Về việc chọn một người bạn đời "không hợp với xã hội"

Trong phần lớn chiều dài lịch sử nhân loại, việc chọn một người bạn đời "phù hợp về mặt xã hội" luôn là ưu tiên hàng đầu khi bước vào hôn nhân.
Suốt phần lớn chiều dài lịch sử loài người, việc chọn một người bạn đời “xứng đôi vừa lứa” theo chuẩn mực xã hội luôn là mối bận tâm hàng đầu khi bước vào hôn nhân. Một luật sư trẻ cần có một người phối ngẫu “đúng chuẩn”; con gái của một công tước cần một người bạn đời thuộc một tầng lớp nhất định — cũng như vị bác sĩ đầy tham vọng mới vào nghề, nhà thơ được mến mộ hay nhà toán học kiệt xuất. Ngoại hình, cung cách ứng xử của người bạn đời tại những buổi tiệc chiêu đãi long trọng, đám cưới của họ hàng hay các sự kiện nghề nghiệp đều là yếu tố nặng ký trong lựa chọn của mỗi người. Không ít mối lương duyên đầy cảm xúc đã bị gạt bỏ chỉ vì người kia “không hòa nhập được.”
Ngày nay, chúng ta dè dặt hơn với những nỗi bận tâm như thế. Ta thích tin rằng không điều gì thuộc về địa vị xã hội có thể ngăn ta cam kết với một người. Tư tưởng Lãng mạn hiện đại đề cao trái tim hơn là vòng tròn xã hội. Ai quan tâm nếu người ấy chẳng hiểu gì về âm nhạc mà bạn bè ta yêu thích? Có hề chi nếu họ chưa từng đọc một cuốn sách nào? Hay ngược lại, suốt ngày vùi mình trong sách? Ăn mặc như một người nông dân? Hay như một chủ ngân hàng? Chẳng lẽ ai đó lại để bụng chuyện người ấy không có tiền — hay quá nhiều tiền? Ai lại bận tâm nếu người yêu của ta là một thợ máy, hay một bác sĩ giải phẫu thần kinh? Mới tốt nghiệp đại học? Hay đã lĩnh lương hưu? Ta không còn nghĩ như ông bà cố của mình nữa...
Hình ảnh: Francis Bacon và George Dyer
Nhưng, đôi khi, trong một góc thầm kín nào đó của tâm trí, ta vẫn nghĩ như thế. Và thật không công bằng nếu cho rằng những nỗi băn khoăn ấy lẽ ra phải biến mất ở thời đại chúng ta. Bởi ta là giống loài sống theo bầy đàn, bộ não của ta được lập trình để bận tâm đến ánh nhìn của tập thể, và không dễ dàng gì để bước vào một bữa tiệc mà vô tư nói: “Đây là người yêu của tôi,” khi người ấy — giả dụ thôi — là người duy nhất mặc áo cardigan, chưa từng đọc một dòng phân tâm học nào, lớn lên trong một căn hộ trọ rẻ tiền, từng học ở Harvard, có nhà ở Beverly Hills, yêu nhạc Chopin hay mê ban nhạc điện tử Kraftwerk.
Nhìn lại lịch sử, ta thấy có những con người dường như — một cách kỳ diệu — không mấy bận tâm như chúng ta. Họa sĩ Francis Bacon từng thường xuyên đưa người yêu George Dyer đến những bữa tiệc tối ở các dinh thự sang trọng bậc nhất London; Dyer là một kẻ buôn ma túy và trộm vặt, sở hữu mái tóc tuyệt đẹp, một chiếc mô tô Mỹ gầm rú và vô số mối liên hệ ngầm. Bacon hay đùa với các bà chủ nhà: “Sau bữa tối, ta có thể phải lục soát cậu ấy xem có lấy mất bộ dao nĩa bạc không đấy.” Lại có danh họa Henri Matisse, người thuộc tầng lớp trí thức cấp tiến, nhưng lại kết hôn với Amélie Noellie Parayre — một thợ làm mũ không được học hành, chẳng mấy quan tâm đến nghệ thuật, chỉ thích làm vườn và trò chuyện với chồng về đua ngựa và các món cá. Hay trong thế kỷ 19, ta nhớ đến nữ văn sĩ danh tiếng George Sand, người từng có mối quan hệ lâu dài với Alexandre Manceau — người thư ký kém bà 15 tuổi, một người đàn ông điển trai, khỏe khoắn, ít nói, không xuất sắc về tri thức hay xã hội, nhưng bà có thể chăm sóc như một đứa trẻ, và với anh, bà đã có một tình yêu nồng nàn, mãn nguyện cả về thể xác lẫn tâm hồn.
