Người cũ không thể quên

nguoi-cu-khong-the-quen

Chính khi một mối quan hệ sâu đậm đi đến hồi kết, ta mới nhận ra một sự thật kỳ lạ về chính mình: trong bộ não ta dường như tồn tại hai trung tâm ý thức riêng biệt

Chính khi một mối quan hệ sâu đậm đi đến hồi kết, ta mới nhận ra một sự thật kỳ lạ về chính mình: trong bộ não ta dường như tồn tại hai trung tâm ý thức riêng biệt, vận hành theo những nguyên tắc khác nhau, không thể truyền tải thông tin một cách trọn vẹn và rất lâu sau đó vẫn chẳng thể dung hòa quan điểm của nhau về thực tế.

Hãy gọi một trong hai phần ấy là lý trí. Lý trí hiểu rõ mọi điều khó khăn ngay lập tức và không chút lưỡng lự: rằng người ấy đã rời xa ta; rằng họ từng đối xử với ta chẳng ra gì; rằng suốt một thời gian dài, ta chẳng hề biết mình đứng ở đâu trong lòng họ; rằng mùa hè năm ấy họ đi xa, chẳng buồn bắt máy mỗi khi ta gọi; rằng họ tán tỉnh người khác trên mạng; rằng họ không xứng đáng để ta tiếc nuối. Họ đã đi mất rồi. Tin nhắn cuối cùng từ họ đã là chuyện của nhiều tháng trước. Chẳng còn gì ngoài sự im lặng tuyệt đối. Có khi giờ này, họ đã say đắm một ai khác.

Nhưng rồi lại có một phần khác trong tâm trí – hãy gọi đó là cảm xúc – mang một cách hiểu hoàn toàn khác, và nó nhất quyết không chịu chấp nhận những gì lý trí đã dày công phân tích.

Phần cảm xúc vẫn nghe thấy tiếng lý trí rõ ràng. Nó hiểu rằng lý trí đang bảo: “Hết rồi. Họ chẳng xứng đáng. Nghĩ về họ nữa cũng chỉ là phí hoài thời gian.”

Photo by Victor G on Unsplash

Thế nhưng, khi không ai chú ý, phần cảm xúc lại lặng lẽ trốn đi, lạc về những đêm hè trên đảo Corfu, nơi họ từng ôm ta thật dịu dàng và thề rằng sẽ chẳng bao giờ rời xa. Nó quay về buổi tối ở Berlin, khi họ ngồi trước mặt ta, lật từng trang sách, ánh mắt đầy dịu dàng và sâu lắng. Nó nhớ lại khoảnh khắc họ bật khóc, kể về những ngày thơ ấu cô đơn, khiến ta chỉ ước mình có thể quay ngược thời gian mà ôm họ vào lòng, vỗ về và xoa dịu.

Phần cảm xúc phớt lờ tất cả những bằng chứng mà lý trí đã dày công thu thập. Nó khăng khăng: họ sẽ quay lại, dù họ đã chặn ta trên mọi nền tảng. Họ vẫn yêu ta, dù ta chẳng còn dấu vết nào trong cuộc đời họ. Họ mãi là “bé con” của ta, dù người trưởng thành ấy đã rời đi từ rất lâu mà chẳng một lần ngoái lại.

Mỗi khi có chút thời gian rảnh, phần cảm xúc lại bày ra đủ loại kế hoạch khiến lý trí chỉ biết kinh hoàng: Hay là viết một bức thư tay thật dài rồi tự tay mang đến cho họ? Hay là tình cờ “đi ngang” nơi họ làm việc để rồi giả vờ gặp gỡ bất ngờ? Hay là gọi điện cho mẹ họ để giãi bày mọi chuyện? Hay là tìm đến bạn bè của họ? Hay là gửi một email thống thiết, giải thích vì sao họ sai?

Trước những ý tưởng ấy, lý trí hốt hoảng dập tắt ngay: “Có thể họ đã từng yêu ta, nhưng rõ ràng bây giờ thì không. Sao ta có thể thấy bình yên bên một người nhẫn tâm bỏ lại ta trong đau đớn thế này?” Phần cảm xúc nghe xong, gật đầu lễ phép, nhưng ngay sau đó lại thả hồn vào những hoài niệm, tiếp tục ngân nga một điệu hát cũ, nghĩ về bàn tay nhỏ bé ngày nào.

