Tình yêu là gì?

tinh-yeu-la-gi

Trong từ điển, tình yêu là sự hòa trộn giữa cảm xúc, hành vi và niềm tin gắn kết với cảm giác yêu thích mạnh mẽ, sự chở che, sự ấm áp và cả lòng tôn trọng dành cho một người, hoặc một vật, thậm chí một ý tưởng.

Tôi yêu rất nhiều thứ. Có người thì yêu ánh nắng mặt trời và cầu vồng. Có người thì yêu sự ấm áp của mùa hè và cái chill lạnh của mùa đông. Vài người thì yêu hương vị của một tách cà phê nóng buổi sáng, và cảm giác thoải mái trên chiếc giường vào mỗi tối. Vài người khác lại yêu du lịch, yêu những chuyến đi điên cuồng.

Trong từ điển, tình yêu là sự hòa trộn giữa cảm xúc, hành vi và niềm tin gắn kết với cảm giác yêu thích mạnh mẽ, sự chở che, sự ấm áp và cả lòng tôn trọng dành cho một người, hoặc một vật, thậm chí một ý tưởng. Thế nhưng chúng ta có thể thực sự định nghĩa được tình yêu không? Làm thế nào chúng ta có thể giải thích một từ mà bạn có thể dùng để mô tả điều mà bạn cảm thấy dành cho mọi thứ từ con người đến những chiếc ô tô hay những ý tưởng mơ hồ, cơ chứ?

Để có thể hiểu được một cách đầy đủ thế nào là tình yêu, chúng ta có lẽ phải nhìn vào những người Hy Lạp cổ đại. Thay vì chỉ có một từ duy nhất, người Hy Lạp cổ sử dụng bảy từ khác nhau để giải thích tình yêu dưới nhiều khía cạnh.

  1. EROS

Eros có nghĩa là tình yêu cuồng nhiệt, nó là một dạng tình yêu phổ biến mà chúng ta nhìn thấy ngày nay. Nó được nuôi dưỡng bởi niềm khát khao vui sướng. Nó là tình yêu sét đánh, là sự hấp dẫn ngay lập tức bởi dáng vẻ bề ngoài của ai đó, thậm chí còn không biết cả tên của họ. Phần lớn mối quan hệ yêu đương lãng mạn đều bắt đầu kiểu này. Ôi sự cuồng nhiệt, thậm chí nó còn có chút ám ảnh nữa!

Những tình yêu kiểu này hay bị nhầm lẫn với sự ham muốn. Cả ham muốn và Eros đều đến từ sự thu hút mạnh mẽ bởi dáng vẻ bề ngoài và niềm khát khao được ở gần một ai đó, thậm chí bạn chỉ vừa mới gặp họ. Vài người phân biệt chúng bởi độ dài thời gian mà họ ở bên nhau. Nếu chỉ là cảm xúc nhất thời, thì đó là ham muốn. Nhưng nếu nó kéo dài tiến tới cả hôn nhân, thì đích thị đấy là tình yêu rồi. Nhưng điều đó có thực sự đúng không? Nếu nó đúng, thì có phải tình yêu đơn thuần chỉ là sự ham muốn nếu họ vẫn ở cạnh nhau đủ lâu? Nếu sự ham muốn rồi sẽ trở thành tình yêu, thì bao lâu là đủ cho điều đó xảy ra? Và điều gì làm nó xảy ra?

Nó là một câu hỏi phức tạp phải không, do bạn cũng thường không nghĩ qua nhiều về nó, nên tôi sẽ tiếp tục vậy.

Dưới góc độ khoa học và sinh học người, có ba giai đoạn để “ngã vào tình yêu” và nó luôn bắt đầu với giai đoạn thứ nhất- sự ham muốn. Nó chính là do testosteron ở nam giới và estrogen ở nữ giới. Vậy thì khi nào ham muốn trở thành tình yêu? Đó chính là giai đoạn hai. Khi chúng ta bắt đầu cảm thấy “rạo rực” khi chúng ta gặp họ, hoặc nói chuyện với họ hay thậm chí ngẩn ngơ khi nghĩ về họ. Chúng ta bắt đầu cảm thấy mình hơi “phởn phởn” khi được ở gần họ. Và khi testosterion hay estrogen được thay thế bởi dopamin, nó làm chúng ta thấy “chao ôi, thật hạnh phúc và vui biết bao!”, adrenaline khởi phát phản ứng chiến-chạy, còn nor-adrenaline giữ chúng ta luôn cảnh giác.

Đó là lý do tại sao “ngã vào tình yêu” thì cứ như bị nghiện vậy. Phê phê giống như bạn đang lái chiếc mui trần với vận tốc 120 km/h. Bàn tay bạn vã mồ hôi, đầu gối thì run rẩy, cánh tay thấy nặng trịch còn tim đập như muốn nhẩy ra khỏi lòng ngực.

Yêu là cảm giác như thế đấy!

  1. PHILIA

Đôi khi tình yêu không bắt đầu bằng sự ham muốn, nó bắt đầu bởi tình bạn. Khi biết ai đó đủ lâu, bạn có thể biết họ sẽ phản ứng như nào trong mỗi tình huống. Tình yêu chính là sự thân tình. Nó còn là niềm tin, sự tử tế, sự ấm áp và cả khích lệ nhau.

Tình yêu là người bạn thân nhất từ thời thanh mai trúc mã. Luôn luôn là mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với người kia, với tấm lòng thiện chí và vị tha.

Thế nhưng trong thế giới ngày nay, philia đang chết dần. Chúng ta có hàng triệu người theo dõi, nhưng rất ít trong số họ là những người bạn thực sự. Có vô số người đang nhìn thấy mặt hoàn hảo trong cuộc sống của chúng ta, mọi thứ mà chúng ta muốn họ thấy, nhưng chẳng có ai được chào đón để nhìn thấy những điều bên sau bức màn đó.

Philia là một cảm giác hết sức thân thương. Chúng ta có thể gọi họ là anh em thậm chí họ chẳng có quan hệ máu mủ gì cả. Tình yêu là sự trung thành, lòng hiến dâng và cả tổn thương ở đó.

Tình yêu này là một sự lựa chọn.

  1. LUDUS

Tình yêu không phải lúc nào cũng nghiêm túc, không phải lúc nào cũng trường tồn. Nó có thể là thoảng qua, nhưng không phải luôn xuất phát từ lòng ham muốn. Ludus mô tả một kiểu tình yêu xây dựng dựa trên sự mê đắm, sự tán tỉnh và mua vui.

Đôi khi tình yêu đơn thuần chỉ là cảm nắng một ai đó và hành động theo cảm tính. Đó là khi chúng ta đi uống gì đó với một người bạn và hành xử như một cặp đôi yêu đương chỉ mỗi đêm đấy. Đó là những đứa trẻ xô đẩy nhau trên xích đu trong sân chơi, rồi tận hưởng trong niềm vui thích với những người bạn ở cạnh chúng. Đó là đi đến quán bar rồi nhảy với một người lạ mặt hay hát karaoke trong căn phòng đầy ắp những người mà bạn vừa gặp.

Đôi khi tình yêu là sự thất thường, là sự kích động và mua vui. Nó không cần bất kì một nghĩa vụ hay trách nhiệm nào để yêu cả. Nó không cần sự hấp dẫn thể xác hay cần một tình bạn để yêu.

Tình yêu đơn giản là như thế.

  1. STORGE

Chúng ta thường nói tình yêu là một sự cam kết, cần có thời gian, là tin tưởng lẫn nhau và sự chấp nhận giữa hai con người. Nhưng có thực sự phải như thế không? Bởi vì chẳng có gì tồn tại như thế giữa tình yêu của mẹ dành cho con cả!

Sự thật là đôi khi, chúng ta có thể yêu ai đó thậm chí kể cả khi chúng ta không thích họ. Nếu bạn có anh em ruột, tôi chắc chắn bạn sẽ hiểu được điều này. Người Hy Lạp gọi nó là: Tình yêu vô điều kiện hay tình yêu gia đình.

Tình yêu kiểu này chỉ tồn tại giữa các thành viên trong gia đình, và dĩ nhiên gia đình ở đây không có nghĩa bạn phải có máu mủ với họ. Một tình bạn đủ lâu sẽ trở thành gia đình, một đứa trẻ nhận nuôi, hay ba mẹ kế,…khi chúng ta coi ai đó là gia đình, chúng ta thường có mong muốn bảo vệ họ ngay cả khi họ không phải là người tốt nhất để chúng ta ở cùng.

