7 hành vi của trẻ không liên quan đến cách nuôi dạy con của cha mẹ

7-hanh-vi-cua-tre-khong-lien-quan-den-cach-nuoi-day-con-cua-cha-me

Trong nhiều trường hợp, tự nhiên đánh bại nuôi dưỡng, khiến các bậc cha mẹ hoang mang và bị sốc trước hành vi của con họ.

Cách nuôi dạy con có thực sự là nhân tố định đoạt toàn năng đối với hành vi của trẻ không?

Những điểm chính

  • Vội vàng đổ lỗi cho cha mẹ thường bị thúc đẩy bởi ảo tưởng rằng cha mẹ có toàn quyền kiểm soát hành vi của trẻ.
  • Trong nhiều trường hợp, tự nhiên đánh bại nuôi dưỡng, khiến các bậc cha mẹ hoang mang và bị sốc trước hành vi của con họ.
  • Những khuynh hướng bẩm sinh mạnh mẽ có thể uốn nắn hành vi của trẻ, dù bố mẹ đã cố gắng hết sức.
  • