Nghiện kỹ thuật số đang nhấn chìm chúng ta trong Dopamine   

nghien-ky-thuat-so-dang-nhan-chim-chung-ta-trong-dopamine   

Tỷ lệ trầm cảm và lo lắng gia tăng ở các quốc gia giàu có như Hoa Kỳ có thể là do não bộ của chúng ta bị cuốn vào chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến khoái lạc.

Một bệnh nhân của tôi, là chàng trai trẻ khôi ngô, sáng sủa mới hơn 20 tuổi, đến gặp tôi vì chứng lo âu và trầm cảm gây suy nhược cơ thể. Cậu đã bỏ học đại học và hiện đang sống cùng bố mẹ. Cậu từng nghĩ tới việc tự sát. Hầu như ngày nào cậu cũng chơi điện tử và chơi đến tận đêm khuya.

20 năm trước, việc đầu tiên mà tôi làm cho bệnh nhân như thế này là kê ngay thuốc chống trầm cảm. Còn ngày nay, tôi đã khuyến nghị một cách hoàn toàn khác: nhịn dopamine. Tôi đề nghị cậu ấy tránh xa tất cả các thể loại màn hình, bao gồm videogame, trong vòng một tháng.

Trong suốt quá trình hành nghề bác sĩ tâm thần, tôi đã chứng kiến ngày càng nhiều bệnh nhân bị lo âu và trầm cảm, bao gồm cả những người trẻ khỏe, được sống trong gia đình yêu thương, được hưởng nền giáo dục tốt và tương đối giàu có. Vấn đề của họ không phải là sang chấn tâm lý, lệch lạc xã hội hay đói nghèo. Mà vấn đề ở chỗ quá nhiều dopamine, một hóa chất được sản xuất trong não bộ, có chức năng như một chất dẫn truyền thần kinh, gắn liền với những cảm giác vui vẻ, khoái lạc và phần thưởng.

Khi chúng ta làm những việc mà ta thích—như với bệnh nhân của tôi là chơi videogame—thì não bộ tiết ra một chút dopamine và chúng ta cảm thấy vui. Nhưng một trong những khám phá quan trọng nhất trong lĩnh vực khoa học thần kinh trong 75 năm qua đó là khoái lạc và đau đớn được xử lý ở cùng những vùng não bộ và não bộ cố gắng hết sức để giữ cho chúng ở trạng thái cân bằng. Bất cứ khi nào nó nghiêng theo một hướng thì não bộ sẽ tìm cách khôi phục lại sự cân bằng, cái mà các nhà khoa học thần kinh gọi là homeostasis (cân bằng nội môi), bằng cách nghiêng về hướng khác.

Ngay khi dopamine được tiết ra, não bộ sẽ thích ứng với điều này bằng cách giảm bớt số lượng các thụ thể dopamine được kích thích. Điều này làm cho não bộ bình tĩnh lại bằng cách nghiêng về phía nỗi đau, đó là lý do tại sao khoái lạc thường đi cùng với cảm giác nôn nao hoặc sa sút. Nếu chúng ta có thể đợi đủ lâu thì cảm giác đó sẽ trôi qua và trạng thái trung tính được lập lại. Nhưng có một xu hướng tự nhiên để chống lại nó bằng cách quay trở lại với nguồn khoái lạc khác.

Đọc thêm loạt bài viết liên quan:

Khoa học thần kinh về Khoái lạc ở đây

Theo đuổi hạnh phúc: Tại sao nỗi đau giúp chúng ta cảm thấy vui thích ở đây

Nguồn: 

https://www.wsj.com/articles/digital-addictions-are-drowning-us-in-dopamine-11628861572

menu
menu