Storge là một kiểu tình yêu kì lạ. Phần lớn thời gian khi yêu ai đó, chúng ta làm mọi cách để được ở gần họ. Chúng ta muốn dành tất cả thời gian rảnh rỗi của mình cho họ, cùng đi chơi, cùng khóc, cùng cười, cùng làm mọi thứ với họ. Nhưng đôi khi chỉ cần ở nhà, thậm chí chẳng cần phải nói gì nhiều nhau. Nó đơn thuần là cảm giác an toàn, giống như đắp một tấm chăn vừa vặn vậy.

Tình yêu kiểu này có thể chẳng ngần ngại cho ai đó quả thận của mình, nhưng lại không muốn cho họ mượn cái sạc điện thoại. Dù rằng chỉ một trong hai điều đó là có thể thay thế dễ dàng. =))))

Cảm giác kì lạ này không chỉ dành cho con người. Nó cũng giống cảm giác giữa một đội tuyển thể thao và các fan hâm mộ. Mỗi năm chúng ta cổ vũ cho đội tuyển mình, mỗi năm họ lại làm trái tim ta tan nát, rồi năm sau lại đến, chúng ta hàn gắn nghìn mảnh vỡ đó lại và đeo khẩu hiệu hô vang niềm kiêu hãnh “Năm nay sẽ là năm của chúng ta”.

Bởi vì là tình yêu không điều kiện, nó không phụ thuộc vào con người của người đó hay cái mà họ có thể trao lại cho bạn. Tình yêu kiểu này là tấm vé một chiều. Chúng ta yêu một ai kể cả khi chúng ta không nhận được tình yêu từ phía họ!

  1. PHILAUTIA

Aristotle từng nói “mọi tình cảm thân thương dành cho người khác đều là sự mở rộng của tình cảm dành cho chính mình”. Nếu bạn không yêu chính mình, thì bạn thực sự chẳng có thể bao giờ yêu được người khác cả. Đó là lý do vì sao philautia, tình yêu dành cho chính mình, đôi khi là điều mà bạn không nên làm ngơ.

Tình yêu không chỉ là việc chúng ta có thể làm được gì cho người khác, mà nó còn là việc chúng ta có thể làm gì cho bản thân. Vì thế hãy ra ngoài kia đi và thưởng cho bản thân một điều gì đó. Bạn không cần phải dành được thứ này thứ kia hay chạm tới cột mốc lịch sử nào để tự thưởng cho chính mình. Cũng giống như người khác không nhất thiết phải làm gì trước khi bạn yêu họ, vậy thì bạn cũng thế.

Tình yêu là khi bạn ngừng so sánh bản thân với người khác, khi bạn tha thứ cho những lỗi lầm của mình trong quá khứ, và dừng việc phán xét bản thân bởi những điều nằm ngoài kiểm soát của bạn. Tình yêu là khi bạn thức dậy vào buổi sáng, nhìn vào trong gương và tự hào về con người cũng đang nhìn chằm chằm lại bạn.

Tình yêu là rời bỏ những mối quan hệ độc hại và không cảm thấy miễn cưỡng phải ở lại cho dù họ là ai hay họ từng quan trọng với bạn như thế nào trong quá khứ. Đó là sự lựa chọn lại bản thân hết lần này đến lần khác và bảo vệ chính mình theo cách bạn muốn bảo vệ cho bất cứ ai.

Tình yêu là đối xử tốt với chính mình trong suy nghĩ, trong lời nói và trong hành động của bạn. Bởi vì, chỉ khi chúng ta thực sự yêu chính mình thì chúng ta mới có thể yêu được người khác.

  1. PRAGMA

Tình yêu sẽ kéo dài mãi trong cuộc đời mỗi chúng ta. Tình yêu là sở hữu và nắm giữ lấy, cho những người tốt và cả những người xấu xa, cho những người giàu có và cả những người còn đang khốn khổ, dù khỏe mạnh hay ốm đau, thì tình yêu và lòng mến thương vẫn còn đó cho đến khi cái chết chia lìa bạn.

Tình yêu là sự tận tâm và đầy lòng trắc ẩn, là chấp nhận sự khác biệt của người khác và học cách để chung sống cùng nhau. Tình yêu là việc nhặt lại tất cả những mảnh vỡ và hàn gắn chúng lại với nhau một lần nữa, thay vì quẳng nó đi. Tình yêu là bất diệt, đã bén rễ trong những cảm xúc lãng mạn và lòng trắc ẩn.

