3 lối suy nghĩ dung dưỡng cho mối quan hệ độc hại
Rời bỏ chưa bao giờ là chuyện dễ dàng, nhưng vẫn có cách để bạn tự cứu giúp mình.
Những điểm chính
- Chúng ta cho rằng con người được thúc đẩy bởi tư lợi, song thôi thúc né tránh mất mát còn mạnh hơn nhiều, ngay cả trong các mối quan hệ.
- Khả năng rời bỏ một mối quan hệ bị tác động bởi ngụy biện chi phí chìm, củng cố gián đoạn và thói quen tự phán xét bản thân.
- Những chiến lược cụ thể mà bạn có thể dùng để thúc đẩy và cho phép mình rời bỏ những mối quan hệ không thỏa đáng hay thậm chí là mối quan hệ độc hại.
Nguồn: Einar Storsul/Unsplash
Đối với những câu nói chỉ về những kẻ đứng núi này trông núi nọ, luôn thấy cỏ ở hàng rào bên cạnh luôn xanh hơn, muốn bỏ bãi cỏ nhà mình để tìm những bãi cỏ xanh tươi hơn, sự thật là loài người, về mặt tâm lý mà nói, rất bảo thủ và nhiều khả năng thích ở yên hơn là thay đổi—ngay cả khi điều đó có hại cho sức khỏe cảm xúc và tâm lý của chúng ta. Trên thực tế, nhiều người trong chúng ta sẽ mất nhiều thời gian hơn để lo sợ rằng nếu chúng ta rời bỏ vị trí hiện tại của mình thì sẽ mất cả chì lẫn chài. Nên nhớ rằng việc ghi nhận sức mạnh của sự ghét mất mát đã giúp cho nhà tâm lý học Daniel Kahneman đoạt giải Nobel Kinh tế.
Nếu bạn có khuynh hướng không đồng tình thì chỉ cần nghĩ về những câu chuyện bạn từng biết đến về một mối quan hệ tồi tệ và để ý xem có mấy ai thú nhận rằng họ đã kết thúc mối quan hệ đó quá sớm hay không; tôi đoán là bạn khó mà nhớ được chuyện nào.
Nên chẳng có gì bất ngờ nếu mối quan hệ mà bạn đang cố gắng tách khỏi—thứ luôn gây tổn thương cho bạn—nếu có tình trạng bạo hành bằng lời nói, chẳng hạn như cho ra rìa, từ chối giao tiếp hoặc hợp tác, gaslighting, hay làm suy yếu lòng tự trọng của bạn—bạn thậm chí có thể thấy việc tìm lối thoát còn khó hơn nhiều. Sự thật đáng buồn là những mối quan hệ đó dựa trên một sự mất cân bằng về quyền lực và đặt bạn vào tình thế phải tìm cách giành giật điều gì đó từ người khác mà anh/cô ta không muốn hoặc không thể trao cho bạn.
Quả thực có những nguyên nhân tâm lý khiến chúng ta có xu hướng lưu lại quá lâu trong mối quan hệ ngay cả khi những dấu hiệu cảnh báo đang hiển hiện, và lý trí của chúng ta biết rằng chiến lược tốt nhất và duy nhất ấy là nhanh chóng chạy tới cửa thoát hiểm. Vậy, chính xác thì thứ gì đang khiến ta bị mắc kẹt?
Tìm kiếm loại keo-siêu dính đang giữ chân chúng ta
Sau đây là 3 lối suy nghĩ mà bạn có thể chưa nhận ra, dù bạn thừa hiểu vào những khoảnh khắc thông suốt hay trong bầu không khí yên lặng ở văn phòng nhà trị liệu của bạn.
1. Ngụy biện chi phí chìm
Vâng, điểm mấu chốt ở đây là từ “ngụy biện,” thực tế là con người làm việc này suốt, dù họ buồn phiền về tiền của đầu tư cho việc gì đó hay thời gian, năng lượng mà họ đặt vào một mối quan hệ. Quá trình tư duy là như thế này: Nếu bây giờ tôi từ bỏ thì tôi sẽ mất hết tiền bạc hay thời gian mà tôi đã đầu tư.
