5 dấu hiệu cảnh báo bạn đang có một mối quan hệ có hại (và nó đang giết chết bạn)
Một mối quan hệ có hại có thể hủy hoại nhận thức của bạn về chính mình.
Nguyễn Hồng Anh dịch từ bài gốc “5 Warning Signs You’re In a Toxic Relationship (And It’s Killing You)” của Sabrina Alexis trên A New Mode (truy cập ngày 3/9/2016).
Có một thứ mà tôi, và không may là nhiều phụ nữ khác, biết rất rõ là những mối quan hệ độc hại. Độc chất là một thứ gây tổn hại cho bạn và làm bạn kiệt quệ. Một mối quan hệ có hại có thể hủy hoại nhận thức của bạn về chính mình.
Có những mối quan hệ lành mạnh và có những mối quan hệ có hại, và tôi đã rơi vào trường hợp thứ hai ngày tôi bước chân vào đại học và sống chết yêu một anh chàng mà dường như mọi thứ đều không phù hợp. Giống như hầu hết các mối quan hệ khác, mối quan hệ này bắt đầu chẳng có vấn đề gì. Cảm giác ban đầu như điện giật, sự hấp dẫn là rất mạnh mẽ, nói chuyện thoải mái và dễ dàng, và lúc nào cũng thấy cần có nhau. Tôi chưa bao giờ cảm thấy bị thu hút nhiều như thế. Tôi có nhìn thấy một vài dấu hiệu bất ổn từ sớm, nhưng đã tự thuyết phục mình rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn vì đơn giản là phải như thế. Nhưng mà mọi chuyện lại không như thế.
Qua thời gian mọi thứ chỉ trở nên tệ hơn, và sau một năm kể từ khi bắt đầu mối quan hệ đó tôi đã trở thành cái bóng của chính mình trước đây. Tôi không còn vui vẻ, thân thiện, lạc quan, tự tin, và tràn đầy ánh sáng. Thay vào đó tôi thường xuyên cảm thấy bấp bênh, bất an đau khổ, kiệt quệ, và buồn rầu. Tôi sống dưới một đám mây đen sợ hãi… sợ rằng mọi chuyện sẽ kết thúc, rằng anh ta sẽ bỏ đi. Khi ở cạnh anh ta có lẽ tôi cũng khốn khổ, nhưng tôi đã tin rằng không có anh ta tôi sẽ còn khốn khổ hơn nữa, bởi vậy mà tôi vẫn tiếp tục. Mối quan hệ đó nhẽ ra không nên kéo dài đến như thế. Tôi đã tiếp tục kể cả khi anh ta cho tôi thấy đủ mọi lý do rằng mối quan hệ ấy không nên tiếp tục. Cuối cùng, anh ta bỏ tôi, và đúng như đã dự đoán tôi cảm thấy mình chết từ bên trong.
Mãi tới khi mối quan hệ ấy lụi hẳn đi rồi tôi mới có thể nhìn ra mọi chuyện đã xấu như thế nào và nó đã hủy hoại cách mà tôi nhìn chính mình khủng khiếp ra sao. Một phần nguyên nhân tôi đã không nhận thức được sớm hơn là bởi tôi chẳng biết mình tìm kiếm điều gì. Tôi cứ để những cảm xúc mà tôi có che mờ những thứ khác. Bạn bè đã cố gắng cảnh báo tôi rằng chuyện đó không ổn, thế là tôi không nói chuyện với họ nữa. Linh tính của tôi đã bảo tôi là chuyện này không ổn, thế là tôi không để cho linh tính của mình lên tiếng nữa. Tôi đã làm việc mà nhiều người khác làm. Tôi đã chọn không nhìn mọi việc như chúng đã là mà thay vào đó chỉ nhìn vào việc tôi muốn mọi chuyện trở nên thế nào. Tôi coi nhẹ những gì là không ổn và bám chặt vào bất cứ thứ ánh sáng tốt đẹp nào mà tôi nhìn thấy, và đó là tất cả những gì tôi cần để tiếp tục.
