4 dạng mất mát ít ai nói với bạn

4-dang-mat-mat-it-ai-noi-voi-ban

Đã bao giờ bạn thấy mình đang đau buồn, dù không có ai ra đi mãi mãi?

Từ “tang thương” lâu nay vẫn được hiểu gắn liền với cái chết. Nhưng cách hiểu ấy quá hẹp để có thể ôm trọn những nỗi mất mát mà con người có thể trải qua trong suốt hành trình làm người. Có những niềm đau chẳng liên quan gì đến cái chết, nhưng vẫn khiến lòng ta chao đảo, tan vỡ. Dưới đây là bốn dạng đau buồn không xuất phát từ sự ra đi của một sinh mệnh, nhưng vẫn đáng được gọi tên là nỗi đau mất mát.

1. Mất đi bản ngã: Khi một vai trò hay sự gắn bó không còn nữa

Ví dụ:

  • Người vừa ly hôn bỗng chơi vơi vì không còn là “vợ” hay “chồng” như xưa.
  • Người phụ nữ vượt qua ung thư vú mang theo nỗi buồn thầm lặng vì đánh mất cảm giác nữ tính sau ca phẫu thuật cắt bỏ ngực.
  • Bậc cha mẹ có con trưởng thành rời tổ cảm thấy hụt hẫng vì vai trò làm cha mẹ theo cách gần gũi nhất đã khép lại.
  • Người bị mất việc hay chuyển hướng sự nghiệp tiếc nuối bản sắc cũ của mình.
  • Người rời bỏ một tôn giáo từng gắn bó cảm thấy trống trải vì mất đi cộng đồng từng thân quen.

Mỗi khi ta đánh mất một phần quan trọng trong cách định nghĩa chính mình, ta đang than khóc cho một cái “tôi” từng tồn tại. Việc đau buồn cho phần bản ngã đã mất là bước đầu để dần dần viết lại câu chuyện đời mình, để phần mất ấy hòa vào mạch sống mới. Có lúc, danh tính ấy như bị cướp mất khỏi tay ta, như người bị phản bội trong hôn nhân, hay người chiến đấu với bệnh tật, khiến nỗi đau càng sâu vì không được lựa chọn. Nhưng cũng có khi, ta chủ động buông bỏ, như chuyển nghề hay rời xa một tín ngưỡng, thế nhưng điều đó không khiến việc mất mát dễ dàng hơn. Trái lại, ta có thể hoang mang vì chính mình là người đã nói lời chia tay, và tự hỏi liệu mình có được “quyền” đau buồn không.

2. Mất đi cảm giác an toàn: Khi sự bình yên về thể chất, tinh thần và cảm xúc không còn nữa

Ví dụ:

  • Người sống sót sau bạo hành thể xác, tinh thần hay tình dục, phải vật lộn để cảm thấy an toàn trong cuộc sống thường nhật.
  • Gia đình bị đuổi khỏi nhà, sống bấp bênh, luôn thấy thiếu chốn nương thân.
  • Trẻ em trong gia đình ly tán, dù chưa biết diễn đạt bằng lời, vẫn âm thầm đau buồn vì không còn một mái ấm trọn vẹn.
  • Cộng đồng từng hứng chịu bạo lực, giờ đây mất cảm giác an toàn và ổn định.
  • Người phát hiện bạn đời ngoại tình, bất chợt cảm thấy lạc lõng, không còn được chở che trong tình yêu.

Chúng ta vốn mặc định rằng nhà là nơi bình yên, người thân là chỗ dựa, cộng đồng là điểm tựa vững vàng. Khi cảm giác an toàn ấy bị xóa bỏ, dù là do một vụ trộm, một cuộc phản bội, hay một cú sốc bất kỳ, thế giới bỗng trở nên chông chênh, xa lạ. Có người trở nên cảnh giác quá mức, dù xung quanh chẳng có nguy hiểm rõ ràng. Có người thì tê liệt cảm xúc. Nhiều người mang trong mình vết thương vô hình, cứ thế sống sót qua ngày, nhưng chưa từng thực sự hồi phục. Việc hàn gắn chẳng thể chỉ là chữa lành vết đau, mà còn là hành trình tiếc thương cho một thế giới từng là nơi an toàn và học cách xây dựng lại điều đó từ đầu.

