4 ngôn ngữ cơ thể của chứng mặc cảm thấp kém
Nếu ý niệm về sự thấp kém còn tồn tại trong tâm thức, người khác vẫn có thể nhận ra điều đó thông qua ngôn ngữ cơ thể của bạn.
Ngôn ngữ cơ thể đôi khi có sức mạnh hơn cả lời nói. Có những lúc, bạn nghĩ rằng mình có thể giấu hết những cảm xúc, suy tư trong lòng để không một ai có thể đoán định được, nhưng trong vô thức, nét mặt và cử chỉ của bạn lại lột trần những điều bạn đang che giấu. Nếu ý niệm về sự thấp kém còn tồn tại trong tâm thức, người khác vẫn có thể nhận ra điều đó thông qua ngôn ngữ cơ thể của bạn.
Vậy, đâu là ngôn ngữ cơ thể cho thấy bạn đang thể hiện sự mặc cảm thấp kém?
DẤU HIỆU CỦA MẶC CẢM THẤP KÉM (INFERIORITY COMPLEX)
Khi ai đó cảm thấy bản thân mình không đủ tốt, không đủ tài năng, hay bản thân mình không quan trọng bằng người khác, đó lúc họ đang mắc chứng mặc cảm thấp kém (inferiority complex). Đây là 8 dấu hiệu điển hình của một người đang lâm vào tình trạng đó:
- Lòng tự trọng thấp
- Cảm thấy bị mắc kẹt và không đạt được mục tiêu mong muốn
- Dễ dàng từ bỏ
- Luôn tưởng tượng ra tình huống tệ nhất
- Không muốn vướng vào các sự kiện xã hội
- Luôn cảm thấy tuyệt vọng
- Luôn trải qua cảm giác lo âu, căng thẳng
- Nhạy cảm với những lời phê phán
Tuy nhiên, những dấu hiệu trên chỉ là sự tham khảo và không hoàn toàn nói lên được liệu bạn có đang mắc chứng mặc cảm thấp kém hay không. Nếu bạn đang mắc đa số trong các dấu hiệu trên, bạn nên tham vấn tâm lý để có được hướng giải quyết phù hợp cho tình trạng hiện tại.
Bên cạnh đó, về mặt ngôn ngữ cơ thể, đây là một số biểu hiện tiêu biểu của chứng mặc cảm thấp kém.
Ảnh: Unsplash/ Anthony Tran
1. THU NGƯỜI LẠI
Động vật thường hay thu người lại mỗi khi gặp nguy hiểm hay đang ở thế bất lợi, chúng hành động như vậy để không bị loài khác phát hiện ra. Con người cũng vậy, nhưng cách biểu hiện lại có phần khác đi. Thông thường, chúng ta sẽ ẩn mình trong một vỏ bọc hay vùng an toàn của bản thân, điều đó thể hiện qua việc gù lưng xuống khi đang đứng hoặc đang ngồi.
2. KHOANH TAY
Những người mắc chứng mặc cảm thấp kém thường tạo cho mình một hàng rào bảo vệ bằng cách khoanh tay lại để che thân hay trốn tránh người khác. Đây là ngôn ngữ cơ thể thể hiện sự phòng thủ, tự bảo vệ bản thân cũng như đánh dấu lãnh thổ. Hành động khoanh tay trước ngực cũng là cách để bảo vệ bản thân khỏi một cá nhân hay một điều gì đó mạnh mẽ hơn.
3. THỰC HIỆN NHỮNG ĐỘNG TÁC NHỎ
Khi cảm thấy mặc cảm, người ta thường di chuyển nhẹ nhàng hết sức có thể để không ai có thể chú ý đến mình. Bởi lẽ, những người bị mắc chứng này thường cho rằng mình không xứng đáng và sự hiện diện của mình có thể làm cho những người xung quanh cảm thấy không thoải mái.
Do đó, họ sẽ luôn đi khẽ, hành động nhẹ nhàng, hạn chế cử động tay và nói những câu đơn ngắn gọn để không ai nhìn thấy sự hiện diện của họ.
CẢI THIỆN TƯ THẾ
Bất cứ khi nào bạn cảm thấy mình lâm vào những dấu hiệu trên, bạn có thể cải thiện tư thế của mình để trông dạn dĩ và tự tin hơn. Một số tư thế gợi ý là ngẩng đầu, nhìn thẳng về phía trước, đứng thẳng người, đôi khi có thể chống tay lên hông. Nếu bạn dần hình thành những tư thế quen thuộc này, bạn sẽ cảm thấy phần nào tự tin hơn, mạnh mẽ hơn và cũng giảm bớt những mặc cảm tự ti về bản thân trong cuộc sống.
Cuộc sống quá ngắn ngủi để chúng ta có thể trải nghiệm hết những điều hay, nếu cứ thu mình trong vỏ bọc an toàn và không ngừng so sánh bản thân với người khác, chẳng khác nào chúng ta đang tự lấy đi cơ hội để được làm chính mình và sống một cuộc đời mơ ước. Hy vọng rằng bạn luôn tự tin và giữ cho mình thái độ lạc quan, bởi bạn là duy nhất, là cá thể đặc biệt trong hàng triệu sinh linh trên địa cầu này, bạn xứng đáng được yêu thương và tỏa sáng theo cách của bạn.
Chúc bạn luôn hạnh phúc và tự tin vào chính mình.
Bài: Hoàng Tân
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: The minds journal