Khoa học thần kinh về Khoái lạc
Khoái lạc không chỉ là một cảm giác hay một ý nghĩ, mà là một cách trải nghiệm về thế giới cảm giác.
Giải phẫu thần kinh của khoái lạc có thể dạy cho chúng ta điều gì về trạng thái hân hoan như hoa nở bừng ở con người?
Những điểm chính
- Khoái lạc không chỉ là một cảm giác hay một ý nghĩ, mà là một cách trải nghiệm về thế giới cảm giác.
- Khoái lạc hoạt động thông qua một chu kỳ gồm 3 giai đoạn: muốn, thích và học hỏi.
- Khoái lạc đóng vai trò quan trọng đối với hạnh phúc, nhưng một cuộc đời viên mãn thì bao gồm nhiều thứ chứ không phải chỉ có mỗi khoái lạc, chẳng hạn như tham gia vào các hoạt động ý nghĩa.
Nhiều thế kỷ sau khi các triết gia vĩ đại nhất thế giới suy ngẫm về bí mật của một cuộc đời tốt đẹp, khoa học hiện đại đã đạt được những tiến bộ liên ngành to lớn trong hiểu biết về trạng thái hân hoan như hoa nở bừng (flourishing) ở con người.
Đối với nhà khoa học thần kinh trường Oxford, Morten Kringelbach, điều này có nghĩa là đi thẳng vào nguồn gốc—não bộ. Trong 2 thập kỷ, Kringelbach đã mời những người tham gia vào trong máy quét hình ảnh não để xem xét điều gì xảy ra trong não bộ khi họ trải nghiệm khoái lạc—một trong những yếu tố cấu thành hạnh phúc được con người yêu thích nhất.
Hiện giờ, ông ấy đã nghiên cứu về giải phẫu thần kinh của đa số khoái lạc—thức ăn, ma túy, âm nhạc, ngắm nhìn đứa bé dễ thương. Thậm chí là tình dục, bất chấp những thách thức hiển nhiên.
Hóa ra chúng ta có thể học hỏi được nhiều điều về thân phận con người qua việc nghiên cứu về khoái lạc trong não bộ. Ví dụ, các nhà khoa học thần kinh có thể tạo ra các sơ đồ, hay mô hình não bộ về hoạt động thần kinh cơ bản của những vùng não khác nhau ở nhiều trạng thái khác nhau, khi hàng tỷ tế bào thần kinh và tế bào thần kinh đệm giao tiếp với nhau. Đến lượt những kiến thức này có thể được áp dụng vào việc điều trị các tình trạng ảnh hưởng đến hoạt động của mạch khoái lạc, bao gồm các chứng rối loạn tâm thần kinh và nghiện ngập. Cuối cùng, việc làm sáng tỏ các cơ chế não bộ liên quan đến sự trải nghiệm khoái lạc, hạnh phúc và những trạng thái ý nghĩa khác nhau có thể chỉ ra ý nghĩa thực sự của trạng thái hân hoan, và giúp con người trải nghiệm được trạng thái này nhiều hơn. Nhiệm vụ này là động lực định hướng cho nghiên cứu của Morten Kringelbach. Theo lời ông, đây là những điều mà ông ấy muốn chia sẻ về giải phẫu thần kinh của khoái lạc.
Khoái lạc không chỉ là một cảm giác
Khoái lạc là một cách trải nghiệm về thế giới cảm giác. Khi bạn nhìn, nghe, ngửi hoặc nếm thứ gì đó mà bạn cho là dễ chịu, vừa ý thì thông tin đi qua vỏ não cảm giác của não bộ. Nhưng đó không phải là nơi mã hóa khoái lạc. Nhờ sự tham gia của nhiều vùng não khác nhau, nó là thứ được thêm vào sau này như một vẻ hào nhoáng bề ngoài của khoái lạc (hedonic gloss).
Như vậy, khoái lạc không chỉ đơn thuần là một cảm giác hay một ý nghĩ. Điều quan trọng là, khoái lạc bao gồm các chu kỳ của muốn, thích và học hỏi. Một cuộc sống tốt đẹp dựa vào một hệ thống não bộ có thể trải qua chu kỳ của những thay đổi này một cách có trật tự. Ngoài việc có nhiều khoái lạc khác nhau, lời khuyên của tôi là hãy chia sẻ lạc thú của bạn với người khác.
Điều gì xảy ra trong não bộ khi bạn trải nghiệm khoái lạc?
Nếu bạn là người thích uống cafe thì hãy xem chuyện gì diễn ra khi bạn uống cafe buổi sáng.