Sự thật đau lòng là khoản đầu tư—dù đó là thời gian, tiền bạc hay công sức—đã mất từ lâu rồi, và chẳng có cách nào lấy lại được, nấn ná mãi chỉ làm tăng thêm khoản đầu tư mà bạn đã bỏ ra. Vậy nên, về cơ bản thì bạn phải chấp nhận mất mát—phải, 5 hay 10 năm mà bạn bỏ ra để cố gắng cải thiện mối quan hệ đáng lẽ đã được dùng tốt hơn, cũng như bao nhiêu tiền của bạn đổ vào đó—và tìm ra điểm đến tiếp theo của bạn. Hãy nghĩ về ly nước đã bị đổ đi.
2. Sức mạnh của củng cố gián đoạn
Chính B.F. Skinner đã cho ta hiểu biết sâu sắc này qua nghiên cứu của ông về ba con chuột đói, vâng, nó cũng áp dụng cho cả con người. Con chuột đầu tiên bị nhốt trong cái lồng có một cần gạt cung cấp những viên thức ăn mỗi lần nó đạp cần gạt, và con chuột đó cứ tiếp tục làm công việc mà nó thường làm, biết rằng khi nào đói nó cũng có thể ăn. Con chuột thứ hai thì ở trong một cái lồng mà không có gì xuất hiện khi đạp cần gạt, sau khi phát hiện ra điều đó, nó quên luôn cái cần gạt. Nhưng con chuột thứ ba thì đã bị cuốn hút vào, bởi cần gạt cung cấp thức ăn một cách gián đoạn, và về cơ bản thì chuột không thể nào dừng được hành vi đạp cần gạt. Chu kỳ của phần thưởng gián đoạn đầy sức mê hoặc, phải, đó cũng là cám dỗ của máy đánh bạc.
Điều này cũng xảy ra trong một mối quan hệ tiêu cực, khi chúng ta đôi lúc thoáng nhận ra những điều ta muốn từ người bạn đời của mình; giống như con chuột, chúng ta tập trung vào những điều tích cực, chứ không phải nhiều lần mà ta bị từ chối điều mình muốn. Điều này thúc đẩy mọi kiểu suy nghĩ mơ mộng hão huyền—“Xem này, chúng tôi đã vượt qua được giai đoạn khó khăn!” hay “Tôi tận mắt nhìn thấy anh/cô ấy đang thay đổi!”—và chúng ta thấy mình được tiếp thêm sinh lực bởi một niềm hy vọng mà than ôi, chẳng dựa trên điều gì cả. (Vâng, bạn cũng giống như con chuột ấy, điên cuồng đạp cần gạt, hy vọng rằng cú đạp này sẽ là một thành công vang dội!) Đặc biệt là khi niềm hy vọng đó được kết hợp với hành vi bạo hành bằng lời nói thì sẽ tăng cường cho một lối suy tư kém hữu ích khác.
3. Vòng xoáy của sự phán xét bản thân
Vâng, đây là một vòng luẩn quẩn “Có lẽ mối quan hệ này không đến nỗi tệ lắm vì mọi mối quan hệ trên đời đều có vấn đề,” hay “Có thể tôi quá nhạy cảm khi anh/cô ấy nói,” hay “Có lẽ ý anh/cô ấy không phải thế,” hay “Mọi chuyện còn có thể tệ hơn, và có thể tôi là người may mắn.” Vào những khoảnh khắc hoài nghi bản thân đó, mức độ mà nội tâm của bạn bị xé tan tành, dù bạn thậm chí còn không nhìn thấy mối quan hệ nhân quả.
Vào lúc này bạn cần phải thiết lập lại.
Làm sao để hủy bỏ những lối suy nghĩ đó và khởi động lại
Phần lớn những việc cần làm có liên quan đến việc trở nên ý thức hơn về lý do tại sao bạn lại quay trở lại với những lối suy nghĩ đó và tích cực chống lại chúng.
