4 Định luật cho thấy sự trớ trêu của cuộc sống và bài học được rút ra
Đã bao giờ bạn nghĩ những xui rủi trong cuộc sống của mình là một "định luật"?
Hay gặp xui xẻo vào những lúc tréo ngoe nhất, luôn mất nhiều thời gian hơn dự tính để hoàn thành kế hoạch, hoặc gặp “cú lừa” mặc dù thuộc tuýp người cảnh giác?
Trong cuộc sống, chúng ta không ít lần rơi vào tình huống ngặt nghèo. Và thật tức tối khi không có số liệu chứng minh rằng những rủi ro trên dễ gặp đến mức nào.
Nhưng mà sẽ ra sao nếu tồn tại một người đồng ý với vận đen của bạn, thậm chí phát biểu thành một “định luật”? Người ta gọi đây là “eponymous law” (tạm dịch: luật theo tên).
Hiểu nôm na đây là tổ hợp những định luật, nguyên lý và châm ngôn được đúc kết dựa trên kinh nghiệm sống, được đặt theo tên của người phát biểu chúng. Hãy cùng điểm qua những quy luật thường gặp:
1. Định luật Murphy
Phát biểu: Điều gì xấu có thể xảy ra, nó sẽ xảy ra.
Vì sao có định luật này: Trời mưa đúng hôm không mang áo mưa, shipper đến ngay lúc đang tắm, ngủ quên ngay ngày họp quan trọng - những sự cố hy hữu một khi đã xảy ra thì cứ thích lựa lúc bạn ít mong đợi nó nhất.
Murphy (kỹ sư trong lực lượng không quân Mỹ) đồng ý với bạn. Thực chất, ông đã thốt ra định luật này sau một sai sót hy hữu khi làm thí nghiệm cho các thượng cấp quan sát, dù những lần thử nghiệm trước đó đều thành công.
Điều gì xấu có thể xảy ra, nó sẽ xảy ra.
Học được gì từ Murphy: Dù từng bị coi là kết quả của việc chọn lọc ký ức (ta thường nhớ những thứ tiêu cực lâu hơn), nhưng những nỗ lực để chứng minh định luật Murphy sai đều thất bại. Trớ trêu thay, tình huống xấu luôn có xác suất xảy ra cao hơn.
Tuy có phần tiêu cực nhưng Murphy lại là nguyên tắc giá trị. Nó nhắc nhở ta tiên liệu và chuẩn bị tâm lý đối mặt với tình huống xấu nhất, bởi không gì căng thẳng hơn là khi mọi việc mất kiểm soát.
Ngoài ra, nó giúp ta đề ra biện pháp để khắc phục, giảm bớt hoặc ứng phó với tình huống xấu đã tiên liệu. Như Murphy đã điều chỉnh lại sản phẩm của mình để loại trừ khả năng trường hợp xấu xảy ra.
Cuối cùng, việc chăm chăm vào một lộ trình vạch sẵn không phải lúc nào cũng tốt, bởi “sẽ luôn có gì đó sai”. Trong quá trình làm việc, chúng ta cần liên tục đánh giá hiện tại, cẩn trọng với tương lai và linh hoạt ứng biến giữa “dòng đời vạn biến”.
2. Định luật Hofstadter
Phát biểu: Chuyện gì rồi cũng sẽ mất nhiều thời gian hơn bạn dự tính, dù bạn đã tính đến cả Định luật Hofstadter này.
Vì sao có định luật này: Nếu bạn đã từng nhỡ deadline, đến muộn một cuộc hẹn dù đã tính trước tính sau thì bạn không phải là người duy nhất. Luôn tồn tại những yếu tố ngoại lai mà bạn không thể nào lường trước được, chẳng hạn như máy tính hư hoặc tài xế grab không nhận chuyến. Thậm chí, nhà hát con sò nổi tiếng ở Sydney còn hoàn thành muộn hơn dự kiến tận 10 năm.