Chu kỳ khoái lạc bắt đầu ngay cả trước khi bạn uống ngụm cafe đầu tiên. Nó bắt đầu với sự kỳ vọng và mong đợi về sự việc. Cho đến hiện tại, vẫn chưa có thông tin nào (ví dụ, thị giác, khướu giác, vị giác) đi vào các giác quan của bạn. Tuy nhiên, bạn biết rằng cafe đang ở chỗ đó, và dựa trên kinh nghiệm trước đây của bạn, bạn có một MONG MUỐN.
Trong giai đoạn mong muốn này, một phần lớn của não bộ đang cố gắng tìm cách để đạt được mục tiêu. Dường như não bộ đang muốn nói với bạn rằng có thứ gì đó quan trọng trong môi trường mà bạn cần chú ý tới. Thời gian trôi qua, và bạn sẽ ngày càng được thúc đẩy để chú ý đến nó, cho đến khi bạn đứng dậy và pha cho mình một tách cafe. Một khi các trải nghiệm giác quan của việc nhìn, ngửi và nếm tác động, các điểm nóng khoái cảm trong não của bạn sẽ kích hoạt và niềm vui tăng cường. Bây giờ bạn đang trong giai đoạn thích.
Khi bạn uống cafe, những kỳ vọng của bạn liên tục được cập nhật. Giai đoạn học hỏi liên quan đến việc thỏa mãn những kỳ vọng của bạn. Khi sự cố xảy ra và kỳ vọng của bạn chưa được đáp ứng (ví dụ, khi càfe có vị dở), đó là một rào cản của khoái lạc. Nếu mạng lưới hoạt động trơn tru thì ít lâu sau bạn sẽ thấy thỏa mãn. Bộ não sẽ học hỏi từ trải nghiệm của bạn bằng cách cập nhật các liên kết và đưa ra các dự đoán trong tương lai. Sau đó chu kỳ sẽ dừng lại và bạn sẽ tiếp tục chuyển sang những việc khác.
Khi chu kỳ khoái lạc gặp trục trặc: nghiện ngập và anhedonia (mất khả năng cảm nhận niềm vui)
Thay vì trải qua chu kỳ muốn—thích—học hỏi, nơi mọi thứ giảm dần một cách tự nhiên và một người có thể tiếp tục với cuộc sống trong ngày của mình, thì những người nghiện ngập lại bị mắc kẹt trong một vòng lặp lại. Chẳng hạn, họ có thể có động lực thúc đẩy một cách cực đoan (muốn) mà không có phần thưởng (thích) và cứ tiếp tục quay lại với MONG MUỐN, vì dường như điều đó vẫn chưa đủ để cho phép họ chuyển sang giai đoạn thưởng thức và thỏa mãn.
Anhedonia—tình trạng mà một người không còn cảm nhận được khoái lạc và niềm vui nữa—là một triệu chứng chính của các chứng rối loạn tâm thần kinh. Ví dụ, một người trầm cảm có thể vẫn còn động lực để đi uống cafe, nhưng khi họ làm thế, họ có thể không còn cảm nhận được niềm vui từ chuyện này. Điều này có thể làm cho mọi thứ thậm chí còn tồi tệ hơn, vì họ có thể cảm thấy lẽ ra mình nên thấy vui, nhưng thực tế lại không.
Bên trong phòng máy của khoái lạc
Cấu trúc liên kết của mạng lưới khoái lạc của não bộ trong nhân cạp (nucleus accumbens (NAc)) và hạch nền ventral pallidum (VP) có màu đỏ.
Nguồn: Morten Kringelbach. Adapted with permission (Berridge & Kringelbach, 2015)
Vỏ não trán ổ mắt (orbitofrontal cortex), phần não bộ nằm đằng sau nhãn cầu của chúng ta, là vai chính trong phòng máy của khoái lạc. Những vùng khác, bao gồm nhân cạp (nucleus accumbens) và hạch nền (ventral pallidum), cũng rất quan trọng. Nếu chúng ta cắt bỏ những vùng đó khỏi não bộ của chuột thì chúng sẽ không còn thể hiện phản ứng vui sướng bằng miệng khi chúng được cho uống nước ngọt. Kiểu như một hệ thống bỏ phiếu, tất cả các khu vực này cần phải tương tác với nhau để chúng ta cảm nhận được khoái lạc. May mắn thay, hệ thống được cấu thành từ nhiều phần, vì vậy mà khi một khu vực gặp trục trặc thì những khu vực khác có thể phối hợp với nhau để bù đắp.
