Những tình bạn độc hại
Theo các nhà tâm lý học, những mối quan hệ "vừa yêu vừa ghét" có thể còn khiến chúng ta căng thẳng hơn là ở bên những người mình hoàn toàn không ưa.
Roger và Jim là bạn bè đã hơn 30 năm. Tình bạn của cả hai được hun đúc từ khoảng thời gian tham gia một ban nhạc khi còn trẻ, cùng chia sẻ tình yêu với âm nhạc và bia.
Ngay cả bây giờ, dù vướng chuyện gia đình, đôi bạn đều xoay xở để gặp nhau vài tháng một lần. "Chúng tôi vẫn vậy, dù anh ta khiến tôi phát điên lên", Roger (50 tuổi, sống tại West Midlands, Anh) nói với The Guardian.
Chính Jim là người xuất hiện trong tâm trí Roger khi nghĩ đến cụm từ "tình bạn độc hại". Theo ông, mỗi lần gặp mặt, nội dung cuộc trò chuyện cứ lặp lại vì Jim không bao giờ nghe ông nói.
Roger chưa bao giờ nói với Jim cảm giác của mình. Tuy nhiên, ông không nghĩ sẽ "nghỉ chơi" với người bạn này chỉ vì một vài điều khó chịu.
Vừa yêu vừa ghét
Một "người bạn độc hại" nghe có vẻ trái ngược. Không giống gia đình hay đồng nghiệp thường gắn với nghĩa vụ duy trì sự kết nối, hầu hết mối quan hệ bạn bè đều là do chúng ta lựa chọn làm vậy.
Julianne Holt-Lunstad, giáo sư tâm lý học và khoa học thần kinh tại Đại học Brigham Young ở Utah, cho biết gần như mọi người đều có người quen nào đó khiến họ cảm thấy yêu ghét lẫn lộn.
Sophie, ngoài 20 tuổi, sống tại London (Anh), từng có một người bạn cùng trường như vậy.
"Tôi cảm thấy rất mệt mỏi, kinh khủng khi chúng tôi cùng đi chơi và tôi phải mất một thời gian dài để biết được chắc chắn lý do. Cô ấy thường viết trạng thái móc mỉa tôi trên mạng xã hội, hay nói về việc cô ấy ghét màu son đỏ như thế nào trong khi hôm ấy tôi tô màu đó".
Trong những trường hợp người bạn đó thể hiện rõ sự xấu tính hoặc thô lỗ, Sophie sẽ nói thẳng cảm nhận của mình. "Nhưng rồi sau đó, cô ấy lại nói rằng tôi quá nhạy cảm", cô nhớ lại.
Câu hỏi đặt ra là: tại sao chúng ta vẫn cứ duy trì những tình bạn đem lại cho bản thân cảm xúc lẫn lộn, hoặc thậm chí đôi khi đối phương chủ động làm ta cảm thấy tồi tệ?
Robin Dunbar, giáo sư về tâm lý học tiến hóa tại Đại học Oxford, cho biết chúng ta chỉ có thể duy trì tổng cộng 150 tình bạn, nhưng không dành cho tất cả sự thân thiết hay thời gian như nhau. Nghiên cứu của ông chỉ ra rằng 60% nỗ lực quan tâm của chúng ta chỉ dành cho khoảng 15 người, 40% dành cho 5 người quan trọng nhất.
Sophie và bạn cuối cùng cũng dần xa cách, với sự chủ động của Sophie.
"Tôi đã không gặp cô ấy trong nhiều năm. Thi thoảng, người bạn đó nhắn tin cho tôi trên Instagram nhưng tôi luôn phớt lờ".
Tuy nhiên, nhiều người vẫn chọn duy trì mối quan hệ, chỉ là giảm tần suất hoặc cơ hội gặp gỡ. Đặt câu hỏi về điều này, giáo sư Julianne cho rằng có thể một số người bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài, ví dụ sống gần những người bạn đó hoặc có nhiều bạn chung. Song, bà rất ngạc nhiên khi biết chủ yếu vẫn là do tự bản thân những người đó quyết định làm vậy.
"Có thể là họ đã đầu tư rất nhiều vào mối quan hệ đó", bà nhận định.
Đối với nhiều người, có những tình bạn bắt đầu từ thời đi học. Giáo sư Robin cho biết một số tình bạn thân thiết được hình thành trong độ tuổi 15-25 có xu hướng bền chặt hơn theo thời gian vì sự gắn kết mạnh mẽ ở độ tuổi đó.
"Cũng có thể bạn thấy rằng bản thân và người bạn đó đã cùng trau trải qua nhiều thăng trầm, chia sẻ nhiều kỷ niệm nên phải có trách nhiệm với mối quan hệ đó dù hai người đã trở nên xa cách", giáo sư nói.
"Ngoài ra, những kỷ niệm tốt đẹp vẫn luôn để lại sức ảnh hưởng lớn hơn những khi tồi tệ. Bạn sẽ gắn bó với người đó vì những điểm tốt đẹp của họ".
Tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Miriam Kirmayer cho biết “tình bạn độc hại” thường chỉ ra rằng một mối quan hệ đang gặp thách thức. Ví dụ, đã có sự phản bội niềm tin hoặc sự quan tâm dành cho mối quan hệ đó không còn cân bằng.
Theo tiến sĩ Miriam, trọng tâm của điều này là mọi người cần tự suy ngẫm, để xem điều gì đang làm mỗi người bận lòng và quyết định nên nói rõ ràng với bạn mình, tìm ra điểm chung hay tập trung vào những mặt tích cực của đối phương, tìm cách quản lý xung đột.
Theo Zing