Động cơ của người hay cằn nhằn
Ít có kiểu tính cách nào gây bực bội cho người khác nhiều bằng tính cằn nhằn.
Ít có kiểu tính cách nào gây bực bội cho người khác nhiều bằng tính cằn nhằn. Khi một người than phiền về ai đó thường xuyên cằn nhằn thì thường ám chỉ đến người cằn nhằn là người yêu, cha/mẹ, hoặc sếp. Mẫu số chung của ba mối quan hệ trên bao gồm sự thân mật gần gũi, kề cận và động năng của mối quan hệ bao gồm sự phụ thuộc, nghĩa là người ta rất khó để tránh xa hoặc thoát khỏi các mối quan hệ này.
KHUYNH HƯỚNG TÍNH CÁCH TỔNG THỂ CỦA MỘT NGƯỜI HAY CẰN NHẰN LÀ GÌ?
Tính cằn nhằn không xác định trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê các chứng rối loạn tâm thần, ấn bản thứ 5 (DSM-5; Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ). Tuy nhiên, nó mang một số đặc điểm trùng lặp với Chứng rối loạn nhân cách Xung hấn-Thụ động (Passive-Aggressive Personality Disorder), kiểu rối loạn nhân cách từng xuất hiện trong các phiên bản trước của DSM. Trước đây, nhân cách xung hấn-thụ động hay là kiểu nhân cách tiêu cực trong Cẩm nang, và những ai thường xuyên tương tác với người có tính hay cằn nhằn đều hiểu rõ những cá nhân đó có thể tiêu cực ra sao.
Tính hay cằn nhằn cũng có thể mang nhiều ám ảnh, tức họ dễ dính mắc vào hoạt động của người khác. Nó có thể trông hơi giống với người mắc chứng Rối loạn Ám ảnh Cưỡng chế Obsessive-Compulsive Disorder (OCD), người hay cằn nhằn có suy nghĩ mà họ bị mắc kẹt khi nghĩ đến (nỗi ám ảnh) rồi sau đó thực hiện một hành vi (cằn nhằn, mang tính cưỡng chế) để xoa dịu lo lắng do ý nghĩ ám ảnh gây ra.
Ví dụ, người chồng không thể nào ngừng suy nghĩ về việc liệu vợ đã sắp xếp cho cuộc hẹn chưa (nỗi ám ảnh), và anh ta cứ liên tục cằn nhằn vợ mình (mang tính cưỡng chế) cho đến khi làm xong việc.
Mặc dù rất khó để nghiên cứu và phân loại những đặc điểm tính cách chủ quan như vậy, song khá hợp lý khi cho rằng tính hay cằn nhằn bao gồm cả yếu tố xung hấn-thụ động và ám ảnh cưỡng chế.
ẢNH HƯỞNG CỦA TÍNH CẰN NHẰN ĐẾN NHỮNG NGƯỜI GẦN GŨI VỚI HỌ
Trước đây, định nghĩa chính thống về tính cằn nhằn:
Định nghĩa chính thống: Hành vi chỉ trích hoặc bắt lỗi.
Định nghĩa 2: tính cằn nhằn luôn là nguyên nhân gây ra lo lắng hoặc bực bội.
Định nghĩa thứ hai giải thích ngắn gọn những ảnh hưởng của tính hay cằn nhằn đến người khác; tức, người bị cằn nhằn luôn cảm thấy lo lắng và khó chịu.
Cằn nhằn là kiểu giao tiếp tiêu cực trong các mối quan hệ, và đặc biệt là, các nghiên cứu mẫu tiêu biểu về mối quan hệ yêu đương, luôn phát hiện thấy ở những cặp đôi bất hạnh thể hiện kiểu hành vi giao tiếp tiêu cực này nhiều hơn những cặp tương đối hạnh phúc (Bradbury & Karney, 2013).
ĐỘNG CƠ CỦA TÍNH HAY CẰN NHẰN
Đầu tiên, mọi người đã nghĩ sai khi cho rằng người hay cằn nhằn thích làm vậy vì họ thích cằn nhằn người khác. NHƯNG những bệnh nhân chẳng lấy gì làm vui vẻ khi cằn nhằn. Trên thực tế, các bệnh nhân đã bộc bạch rằng họ cảm thấy đó như một lời nguyền khi mang trên vai gánh nặng của sự quan tâm và hay lo nghĩ quá nhiều về mọi chuyện, lớn và nhỏ.
- Những người cằn nhằn hay cằn nhằn một phần là vì tâm trạng có vấn đề. Nói theo cách thông thường thì họ đang có tâm trạng “khó ở,” còn chuyên môn là “rối loạn.”
Căn nguyên của tính hay cằn nhằn là bản thân họ không có cảm giác bình an tại một thời điểm nào đó và cảm thấy không thể “ngồi yên” hoặc kiểm soát được cảm xúc tiêu cực của họ. Người hay cằn nhằn có thể cảm thấy lo lắng, sợ hãi, trầm cảm hoặc thất vọng, cùng những cảm xúc khác, và họ không thể chịu đựng được những cảm xúc ấy.
