Kích dục nghèo đói (poverty porn)
Vài năm qua, báo chí thế giới bắt đầu mổ xẻ một khái niệm gọi là “poverty porn” - một loại hình truyền thông luôn đi với vỏ bọc nhân văn nhưng bên trong chứa đầy mặt trái.
Một hình ảnh thường thấy trong những môtip quảng cáo phổ biến mà Srivastava gọi là “poverty porn” - Ảnh: magazine.good.is |
Camera hướng từ trên cao xuống một cô bé da màu. Cô bé đứng đơn độc trên một cánh đồng ở một nơi vô danh, nhìn về xa với ánh mắt tuyệt vọng, không bao giờ hướng mắt vào máy quay.
Càng khổ càng tốt
Một giọng nói cất lên: “Đây là Daniela. Cô bé 9 tuổi. Cơ thể bé đang bị giày vò bởi những cơn đau do ký sinh trùng, thứ đã giết chết chị của bé, tạo ra. Nếu không có sự giúp đỡ, Daniela sẽ là người kế tiếp”. Một giọt nước mắt rơi xuống má của Daniela…
Đó là một đoạn quảng cáo điển hình mà tác giả Lina Srivastava nói rằng “mọi người dân Bắc Mỹ từ khi sinh ra đến khi lớn lên đều được xem mỗi tối”. Srivastava là một chuyên gia về truyền thông xã hội ở New York, từng tham gia các chiến dịch truyền thông cho UNICEF, UNESCO và Ngân hàng Thế giới. Và bà gọi đoạn quảng cáo ấy là “kích dục thương hại”. Những môtip quảng cáo như thế đang trở nên quá phổ biến trong thế giới hiện đại.
Không dễ dàng định nghĩa thế nào là “poverty porn”. Các chuyên gia xã hội học tạm đưa ra một giải thích “bất kỳ dạng truyền thông viết, hình ảnh, phim… khai thác tình cảnh nghèo đói nhằm làm tăng sự cảm thông để bán báo hoặc gây quỹ từ thiện hoặc để lấy danh tiếng”.
Nói đến các sản phẩm kích dục (porn), người ta thường nghĩ ngay đến tình dục. Nhưng trong mỗi con người còn những “dục” (ham muốn) mạnh mẽ khác. Lòng thương hại chính là một trong số đó.
Con người luôn có xu hướng xúc cảm rất mạnh trước những mảnh đời nghèo khổ, những đứa trẻ đói khát, những số phận gian truân. Và nếu như tình dục có một dòng sản phẩm văn hóa riêng để đáp ứng thì lòng thương hại bây giờ cũng có.
Nhà báo Mỹ Edward Behr (một cây bút lớn từng làm việc cho Time, Newsweek…) từng kể một câu chuyện nổi tiếng về một phóng viên tác nghiệp ở vùng chiến sự tại Congo trong thập niên 1960. Khung cảnh lúc ấy chỉ có những người đàn ông cầm dao rựa, phụ nữ để ngực trần và những đứa trẻ đang khóc rấm rứt. Một khung cảnh quá thông thường của châu Phi.
Tay phóng viên biết rằng mình cần phải làm gì đó để tạo ra câu chuyện kịch tính. Và anh ta cất tiếng hỏi: “Có ai ở đây từng bị hiếp và nói được tiếng Anh không?” (Anyone here been raped and speaks English?). Câu hỏi này về sau trở thành tựa một cuốn sách của Edward Behr về chủ đề “poverty porn”.
Một phụ nữ châu Phi bị hãm hiếp là câu chuyện “tốt” để kích thích lòng trắc ẩn của độc giả. Nếu có người bị chết một cách thảm thương thì thậm chí còn “tốt” hơn.
Điều mà một nhà báo khác, Jo Chandler - người chuyên theo dõi khu vực Trung Phi và Papua New Guinea, từng tiếp xúc với rất nhiều cái chết vì bệnh dịch đau đớn của người dân những nước nghèo, thú nhận tôn chỉ của báo chí bây giờ là: “Càng tồi tệ càng tốt”.
Họ cần tìm ra những nhân vật thống khổ nhất, những khía cạnh tàn tệ nhất, đôi khi không cần đại diện chính xác cho vấn đề đang được phản ánh, để miêu tả.
Và rốt cuộc “poverty porn” trở thành một phong trào. Nó được sử dụng trong tất cả tình huống người ta cần thu hút sự chú ý (để bán báo, để đạt được mục đích quyên góp từ thiện, để lấy danh tiếng…).
Bởi vì ngoài việc đánh vào bản năng thương cảm, nó khiến người tiếp nhận thoải mái khi họ cảm thấy mình có quyền năng để giúp đỡ, tin rằng mình đã thật sự giúp đỡ người khác khi bỏ tiền làm từ thiện.
Và không có gì dễ dàng, đơn giản hơn là bỏ ra một chút tiền thay vì dấn thân vào những hoạt động cần đến sự bền bỉ, nỗ lực gấp bội để giải quyết câu chuyện gốc rễ.
(Khảo sát các bài viết trên blog về ba chủ đề từ ngày 6 đến 29-6-2014) |
Có khốn cùng, có chú ý
Trong thời đại của truyền thông xã hội thì đó không còn là câu chuyện riêng của các nhà báo và các tổ chức phi chính phủ.
Mỗi người đều có thể tự sở hữu kênh xuất bản riêng trên mạng xã hội, thuận tiện nhất là qua Facebook. Và rất nhiều người trong số họ hiểu rằng các nội dung gợi lòng trắc ẩn sẽ rất hiệu quả trong việc gây sự chú ý. Đôi khi tâm niệm này chỉ là vô thức. Và đó là lúc những sự sai lầm phát sinh.
Hồi giữa tháng 6, cư dân mạng lan truyền chuyện về một người đàn ông Đan Mạch đã dành rất nhiều tâm sức xây 24 cây cầu tặng các vùng xa xôi hẻo lánh ở Việt Nam, nhưng rồi đến cuối đời lại bị người Việt lừa hết tiền, sống trong cảnh nghèo túng cạnh bãi tha ma. Câu chuyện gây phẫn nộ cao trong dư luận.
Đến khi báo chí vào cuộc xác minh thì hóa ra người đàn ông nọ dù có bị lừa, có mất nhiều tiền nhưng “sự thật không hẳn như thông tin đã lan truyền” (báo PL TP.HCM ngày 12-6), và ông bà vẫn sống trong một căn nhà không đến nỗi nào. Câu chuyện lập tức nguội xuống rất nhanh chóng.
Sau khi phát hiện ông bà không đến nỗi quẫn cùng như mô tả, những khía cạnh khác như trách nhiệm của chính quyền, khó khăn của ông bà về mặt hành chính dường như không được dư luận đoái hoài đến nữa.
Khảo sát trên mạng về số lượng các bài viết trên blog về “ông già Đan Mạch” cho thấy chủ đề này bùng lên rất nhanh trong khoảng vài ngày giữa tháng 6 và gần như biến mất sau khi báo chí xác minh (xem biểu đồ, với các chủ đề thời sự khác như “vải thiều” và “cửa khẩu” để so sánh về tính ổn định).
Người ta có quyền tự hỏi rằng nếu như ngay từ đầu, nếu câu chuyện về ông Kurt không được xoáy sâu vào khía cạnh “khốn cùng”, sự túng quẫn của ông không được cường điệu một cách chưa chính xác mà đưa với một thái độ trung dung hơn, thông tin chuẩn hơn thì liệu có tốt hơn cho dư luận và cho việc giúp đỡ vợ chồng ông?
Cho đến tận cuối câu chuyện vẫn chưa có một ai thật sự đứng ra giải thích tường tận về những khó khăn mà ông phải đối mặt.
Người ta hướng trí tò mò tới sự túng quẫn về mặt vật chất của một người nước ngoài (điều hoàn toàn trái ngược với quan niệm “hễ Tây thì không giàu cũng phải khá”), trong khi khó khăn thật sự của ông có thể nằm ở một nơi khác, như việc làm sổ đỏ cho căn nhà mà vợ chồng ông đang sống chẳng hạn.
Ở đây, cái nghèo được mô tả không đầy đủ lại trở thành thứ thuốc “kích thích” cho những status thể hiện lòng thương cảm, ái ngại, cho những sự hỗ trợ kiểu mang mì gói, nước uống đến tặng. Và khiến vấn đề tổng thể không được giải quyết.
Sự quyên góp mù quáng
Đây là một trong những khía cạnh quan trọng của các sản phẩm “poverty porn”. Nó khiến đại chúng tiếp cận sai chiều hướng của cái nghèo.
Tác giả Emily Roenigk thuộc Tổ chức World Relief viết: “Cái nghèo không chỉ bao gồm bối cảnh cá nhân, mà còn có cả hệ thống xã hội và pháp lý… Tuy nhiên, các sản phẩm poverty porn lại mô tả cái nghèo bằng những khổ đau nhìn thấy được, đến từ việc thiếu thốn vật chất. Nó khiến những hoàn cảnh phức tạp của con người trở nên dễ hiểu, dễ tiếp thu và dễ xử lý”.
Và xử lý một cách bề mặt.
Cái hại của việc “dễ xử lý” khi đứng trước một câu chuyện như thế, một nỗi thống khổ của riêng một cá nhân, chính là khi đó người ta luôn có cảm giác cách tốt nhất để giải quyết vấn đề chính là quyên góp. Đó tất nhiên không phải là cách giải quyết vấn đề.
Lật lại những trang báo có thể dễ dàng tìm thấy những cuộc quyên góp để lại hậu quả tiêu cực.
Lừa đảo từ thiện là một vấn đề không mới, nhưng trong những câu chuyện như thế người ta không nhìn thấy rằng để tiếp tay cho những kẻ lừa đảo, một bộ phận rất lớn người dùng mạng đã chia sẻ những câu chuyện thương tâm này mà không cần suy nghĩ, kiểm tra. Đó chính là hành vi phát tán “poverty porn”.
Người ta không hề đặt ra câu hỏi: Người này là ai? Điều gì đã gây ra hoàn cảnh hiện tại của anh/chị ta? Gia đình, các mối quan hệ của anh/chị ta ra sao? Hướng giải quyết có lợi nhất cho hoàn cảnh này là gì?
Họ không cố vẽ lên một bức tranh toàn cảnh. Cái họ có là một câu chuyện đẫm nước mắt, một khía cạnh thấm đẫm thương cảm của vấn đề. Và họ phát tán nó. Những người khác quyên góp. Rồi lại tiếp tục phát tán. Nó rất ít khi được lan truyền vì một động cơ lý trí.
Tổ chức United for Sight thậm chí khẳng định “kích dục thương hại” là thứ hủy hoại nỗ lực của những người làm từ thiện đứng đắn: “Nó tạo ra tư tưởng những người nghèo là những người tuyệt vọng, không có khả năng giúp đỡ bản thân, rồi tạo ra một thứ văn hóa của chủ nghĩa gia trưởng”.
Chủ nghĩa gia trưởng (paternalism) là những hành động bởi một người, tổ chức hay quốc gia khiến một người hay tổ chức khác bị hạn chế trong tự do quyết định quyền lợi của họ.
Trong trường hợp của các sản phẩm “poverty porn”, chủ nghĩa gia trưởng được thể hiện bằng việc cả người tuyên truyền lẫn người giúp đỡ đều tự quyết định phương thức cải thiện cuộc sống của người cần giúp là các khoản tiền quyên góp trực tiếp.
Với các khoản quyên góp này, người nghèo có thể phụ thuộc, thậm chí ỷ lại vào chúng. Trong khi đó luôn tồn tại những cách hiệu quả hơn để họ tháo gỡ khó khăn, nhưng thứ này đã bị phủ nhận ngay từ đầu khi truyền thông mô tả họ trong những bộ dạng tuyệt vọng, hoàn toàn không có năng lực tự cải thiện cuộc sống.
Bạn sẽ không khó tìm thấy một câu chuyện về một người nghèo đánh mất năng lực tự quyết định số phận của họ sau những khoản tiền quyên góp, không khó để tìm thấy những cuộc tranh cãi gay gắt của những “mạnh thường quân” về việc mình có bị lợi dụng không, người nhận có sử dụng đúng mục đích không, thậm chí có nên đòi lại tiền không.
Tất cả là do ngay từ đầu họ đã tiếp cận với một thứ duy nhất là nỗi khổ chứ không phải bản thân người cần giúp.
Rất tiếc là sau những câu chuyện như thế, niềm tin về lòng tốt trong xã hội chẳng những không được bồi đắp mà còn mai một.
Nguồn: https://tuoitre.vn/loi-dung-long-thuong-hai-634309.htm