5 tác dụng phụ của việc giả vờ là người hướng ngoại trong khi bạn là người hướng nội
Trong quá trình trưởng thành, hầu hết những người hướng nội tin rằng họ không hề bình thường.
Trong quá trình trưởng thành, hầu hết những người hướng nội tin rằng họ không hề bình thường. Rất nhiều người trong số họ cố gắng giả vờ là hướng ngoại nhất có thể chỉ để có bạn bè, và để bản thân cảm thấy mình là một người bình thường. Trưởng thành trong một thế giới hướng ngoại không hề dễ dàng đối với những người hướng nội. Bạn phải đối mặt với những dự án làm nhóm, những lúc điểm danh mỗi buổi học, những khi bị người khác đánh giá, những lúc cảm giác bản thân thật kém cỏi so với mọi người xung quanh – những người đã thuyết phục bạn rằng, con đường duy nhất bạn có thể chọn chính là để bản thân luôn có nhiều người bao quanh. Những người hướng nội đã trưởng thành thường quyết đoán hơn về tính cách hướng nội của họ, nhưng còn những đứa trẻ và những thiếu niên dễ bị ảnh hưởng và dao động bởi lời nói và hành động của người khác, những người không biết hướng nội và hướng ngoại là gì thì sao?
Cá nhân tôi là một người hướng nội, và tôi đã là một người hướng nội rất lâu trước khi tôi biết “hướng nội” có nghĩa là gì. Tuy nhiên, tôi cũng là kiểu người thường được bao quanh bởi một nhóm bạn. Tôi luôn cố gắng để hòa đồng hơn, đến nỗi tôi không cho bản thân có thời gian nghỉ ngơi và không để bản thân có thời gian ở một mình. Ngay cả khi tôi ở nhà, tôi cũng sẽ tham gia vào những cuộc trò chuyện và thảo luận của gia đình. Hành động như vậy là hoàn toàn bình thường đối với một đứa trẻ và một người thiếu niên, bởi tất cả chúng ta đều được dạy rằng, nếu chúng ta không hòa đồng thì chúng ta không bình thường.
Bây giờ, với sự phát triển của vô số nền tảng mạng xã hội, mọi người thường nghĩ mình phải nên có thật nhiều tài khoản mạng xã hội. Có một vài nền tảng mạng xã hội tôi cảm thấy mình buộc phải có trên điện thoại, theo dõi nó mọi lúc và liên tục giao tiếp trên những nền tảng đó, chỉ để bản thân cảm thấy mình không bị các đồng nghiệp bỏ rơi.
Giờ đây, khi đã trưởng thành, trở thành một người hiếm khi sử dụng Whatsapp và đã không sử dụng Facebook trong hai năm, tôi nhận ra một vài điều liên quan đến việc một người giả vờ là người hướng ngoại trong suốt thời gian họ trưởng thành, dù thực chất họ là một người hướng nội. Dưới đây là năm “tác dụng phụ” sẽ xảy ra khi một người hướng nội giả vờ là một người hướng ngoại:
Photo by Darius Bashar / Unsplash
1. Những tháng ngày trưởng thành cô đơn
Bạn thậm chí không biết hướng ngoại là gì, nhưng bạn biết rằng bạn cần phải trở thành một người hướng ngoại. Đôi khi giả vờ là một người hướng ngoại có thể là một điều tốt. Bạn có thể gặp gỡ rất nhiều những con người tuyệt vời, “rất rất nhiều” là đằng khác. Nhiều đến mức quá sức chịu đựng với một người hướng nội. Và dù là ai đi chăng nữa, chúng ta cũng phải mất rất nhiều thời gian để khám phá xem mình là người hướng nội, hướng ngoại hay hướng trung (ambivert)*. Một vài người phát hiện ra họ là người hướng nội vào năm cuối của thời trung học, và tất cả những hoạt động giao tiếp xã hội lúc bấy giờ mang đến cho họ vô số những phiền toái và khiến họ làm việc không còn được năng suất. Điều đáng buồn là, ở cái độ tuổi thiếu niên ấy, khi bạn sống như chính con người thật của bạn – một người hướng nội vô tội, thì cũng là lúc bạn mất đi rất nhiều bạn bè thời trung học. Tháng ngày trưởng thành của bạn sẽ thêm phần cô đơn đấy.
(*chú thích từ dịch giả: Ambivert còn được gọi là “hướng trung”. Một người hướng trung mang nét tính cách kết hợp của cả người hướng ngoại (Extrovert) và hướng nội (Introvert))
2. Tinh thần bất ổn
Thời gian thiếu niên thật mệt mỏi biết mấy. Đó là những năm tháng bạn khám phá ra mình là ai, bạn phải làm bài tập về nhà, tham gia các hoạt động ngoại khóa, bạn phải làm việc nhà, phải đi giao lưu, và buộc phải kết bạn suốt phần đời còn lại, tất cả điều đó đủ khiến cho bất cứ ai cũng phải phát điên. Và nếu gánh thêm trên mình những “nghĩa vụ” phức tạp khó nhằn của việc giả vờ là một người hướng ngoại, thì những năm tháng đó sẽ gây ra cho bạn rất nhiều cảm xúc đau khổ.