Thế thì, tình yêu là một cảm xúc hay là một lựa chọn? Nếu nó là một lựa chọn, tại sao chúng ta không bao giờ biết được chúng ta đang “ngã vào tình yêu” với ai đó cho đến khi nó lồ lộ ra? Tại sao chúng ta chẳng bao giờ tự nói với chính rằng “ tôi muốn yêu người này” mà chúng ta chỉ làm nó thôi?

Mặt khác, nếu tình yêu là một cảm xúc thì chẳng có cơ sở nào cho những lời thề nguyền trong hôn lễ, cũng như những lời hứa hẹn sẽ yêu nhau trọn đời cả. Bởi vì cảm xúc đến rồi đi, và thường thì nó nằm ngoài kiểm soát của chúng ta. Cách duy nhất bạn có thể tin rằng tình yêu sẽ kéo dài mãi mãi đó là khi chính bạn là người quyết định mà thôi.

Vậy tình yêu là cảm xúc hay một lựa chọn?

Vâng, nó là cả hai !

« Ngã vào tình yêu » là một cảm xúc, nhưng ở lại với tình yêu hay không là một lựa chọn. Chúng ta vẫn nói yêu họ kể cả khi bạn có một ngày tồi tệ nhất. Nói với họ rằng “Anh không biết chúng ta sẽ vượt qua như thế nào, nhưng chỉ cần chúng ta ở bên nhau thôi”. Tình yêu là sẵn sàng tổn thương dù chúng ta chẳng thích điều đó. Tình yêu là ôm lấy bông hồng mà chẳng sợ những chiếc gai đâm!!!

Lúc bắt đầu, tình yêu là một cảm xúc tuyệt vời. Nhưng để nó kéo dài cả một đời, chúng ta có lẽ phải cam kết với lòng mình rằng sẽ không bao giờ quay lưng cho dù họ có đẩy chúng ta đi!

  1. AGAPE

Tình yêu là sự san sẻ lòng khoan dung và giúp đỡ những người lạ mặt khi cần. Tình yêu là sự thấu hiểu mà con người dành cho nhau. Là chiến đấu cho sự thay đổi kể cả khi bạn có thể bị tác động gián tiếp bởi vấn đề đó.

Tình yêu là lòng vị tha dành cho con người, cho các loài vật và thậm chí dành cho đất Mẹ.

Tình yêu chẳng mong đợi phải được đền đáp. Tình yêu, bản thân nó đã là một món quà. Nó phụng sự như một nền tảng của xã hội và cộng đồng, mà thiếu nó chúng ta chẳng thể nào phát triển nổi.

Các nhà khoa học đã phải vật lộn rất nhiều với khái niệm về tình yêu. Vài người cho rằng tình yêu là nền tảng cho các cảm xúc khác của con người như tức giận, buồn rầu hay vui vẻ. Tuy nhiên, vài người khác tin rằng tình yêu đơn thuần là một hiện tượng văn hóa, một thứ mà chúng ta bị cuốn theo bởi những kì vọng và áp lực xã hội.

Nếu tình yêu đơn thuần là một hiện tượng văn hóa, thì nó không thể tồn tại trong tất cả các nền văn hóa trên thế giới. Và sự thật là có điều gì đó “bẩm sinh” về tình yêu, có một điều gì đó “sinh học” về trải nghiệm này.

Nếu tình yêu là nền tảng có các trải nghiệm khác của con người, thì chúng ta phải tự hỏi, vậy tình yêu để làm gì? Tại sao chúng ta yêu? Liệu bố mẹ có phải bao bọc con cái đủ lâu đến khi chúng trưởng thành không? Liệu có phải họ bên nhau miễn là thấy cần thiết để nuôi dậy thế hệ tiếp theo không? Có phải tình yêu tồn tại để tạo nên một cảm giác cộng đồng và tình “đồng chí” cần thiết cho xã hội bầy đàn như chúng ta đang có không?

Chúng ta có thể chẳng bao giờ biết được tại sao lại có tình yêu, hay mục đích tối hậu mà nó phụng sự, nhưng điều mà chúng ta biết đó là nó quan trọng như thế nào.

