4 lý do khiến "tự thương hại" là một trong những cảm xúc nguy hiểm nhất

4-ly-do-khien-tu-thuong-hai-la-mot-trong-nhung-cam-xuc-nguy-hiem-nhat

Đây là cảm giác tội nghiệp bản thân mà bạn có mỗi ngày vì bạn không giành được công việc ấy, hoặc buổi hẹn ấy, hoặc con hổ Bengal ấy.

Bạn có cảm thấy khó chịu? Ý tôi không phải là thực sự khó chịu, không phải cái kiểu nhàm chán khi đọc bài viết của tôi. Tôi hỏi vì tôi cảm thấy như vậy. Không phải bây giờ, vì dù cho tôi có cố gắng nhìn đời lạc quan hơn hay có hóa chất độc hại rò rỉ ra từ màn hình máy tính khiến tôi bị hưng phấn nhưng đồng thời cũng đang giết chết tôi thì tôi vẫn cảm thấy ổn. Nhưng tôi chắc chắn từng có cảm giác khổ sở và tội nghiệp.

Tôi từng có một bài viết thắng giải Pulitzer về bệnh trầm cảm lâm sàng, nhưng hiện tại tôi không nói về chứng bệnh này. Không, đây là cảm giác tội nghiệp bản thân mà bạn có mỗi ngày vì bạn không giành được công việc ấy, hoặc buổi hẹn ấy, hoặc con hổ Bengal ấy. Tôi nhận ra rằng, mặc dù tự thương hại quá mức rất có hại cho bạn về lâu về dài, nhưng nó lại khiến bạn thoải mái một cách đáng sợ trong thời gian ngắn. Tôi cũng nhận ra rằng mình có thể sống chỉ nhờ bia và sữa chua trong một thời gian khá dài, nhưng trong bài viết này ta chỉ nói về hai ý trên kia thôi.

  1. Nó tạo một bức tường giữa bạn và thất bại

Tìm điểm khác nhau giữa sự khốn khổ do bệnh tật gây ra và do bạn tự tạo cho bản thân cũng giống như phân biệt giữa bạn thân của bạn và người chị em sinh đôi xấu xa của cô ấy khi cả hai đều hét lên, “Là nó đó! Đánh nó đi!”

(Tôi nằng nặc kêu bạn tôi mặc như thế này, nhưng chẳng ai chịu cả.)

Theo như tôi hiểu, điều khác biệt là tự thương hại tạo cớ để bạn không dốc sức làm một điều gì đó, trong khi trầm cảm khiến bạn không thể cố gắng cho dù bạn muốn. Và bạn cũng đã từng nghe qua những cái cớ đó rồi. “Tôi muốn viết sách, nhưng tôi không giỏi viết lách.” “Tôi muốn hẹn hò, nhưng tôi không đẹp.” “Tôi muốn trả thù cho cái chết của anh trai tại giải vũ đạo khu vực, nhưng tôi không thể nhảy bước nhảy cấm.” Cho rằng bạn không đủ khả năng dễ hơn là bỏ công sức để rồi nhận ra nỗi sợ lớn nhất của bạn về khả năng của mình là thật.

(Khi tôi nhận ra mình không thể beatbox trên nền nhạc Beethoven dù cho cố gắng đến mức nào, tôi đã rất suy sụp.)

Điều này vượt xa sự lười biếng hay không thích hợp. Đa số những người đang ước mình được hẹn hò đều biết một người không đẹp bằng họ nhưng lại được đối xử như Wilt Chamberlain. Đây không phải cho bản thân một lý do thất bại, mà là cho bản thân một cái cớ để không cố gắng. Cố gắng làm một việc gì đó và thất bại là một nỗi thất vọng chính đáng, nhưng tự nói với bản thân rằng mình bẩm sinh đã không có những tố chất phù hợp để thành công lại trở thành một cách để làm dịu đi nỗi thất vọng ấy. Cũng giống như bạn tự bảo mình rằng bạn thất vọng vì không được chơi tại NBA vì bạn chỉ cao 1m2 và bị bệnh còi xương - bạn cảm thấy buồn khi không thể thực hiện ước mơ, nhưng bạn cũng không thực sự phiền lòng vì bạn biết rằng mình không bao giờ có cơ hội.

Nếu bạn không phải lúc nào cũng ca thán về mọi chuyện, có thể bạn sẽ được hẹn hò. Bạn sẽ bị từ chối cả chục lần, nhưng đến cuối cùng bạn cũng làm được. Cũng như bạn có thể viết quyển sách ấy, nếu bạn chịu khó đầu tư hàng ngàn giờ làm việc chăm chỉ và liên tục bị từ chối và chế nhạo. Cứ chê Twilight (Chạng vạng) cho đã đi (tôi cũng thế thôi), nhưng số tiền khổng lồ của Stephenie Meyer không phải tự nhiên mà có. Cô ấy làm ra tiền trong khi tất cả những kẻ “tài giỏi” trên thế giới này đều cho rằng họ có thể viết một bộ truyện lãng mạn còn hay hơn.