Khi chu kỳ khoái lạc hoạt động, các nơ-ron thần kinh của những vùng này bắt đầu “nói chuyện” với nhau theo cách đồng bộ hóa và mất đồng bộ. Các tín hiệu điện chuyển sang tín hiệu hóa học tại điểm nối thần kinh, trước khi trở lại thành tín hiệu điện và rồi lại tiếp tục. Đó là một cảnh quan năng động, với vô số tuyến đường mà các tín hiệu đi qua. Thứ tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển động liên tục này là các chất dẫn truyền thần kinh tại các điểm nối thần kinh. Chúng làm cho tín hiệu đi qua các vùng khác nhau trở nên dễ dàng hơn hoặc khó hơn. Ví dụ, trong lúc đạt cực khoái, vì chất dẫn truyền thần kinh được tiết ra, đột nhiên các tín hiệu di chuyển giữa vỏ não trán ổ mắt và những vùng khác trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, mà thông thường giữa hai vùng này có thể không được liên kết trực tiếp.
Nhiều hương vị của khoái lạc
Bộ não giống như một cỗ máy hoạt động liên tục. Có nhiều con đường có thể châm ngòi cho nó. Một số là khoái lạc hedonic (liên quan đến lạc thú và ảnh hưởng tích cực), như cafe hay quan hệ tình dục. Những con đường khác thì mang tính eudaimonic hơn (liên quan đến tính ý nghĩa, dấn thân và phát triển năng khiếu của bản thân), như làm thiện nguyện hoặc bày tỏ lòng biết ơn. Thường thì, những hoạt động eudaimonic không mang lại khoái lạc rõ ràng ngay lúc đó. Trên thực tế, chúng thậm chí còn mang lại cảm giác khó khăn, chật vật nữa cơ. Chỉ sau đó, khi chúng ta nhìn lại và coi trải nghiệm đó là đầy ý nghĩa thì ta mới có thể suy ra lạc thú từ chúng. Điều quan trọng là, tất cả những trải nghiệm này—cho dù chúng là những khoái lạc “thấp kém” hay “cao quý”—được phục vụ bởi cùng một hệ thống và có chung một “loại tiền tệ thần kinh.”
Khoái lạc và Đau đớn có liên hệ chặt chẽ với nhau
Một trong những khám phá hấp dẫn nhất trong khoa học thần kinh đó là mối liên kết chặt chẽ giữa đau đớn và khoái lạc. Hãy xem ví dụ về chứng đau chi ảo (phantom limb pain), ban đầu được báo cáo bởi khoảng 80% những người phải phẫu thuật cắt cụt chi. Theo thời gian, khoảng 10-25% bệnh nhân, cơn đau chi ảo có thể dẫn đến cơn đau mãn tính, rất khó điều trị.
Khi các bác sĩ phẫu thuật thần kinh cấy điện cực và thực hiện kích thích não sâu ở những bệnh nhân này với tần số 20 Hz (vùng nhắm mục tiêu nhận được 20 xung điện mỗi giây), các bệnh nhân báo cáo rằng cơn đau của họ gần như ngay lập tức thuyên giảm. Nhưng khi chúng ta kích thích các vùng tương tương tự đó với tần số 50 hoặc 100 Hz, thì cơn đau trở nên dữ dội hơn. Cùng một mạng lưới đó đã mang lại cho họ sự giải tỏa đau đớn (khoái lạc) và sự đau đớn tột cùng. Cũng chính hệ thống đó đã tham gia tương tác khi cơn đau dữ dội xảy ra trong suốt một cuộc chạy bộ đường dài đột nhiên chuyển thành “cơn phê của người chạy bộ”.
Một cuộc đời tốt đẹp không chỉ là tích lũy khoái lạc
Cho rằng những người theo chủ nghĩa khoái lạc thì hạnh phúc hơn những người khác là một chuyện hoang đường. Những người thấy mình đang trong một cuộc rượt đuổi bất tận với khoái lạc chỉ vì khoái lạc thì thường không hạnh phúc. Cảm nhận về ý nghĩa và một mục đích bao trùm mà con người cảm nhận trong cuộc sống của họ đóng vai trò trung tâm đối với trạng thái hân hoan. Ý nghĩa có thể được tìm thấy trong các mối quan hệ của chúng ta, từ việc dành nhiều nỗ lực cho nó, và thậm chí từ việc vượt qua khó khăn. Mối quan hệ sinh học-thần kinh giữa đau đớn và khoái lạc trong não bộ của chúng ta có thể tương tự như mối liên kết sâu sắc giữa khổ đau và trạng thái hân hoan trong cuộc sống chúng ta.
