nỗi sợ hãi mang tính giải trí có thể được ví như một kiểu-trò-chơi, cho phép các cá nhân mô phỏng các mối đe dọa (như sống sốt qua ngày tận thế khi có sự đổ bộ của zombie) và cảm nhận những cảm xúc tiêu cực (chẳng hạn như sợ hãi, lo lắng, ghê tởm).

Trong một nghiên cứu thực hiện vào những tháng đầu tiên của đại dịch Covid-19, Mathias Clasen và các cộng sự tại Phòng thí nghiệm Giải trí Sợ hãi nhận ra rằng, những người xem nhiều phim kinh dị có khả năng phục hồi tâm lý tốt hơn so với những người không thích thể loại này. Nói cách khác, họ kiên cường hơn so với nhóm còn lại.

Thậm chí, các đồng nghiệp của Clasen còn có những kết quả sơ bộ cho thấy rằng một số người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như rối loạn lo âu hoặc trầm cảm, sẽ được giải tỏa thông qua hoạt động giải trí kinh dị.

“Bạn có thể chuyển nguồn gốc sự lo lắng của mình khi xem một bộ phim kinh dị. Khi nó kết thúc, nỗi lo lắng của bạn cũng có thể giảm bớt” - Coltan Scrivner, nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Giải trí Sợ hãi giải thích.

Dù được chứng minh mang lại một số lợi ích tiềm ẩn, nhưng bạn không nên ép mình trải nghiệm nếu không thích các hoạt động giải trí kinh dị. Khi sẵn sàng "dấn thân," có nhiều cách để giúp hoạt động này bớt căng thẳng và trở nên thú vị hơn: rủ bạn bè xem cùng, giảm âm lượng phim, bật sáng đèn sáng lên, v.v.

Cre: Vietcetera 

Image: Nguồn: Thục Anh @petite.odysser cho Vietcetera

menu
menu