1. Giải quyết lối suy nghĩ
Điều này đòi hỏi bạn phải đáp trả lại những suy nghĩ trong đầu bạn, nhắc nhở bản thân rằng ở lại với mối quan hệ này chẳng giúp bạn lấy lại được thời gian hay bất cứ thứ gì, và vâng, mọi chuyện vẫn cứ tồi tệ như bạn nghĩ. Làm việc với một nhà trị liệu tâm lý giỏi là lựa chọn hay nhất, nhưng độc thoại nội tâm vẫn hữu ích. Tự hỏi bản thân xem phần nào trong bạn đang hiển lộ vào lúc này—đây có phải là bản ngã được tiếp thêm sức mạnh của bạn không, hay là bản ngã sợ sống độc lập? Là bản ngã có thể sống tự tin, hay bản ngã sợ phạm sai lầm?—nên là một phần trong chiến lược của bạn.
Hãy đáp trả lại theo nghĩa đen—phải, nói to lên—dù nghe có vẻ ngớ ngẩn nhưng nó làm tăng cơ hội của bạn để lấy lại tiếng nói của bạn. Nếu bạn đang lặp lại như con vẹt những điều mà họ từng nói với bạn thì cũng hãy nói to ra.
2. Lên kế hoạch ra đi của bạn (và nhớ viết ra)
Các nghiên cứu cho thấy việc đặt một mục tiêu và viết ra, cùng với các bước mà bạn lên kế hoạch thực hiện để đạt được nó, thúc đẩy mọi người nhiều hơn là chỉ nghĩ về một mục tiêu mà họ muốn đạt được. Rõ ràng, nếu bạn đang ở trong một mối quan hệ mà có thể kết thúc bằng những cuộc tranh cãi, vậy thì bạn nên cố gắng giữ kín các kế hoạch của mình. Nhưng nếu bạn không thể có động thái nào trong một khoảng thời gian khá dài, thì đây có thể là động lực mà bạn cần. Xử lý một số quá trình suy tư tiêu cực của bạn bằng cách viết ra cũng có thể vô cùng hữu ích.
3. Thực hành độc thoại nội tâm
Trở thành cổ động viên tinh thần của chính mình không phải là trở thành một Pollyanna (người lúc nào cũng lạc quan); mà đó là một phương thuốc cho thói quen tự đổ lỗi và phê bình bản thân. Thế nào là tự chỉ trích bản thân? Đó là thói quen của tâm trí khi quy cho mọi sai lầm, mọi thất bại và trở ngại là do một tính xấu cố định, và nó thường là một sự nhại lại điều gì đó mà người ta từng nói với bạn và về bạn trong cuộc sống của bạn và những điều mà bạn đã tiếp nhận, nội tâm hóa và xem chúng như sự thật. Trong khi thực tế lại không đúng.
Học cách chấp nhận một thất bại mà không dằn vặt, trừng phạt bản thân là một phần thiết yếu của việc tiến về phía trước, và cuộc độc thoại nội tâm có thể trở thành một phần của quá trình đó. Một lần nữa, độc thoại nội tâm không phải là khen ngợi bản thân bạn tuyệt vời ra sao, mà là đánh giá cao những nỗ lực và phẩm chất cá nhân của bạn đã thúc đẩy chúng ngay cả khi những nỗ lực đó không thành công. Giả sử bạn có một cuộc đối đầu với người bạn đời nhưng kết thúc chẳng đi tới đâu, song ít ra thì lần này bạn cũng đã giữ vững quan điểm và nói ra ý kiến của mình. Phải, bạn có thể chỉ trích bản thân vì dám nói ra, nhưng đồng thời, đánh giá cao sự tiến bộ mà bạn đạt được khi nói lên sự thật.
Rời bỏ nơi chúng ta đang ở, ngay cả khi điều đó khiến chúng ta không vui, có thể khá phức tạp. Nhưng chúng ta vẫn có thể làm được.
Những quan điểm trong bài này được trích từ cuốn sách của tác giả Peg Streep, Daughter Detox: Recovering from an Unloving Mother and Reclaiming Your Life và một cuốn sách tiếp theo sắp ra mắt của bà về chủ đề bạo hành lời nói.
Nguồn
https://www.psychologytoday.com/us/blog/tech-support/202109/3-mindsets-enable-toxic-relationships