(Và vâng, tôi đã bắt đầu viết thơ tình.)

Có thể là họ làm được thật, nhưng họ chưa làm, ít nhất là chưa có ai tạo ra sức hút tương tự. Và tôi cá là rất nhiều người trong số họ tự bảo rằng họ không đủ giỏi, hay tệ hơn là họ thật sự đủ giỏi nhưng thế giới sẽ chẳng bao giờ nhận ra khả năng thiên phú của họ. Nhưng họ cũng có thể nói rằng người ngoài hành tinh đã trộm bản thảo của họ và xuất bản trước, và kết quả cũng tương tự. John Cheese có viết về những cái cớ mà ta dùng để ngăn chặn bản thân trưởng thành, và đây là một trong số đó - bạn cho bản thân một lý do để không cố gắng, rồi ước có được kết quả xảy ra nếu bạn làm và tội nghiệp bản thân vì không làm. Dùng chính nỗi khốn khổ của mình làm cái cớ cũng có hiệu ứng tương tự như cô gái tội nghiệp kia không bao giờ có thể chơi ở NBA, ngoại trừ việc sâu trong bạn biết rằng bạn có cơ hội nhưng không chịu thừa nhận. Và điều đó ăn mòn bạn như một căn bệnh nan y.

  1. Bạn bào chữa cho sự giận dữ bằng cách so sánh bản thân với những người thành công

Nhiên liệu tiếp thêm cho nỗi khốn khổ chính là nhìn vào người khác, đặc biệt là người cùng tuổi hoặc trẻ hơn, và than vãn rằng họ có sự nghiệp, nhà cửa, bộ sưu tập tượng hình,... tốt hơn bạn. Điều này đặc biệt đúng nếu họ có vẻ như cái gì cũng tốt hơn bạn, bạn cũng không thể cảm thấy an ủi vì mặc dù có chồng/vợ đẹp, họ lại không có thời gian với bạn bè vì phải chiều lòng người bạn đời của mình, và họ chắc chắn không có đủ thời gian dàn cảnh Star Fox và Link đang hôn hít và Mario đang siêu ghen.

(Cái tôi vừa mới nói đây, ôi cuộc đời tôi buồn chán thật.)

Ai cũng có những lúc ghen tỵ với người khác. Khi tổng thống ngăn chặn chiến dịch ở một nơi lạnh lẽo nào đó ở Michigan, có thể ông ấy ghen tỵ với thủ lĩnh của các nước nhiệt đới. Luôn có những người mà bạn ngưỡng mộ cho dù bạn thành công đến đâu, nhưng trong khi đa số người lấy đó làm động lực để không ngừng cải thiện bản thân, những người ngu ngốc hơn như tôi dùng nó để tạo ra thêm một cái cớ khác.

Khi bạn tự thương hại, thường bạn luôn cố tìm kiếm một người không thể với tới được để khiến bản thân cảm thấy tội nghiệp. Nếu bạn ghen tỵ với công việc của một người bạn và người khác nói rằng anh ấy làm việc quá nhiều nên rất cô đơn, bạn sẽ chuyển sang ám ảnh bởi người bạn thứ hai có sự nghiệp tốt cuộc sống xã hội tốt. Bạn không vui cho đến khi bạn không vui.

(Hoan hô, tôi làm được rồi.)

Một khi bạn đã tìm ra một sự so sánh lố bịch nhưng phù hợp, những cái cớ bắt đầu hiện ra. “Dù mình có cố gắng thế nào, Jeff vẫn luôn có nhiều tiền hơn mình, vậy mình còn cố gắng làm gì?” “Mình đã tập đàn theremin cả tháng trời mà vẫn chơi tệ, nhưng Susan tập mấy ngày đã thành thạo! Mình còn tập làm gì?” Không quan tâm đến những bước cần làm giữa việc không làm gì và trở thành triệu phú hay chơi solo theremin để giữ cho nhóm nhạc hoạt động - bạn chỉ tạo nên những sự so sánh khập khiễng để né tránh sự thật rằng nếu bỏ công sức cố gắng bạn vẫn kiếm đủ tiền để mua TV mới hay gây ấn tượng với khách ở quán cà phê trong đêm diễn theremin. Bạn muốn mình là người giỏi nhất, rồi bạn nhận thấy làm người giỏi nhất có vẻ không khả thi, và rồi bạn từ bỏ với sự giận dữ chính đáng thay vì nỗi thất vọng buồn tẻ.