- Không biết xử lý những cảm xúc, nên họ tìm đến những người thân thiết nhất để trút gánh nặng cảm xúc của bản thân vì họ không thể chịu đựng chúng lâu hơn nữa. Nhiệm vụ hoặc đối tượng mà họ tập trung chỉ đơn giản đóng vai trò là người vận chuyển hoặc phương tiện cho những cảm xúc tiêu cực.
Về phương diện lâm sàng, những người hay cằn nhằn còn được gọi là người có nhu cầu cao về tính cấu trúc (high-need structure: nghĩa là đòi hỏi phản hồi nhanh chóng, đơn giản và chính xác và tránh những thông tin thiếu chắc chắn hoặc mơ hồ).
Trong khi hầu hết mọi người đều chấp nhận rằng tính thiếu chắc chắn và sự lộn xộn ở mức độ nào đó là một phần không thể tránh khỏi trong cuộc sống hằng ngày, người hay cằn nhằn gặp khó khăn trong việc chấp nhận thực tế này.
Những người này có nhu cầu cực kỳ cao về tính cấu trúc, nghĩa là họ cần môi trường sống của họ mang lại cảm giác trật tự và dễ đoán ngay lập tức. Ta thường hiểu sai về động cơ của người cằn nhằn, cho rằng họ muốn kiểm soát và tỏ ra quyền lực, nhưng người cằn nhằn thường hay cằn nhằn vì một nỗi sợ sâu kín rằng thế giới của họ có thể vượt khỏi tầm kiểm soát nếu từng chi tiết một không được sắp xếp đâu ra đấy.
Tóm lại, gốc rễ của cằn nhằn thường là sự pha trộn giữa vấn đề về tâm trạng và nhu cầu về sự trật tự vì thế giới nội tâm của họ những gì đang diễn ra trong tâm trí họ và thế giới xung quanh họ thường mang lại cảm giác mất trật tự và khó kiểm soát.
LÀM SAO ĐỂ KIỂM SOÁT ĐƯỢC HIỆU QUẢ NHẤT TÍNH CẰN NHẰN
Khi tính cằn nhằn bị kích hoạt bởi một cảm xúc tiêu cực thì chế độ mặc định của họ thường sẽ là tìm kiếm thứ gì đó để cằn nhằn nhằm giảm bớt cường độ của cảm xúc tiêu cực mà họ đang có. Nếu bạn tránh mặt thì người cằn nhằn sẽ không thể lợi dụng bạn như đối tượng để trút xả cảm giác tiêu cực của họ.
Chỉ trao đổi vài lời chứ đừng tham gia vào cuộc tranh cãi. Đừng bước vào cuộc trò chuyện đầy căng thẳng với người cằn nhằn khi họ bắt đầu cằn nhằn; chỉ cần nói vài lời ngắn gọn, vạch ra một ranh giới rõ ràng và chắc chắn. Hãy nói “Anh sẽ nói điều này với em ngay trước bữa tối, anh hứa, nhưng anh sẽ không nói chuyện về việc này ngay bây giờ.”
Nếu họ vẫn tiếp tục ép bạn tham gia thì lặp lại quan điểm; sớm muộn gì họ cũng sẽ thấy mệt mà dừng lại nếu bạn liên tục vạch ra ranh giới rõ ràng và không tham gia. (Kỹ thuật này là ví dụ về quy luật học tập và hành vi được gọi là “sự dập tắt.”) Nếu sếp bạn có tính hay cằn nhằn thì hãy tạm thời vuốt ve tính tự đại của sếp bằng cách chiều theo ý sếp.
Nếu người cằn nhằn là người yêu/bạn đời thì hãy thường xuyên đề cập đến việc đi tham vấn cặp đôi vào những dịp mà cả hai đều có tâm trạng thoải mái. Hãy đề xuất rằng đi tham vấn tâm lý hai hoặc ba buổi để giải quyết một vài vấn đề nhỏ. Khi bạn đề xuất việc trị liệu thì hãy nói theo cách tích cực và đầy hy vọng . Ví dụ, hãy nói “Nếu anh không yêu em thì có lẽ anh sẽ chẳng quan tâm, nhưng anh muốn xử lý mấy vấn đề đó để chúng ta có thể sống vui vẻ hạnh phúc bên nhau.”
Cuối cùng, tính cằn nhằn là tính cách có thể khiến người khác vô cùng bực bội, nhưng có thể kiểm soát được nó bằng cách thường xuyên thực hành các kỹ thuật được liệt kê và tránh dính mắc về cảm xúc vào thời điểm mà tính cằn nhằn bị kích hoạt.
Ảnh: Gorynvd/Shutterstock
Nguồn: https://www.psychologytoday.com/us/blog/insight-is-2020/202106/what-motivates-chronic-naggers