Image: pathdoc/Shutterstock

3. Mất đi quyền tự chủ: Khi không còn khả năng tự điều khiển cuộc đời mình

Ví dụ:

  • Người mắc bệnh thoái hóa đau đáu tiếc nuối khi cơ thể hay trí nhớ dần rời xa mình.
  • Người cao tuổi không còn đủ sức chăm sóc bản thân, day dứt vì thấy mình không còn là phần đóng góp của xã hội.
  • Người rơi vào khó khăn tài chính buộc phải phụ thuộc vào người khác, mất đi cảm giác làm chủ cuộc sống.

Nỗi buồn này chạm đến phần sâu thẳm trong mỗi con người, nhu cầu được kiểm soát thân thể và số phận. Mỗi bước suy giảm về thể chất hay năng lực đều kéo theo một vết nứt trong cảm giác tự chủ, đôi khi cả trong bản sắc cá nhân. Người bệnh tật, người khuyết tật, người già yếu... đều phải liên tục nói lời tiễn biệt với những điều từng là hiển nhiên. Còn người vấp ngã tài chính có thể cảm thấy mình như bị tước đoạt lựa chọn, bế tắc, hoặc thất bại. Những mất mát ấy không chỉ cần vượt qua, mà còn cần được tiếc thương, để rồi từ đó, ta tự định nghĩa lại bản thân trong khuôn khổ mới của cuộc đời.

4. Mất đi giấc mơ và kỳ vọng: Khi điều ta từng hy vọng không thể trở thành hiện thực

Ví dụ:

  • Người hoặc cặp đôi không thể có con dù đã cố gắng nhiều năm.
  • Học sinh giỏi một thời lạc lõng khi bước vào đời thực, không tìm được chỗ đứng như kỳ vọng.
  • Người theo đuổi sự nghiệp nhưng kết quả không như mơ ước.
  • Người chứng kiến cộng đồng mình đổi thay theo hướng chính trị mà họ không mong đợi.

Đây là dạng mất mát gây nên cảm giác bối rối sâu sắc. Ai trong chúng ta mà chẳng từng mơ một viễn cảnh cho đời mình? Một hình dung về tương lai, một niềm tin vào cách thế giới vận hành. Khi cuộc đời đi chệch khỏi bản thiết kế ấy, ta dễ thấy đau lòng, thậm chí bất công. Người chờ mãi vẫn chưa có con, hay người trẻ không thể tìm được đường đi rõ ràng trong đời... có thể rơi vào cảm giác thất bại. Họ so sánh mình với người khác, rồi càng thêm tổn thương. Những chuyển biến xã hội, chính trị trái kỳ vọng cũng có thể khiến ta thấy mất phương hướng, như thể một mảnh ghép nào đó trong niềm tin bỗng dưng sụp đổ.

Trả lại cho chữ “đau buồn” vị trí đúng đắn của nó

Mất đi bản ngã, mất an toàn, mất quyền tự chủ, hay mất niềm hy vọng, tất cả đều là mất mát thật sự. Và vì thế, chúng xứng đáng được gọi là nỗi đau, là sự tang thương. Khi nhìn chúng qua lăng kính của nỗi đau mất mát, ta sẽ biết cách bước qua những chương đời hỗn loạn một cách dịu dàng, với lòng bao dung dành cho một người đang chịu tang. Người chịu tang xứng đáng nhận được sự cảm thông. Họ có quyền giận dữ, buồn bã, tê liệt, lạc hướng, và hồi phục theo cách riêng, không theo một lộ trình thẳng tắp nào cả.

Chữ “đau buồn” không chỉ nói đúng cảm xúc bên trong ta, mà còn hợp thức hóa hành trình đó, với chính mình và với người khác.

Và dù bạn đang đau buồn vì điều gì, một cái chết, hay không phải cái chết, bạn vẫn có quyền.

Tôi trao cho bạn sự cho phép ấy.

Bạn có quyền đau buồn.
Bạn có quyền để tang.
Nỗi mất mát ấy, là thật.

Nguồn: Psychology Today

menu
menu