Nói một cách khoa học, đau khổ về mặt cảm xúc sẽ dẫn đến những hậu quả sau:
- Bạn gặp phải những vấn đề liên quan đến trí nhớ
- Khả năng đánh giá và nhận định của bạn rất yếu
- Bạn thường xuyên lo lắng
- Bạn cảm thấy “quá tải”
- Bạn không chỉ cô đơn mà còn bị cô lập
- Tâm trạng bạn thất thường, hay khó ở hoặc thường nổi cáu
- Cơ thể bạn trải qua những nhức mỏi và đau đớn
- Bạn ăn quá nhiều hoặc ăn quá ít
- Bạn ngủ quá nhiều hoặc ngủ quá ít
Và một số triệu chứng nêu trên có thể trở nên nghiêm trọng hơn đối với những người đã có sẵn trong mình những vấn đề sức khỏe khác cần phải giải quyết, dù cho đó là vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần hay thể chất.
3. Thiếu đi những thành công
Đi cùng với những mệt mỏi về mặt cảm xúc và những áp lực vô hình lúc còn trẻ trong một xã hội không cho bạn phép bạn nghỉ ngơi, bạn chỉ còn cách ngã xuống giường, úp mặt xuống gối, giả vờ như tất cả thế giới chẳng hề tồn tại, cũng giống như đống bài tập về nhà chưa xong và đống nhiệm vụ quá hạn hoàn thành mà bạn chất thành đống ở một góc phòng.
Thành công trên giảng đường, thành công ngoài thực tế, và tương lai của chính bạn đang bị đe dọa. Giả vờ là một người hướng ngoại để hòa nhập với cuộc sống sẽ gây tổn hại đến bạn và năng suất của bạn, từ đó mang lại cho bạn rất nhiều phiền muộn và khiến bạn không thể đạt đến thành công.
4. Không hài lòng với cuộc sống
Sự bất mãn với cuộc sống tựa như một con quái vật lảng vảng trong căn phòng của bạn mỗi khi bạn ở trường. Khi bạn trở về nhà, nó chạy ào về phía bạn và đòi hỏi sự chú ý từ bạn. Bất chợt, bạn được nhắc nhớ về việc bản thân chẳng có mấy thành công, nhưng bạn lại chẳng thể làm gì khác ngoài việc cảm thấy bản thân nên nhắm mắt lại và ngủ một giấc cho hết mười năm luôn đi. Điện thoại của bạn đầy những tin nhắn và các cuộc gọi nhỡ, và mong muốn duy nhất của bạn là cái điện thoại của bạn hãy biến đi. Đôi khi bạn cố tình để điện thoại của mình ở căn phòng khách như một cái cớ để trả lời những người hỏi bạn rằng: “Tại sao cậu không nghe máy?”
Bạn bất mãn về việc bản thân đôi khi phớt lờ tất cả bạn bè của mình và nói dối họ vì sao bạn không thể trả lời họ, và bạn bất mãn về cách bạn đang học trên trường, bất mãn với cuộc sống nói chung, bởi vì bạn không thể tập trung vào bất cứ điều gì được nữa.
5. Khó giữ bạn bè
Trớ trêu thay, việc bạn không hài lòng với cuộc sống và không thành công trên giảng đường sẽ ảnh hưởng đến đời sống xã hội của bạn; tính hướng nội trong bạn không thể che giấu mãi được, và rồi nó sẽ bộc phát ra thôi. Bạn bè nhận ra rằng bạn đang thay đổi, và sẽ cho rằng bạn không còn dành thời gian cho họ nữa. Theo tôi, đổ vỡ tình bạn là thứ khiến ta đau lòng nhiều nhất. Và bạn sẽ muộn màng nhận ra rằng, bạn đã ngó lơ mọi thứ chỉ vì quan tâm đến đời sống xã hội của bạn, để rồi bạn nhận ra cuộc sống bạn hướng tới đang sụp đổ trước mặt bạn. Thật là lãng phí thời gian khi giả vờ là một người hướng ngoại.
KẾT LUẬN
Giả vờ là bất cứ ai ngoại trừ chính bản thân mình là một mất mát đối với thế giới, bởi điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta đã đánh mất đi một con người sáng tạo dưới sự bao bọc của một vẻ ngoài bình thường. Khi bạn là một người hướng nội nhưng giả vờ là một người hướng ngoại và bắt đầu nhận ra mình thực sự là ai, bạn sẽ mất đi rất nhiều người bạn, những tháng ngày của bạn sẽ thêm vài phần cô đơn, nhưng ít nhất bạn có thể viết lại cho mình một khởi đầu mới mà không có bất cứ sự dối trá hay chiếc mặt nạ ngụy trang nào cả. Tôi cảm thấy biết ơn vì hiện giờ, tất cả những gì bạn cần làm là thực hiện một bài kiểm tra trực tuyến, và bạn sẽ biết mình có phải là người hướng nội hay không, việc này giúp bạn tránh được rất nhiều rắc rối trong tương lai đấy. Vì vậy, với tất cả những người trẻ tuổi hướng nội ngoài kia, những người không thoải mái với việc giả vờ là một người hướng ngoại, tôi sẽ nói với bạn rằng: Dừng lại đi! Những tình bạn chóng vánh đó không xứng đáng với những hậu quả bạn phải gánh chịu chịu đâu.
Dịch giả: Dương Hy -- Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ
Link bài gốc: If You’re An Introvert Pretending to be An Extrovert, These Are The 5 Side Effects!