3 tác hại của việc báo chí “ác quỷ hoá” hình ảnh người phạm tội
Chúng ta nhầm tưởng rằng “ác quỷ” chỉ là một bộ phận rất hiếm gặp trong xã hội
Trong nhiều vụ án hình sự nghiêm trọng và nhất là các vụ án mà trẻ em là nạn nhân, truyền thông Việt Nam có xu hướng sử dụng hình ảnh từ những góc chụp xấu xí nhất của nghi phạm, thủ phạm khi đưa tin. Họ cố gắng khắc họa hình ảnh người phạm tội như một con quỷ, với những đặc tính máu lạnh, xấu xa, độc ác và bệnh hoạn.
Trong tâm lý học, cách đối xử như thế là hành động tước đi nhân tính (dehumanize) hay ác quỷ hóa (demonize) người khác.
Tước đi nhân tính hay ác quỷ hoá nghi phạm, thủ phạm không được các chuyên gia xem là việc nên làm. Ngược lại, họ cho rằng làm như thế có thể gây hại đến việc phòng chống, ngăn ngừa tội phạm và bảo vệ công chúng trước những hung thủ thật sự.
Sau đây là 3 tác hại có thể xảy ra khi chúng ta tước đi nhân tính và ác quỷ hoá các nghi phạm.
Chúng ta nhầm tưởng rằng “ác quỷ” chỉ là một bộ phận rất hiếm gặp trong xã hội
Năm 2011, vụ việc xâm phạm tình dục trẻ em của huấn luyện viên lâu năm Jerry Sandusky của trường Đại học bang Pennsylvania bị phanh phui ở Mỹ. Công chúng đã bàng hoàng vì thủ phạm không phải là một kẻ biến thái, lập dị mà lại là một huấn luyện viên danh giá, một người có tiếng tăm trong cộng đồng.
Trông người đàn ông này có giống người đã xâm hại tình dục 10 bé trai trong 15 năm và bị kết án 60 năm tù? Ảnh: The Union.
Lúc đó, giáo sư luật tại Đại học Notre Dame, Hoa Kỳ, Mark McKenna đã chia sẻ trên tạp chí Slate về việc ông đã từng bị lạm dụng tình dục khi còn dưới tuổi vị thành niên. Đồng thời, McKenna cũng khẩn thiết đề nghị các phụ huynh đừng bao giờ xem những kẻ như Jerry Sadusky là một loại “quái vật”.
Giáo sư McKenna cho rằng, nếu xã hội cứ nghĩ những kẻ phạm tội như Jerry Sadusky là một dạng “quái vật” đặc biệt thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta mặc định sẵn những kẻ ấy rất hiếm gặp.
Trong thực tế, những kẻ gây ra tội ác thường là những người ở ngay bên cạnh chúng ta và sinh sống trong cùng một cộng đồng.
Họ rất có thể là những người thân thiện, dễ gần. Họ cũng có thể là bác hàng xóm hay nhân viên trong một tiệm bánh, hoặc ngay cả những huấn luyện viên và giáo viên. Nói cách khác, những người này không phải là một loại “quái vật” hay “ác quỷ” đặc biệt hung ác, mà họ cũng là người bình thường như chúng ta.
Theo McKenna, điều cần được chúng ta quan tâm và tìm cách ngăn ngừa chính là khả năng gây ra những tội ác khủng khiếp cho đồng loại của một số người bình thường trong xã hội.
Xã hội sẽ mất cảnh giác với những mối nguy hiểm thật sự
Khi chúng ta định hình một khuôn mẫu “ác quỷ” hay “quái vật” cho thủ phạm thì chúng ta đã vô tình lơ là và mất cảnh giác với những kẻ thật sự có khả năng gây hại đến người khác. Một trong những điều mà thủ phạm trong các vụ án cần là cơ hội tiếp cận nạn nhân.
Thật là tai hại nếu mọi người trong xã hội, đặc biệt là trẻ em, được dạy và tin rằng chỉ những ai có hình dạng xấu xí, tồi tàn, rách rưới mới là người có thể xâm hại họ. Vì khi gặp những thủ phạm có ngoại hình khác với cách hình dung đó, các nạn nhân sẽ mất cảnh giác, đồng ý kết bạn để rồi bị hại.
Một thống kê do Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm đối với Trẻ em (Crimes against Children Research Center) của bang New Hampshire tiến hành vào năm 2012 cho thấy, 90% thủ phạm của các vụ ấu dâm ở Mỹ là những người quen biết, gần gũi với nạn nhân.
Tệ hơn, sau khi bị hại, các nạn nhân còn gặp hoảng loạn về mặt tâm lý khi kẻ thủ ác không giống như hình mẫu mà phụ huynh và xã hội đã dạy cho họ. Thủ phạm không những chẳng hề giống quái vật xấu xí mà ngược lại, còn là một người rất đáng tin. Điều này khiến cho các nạn nhân không biết phải làm thế nào mới có thể tự giải thích được việc mình bị xâm hại, để rồi bị chấn thương tâm lý.
Nạn nhân bị thánh thiện hoá, khiến họ không dám lên tiếng
Theo giáo sư Anne-Marie McAlinden trong một bài nghiên cứu đăng trên tạp chí Tội phạm học Anh Quốc (British Journal of Criminology) vào năm 2014, một mô hình xã hội chấp nhận việc tước đi nhân tính hay ác quỷ hóa tội phạm sẽ đi kèm với việc thánh thiện hóa nạn nhân. Trong mô hình đó, nạn nhân thường được mô tả là trong sáng, thánh thiện và không thể có lỗi lầm gì.
Thánh thiện hóa nạn nhân nhằm tăng thêm tính “ác quỷ” của thủ phạm không hẳn là điều tốt cho họ. Ngoài việc phải đương đầu với việc bị xâm phạm và những tổn thương về tinh thần và thể xác, các nạn nhân còn phải đối đầu với áp lực tâm lý trở thành hình mẫu tốt đẹp mà xã hội mong đợi từ họ.
Đối với trẻ em đang trong giai đoạn trưởng thành với nhiều diễn biến tâm lý phức tạp, thì việc bị gắn nhãn trong sáng, thánh thiện càng là việc không nên. Một số nạn nhân thường tự cho rằng bản thân mình không đủ ngoan ngoãn và trong sáng theo mô hình đó. Vì thế, họ im lặng và không dám lên tiếng. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân sẽ quay ra tự trách bản thân.
Vì những lý do kể trên, xu hướng hiện nay của các nhà tâm lý học là khuyến cáo mọi người không nên ác quỷ hoá hay tước đi nhân tính của nghi phạm và thủ phạm trong một vụ án vì điều này không góp phần ngăn chặn tội ác xảy ra.
Theo họ, việc tiếp tục đối xử với những nghi phạm và thủ phạm như những con người, dù họ có khiếm khuyết và lỗi lầm, và lắng nghe cũng như tạo cơ hội cho các nạn nhân lên tiếng mới có thể giúp xã hội hiểu rõ căn nguyên dẫn những người này đến con đường phạm tội. Nhờ vậy, xã hội mới có thể tìm ra những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu hơn.
Tài liệu tham khảo:
Dehumanization, moral disengagement, and public attitudes to crime and punishment
When nice guys behave like monsters
Deconstructing Victim and offender Identities in Discourses on Child Sexual Abuse
The Cruel Lesson of Penn State: How what happened in State College forced me to confront my own abuse
Child Sexual Abuse Statistics: Perpetrators
Theo luatkhoa.org