3 dấu hiệu chứng tỏ một người đang thầm chán ghét bạn, dù cố che giấu cũng sẽ vô tình lộ ra

3-dau-hieu-chung-to-mot-nguoi-dang-tham-chan-ghet-ban-du-co-che-giau-cung-se-vo-tinh-lo-ra

Con người có ba thứ không thể giấu giếm, càng giấu càng hở, chính là ho khan, nghèo khổ và tình yêu. Tuy nhiên, cảm xúc chán ghét một người cũng khó có thể kiềm chế hoàn toàn trong cuộc sống hàng ngày.

Trong sinh hoạt hàng ngày, chúng ta luôn gặp gỡ rất nhiều kiểu người khác nhau. Có người bề ngoài thiện lương nhưng nội tâm đen tối, có người ném đá giấu tay không lộ dấu vết, nhưng cũng có người đơn thuần không hợp nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Cảm xúc là thứ khó kiểm soát nhất trên đời. Không chỉ là yêu thích mà chính sự ganh ghét cũng khó có thể che giấu được.

Nếu gặp người xung quanh có 3 dấu hiệu này, hãy tinh tường nhận ra cảm xúc thật sự của họ đối với mình.

1. Đối phương không bao giờ hoặc hiếm khi chủ động trò chuyện với bạn

Động thái chủ động có thể đại biểu cho nhiều ý nghĩa khác nhau. Muốn biết một người yêu thích hay chán ghét bạn, hãy xem lại quá trình giao lưu của hai người và thử tính xem số lần mà đối phương chủ động, nhiệt tình nói chuyện với bạn là bao nhiêu. Đương nhiên, không tính tới những cuộc giao tiếp bắt buộc, ví dụ như về công việc, việc chung…

Kỳ thực, khi chúng ta yêu thích một con người hay sự vật, hiện tượng nào đó, ai cũng có xu hướng muốn được tiếp cận, tới gần nó hơn. Ngược lại, nếu bất tri bất giác nảy sinh cảm giác chán ghét, đại đa số mọi người sẽ lảng tránh con người, sự vật hay hiện tượng đó theo bản năng.

Do đó, khi một người nào đó không bao giờ hoặc hiếm khi chủ động nhiệt tình tìm cách trò chuyện với bạn, rất có thể họ đang thầm ghét bạn trong lòng. Hoặc ít nhất là chẳng có bao nhiêu thiện cảm dành cho bạn cả.

2. Thể hiện thái độ thiếu kiên nhẫn, dễ gắt gỏng, cảm xúc không ổn định trước mặt bạn

Bất luận có cố gắng che giấu thế nào đi nữa, chúng ta không bao giờ có thể lừa dối chính mình. Thích là thích, mà không thích là không thích, đó là cảm xúc xuất phát từ bên trong. Dù bên ngoài kìm chế đến đâu, nội tâm con người khi đối mặt với những điều mình ghét thì lúc nào cũng chứa đầy cảm xúc khó chịu.

Do đó, khi họ không ưa bạn, chuyện họ thể hiện thái độ gắt gỏng, thiếu kiên nhẫn với những lời nói hay hành động của bạn là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Những cảm xúc không ổn định này bắt nguồn từ trạng thái mẫn cảm, áp lực tâm lý khi ép buộc bản thân giả vờ không có chuyện gì.

Nếu một người có những thay đổi tâm trạng bất thường trước mặt bạn chẳng vì lý do cụ thể nào cả, hãy chú ý quan sát để nhận ra. Đôi khi, đó chỉ là những dấu hiệu rất nhỏ, ví dụ như cách họ nhăn mày trước một câu bông đùa vô thưởng vô phạt.