Điều giúp những con người ấy vững tin ở lựa chọn của mình không hẳn là do bản tính nghệ sĩ phóng túng hay sự tự tin bẩm sinh như ta vẫn tưởng. Thực ra, họ có một nhận thức rõ ràng và hữu ích hơn nhiều. Họ hiểu rằng tình yêu là một chức năng chuyên biệt chứ không phải một kỹ năng tổng quát, điều đó có nghĩa là một người tình lý tưởng không cần — và không thể — phù hợp với mọi mặt trong đời sống ta. Càng yêu cầu cụ thể về điều ta muốn từ một người bạn đời, ta càng ít kỳ vọng họ phải tỏa sáng trong mọi hoàn cảnh.
Francis Bacon chẳng mảy may quan tâm liệu George Dyer có biết dùng nĩa đúng cách trên bàn tiệc hay không, vì ông biết rất rõ mình tìm kiếm điều gì nơi người bạn đời. Ông đã có bạn bè giới học thuật, quý tộc, chính trị gia, thương nhân để cùng dự tiệc hay bàn chuyện thế sự. Điều ông cần ở một người yêu là ai đó có thể cùng ông lăn lộn trên giường và cùng lang thang đến những quán rượu lụp xụp. Và nếu điều đó diễn ra êm đẹp, thì những hiểu biết của Dyer về giá nhà ở Kensington hay tương lai của lãi suất là hoàn toàn vô nghĩa. Tương tự, George Sand hiểu rõ điều bà tìm kiếm nơi một người tình không phải là thêm một kẻ có thể chuyện trò với công tước hay đô đốc về chính sách thuộc địa của nước Pháp, mà là một người cho bà cơ hội được yêu thương và che chở.
Nếu ta giới thiệu nha sĩ, bác sĩ xương khớp, chuyên gia CNTT hay kế toán của mình với bạn bè, thì ai cũng hiểu rằng những người ấy không cần phải “hòa nhập” theo cách thông thường. Họ có mặt trong đời ta để làm một việc cụ thể, và điều đó giúp họ không phải lo lắng về chuyện nghe đúng bản nhạc hay biết cách chuyền đĩa bơ sang trái.
Và ta nên nghĩ về nhu cầu tình yêu của mình cũng bằng chính cách nhìn chuyên biệt ấy. Dù ta từng ngỡ rằng mình là người “đa năng”, nhưng sự thật là không phải vậy. Dù chưa thực sự gọi tên được, ta cũng có những nhu cầu rất riêng biệt nơi người bạn đời. Một người yêu lý tưởng không phải là người biểu diễn tốt trên mọi sân khấu, mà là người có thể cùng ta đồng hành một cách thiện chí và tinh tế vào những phần lõi trong đời sống của ta — điều đó cũng có nghĩa là họ có thể sẽ vụng về khi dự tiệc trong lâu đài hay lạc lõng nơi hộp đêm. Ta càng thấu hiểu bản thân và điều mình cần, ta càng ít bị ảnh hưởng bởi những ấn tượng mà người yêu ta tạo ra nơi người ngoài.
Chìa khóa để có thể đưa ra những lựa chọn tình yêu độc lập không nằm ở sự tự tin — mà ở sự hiểu mình.
Nguồn: ON PICKING A SOCIALLY UNSUITABLE PARTNER | The School of life