6 lý do khiến việc độc thân trở nên khốn khổ

6-ly-do-khien-viec-doc-than-tro-nen-khon-kho

Xã hội hiện đại luôn nhấn mạnh một điều: những người trưởng thành không nên phiền lòng khi ở một mình.

Xã hội hiện đại luôn nhấn mạnh một điều: những người trưởng thành không nên phiền lòng khi ở một mình. Họ phải hiểu rằng điều kiện tiên quyết để có một mối quan hệ tốt đẹp trong tương lai là trước hết phải thật bình thản với viễn cảnh độc thân trong một thời gian dài, có thể là mãi mãi. Họ phải đủ trưởng thành để không bận tâm đến chuyện sẽ chết một mình.

Nghe có vẻ khôn ngoan đến mức những người thực sự khôn ngoan hẳn sẽ ngờ ngợ rằng có điều gì đó không ổn. Bảo một người cô đơn rằng họ không có quyền cảm thấy cô đơn chỉ càng khiến họ thêm lạc lõng. Đương nhiên, độc thân có thể rất khổ sở. Có những khoảnh khắc trống vắng trong căn phòng của ta, có những suy nghĩ trong đầu mà ta chẳng bao giờ muốn ai đó ghi lại rồi phát lên cho cả thế giới nghe. Nhưng càng cố phủ nhận nỗi tuyệt vọng này, ta càng bị nó nhấn chìm. Một phần của giải pháp là ta phải dám thừa nhận rằng đôi khi – hoặc thậm chí liên tục – ta hoàn toàn có quyền mất trí vì sự cô độc của chính mình.

Vậy thì, điều gì khiến độc thân trở nên khó chịu đến thế? Những kẻ lạc quan, những người ca ngợi niềm vui của việc có cả chiếc giường rộng cho riêng mình, hay tự do hát vang trong phòng tắm lúc 3 giờ sáng, rốt cuộc đã bỏ qua điều gì? Dưới đây là những nỗi khổ xứng đáng được cảm thông:

Photo by Ummano Dias on Unsplash

1. Sự thương hại từ những người bạn đã có đôi

Những cuộc gọi vào tối thứ Bảy với ta, thật ra, có bao nhiêu phần là sự quan tâm chân thành và bao nhiêu phần là nghĩa vụ từ những người bạn may mắn không phải chịu cảnh một mình? Khi cúp máy, họ có thực sự tiếc nuối cho ta, hay chỉ thấy lòng nhẹ nhõm hơn vì họ không ở vào vị trí đó? Đâu đó trong thâm tâm, họ có thể nghĩ: "Tội nghiệp thật", rồi thoáng chút tự hào về bản thân – không phải vì họ có gì đặc biệt hơn ta, mà chỉ vì họ giỏi chịu đựng những khiếm khuyết của người bạn đời hơn. Và trong khi họ trở lại với vòng tay ấm áp của ai đó, ta lại lần nữa bật đèn trong căn phòng lạnh lẽo của mình.

2. Những thú vui gượng ép

Ta lấp đầy lịch trình bằng những chuyến đi bảo tàng, những buổi hòa nhạc hay các hội thảo tâm lý, như một cách để không sụp đổ. Nhưng khi đang lang thang giữa những bức tranh trừu tượng hay cố gắng nghiền ngẫm về ảnh hưởng của Melanie Klein đối với phân tâm học, ta chợt nhận ra mình chẳng bận tâm đến những điều này. Nếu có thể đánh đổi tất cả những khoảnh khắc ấy chỉ để có một người ôm ta thật chặt và nói rằng họ yêu ta, ta sẵn sàng từ bỏ ngay lập tức.

3. Những giây phút kiệt sức

Lại một ngày nữa, ta nỗ lực duy trì kỷ luật và trật tự trong cuộc sống độc thân của mình. Lại một bữa tối cá tuyết với rau chân vịt, lại một lần thay ga giường trống trơn. Ta làm tất cả những điều này cho ai chứ? Đôi khi, ta chỉ muốn buông xuôi, ăn năm cái bánh quế quế một lúc, ngủ trên sàn nhà trong bộ đồ ngày hôm trước, và bỏ mặc tất cả. Ta thậm chí chẳng thèm quan tâm đến kẻ ngốc nghếch mình đang chăm sóc – chính là bản thân ta – kẻ mà có lẽ chẳng bao giờ nên tồn tại.

4. Cảm giác rằng đây là lỗi của ta

Dù mọi người có nói gì đi nữa, ta biết rằng sự cô độc này không phải chỉ là ngẫu nhiên. Nó phản ánh một điều gì đó méo mó, xấu xí, ích kỷ hoặc thiếu sót trong chính ta – một điều mà ta đã biết từ lâu. Những cặp đôi nắm tay nhau trong công viên vào mùa hè, quây quần trong những nhà hàng ấm cúng vào mùa đông, họ không giống ta. Họ không mang trên đầu tấm biển vô hình mà ta cảm giác như ai cũng đọc được: "Kẻ dị hợm".

5. Cái giá của tiêu chuẩn

Rồi còn có cả lời nhắc nhở tế nhị từ bạn bè rằng ta không chỉ bất hạnh mà còn quá kén chọn, quá khó chiều, quá đòi hỏi so với những gì ta có thể mang lại. Đúng là có người xung quanh đấy chứ. Như cái người có tiếng cười the thé mà bạn học cũ đã cố gán ghép cho ta. Hay người mà ta từng quẹt phải trên ứng dụng hẹn hò, kẻ thao thao bất tuyệt về chính trị bằng giọng điệu giáo sư. Nhưng ta không thể. Ta ghét sự đơn độc, nó làm ta phát điên. Và dù vậy, ta vẫn ghét việc ở bên sai người hơn nữa.

6. Ký ức về người cũ

Và rồi, có cả người ấy – người ta đã yêu, đã mất. Người hiện lên trong tâm trí ta khi ta đổ rác, chùi toilet, khi ta trằn trọc cố ngủ sau khi dành cả buổi tối mơ về họ trên một bãi biển xa xôi. Người đã dần rời xa ta vì ta quá vụng về, quá nghèo, quá tệ trong chuyện chăn gối – không giống như người yêu mới hoàn hảo của họ, người mà ta theo dõi từng chút một trên mạng xã hội, khi không bận rộn với việc viết những lá thư van xin tình cảm mà ta đã bao lần suýt nhấn nút gửi.

Tất cả những điều này là một phần của “vinh quang” cuộc sống độc thân, thứ mà ta được kỳ vọng là phải mạnh mẽ và tự hào. Nhưng ta không thể vừa tôn vinh tình yêu như một thành tựu cao đẹp, vừa khuyến khích sự độc thân như một trạng thái đáng ngưỡng mộ. Thật ra, nếu ta coi tình yêu là đỉnh cao của cuộc sống, thì đơn độc hiển nhiên sẽ có lúc trở thành vực sâu tuyệt vọng. Không chỉ hơi tệ, mà có những lúc tệ đến mức ta muốn vỡ vụn.

Tin tốt là, giống như mọi nỗi đau khác, nó sẽ bớt khủng khiếp hơn khi ta đủ can đảm – và đủ dịu dàng với chính mình – để bật cười thật lớn trước sự nghiệt ngã của nó. Và thừa nhận rằng, vâng, đôi khi đơn độc thật sự rất đáng sợ.

Nguồn: SIX REASONS WHY BEING SINGLE IS SO AWFUL | The School Of Life

menu
menu