3. Vô tình hoặc cố ý thể hiện sự khinh thường

Dân gian có câu rằng:

"Thương nhau thương cả đường đi

Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng"

Khi bạn thật lòng thật dạ yêu thích một người, bạn sẽ thấy tất cả những gì liên quan tới đối phương đều tốt đẹp, từ những điểm đặc trưng như tính cách con người tới những chi tiết nhỏ như thói quen hàng ngày, câu cửa miệng hay nói hoặc bộ quần áo mặc mỗi ngày…

Ngược lại, cảm xúc chán ghét một người cũng có thể tác động tới mọi đánh giá về cái nhìn của bạn dành cho đối phương. Chẳng hạn như, cách ăn mặc của người này quá sặc sỡ, tiếng cười của người kia quá chói tai, suy nghĩ thật là thiển cận…

Đương nhiên, ai cũng đủ khôn ngoan để không trực tiếp thể hiện thái độ coi thường trước mặt đối phương. Nhưng đứng trước những sự vật, sự việc có liên quan, chẳng hạn như lý tưởng, sở thích hay thị hiếu… họ vẫn có thể vô tình hoặc cố ý để lộ sự chán ghét của mình.

Kỳ thực, đây là một đạo lý hiển nhiên và dễ hiểu. Trên đời này, chỉ có tiền tệ mới là thứ mà người người yêu thích. Mỗi con người đều tồn tại sự khác biệt lẫn nhau về ngoại hình, tính cách, tâm lý, nhu cầu cũng như tiêu chuẩn và góc độ nhìn nhận…

Chính những đặc điểm nó đã vô hình chung tạo thành những từ trường riêng biệt cho mỗi cá nhân. Với những từ trường trái dấu nhau, chúng bài xích lẫn nhau và khó có thể dung hòa. Người đã không hợp thì nhìn không thuận mắt, có nỗ lực nữa cũng chỉ vậy mà thôi.

Bạn có thể nhân nhượng theo ý của người khác, tuy nhiên đừng hy vọng tất cả mọi người đều vừa ý với mình. Cầu mong người khác thích mình, đó là việc không thể cưỡng cầu.

Chúng ta không nhất thiết phải tìm mọi cách để đạt được sự yêu thích của tất cả mọi người. Hãy đơn giản chấp nhận cả niềm thương lẫn sở ghét như hai mặt tất yếu của cuộc sống. Điều quan trọng là học cách nhận ra cảm xúc thật sự của người xung quanh. Đừng biến mình trở thành trò cười trong mắt đối phương khi vô tư hồn nhiên bỏ qua những dấu hiệu chán ghét quan trọng mà họ để lộ.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại những trường hợp mà chúng ta bắt buộc phải dành được nhiều thiện cảm từ người khác vì những lý do riêng biệt. Nếu rơi vào hoàn cảnh đó, hãy áp dụng một số biện pháp sau đây.

Phương pháp “cửa sổ tâm hồn”

Chúng ta vẫn biết đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Giao tiếp qua ánh mắt là để hỗ trợ hoặc bổ sung cho kỹ năng giao tiếp ngôn ngữ. Đó luôn là hình thức giao tiếp phi ngôn từ mạnh mẽ nhất. Cho nên trong giao tiếp hàng ngày, ngoài lời nói thì giao tiếp qua ánh mắt đóng một vai trò rất quan trọng.

Đôi khi, nhìn thẳng vào mắt người khác trong giao tiếp sẽ hiệu quả nếu cả hai bên đều cảm thấy thoải mái, nếu không có thể gây ra sự hiểu nhầm là một sự thách thức với đối phương. Để gia tăng hiệu quả, thỉnh thoảng hãy đưa mắt nhìn phạm vi xung quanh họ để giảm tải căng thẳng cho cả hai. Không đảo mắt liên hồi, nhìn xéo sang một người trong khi nói chuyện với người khác nữa.

Lắng nghe và thấu hiểu

Lắng nghe "có suy nghĩ" một cách chân thành trước hết để thực sự hiểu được người khác sẽ có hiệu quả hơn hẳn khi bạn lắng nghe với mục đích “cố lấy lòng” ai đó. Đây là chìa khóa quan trọng để đạt tới những mối quan hệ thành công.

Một khi đã thấu hiểu lẫn nhau, bạn mới có thể đạt tới sự thân thiện và cởi mở, giúp mối quan hệ trở nên gần nhau hơn chứ không phải kiểu cách xã giao, “thảo mai” giả tạo.

Theo Dương Mộc

ICTVietnam

menu
menu