Học cách tin yêu một lần nữa

hoc-cach-tin-yeu-mot-lan-nua

Khi tình yêu phản bội ta – bằng dối trá hay ngoại tình – điều mất mát không chỉ là người mà ta từng yêu thương, mà còn là niềm tin nơi con người nói chung, là khả năng trao gửi lòng tin trong tương lai.

Khi tình yêu phản bội ta – bằng dối trá hay ngoại tình – điều mất mát không chỉ là người mà ta từng yêu thương, mà còn là niềm tin nơi con người nói chung, là khả năng trao gửi lòng tin trong tương lai.

Ta nghĩ: nếu từng này dấu hiệu mà mình cũng không nhận ra, thì làm sao phân biệt được gì nữa? Nếu họ từng hứa sẽ thủy chung đến cuối đời, từng nhìn ta bằng ánh mắt thiết tha gọi ta là người thương yêu nhất đời họ, rồi sau đó bắt đầu lảng tránh, tán tỉnh người khác qua mạng, la cà thâu đêm ở những bữa tiệc… thì làm sao ta còn dám tin ai nữa?

Ta cần một con đường để bước tiếp, để xây lại niềm tin và tương lai.

  1. Học cách tha thứ cho chính mình

Ta không bị lừa dối vì ta yếu kém hay thiếu sót. Ta đau khổ bởi vì ta đã trưởng thành về mặt cảm xúc. Nỗi đau này là cái giá của tình yêu chân thành – một điều mà nhiều người cả đời chẳng thể học nổi. Ta bị phản bội không phải vì ta ngây thơ, mà bởi vì ta đã đủ can đảm để mở lòng, để gỡ bỏ lớp phòng vệ quanh tim, để khóc trong vòng tay người khác, để tin vào sự dịu dàng, lòng trung thành, và để nhìn thấy đứa trẻ tổn thương ẩn sau vẻ ngoài của người trưởng thành. Ta không dại khờ – ta chỉ đang sống đúng với tinh thần của một tình yêu trưởng thành và trọn vẹn.

  1. Đừng vội vã đánh đồng tất cả

Khi đau đớn, ta dễ rơi vào cái bẫy của sự tuyệt vọng – ta vơ đũa cả nắm. Trong nỗi thất vọng, ta mất đi khả năng phân biệt. Ta thốt lên: "Ai cũng tệ như nhau! Ai rồi cũng phản bội!" – cảm giác ấy rất thật, rất dễ hiểu. Nhưng đó là một sự cường điệu bi kịch, sai lạc với thực tế – và khiến ta tự khép lại trước hạnh phúc.

Ta cần tỉnh táo để nhìn cho rõ. Có những lý do cụ thể khiến người ấy làm ta tổn thương. Thay vì thở dài nhìn trời, ta cần tìm hiểu cho thấu đáo. Không phải ai cũng phản bội. Những kẻ phản bội thường có một số đặc điểm nhất định, mà nếu ta hiểu rõ, ta có thể nhận ra sớm hơn ở lần sau.

Chẳng hạn như:

Sợ xung đột, né tránh đối mặt. Những người hay phản bội thường là những người không chịu được việc phải nói thẳng, phải đối đầu. Nghe thì có vẻ dễ thương – như là nhút nhát hay lịch sự – nhưng hậu quả thì chẳng dễ chịu gì. Người ấy có thể nói thật lòng khi có điều khó khăn không? Họ có đủ can đảm để nói ra sự thật khi cần không? Hãy hỏi về tuổi thơ họ: họ có phải là đứa trẻ "ngoan ngoãn, im lặng", vì cha nóng nảy còn mẹ thờ ơ? (Kẻ nói dối giỏi thường lớn lên trong môi trường đầy giận dữ.) Họ có từng được là chính mình, hay chỉ luôn phải sống theo ý người khác? Hãy cẩn trọng với những người sống để làm vừa lòng, vì chính họ – vì quá sợ làm người khác buồn – mà có thể vô tình tàn phá cả cuộc đời ta.

Họ có yêu chính mình không? Người không biết yêu bản thân thường không tin rằng người khác có thể thật lòng yêu họ – và chính điều đó khiến họ phá hoại tình yêu khi nó bắt đầu lớn dần lên, đe dọa sự cô đơn mà họ vốn dựa vào để thấy an toàn.

Tuổi thơ của họ đau đớn đến mức nào – và họ có hiểu điều đó không? Chúng ta hay bị cuốn hút bởi mong muốn chữa lành cho ai đó. Nhưng ta cần cẩn trọng – vì điều đó đầy rủi ro. Có lẽ ở lần hẹn hò sau, ta nên để chiếc xe cứu thương của mình ở nhà. Một đứa trẻ lớn lên thiếu thốn tình thương không dễ dàng biến thành người lớn biết ơn và đáng tin. Họ trở thành những người nghĩ rằng họ khao khát yêu thương, nhưng rồi lại sợ hãi và rối loạn khi tình yêu thực sự xuất hiện. Họ sẽ né tránh, thậm chí vô thức hành hạ bất cứ ai dám yêu mình – như cách họ từng bị đối xử tệ bạc.