Điều hoang đường về dopamine
Dopamine là một phần của vũ điệu khoái lạc. Đó là cái sẽ thúc đẩy tôi đứng dậy và pha cafe mà tôi vẫn luôn nghĩ đến. Nhưng dopamine không phải là thứ sẽ giúp tôi nhận được phần thưởng khi tôi uống cafe—mà đó là opioids (chất giảm đau). Khoái lạc không đề cập nhiều đến dopamine và bản thân opioids mà là về cách thức não bộ giao tiếp giữa các vùng khác nhau. Các chất dẫn truyền thần kinh làm thay đổi sự thiết lập của các vùng và cách chúng tương tác với nhau.
Khoái lạc và Trạng thái hân hoan như hoa nở bừng
Một cách để khái niệm hóa về trạng thái hân hoan và những hiểu biết của tiến sĩ Kringelbach về khoái lạc là thông qua phép ẩn dụ về một khu vườn xinh đẹp.
Hãy tưởng tượng vào mỗi buổi sáng, khi bạn bước vào khu vườn của mình, bạn thấy mình đang đứng giữa một kho báu đầy niềm vui và khoái lạc. Bạn ngửi những bông hồng thanh tao, đôi chân trần của bạn đang đi trên trên bãi cỏ đẫm sương, bạn nếm quả dâu mọng nước ngọt ngào, và những chú chim đang hót véo von. Đó chính là niềm vui.
Nhưng còn có một niềm vui khác mà khu vườn của bạn mang lại. Một niềm vui nhẹ nhàng hơn, ít hiển lộ rõ ràng, đang âm ỉ lặng lẽ trong làm nền cho sự dồi dào đầy sức sống được đem đến cho bạn thông qua các giác quan của bạn. Đó là niềm vui khi nhận ra bạn đang có một khu vườn. Rằng bạn, khu vườn của bạn, mấy chú ong đang nhảy nhót trên hoa oải hương, những chú chim làm tổ trên cây sồi, những người ăn trái cây do trái đất mang lại, là một phần của một hệ thống liên kết phức tạp với nhau. Rằng chính lòng trắc ẩn, ý nghĩa, sự kinh ngạc, lòng biết ơn, thành tựu, sự thuộc về là một phần của mùa bội thu của khu vườn của bạn. Rằng khu vườn mà bạn chăm chút tỉ mỉ hàng ngày này, qua nắng mưa và bàn tay chai sạn, đang góp phần vào sự phát triển hưng thịnh của những sinh vật khác.
Cũng giống như điều kỳ diệu về khả năng tri giác của chúng ta được sinh ra từ sự tương tác của hằng hà sa số nơ-ron trong bộ não của chúng ta, một cuộc đời viên mãn, có lẽ được dệt lên bởi những khoảnh khắc tạm thời thoáng qua: những khoái lạc hedonic ẩn giấu khắp nơi xung quanh chúng ta, và niềm vui eudaimonic mà chúng ta vun trồng trong khu vườn của trái tim chúng ta.
Tham khảo
Kringelbach, M. L., Stark, E. A., Alexander, C., Bornstein, M. H., & Stein, A. (2016). On cuteness: Unlocking the parental brain and beyond. Trends in Cognitive Sciences, 20(7), 545-558.
Kringelbach, M. L., Stein, A., & van Hartevelt, T. J. (2012). The functional human neuroanatomy of food pleasure cycles. Physiology & Behavior, 106(3), 307-316.
Berridge, K. C., & Kringelbach, M. L. (2013). Neuroscience of affect: brain mechanisms of pleasure and displeasure. Current Opinion in Neurobiology, 23(3), 294-303.
Stark, E. A., Vuust, P., & Kringelbach, M. L. (2018). Music, dance, and other art forms: New insights into the links between hedonia (pleasure) and eudaimonia (well-being). Progress in Brain Research, 237, 129-152.
Georgiadis, J. R., & Kringelbach, M. L. (2012). The human sexual response cycle: brain imaging evidence linking sex to other pleasures. Progress in Neurobiology, 98(1), 49-81.
Berridge, K. C., & Kringelbach, M. L. (2015). Pleasure systems in the brain. Neuron, 86(3), 646-664.
Dịch: Rubi
Nguồn
https://www.psychologytoday.com/intl/blog/between-cultures/202107/the-neuroscience-pleasure?collection=1163979