Chuyện gì rồi cũng sẽ mất nhiều thời gian hơn bạn dự tính, dù bạn đã tính đến cả Định luật Hofstadter này.
Học được gì từ Hofstadter: Dựa theo định luật này thì tinh thần lạc quan khi lập kế hoạch không hẳn là tốt. Đặc biệt nếu hậu quả là cái giá bạn không sẵn sàng trả trong trường hợp sai sót xảy ra ở phút chót.
Bạn bè có thể thông cảm nếu bạn trễ hẹn, nhưng nợ môn chỉ vì máy tính hư vào phút thứ 89 thì công sức làm bài coi như “đổ sông đổ bể”. Vì vậy, đối với những gì quan trọng hoặc không có khả năng gia hạn (như đi máy bay) thì đừng tính “sát nút”.
Trong những dự án dài hơi, bạn có thể tìm hiểu về những nguyên nhân sâu xa của việc mình luôn mất thời gian hơn dự tính nhằm hạn chế sai số khi lập kế hoạch.
3. Định luật Brandolini
Phát biểu: Năng lượng cần thiết để bác bỏ lời nói dối còn lớn hơn năng lượng để tạo ra nó.
Vì sao có định luật này: Hãy tưởng tượng toàn bộ công sức mà bạn cần để bác bỏ một tin giả mà ai đó đăng trên Facebook. Các bước này sẽ bao gồm:
- Kiểm tra tài khoản: Đây có phải là tài khoản ảo không?
- Kiểm tra nguồn tin: Người đăng tải lấy tin từ nguồn nào? Có chính thống không?
- Đối chiếu bài đăng với nguồn tin: Thông tin được đăng có trùng khớp với thông tin trong nguồn hay không? Có những trường hợp “nguồn một đằng mà bài đăng một nẻo”.
- Đối chiếu các nguồn tin với nhau: Đã có những bên khác đăng tải thông tin tương tự hay chưa? Có khả năng thông tin sai lệch từ nguồn.
Năng lượng cần thiết để bác bỏ lời nói dối còn lớn hơn năng lượng để tạo ra nó.
Học được gì từ Brandolini: Như đã thấy, một người cần làm khá nhiều thứ để đến được với sự thật. Và với lượng thông tin khổng lồ mỗi ngày, không phải ai cũng đủ trí lực để kiểm tra lại từng tin một.
Tuy nhiên, nếu không tránh được việc bị lừa thì chúng ta cũng nên tránh việc bị lừa 2 lần bởi cùng một mô típ. Bạn có thể học cách nắm được mẫu số chung những kiểu tin giả hay gặp và cách phân biệt thật giả, ít nhất là trước khi bạn chọn chia sẻ thông tin.
4. Nguyên lý Peter
Phát biểu: Trong một tổ chức, nhân viên sẽ được thăng chức đến cấp bậc mà họ không đủ năng lực.
Vì sao có định luật này: Hiện tượng này không bắt nguồn từ độ khó của công việc ở cấp bậc cao hay người được thăng chức thường là kẻ kém cỏi.
Thực chất, chức vụ cao thường đòi hỏi những kỹ năng mà một người có thể không sở hữu hay chưa được trau dồi. Chẳng hạn một công nhân nhà máy có thâm niên được đề bạt lên chức quản lý, vị trí mà những kỹ năng chuyên môn trước đó sẽ ít được sử dụng. Thay vào đó họ cần có những kiến thức khác, ví dụ như khả năng điều phối nhân sự.
Trong một tổ chức, nhân viên sẽ được thăng chức đến cấp bậc mà họ không đủ năng lực.
Học được gì từ Peter: Các công ty biết về định luật Peter và thường cố gắng để tránh nó. Đó là lý do mà thâm niên và nỗ lực không phải là yếu tố duy nhất mà các tổ chức cân nhắc khi đề bạt nhân viên lên cấp quản lý. Bên cạnh đó, nhân viên này cần phải thể hiện phẩm chất và kỹ năng của một người dẫn dắt.
Nguồn: Vietcetera