Họ có biết giận dữ một cách lành mạnh không? Phản bội đôi khi là một dạng giận dữ bị dồn nén, không tìm được lối thoát khác. Khi thất vọng, họ có thể nói ra với ta kịp lúc không? Họ có thể tự nhận biết – và nói ra – khi có điều gì đó không ổn không?

— Họ có bỗng nhiên lạnh nhạt trong chuyện chăn gối mà chẳng thể lý giải vì sao mình lại rút lui? Họ có tán tỉnh người khác rồi vội vàng xin lỗi, trong khi chính họ cũng không hiểu nổi vì sao mình lại hành xử như vậy? Tình dục thường là chiếc phong vũ biểu báo hiệu sớm nhất cho những cơn giông sắp tới trong một mối quan hệ.

— Hãy để ý đến sự trung thực trong những chuyện nhỏ nhặt. Liệu họ có dám thừa nhận mình lỡ làm bẩn sàn nhà, hay vô tình làm trầy mặt bàn bạn yêu quý? Hay mọi chuyện luôn mơ hồ, đổ lỗi cho ai đó hoặc cho “sự cố bất ngờ”? Họ có thẳng thắn nói rằng mình quên mua bữa tối, làm nghẹt ống nước, hay quá mải mê xem phim nên quên chăm sóc khu vườn? Họ có đủ chín chắn để nhận trách nhiệm cho hành động và cảm xúc của mình không? Bởi vì thật ra, cấu trúc hoàn chỉnh của một sự phản bội thường đã hiện diện đầy đủ trong cách người ta xử lý những điều tưởng như vụn vặt nhất.

  1. Ta phải tỉnh táo, đừng chủ quan

Chúng ta thường nghĩ sai: hoặc là tin tưởng, hoặc là nghi ngờ. Nhưng có những cách để yêu mà vẫn giữ cho mình một chút cảnh giác – một ánh mắt mở, một trái tim tỉnh táo. Hoàn toàn có thể sống trong bình yên, ấm áp – mà vẫn, theo một cách nào đó, nhớ rõ lối thoát hiểm ở đâu. Như những tiếp viên hàng không: họ phục vụ hành khách bằng nụ cười, nhưng vẫn không quên quy trình thoát hiểm trong đầu. Ta có thể vui sướng vì người ấy dịu dàng, ấm áp, tử tế – nhưng vẫn hiểu rằng, những điều ấy không phải lúc nào cũng bền vững. Ta có thể hy vọng rất nhiều – và đồng thời biết rằng chẳng điều gì là chắc chắn tuyệt đối. Và điều đó… cũng không sao cả. Bởi vì con người vốn là thế.

  1. Ta biết mình rồi sẽ vượt qua

Bài học lớn nhất mà một lần đổ vỡ mang lại, chính là: dù có cảm thấy tăm tối đến mấy, ta vẫn sẽ sống tiếp. Nó sẽ không dễ chịu – ta có thể khóc suốt nhiều tuần. Nhưng rồi ta sẽ cứng cáp hơn, vững vàng hơn, và một ngày kia, ta lại bước tiếp. Mùa hè sẽ lại về.

Và điều đó khiến cho “niềm tin tuyệt đối” không còn là thứ tối thượng như người chưa từng bị phản bội vẫn tưởng. Người từng vấp ngã, nếu hiểu sâu sắc những gì mình đã trải qua, có thể sẽ không còn đặt nặng niềm tin toàn vẹn, và học được cách chấp nhận rằng: đôi khi, niềm tin cũng sẽ có những vết nứt – và điều đó không phải tận cùng.

Dĩ nhiên, ta vẫn muốn tin rằng người mới – người đang nói những điều đẹp đẽ và làm những cử chỉ ấm lòng – sẽ tử tế và vững vàng hơn người cũ. Những dấu hiệu hiện tại thật đáng hy vọng: có thể ta đã cùng nhau lên kế hoạch du lịch, nói về việc sống chung, chia sẻ một mái nhà. Nhưng… ta biết, sự thật vẫn cần thời gian để lộ diện – và nhận ra điều đó không có nghĩa là ta đa nghi. Ta vẫn có thể tin họ, mến họ, thậm chí là yêu họ rất nhiều – nhưng đồng thời, như cuộc đời từng dạy ta, ta cũng hiểu rằng mình có thể sai. Và dù có sai, ta vẫn sống được. Ta vẫn sẽ vượt qua. 

Photo by Alex Ivashenko on Unsplash

Nguồn: LEARNING TO TRUST AGAIN | The School Of Life 

menu
menu