Nỗi đau còn đeo đuổi tôi rất lâu sau khi mối quan hệ ấy kết thúc, và những vết thương mà nó gây ra đã mất rất nhiều thời gian để lành lại. Rắc rối với những mối quan hệ có hại là không phải lúc nào bạn cũng dễ dàng nhận dạng ra được, và đôi khi cứ như thể là bạn là người rất hay phức tạp hóa vấn đề nên mới coi nó là “có hại”.
Có thể bạn nghĩ rằng bạn đang trải qua những thăng trầm mà mối quan hệ nào cũng phải trải qua, hoặc có thể bạn cho rằng một vấn đề nào đó bên ngoài đang là nguyên nhân gây bất ổn và nếu vấn đề đó được giải quyết thì mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp.
Có thể nhìn nhận mọi chuyện đúng như nó đang là và chấp nhận một thực tế là nó sẽ không thay đổi có thể giúp bạn rất nhiều. Việc đó sẽ cho bạn khả năng nhìn mọi chuyện qua một lăng kính khách quan và ra quyết định có lợi nhất cho bạn. Để giúp bạn làm được điều đó, tôi chỉ ra ở đây những dấu hiệu lớn nhất cho thấy bạn đang ở trong một mối quan hệ rất hại não.
1. Bạn không bao giờ cảm thấy mọi chuyện là đủ tốt
Bạn cảm thấy như bạn làm sai mọi thứ và thường xuyên phải cố gắng chứng tỏ giá trị của mình. Bạn trở nên nghiện ngập sự ghi nhận của anh ta. Bất cứ khi nào bạn làm gì đó và nó kiểu dạng làm anh ta ghi nhận thì bạn cảm thấy nhẹ nhõm, và nó như một sợi dây đủ để bạn tiếp tục bám vào. Bạn lại cố gắng nhiều hơn nữa để lại có được cái cảm giác đó, và nếu không được thì bạn cảm thấy như đó là một thất bại. Nhưng bất kể là bạn cố gắng nhiều thế nào, bạn không bao giờ cảm thấy là bạn đã cố gắng đủ hay là bạn đã làm đúng. Bạn thường xuyên ở trong trạng thái không thoải mái, phán xét chính mình, cố gắng trở nên tốt hơn và trở nên đủ tốt.
2. Bạn không thể là chính mình
Một dấu hiệu cho thấy bạn đang ở trong một mối quan hệ lành mạnh là cảm giác bạn vẫn như bình thường. Một dấu hiệu lớn cho thấy bạn đang ở trong một mối quan hệ không lành mạnh, có hại là điều ngược lại, là cảm giác bạn không thể là chính mình. Thay vào đó, bạn phải đi nhẹ nói khẽ cười duyên và phải để ý mọi thứ bạn nói và làm. Bạn cảm thấy như giờ đây bạn phải uốn lưỡi hai lần trước khi nói và một số chủ đề là cấm kỵ, và bạn phải hành xử cho phải phép. Bạn sợ phải nêu một số vấn đề ra để nói chuyện với anh ta bởi bạn không biết anh ta sẽ phản ứng như thế nào, và không nói gì thì tốt hơn là nói gì đó và làm anh ta giận. Bởi vậy bạn cứ im lặng chịu đựng và hy vọng rằng mọi chuyện rồi sẽ thay đổi theo một cách nào đó, và mối quan hệ này một ngày nào đó sẽ trở nên hạnh phúc và lành mạnh theo một cách thần kỳ nào đó.
Bạn thậm chí có thể không nhận ra rằng mối quan hệ này đang biến bạn trở thành một người như thế nào. Bạn không biết tại sao bạn không còn là cô gái vui vẻ, tự tin nữa, và có thể bạn bè và gia đình bạn cũng cảm thấy như thế. Nhưng bạn yêu anh ta và bạn đã bỏ rất nhiều thứ vào mối quan hệ này và bạn lý giải rằng chỉ cần qua được ít trắc trở này, bạn sẽ trở lại như xưa…
3. Anh ta làm bạn buồn khổ.
Đây là một trong những dấu hiệu lớn nhất của một mối quan hệ có hại, và nó dường như là khá rõ ràng, nhưng thường bạn lại không nhận ra là anh ta đang làm bạn buồn khổ bởi mọi chuyện diễn ra theo cách cũng khó mà chỉ trích ai được. Và nếu bạn đã lún quá sâu, bạn đã không còn là chính mình và đã tự thấy mình không đủ tốt đẹp, nên thậm chí bạn cũng mặc nhiên công nhận những điều tiêu cực anh ta nói với bạn hay là nói về bạn.