Tuy nhiên thì những so sánh của bạn không bao giờ trung lập. Bạn sẵn sàng tập trung vào những đặc điểm không thể kiểm soát được của người khác để tạo bất lợi cho mình (Jeff học Harvard nhờ quỹ tín dụng, bạn phải đi múa cột để đóng tiền học đại học công) trong khi không màng đến những lợi thế của mình (Jeff phải làm việc 80 tiếng một tuần sau khi tốt nghiệp, còn bạn thì bắt đầu làm quản lý của Doritos). Như vậy bạn nhận lấy mọi sự uất ức từ việc thừa nhận rằng cuộc sống thường bất công, nhưng lại không cố gắng làm bất kỳ điều gì để bù đắp lại những thiếu hụt đó. Bạn bị vướng vào vòng luẩn quẩn muốn có những gì người khác có, nhưng không thực sự nghiêm túc cố gắng đạt được điều đó cho bản thân, và rồi uất ức cho rằng người khác “may mắn hơn” mình. Điều này nguy hiểm, và ngu ngốc.

(Cũng giống như đánh vật với một con cá mập, chỉ trừ những trường hợp không phải đánh vật với con cá mập.)

  1. Điều đó khiến bạn cảm thấy mình đặc biệt

Nếu tội nghiệp bản thân chỉ khiến bạn khốn khổ, thì nó đã không mê hoặc đến vậy. Nhưng khi bạn kết hợp những lý do lố bịch mà bạn nghĩ ra cho những thất bại của mình với cuộc sống mà bạn xây dựng cho người khác, bạn đẩy bản thân vào một sự kết hợp độc hại nhưng lại rất ngon lành giữa một bên là một ly vodka và một bên là túi kẹo Skittles cỡ lớn.

Bạn thuyết phục bản thân rằng người khác lúc nào cũng hạnh phúc và khỏe mạnh, và bạn thuyết phục bản thân rằng mình luôn khốn khổ trong khi chả có lỗi gì cả. Vì thế bạn dệt nên viễn cảnh những khó khăn của bạn là cao thượng chứ không phải do thiếu hiểu biết. Chỉ cần vác xác ra khỏi giường để làm công việc mà bạn ghét thì bạn đã đạt được điều mà mọi người khác làm được trong ngày hôm nay, và điều đó cho phép bạn dành mấy giờ nghỉ để nhậu và trả lời câu hỏi của Chiếc nón kỳ diệu, vì bạn xứng đáng có được nó. Tất nhiên người khác sẽ tự hỏi tại sao bạn lại không thích ứng, nhưng họ không hiểu vấn đề của bạn.

(Đừng nhìn tao như vậy, Bông Gòn. Mày không biết tao đang trải qua điều gì đâu.)

Ai cũng muốn cảm thấy mình đặc biệt, vì nếu không thì ta chỉ cảm thấy mình giống như những con người bình thường khác trong số cả tỷ người đang vật lộn với một cuộc sống vô nghĩa và sau đó sẽ mãi mãi rơi vào quên lãng. Vì đây là trang hài nên bạn hãy tưởng tượng câu tiếp theo kết thúc với một tiếng đánh rắm. Khi còn nhỏ, rất dễ để cảm thấy đặc biệt vì bạn có thể giả vờ rằng Luke Skywalker là bố mình và ông cho bạn học ở Hogwarts. Ở tuổi thiếu niên cũng dễ, vì tất cả thiếu niên đều nghĩ rằng chúng có những vấn đề cá biệt mà mẹ không hiểu đâu. Rồi đến ngưỡng cữa đại học và dành bốn năm xem “đặc biệt” là cánh gà 25 xu cho bữa tối. Nhưng họ dần trở thành người lớn với khoản nợ sinh viên khiến cánh gà rẻ tiền cũng trở thành một món xa xỉ, và rất khó để cảm thấy đặc biệt.

Khó nhưng không phải là không thể. Sự nghiệp, gia đình, công việc tình nguyện, chiến dịch trả thù những phần tử phạm tội vào ban đêm - những thứ này sẽ tiêm nhiễm vào cuộc sống của bạn những ý nghĩa lớn lao và bắt đầu xuất hiện những lo nghĩ không thể tránh khỏi và khiến bạn dành nhiều tâm trí. Nhưng nếu bạn có một lối suy nghĩ nhất định, khiến bạn dùng những cụm từ như “mối lo phải dành toàn bộ tâm trí” chẳng hạn, tự thương hại là mức độ dễ của cuộc sống. Bạn đem lại ý nghĩa cho cuộc sống chỉ đơn giản bằng cách thực hiện nhiệm vụ của mình mỗi ngày.

(Mối lo về sự tồn tại lên, lên, xuống, xuống, trái, phải.)