Một nghiên cứu dài nhất về hạnh phúc đã chỉ ra rằng những người cảm thấy thật viên mãn cuối đời không phải là những người giàu có nhất, cũng không phải là những người có thật nhiều sức khỏe, cũng chẳng phải người không bao giờ phạm sai lầm nào trong đời. Người hạnh phúc nhất là người được bao quanh bởi nhiều tình yêu nhất. Tình yêu từ người bạn đời, tình yêu từ những đứa cháu chắt, tình yêu từ những người bạn, tình yêu từ cộng đồng và tổ chức tôn giáo mà họ theo.

Để hiểu được tình yêu quan trọng tới nhường nào, chúng ta cần đặt trải nghiệm của tình yêu với nỗi đau đớn bởi sự cô đơn. Chẳng có một ai để bạn có thể chia sẻ những điều thầm kín bởi vì những suy nghĩ của bạn quá tầm thường vụn vặt hoặc quá dữ dội, ngẫu hứng hoặc đầy rẫy lo sợ, bạn sợ phải chia sẻ chúng với ai đó. Bạn chẳng thể gào lên, chẳng thể la hét, chẳng thể giãi bày nỗi ám ảnh niềm đam mê của mình với ai, hay sự dữ dội trong bạn vào những thời khắc bạn thấy vụn vỡ nhất. Luôn luôn phải lọc bỏ những suy nghĩ của chính mình qua lăng kính của lịch sự và những giáo điều chính trị. Nó hiện ra những chẳng bao giờ được nhìn thấy, nó được nghe nhưng chẳng bao giờ được lắng nghe. Kinh khủng làm sao, tất cả chúng ta đều đã từng như thế!

Nếu tình yêu quan trọng đến vậy, tại sao chúng ta không đặt nó vào trung tâm của cuộc sống? Tại sao chúng ta luôn theo đuổi những điều viển vông nào đó, còn đối với tình yêu chúng ta nói “ngừng tìm kiếm đi và tình yêu sẽ tự tìm đến bạn”? Bạn thấy không, sự thật là không phải lúc nào tình yêu cũng tìm đến bạn, mà đôi khi bạn phải đi tìm nó.

Với những ai đang theo đuổi tình yêu, xin hãy lắng nghe điều này.

Trong tác phẩm Symposium của Plato, nhà soạn kịch Aristophanes giải thích về tình yêu theo cách mà nhiều người trong chúng ta đang theo đuổi tình yêu nghĩ về nó. Thuở sơ khai, con người là một loài lưỡng giới với số lượng bộ phận gấp đôi chúng ta đang có bây giờ, bao gồm cả hai khuôn mặt hướng về hai phía đối diện nhau. Hình dáng này khiến con người vô cùng mạnh mẽ và trở thành mối đe dọa với các vị thần. Vì thế thần Zeus đã xẻ họ làm đôi, thành một nam và một nữ. Và kể từ đó, con người luôn khát khao được đoàn tụ với nửa kia của mình như hai mảnh ghép, hai nửa của một tổng thể.

Mặc dù đó chỉ là một câu chuyện thần thoại, nhưng nó khiến chúng ta hiểu rằng tại sao chúng ta lại yêu như cách chúng ta đang làm. Chúng ta “ngã vào tình yêu” với ai đó, người mà chúng ta nghĩ rằng sẽ giúp chúng ta hoàn hiện, người hoàn hảo vừa khít với mảnh ghép còn thiếu trong tim chúng ta, người giúp ta bù đắp những thiếu sót và cho chúng niềm tin về những điều chúng ta thấy bất an nhất. Chúng ta yêu bởi vì một phần với hy vọng chúng ta sẽ được hoàn thiện. Tất cả chúng ta đều có một mong mỏi sâu thẳm và hy vọng rằng chính họ sẽ là cơn mưa cuối mùa hạ!

Nhưng, sự thật thì chúng ta đã hoàn thiện rồi. Trong chúng ta có đủ hai phần của tổng thể rồi. Vì vậy đối với những người nói “hãy dừng tìm kiếm tình yêu đi”, đừng lấy đó như phương châm để ngừng cố gắng.  Hãy coi nó như một bài học, ngừng tìm kiếm một ai đó chỉ để hoàn thiện chính mình. Rốt cuộc thì, chỉ khi bạn thực sự yêu chính mình, và hoàn toàn hiểu được giá trị của bản thân, thì bạn mới có thể yêu người khác theo cách mà họ xứng đáng được nhận.

Tất cả mọi khởi đầu và kết thúc đều ở bạn !

Dịch bởi Trần Trung Hiếu

Nguồn: https://aperture.gg/blogs/the-universe/what-is-love

menu
menu