Các mối quan hệ là một cơ hội để người ta trưởng thành rất nhiều. Đôi khi những tính cách không-ưu-tú-nhất của chúng ta bỗng dưng lộ ra và chúng cần phải được xử trí thế nào đó. Tuy nhiên, có một sự khác biệt rất lớn giữa một đối tác có thể chỉ ra điểm yếu của chúng ta theo một cách tích cực, khuyến khích chúng ta trưởng thành hơn, với một đối tác làm việc đó với màu sắc chế giễu, coi thường. Trong một mối quan hệ lành mạnh, người đó sẽ chấp nhận con người bạn. Anh ta sẽ yêu những điểm tốt và chấp nhận những điểm xấu bởi vì chúng ta đều là con người và ai cũng có những mặt không tốt, và những gì không tốt vẫn có thể chấp nhận được trong một chừng mực nào đó. Những ai trông đợi một đối tác hoàn hảo đều đã dọn đường cho mình sống trong thất vọng cả đời. Trong một mối quan hệ lành mạnh, bạn sẽ muốn trở nên tốt hơn bởi bạn thực lòng muốn tốt hơn nhưng vẫn là chính mình – vì chính bạn, vì người đó, và vì mối quan hệ này. Bạn sẽ cảm thấy được yêu thương và được chấp nhận với chính con người mình, và cả hai bạn hiểu rằng thay đổi cần có thời gian, nên bạn không cảm thấy khổ sở vì cảm thấy bất lực với những điểm yếu của mình hết lần này tới lần khác.
Trong một mối quan hệ có hại, bạn không cảm thấy mình được chấp nhận, đối tác của bạn khó chịu với những điểm yếu của bạn, và anh ta có thể chế giễu bạn và làm bạn xấu hổ vì những điểm yếu đó.
Tôi nhớ trong mối quan hệ gây hại đó của mình anh ta đã bảo tôi là lý do anh ta chọn đi lại với tôi là bởi anh ta không thể “breed” (phải, tôi trích dẫn nguyên văn lời anh ta) với ai như tôi bởi vì tôi không phải là kiểu người sẽ làm vợ và làm mẹ (xin nhắc, khi ấy tôi là một đứa nhóc sinh viên 20 tuổi), vậy nên anh ta cảm thấy an toàn vì biết rằng mối quan hệ này không phải là lâu dài. Đọc đến đây chắc các bạn đang há hốc mồm, và có lẽ bạn đang nghĩ “ờ sau vụ này thì hiển nhiên cô này sẽ bỏ thằng cha này,” nhưng tôi đã không làm thế! Tôi nhớ là mình đã cảm thấy xấu hổ và bối rối vì thực tế là tôi thích đi chơi và uống rượu và tiệc tùng (lại xin nhắc, khi ấy tôi 20 tuổi!), và tôi tự tạo cho mình một nhiệm vụ là chứng tỏ với anh ta rằng tôi cũng có thể là một người biết chăm sóc như thế nào. Trong một mối quan hệ độc hại, những chuyện hại não là không thiếu. Một số chuyện có thể thấy rõ còn một số khác thì bị che khuất, và có thể bạn không hề nhận ra rằng chúng đang hủy hoại bạn từ bên trong như thế nào.
4. (Hai) Bạn chơi bẩn.
Cặp nào cũng gây lộn, kể cả những cặp hạnh phúc nhất. Gây lộn có thể xảy ra với mọi chuyện lớn nhỏ. Những cặp hạnh phúc không phải là những cặp không bao giờ gây lộn, họ là những người biết dùng những xích mích và bất đồng như một phương tiện để giải quyết vấn đề. Nếu có một vấn đề không giải quyết được, họ học cách trao đổi, tương tác với nhau tốt hơn và tiến tới hiểu nhau nhiều hơn.
