5 phương pháp hóa giải lòng ghen

5-phuong-phap-hoa-giai-long-ghen

Sự ghen tị và hẹp hòi trong chúng ta có mối liên quan vô cùng lớn: những người hẹp hòi lúc nào cũng dễ nảy sinh lòng ghen.

Tạ Thu Thủy dịch từ trang Jiujiuba.com.

Chắc hẳn không ai trong chúng ta dám tự tin nói mình chưa từng ghen tị với người khác. Thế nhưng hẳn bạn cũng biết lòng ghen khiến người ta trở nên tồi tệ, là thứ virus lây lan mà ai lỡ dính phải sẽ luôn thấy mình bất hạnh, sẽ đau khổ hết mức và không biết làm sao giải thoát cho chính mình.

Ghen tị với người khác không đem lại cho bạn bất cứ lợi ích nào, cũng không thể làm giảm những thành tựu của họ. Chính vì thế nên chúng ta có ở đây 5 phương pháp điều tiết trạng thái tâm lý của mình, tránh xa virus “ghen tị” độc hại vô ngần.

Khai mở tâm trí

Sự ghen tị và hẹp hòi trong chúng ta có mối liên quan vô cùng lớn: những người hẹp hòi lúc nào cũng dễ nảy sinh lòng ghen. Nhà thơ vĩ đại Hugo (Victor Hugo – F-Corner) từng nói: “Trên thế giới rộng lớn nhất là đại dương, rộng lớn hơn cả đại dương là bầu trời, mà rộng lớn hơn cả bầu trời nữa lại là lòng người.”

Muốn cởi bỏ sự ghen tị thì trong cuộc sống phải đối đãi với mọi người bằng thái độ nhã nhặn thanh cao, làm chủ được cảm xúc, đồng thời loại bỏ tất cả các nguyên nhân đến từ bệnh tật (như bệnh tự kỷ, thích tự đổ lỗi cho mình, chứng tôn thờ bản thân hay các chứng bệnh thuộc tâm thần khác). Khi bạn thừa nhận ưu điểm cũng như khuyết điểm của người khác, bạn cũng sẽ tự nhận thức bản thân trong một khía cạnh mới mẻ, tìm thấy chính mình và dễ dàng hoàn thiện bản thân. Như thế, bạn sẽ dứt mình ra khỏi ghen tuông, sống yên ổn và bình tĩnh, tích cực phát triển sự nghiệp, thoải mái hoạch địch các kế hoạch cuộc sống mà không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoại lai.

Thay đổi quan niệm

Đem lòng ghen chuyển hóa thành ý thức cạnh tranh, thực chất chính là đem tâm lý loại bỏ chuyển hóa thành tâm thái tích cực. May thay trạng thái tâm lý tích cực lại có thể giúp bạn dễ dàng vượt lên trước những đối thủ cạnh tranh, biến những điều “không thể” của người khác trở thành “có thể” của chính mình và khiến bạn đạt được những điều tuyệt vời nhất trong cuộc sống.

Chúng ta nên khách quan khi nhìn nhận thế mạnh của mình, tuyệt đối không được đánh giá thấp bản thân. Quan trọng hơn nữa là, bạn phải không ngừng phân tích, suy xét hành vi và hoạt động tinh thần của mình, tìm kiếm những thành phần không công bằng, không khách quan trong khi đánh giá và xử lý một người hoặc một việc nào đó. Đồng thời với khách quan đánh giá bản thân, ta tiến tới tìm ra các vấn đề và yếu tố bất lợi khách quan. Cái bạn cần là so sánh mình hiện tại và mình trước kia, chứ không phải so mình với người khác. Ngoài ra, một người không thể lúc nào cũng nổi trội hơn người khác. Đã là con người nghĩa là sẽ có ưu điểm và cũng có khuyết điểm, nên điều duy nhất ta có thể làm là tự yêu lấy mình, chấp nhận chính mình, nhưng vẫn nên khách quan nhìn nhận thế mạnh của người khác, như vậy mới có thể lợi dụng lòng ghen chuyển hóa thành tính cạnh tranh và cải thiện chính mình.

Cuộc sống bận rộn, kiên định mục tiêu

Bạn hãy tự lấp đầy cuộc sống của chính mình. Đơn giản là vì một người bận rộn phấn đấu cho mục tiêu riêng chính là người không có thời gian đi ghen tị với người khác. Mục đích cuộc sống của anh ta không phải là sống chết chạy theo thành công của người khác, mà là không ngừng vượt qua chính mình, chiến thắng chính mình, phát triển và hoàn thiện chính mình trong một trạng thái cảm xúc luôn được điều tiết tốt.

Tất nhiên việc cân nhắc chọn một mục tiêu tương lai rõ ràng để từ đó kiên trì nỗ lực phấn đấu biến nó thành sự thực cũng là việc hết sức cần thiết. Sự lựa chọn mục tiêu cần quát triệt tận dụng ưu điểm và né tránh khuyết điểm. Xã hội rộng lớn, ngành nào có vua ngành ấy, mọi con đường đều dẫn đến Rome. Không phải chỉ có một mà là vô số con đường đi đến thành công, điều duy nhất bạn cần làm chỉ là chọn lựa và phấn đấu.

Bắt đầu từ những bước đầu tiên

Một phẩm chất ta có thể thấy ở tất cả những người thành công là bất kể người khác nói gì, họ vẫn kiên quyết ngẩng cao đầu đi trên con đường mình đã chọn, đem toàn bộ sức lực ra làm tốt nhất việc họ định làm. Thất bại của không ít người nằm ở chỗ họ luôn mơ tưởng những giấc mơ hết sức lớn lao, nhưng lại xem nhẹ công việc hiện tại, tưởng rằng nó không đáng để mình cố gắng. Tòa tháp to lớn bắt đầu từ những viên gạch bé nhỏ, bất cứ công trình vĩ đại nào cũng phải được chia thành những mục tiêu và kế hoạch nhỏ hơn, từng bước từng bước để hoàn thành. “Không quét nổi một căn phòng làm sao quét được cả thiên hạ”, người việc nhỏ cũng chưa xong thì nhất định không làm nổi việc lớn.

Luôn luôn tiến về phía trước

Không cam chịu tụt hậu là điểm chung của sự ghen tị và tính hiếu thắng. Không an phận một chỗ, không ngừng tìm tòi tiến bộ, điều này không còn nghi ngờ gì chính là một trạng thái tích cực. Thế nhưng vào một thời điểm riêng nào đó chọn cách dừng lại ngó quanh và học tập người khác, cũng là một trạng thái tích cực. Sự khác biệt giữa ghen tị và hiếu thắng chính là ở chỗ, người hay ghen trong lòng thường có một khẩu hiệu như sau: “Anh có gì hay, tôi sẽ khiến anh hết hay”; còn người hiếu thắng thì lại luôn tâm niệm: “Anh có gì hay, tôi sẽ hay hơn gấp đôi.” Cuộc đời là một sân khấu lớn, nơi mỗi người đều có một vai diễn cho mình cả. Ta hãy dũng cảm thừa nhận đối phương có chỗ giỏi giang hơn, ưu tú hơn mình, từ đó tiến tới nhận thức rõ bản thân. Đó là bước cuối cùng triệt để cởi bỏ lòng tự ti bệnh hoạn và thoát ra khỏi đầm lầy ghen tị u ám và thẳng tiến thành công.

 

Nguồn

https://tranthutrangfc.wordpress.com 

menu
menu