5 bước để chữa lành khi người thân không thay đổi

5-buoc-de-chua-lanh-khi-nguoi-than-khong-thay-doi

Hãy khóc cho cái “ảo tưởng” về sự thay đổi và những gì nó mang lại mà mình đã từng mong mỏi.

ĐIỂM CHÍNH

  • Không lời nói, cầu xin hay đe dọa nào có thể khiến một người thay đổi nếu họ chưa sẵn sàng.
  • Việc sống thật với thực tế của mình và tìm cách tiếp cận mới khi giao tiếp với người thân ấy có thể mang lại bình yên.
  • Quan trọng là tiếp tục xây dựng những mối quan hệ khác, cả trong và ngoài gia đình.

Chúng ta không thể ép người khác thay đổi, dù hành vi của họ có gây tổn thương, cay nghiệt, tiêu cực hay thậm chí phân biệt. Điều này đặc biệt khó khăn với những người đã từng kỳ vọng bố mẹ, anh chị em hay họ hàng sẽ biết lắng nghe, thấu hiểu và trở nên tốt hơn.

Nhiều thân chủ của tôi ngồi đối diện với thực tế rằng người thân của họ không thay đổi, kể lại những lần họ đã cầu xin, van nài mà không hề có kết quả. Vậy nên, chúng tôi bắt đầu một hành trình chữa lành chậm rãi, quanh người thân khó xử, chứ không phải cùng với họ.

Image: Krakenimages.com/Shutterstock

  1. Khóc cho “giấc mơ” thay đổi mà ta từng khát khao

Khi bắt đầu đối diện với sự thật rằng người thân không thể hoặc không muốn thay đổi, cảm giác mất mát sẽ dần trỗi dậy. Đó là nỗi đau từ việc phải buông bỏ giấc mơ về một mối quan hệ trọn vẹn, êm đẹp nếu người ấy thay đổi hành vi của mình.

Có thể ta buồn vì sự thân thiết mà mình từng mường tượng sẽ được vun đắp; vì những khoảnh khắc đong đầy ý nghĩa mà ta từng nghĩ sẽ có cùng họ nếu như họ thay đổi. Có thể ta tiếc nuối cho vai trò mà ta đã hy vọng họ sẽ đóng góp trong cuộc sống của mình hay của con cái. Việc từ bỏ ảo tưởng này, trải qua nỗi đau và dần chấp nhận thực tế là điều cần thiết để tìm đến sự cân bằng mới với người thân đó.

  1. Thay đổi cách mình phản ứng với hành vi của họ

Dù người thân không thay đổi, ta có thể thay đổi cách mình phản ứng. Thay vì phản ứng theo bản năng, ta học cách đáp lại phù hợp với giá trị sống của mình.

Lần tới khi mẹ bắt đầu la hét như mọi khi, ta có thể ngồi yên lặng thay vì “đổ thêm dầu vào lửa.” Lần tới khi người chú phát ngôn những lời lẽ phân biệt và cay độc, ta có thể đứng dậy, rời khỏi phòng thay vì cười hùa theo. Việc hiện diện một cách khác biệt giúp ta trải nghiệm cuộc trò chuyện theo cách hoàn toàn mới. Nó có thể mang lại sự bình yên và cảm giác rằng ít nhất, mình không sa vào cùng một mức độ tiêu cực như họ.

Khi không tham gia vào những vòng xoáy cũ, chọn phản ứng bình thản hoặc nhẹ nhàng rút lui, ta cũng làm nhẹ đi lý do mà người khác thường dùng để cho rằng hành động của ta là nguyên nhân vấn đề. Phản ứng mới của ta thậm chí có thể tạo nên hiệu ứng lan tỏa đến những thành viên khác trong gia đình.

  1. Sống thật với hiện thực của mình

Một khó khăn lớn khi phải đối diện với một người thân thường xuyên gây khó chịu là cảm giác như chỉ có mình mình cảm thấy tổn thương vì điều đó. Có thực sự chỉ mình ta thấy bực mình trước những lời mỉa mai của cô em họ Allison? Hay là những cơn giận dữ của bố?

Có lẽ không hẳn. Khả năng cao là những người khác cũng ít nhiều cảm thấy thất vọng. Có thể họ đã chọn cách lờ đi hoặc chấp nhận để giữ gìn mối quan hệ. Nhưng nếu điều đó không phải là lựa chọn của ta, thì ta sẽ cảm thấy như chỉ có mình mình tức giận, chỉ có mình mình bị tổn thương. Trong hoàn cảnh đó, giữ vững niềm tin vào cảm nhận và đánh giá của bản thân là điều rất quan trọng. Sự bình tĩnh và tự tin vào thực tại của chính mình sẽ giúp ta cảm thấy vững vàng hơn, dù cho mình là người duy nhất trong phòng cảm thấy phẫn nộ.

  1. Xây dựng kết nối với những người thân khác trong gia đình

Thật dễ hiểu khi ta muốn tránh xa những buổi họp mặt gia đình vì một người thân khó chịu. Nhưng điều đó cũng khiến những mối quan hệ và khoảnh khắc ý nghĩa khác bị thiệt thòi theo. Thay vào đó, hãy tìm cơ hội dành thời gian riêng với những người thân yêu quý và tiếp tục bồi đắp mối quan hệ với họ. Khi có dịp gặp gỡ gia đình, ta có thể tìm hiểu xem ai sẽ có mặt và lên kế hoạch để tập trung vào những hoạt động nhẹ nhàng, lành mạnh.

Liệu ta có thể dành thêm thời gian vui đùa với cháu mình thay vì tương tác với anh chị dâu, anh chị rể? Hay xem trận bóng để tránh xa những cuộc trò chuyện đầy nhạy cảm vào dịp Lễ Tạ Ơn? Những khoảnh khắc nhỏ như thế sẽ giúp ta giữ khoảng cách với những điều gây tổn thương, đồng thời có được thời gian vui vẻ, thật sự đáng nhớ cùng những người thân khác.

  1. Xây dựng mối quan hệ bên ngoài gia đình

Khi gia đình trở nên phức tạp, việc tạo dựng một “gia đình lựa chọn” sẽ là nguồn động viên quý giá. Hãy tìm đến bạn bè, gặp gỡ nhà trị liệu, tham gia cộng đồng tôn giáo hoặc thử một sở thích mới để gặp gỡ những người mới. Việc hình thành các mối quan hệ mới và chăm sóc những kết nối sẵn có sẽ xây dựng một mạng lưới hỗ trợ, giúp xoa dịu nỗi đau từ sự xa cách trong gia đình.

Dĩ nhiên, không gì thỏa mãn bằng việc thấy một người thân tự nhận ra hành động của họ gây tổn thương và thay đổi. Nhưng vì ta không thể kiểm soát người khác, ta có thể chọn điều tốt nhất kế tiếp: chữa lành nỗi đau của chính mình và tập trung vào những gì nằm trong tầm tay. Nếu làm đúng cách, những bước đi này sẽ giúp ta, dù với một người thân khó xử, tiến về phía trước với lòng thanh thản. 

Nguồn: 5 Steps to Healing if a Family Member Won't Change

menu
menu