Phải cực kỳ kiêu ngạo thì mới tự cho rằng bạn là người duy nhất gặp vấn đề trong vòng tròn xã hội. Nhưng bạn vẫn làm thế để khiến bản thân cảm thấy tốt hơn và đưa ra cái cớ để không có những gì người khác có. Cứ cho là bạn có ít nhất một chút kỹ năng xã hội, bạn sẽ chẳng bao giờ bàn về nó, vì không ai muốn nghe, “Bạn nghĩ bạn có vấn đề à? Cuộc sống của bạn rất tuyệt vời, ngưng phàn nàn!” Và rồi bạn chỉ lặng lẽ thêu dệt những cuộc sống giả cho người khác, cảm thấy mình đặc biệt nhưng đồng thời cũng rất lố bịch.

  1. Nó có thể trở thành một thói quen không thể bỏ

Đến lúc này có thể bạn sẽ nói, “Tất nhiên tôi tội nghiệp cho bản thân rồi! Tháng trước tôi mất việc, bị người yêu đá, và con khỉ cưng cắn cocaine của tôi và bị sốc thuốc! Cuộc sống của tôi rất tệ, và tôi còn không thể uống rượu giải sầu! Làm sao tôi không khốn khổ được kia chứ?” Và đây là lúc mọi chuyện trở nên rối rắm, giống như đạp xe đạp một bánh trên dây chỉ nha khoa trước mặt một nha sĩ đang giận dữ vì bạn đã trộm tất cả chỉ nha khoa của họ để làm dây.

(Và giờ thì bạn biết cái trò khiến nha sĩ ghét tôi rồi đấy.)

Nếu bạn gặp phải tình huống khó khăn, tội nghiệp bản thân không chỉ là điều dễ hiểu mà còn là một phần quan trọng trong quá trình tự chữa lành. Chỉ khi bạn dùng nạng để đối mặt với những thử thách mà mọi người khác đều phải giải quyết mỗi ngày thì bạn mới có được động lực để bỏ công sức, giống như khi bị trúng đạn trong rừng.

Một khi đã bị trúng đạn, rất khó để… trở về nơi đã gửi bạn đi nước ngoài và vượt qua cơn sốc khi nhận ra thời gian đã trôi qua bao lâu. Hoặc có thể là bạn thay đổi, và… ugh ẩn dụ dở ẹc, thôi dẹp đi. Ý tôi là một khi bạn đã rơi vào vòng luẩn quẩn đó thì rất khó để trở ra. Bạn biết rằng thay đổi gần như chắc chắn sẽ khiến cuộc sống của bạn hạnh phúc hơn, nhưng thay đổi rất đáng sợ dù có là thay đổi tốt.

David Wong đã viết rằng nỗi sợ này là một phần ngăn chặn ta trở thành người tốt hơn. Tự thương hại cũng đáng tin cậy như một con chó cưng, nếu như con chó đó đang ngấm ngầm tìm cách ăn thịt bạn. Sự khốn khổ đem lại những cảm xúc tương tự nhau và những thói quen xấu mỗi ngày (nếu bạn không cố gắng cải thiện cuộc sống, bạn có rất nhiều thời gian để vừa xỉn vừa chơi Halo). Bạn không phải lo bị từ chối, hay sợ thất bại, hay những cảm xúc mới khác. Bạn không cần phải thích ứng, chịu trách nhiệm cho thất bại của mình, hay nhìn nhận người khác một cách công bằng. Tự thương hại cũng như một tấm chăn ấm áp bạn đắp xung quanh mình để giữ ấm, nhưng lý do bạn lạnh là vì bạn cứ nằng nặc khỏa thân ngồi ngoài trời tuyết.

(Và rồi, tối đến, nhện băng xuất hiện.)

Hạnh phúc rất phúc tạp, không như những gì Bobby McFerrin đã dạy ta. Tôi không thể giải thích tại sao tôi thường cảm thấy khó chịu mặc dù tôi đang sống trong ngôi biệt thự vàng và ngủ trên chiếc giường vàng với những người phụ nữ tôi sơn vàng lên. Trong khi đó thì thợ đánh bóng vàng của tôi là người hạnh phúc nhất thế giới, và tôi trả công cho anh ta bằng đồng tiền mác giả. Rất nhiều người cảm thấy khốn đốn trầm trọng không bao giờ tìm cách chữa trị, dù cho tìm được hạnh phúc đã trở thành một trong những mục tiêu chính trong cuộc sống người Mỹ. Tôi không biết vì sao, nhưng tôi có thể nói với bạn rằng cảm thấy quá tội nghiệp cho bản thân trong thời gian quá dài có thể đẩy bạn vào con đường tăm tối dẫn đến không gì ngoài sự khốn đốn. À, còn cả những tiếng đánh rắm điên khùng.

 

Dịch bởi Thợ săn tiền thưởng

Nguồn: https://www.cracked.com/blog/4-reasons-misery-shockingly-addictive

menu
menu