Phần cảm xúc luôn lý tưởng hóa quá khứ. Trong mắt nó, người cũ là một tượng đài trí tuệ, một con người cao thượng và dịu dàng, một người tình nồng nhiệt và ăn ý đến hoàn hảo. Lý trí cố lên tiếng: “Nhưng họ cũng chỉ là một con người bình thường thôi mà. Và không phải một người tốt, vì nếu tốt, họ đã chẳng nhẫn tâm bỏ lại ta trong tình cảnh này.”

Nhưng cảm xúc thì vẫn hồn nhiên, vẫn đơn thuần, chẳng màng đến những sắc thái phức tạp. Họ đã từng yêu ta và từng nói sẽ mãi mãi – vậy thì chắc chắn phải là mãi mãi chứ. Nó không kiêu ngạo, mà chỉ đơn giản là không thể hiểu nổi làm sao một người có thể ngừng yêu sau khi đã từng hứa hẹn. Nó ngây thơ tin rằng một khi ai đó đã xiêu lòng vì ta, thì họ sẽ mãi mãi ở lại. Cũng giống như một đứa trẻ vẫn đứng bên khung cửa, đợi mẹ về, hay như một chú chó săn, lang thang giữa khu rừng hoang, đau đáu kiếm tìm người chủ đã khuất, sủa vang trong vô vọng bên xác người thân yêu, đã từ lâu tan vào đất.

Chính phần tâm trí này là nơi tôn giáo bám rễ. "Người thiêng liêng của ta rồi sẽ quay lại", nó khăng khăng tin tưởng. Một nửa nhân loại mơ về ngày trở lại của đấng cứu thế; nửa còn lại, mong ngóng người yêu cũ.

Nhưng cuối cùng – không cần phải nói giảm nói tránh – lý trí cũng nhận ra rằng nếu cứ tiếp tục như thế này, cả hệ thống sẽ sụp đổ. Cả bộ não lẫn thân thể sẽ gục ngã. Thế là nó buộc phải ra tay can thiệp. Nó gióng lên hồi chuông cảnh báo, vang dội và quyết liệt. Nó ép ta phải đi du lịch để quên đi, hoặc tìm đến một bác sĩ tâm lý.

Có một câu ngạn ngữ Ả Rập rằng: Linh hồn di chuyển với tốc độ của một con lạc đà. Nói cách khác, sự khác biệt sâu xa nhất giữa lý trí và cảm xúc chính là tốc độ tiếp nhận sự thật. Lý trí hiểu ngay lập tức: ai đó đã chết, ai đó đã rời xa, ai đó đã không còn yêu ta nữa.

Nhưng cảm xúc thì không. Phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm sau khi lý trí chấp nhận sự thật, những nếp gấp bướng bỉnh của tâm hồn mới dần tiếp nhận nó. Sự phủ nhận không còn quá dữ dội. Những cơn dâng trào của nỗi nhớ vẫn còn, nhưng thưa dần và không kéo dài như trước. Sau một khoảng thời gian rất dài, dường như hai phần tâm trí đi đến một thỏa hiệp.

“Được thôi,” lý trí lên tiếng, “nếu cậu vẫn muốn tin vào họ thì cứ tin, nhưng trong lúc chờ đợi, ta có thể nhận lời ăn tối với ai đó khác được không? Hay ít nhất, thử mở một ứng dụng hẹn hò xem sao?”

Ở một mức độ nào đó, cảm xúc sẽ yêu mãi mãi. Nhưng rồi, sẽ có những điều khác chiếm lấy sự chú ý. Ký ức sẽ nhạt nhòa. Một ngày nào đó – may mắn thay – nó sẽ nghĩ đến một thứ khác. Và lý trí sẽ rút ra một bài học đắt giá: tình yêu là một lực hấp dẫn đầy mê hoặc, nhưng cũng có thể làm ta đau đớn và tổn thương theo cách mà chẳng điều gì khác trên đời có thể sánh bằng. 

Nguồn:  THE EX YOU CAN’T GET OVER | The School Of Life

menu
menu