Các cặp có vấn đề thường gây lộn để phân thắng thua. Họ dùng những xích mích như một cơ hội để dằn mặt người kia, chơi xấu, và tranh thủ trút hết ra những tức giận và những chuyện để bụng bấy lâu. Gây lộn kiểu chơi xấu là một dấu hiệu cho thấy mức độ hận nhau trong mối quan hệ đã đến giới hạn chịu đựng. Gây lộn lúc này mang màu sắc hằn học và coi thường nhau, và mỗi người đều chăm chăm muốn “thắng” và chứng tỏ là mình đúng thay vì cùng nhau tìm cách giải quyết vấn đề một cách hòa bình.
5. Anh ta sẽ không làm gì để cải thiện tình hình.
Anh ta phủ nhận trách nhiệm và thay vào đó chỉ trích bạn và coi mọi chuyện là lỗi của bạn. (Kiểu như, “Nếu không phải là lúc nào em [cô] cũng gây chuyện thì anh [tôi] cũng không phải cáu giận đến như thế!”) Trong một mối quan hệ gây hại, bạn cảm thấy như mình là vấn đề. Anh ta không coi cảm xúc hay nhu cầu của bạn là gì. Nếu bạn không vui, đó là bởi bạn quá “nhạy cảm” hoặc “dễ xúc động” hoặc “vô lý”. Anh ta có thể nói xin lỗi, nhưng anh ta không thực sự nhận mình có lỗi gì và cho rằng nếu bạn có vấn đề gì với mối quan hệ này thì nó chỉ là vấn đề của bạn. Anh ta không muốn nói về chuyện đó hay tìm cách giải quyết hay cố gắng thay đổi.
Phẩm chất quan trọng nhất cần tìm ở một đối tác là một người sẵn sàng làm gì đó để cải thiện tình hình. Những mối quan hệ gây hại vẫn có thể thay đổi nếu cả hai người đều thực tâm muốn làm gì đó để cải thiện tình hình. Tuy nhiên, nếu anh ta từ chối thay đổi hay cố gắng hiểu cảm xúc và nhu cầu của bạn thì chẳng còn làm được gì và lựa chọn duy nhất của bạn là ra đi. Việc đó khó đấy vì một anh chàng với những tính cách gây mệt mỏi cũng có những tính cách khác thực sự tốt đẹp, và chúng ta nghĩ rằng nếu chúng ta cố gắng đủ nhiều chúng ta có thể làm cho những điểm tích cực ấy nở rộ nhiều hơn nữa và khiến anh ta thay đổi và trở thành một người tốt hơn. Mọi chuyện hiếm khi diễn ra theo cách ấy; mọi người chỉ thay đổi khi người ta nhận ra là đang có vấn đề và họ muốn giải quyết vấn đề đó. Và dù anh ta có bao nhiêu phẩm chất tốt đẹp đi nữa, điều quan trọng duy nhất là anh ta có mong muốn mối quan hệ này có kết quả. Nếu anh ta không có mong muốn đó, mọi thứ khác đều là vô nghĩa.
—
Nếu bất kỳ điều nào trên đây là đúng với bạn hay có vẻ giống giống với mối quan hệ của bạn, có lẽ đây là lúc bạn nên cân nhắc nghiêm túc về chuyện có tiếp tục mối quan hệ này không vì lợi ích của mình. Những mối quan hệ gây hại có sức hủy hoại không nhỏ; hoặc là bạn nhận ra điều này bây giờ hoặc là một lúc nào đó sau này. Bạn càng dây dưa, tổn hại sẽ càng nhiều và thời gian phục hồi sẽ càng dài. Hãy nhớ rằng, bạn giải phóng cho mình càng sớm bao nhiêu thì bạn càng tới gần hơn với cơ hội tìm được một mối quan hệ tử tế cho mình.
Nguồn: https://nguyenhonganh.wordpress.com/2016/09/03/5-dau-hieu-canh-bao-ban-dang-co-mot-moi-quan-he-co-hai-va-no-dang-giet-chet-ban/