4 lời nói dối tưởng vô hại nhưng có thể giết chết tình yêu
Nói dối thường xuất phát từ nỗi sợ xung đột hay làm tổn thương đối tác, nhưng tránh né sẽ gây hiểu lầm nghiêm trọng hơn, nới rộng khoảng cách của hai người yêu nhau.
Với kinh nghiệm 30 năm trong lĩnh vực tư vấn và huấn luyện cho các cặp đôi, tiến sĩ Jeffrey Bernstein (Mỹ), chỉ ra bốn lời nói dối tưởng vô hại có thể âm thầm làm hỏng mối quan hệ.
"Anh (em) không sao"
Hiện tượng một người gặp vấn đề nhưng tự chịu đựng, không chia sẻ với bạn đời khá phổ biến. Họ thường nói "Anh (em) vẫn bình thường" hoặc "Không sao" để ngăn chặn những câu hỏi tiếp theo.
Nhưng chuyên gia cho rằng câu trả lời này có thể là kẻ hủy diệt mối quan hệ trong thầm lặng. Nó thường được sử dụng để tránh xung đột hoặc duy trì hòa bình nhưng tạo hố sâu ngăn cách giữa các đối tác.
Phủ nhận cảm xúc thực sự nghĩa là bạn đã phủ nhận cơ hội để người mình yêu hỗ trợ và hiểu bạn. Vẻ bề ngoài của mọi thứ đều ''ổn'' chỉ trì hoãn sự bùng nổ không thể tránh khỏi khi những cảm xúc bị kìm nén, thường đi kèm với hậu quả tai hại. Sự gần gũi thực sự không thể tránh những cảm xúc tổn thương. Vì vậy, nên trung thực khi cảm thấy không ổn.
"Không có gì to tát cả"
Một số người có xu hướng tự biện hộ cho những điều chưa được của bạn đời, người yêu với lời tự nhủ "Chuyện đó không to tát" hoặc "Không quá quan trọng".
Tuy nhiên, lời nói dối này dần làm mất sợi dây kết nối tình cảm giữa hai người. Càng tránh né, họ sẽ càng thấy xa cách với người yêu. Cuối cùng, những bất bình nhỏ nhặt họ nghĩ là sẽ bỏ qua được, trở thành vấn đề lớn hơn nhiều.
Tiến sĩ Jeffrey Bernstein cho rằng giảm thiểu cảm xúc của bạn hoặc hành động của đối tác có thể tàn phá mối quan hệ. Tự nhủ ''không sao đâu'', dù bạn khó chịu sẽ khiến vấn đề không thể giải quyết và gây nên những oán giận.
Theo thời gian, những lời nói dỗi nhỏ nhặt này tích tụ lại, tạo khoảng cách cảm xúc khó hàn gắn. Trong các mối quan hệ lành mạnh, ngay cả những ''thỏa thuận nhỏ'' cũng được giải quyết và tôn trọng, vì chúng phản ánh nhu cầu và ranh giới sâu sắc.
Tôi có thể thay đổi anh (cô) ấy
Trong cuốn sách ''Tại sao bạn không thể đọc được suy nghĩ của tôi?'', tiến sĩ Jeffrey Bernstein, cho rằng niềm tin bạn có thể thay đổi người mình yêu là một lời nói dối nguy hiểm khiến cả hai đều thất vọng.
Con người có thể trưởng thành và tiến hóa, nhưng sự thay đổi phải đến từ bên trong, không phải từ nỗ lực hay kỳ vọng của người khác.
Khi bạn bước vào một mối quan hệ với hy vọng thay đổi đối tác, bạn không thực sự chấp nhận con người thật của họ. Lời nói dối này dẫn đến sự thất vọng, oán giận và thường là bạn đã yêu phiên bản lý tưởng của ai đó, không phải con người thật của đối tác.
Chúng ta không cần phải nói về điều đó
Theo tiến sĩ Jeffrey Bernstein, tránh những cuộc trò chuyện khó khăn với lý do ''không cần nói về nó'' là lời nói dối tai hại nhất trong một mối quan hệ. Giao tiếp là nền tảng của mọi mối quan hệ thành công. Khi bạn chọn không giải quyết vấn đề, chúng sẽ không biến mất và như một khối u ngày càng nghiêm trọng hơn.
Bốn lời nói dối này, nói ra hay không nói ra đều có thể dần dần phá hủy tình yêu và lòng tin giữ vững mối quan hệ. "Hãy trung thực và giao tiếp cởi mở để bảo vệ mối quan hệ của bạn, bất kể có khó chịu đến đâu. Chỉ khi đó, bạn mới có thể xây dựng một tình yêu bền vững và chân thành'', chuyên gia nói.
Nhật Minh (Theo Psychology Today)/VNE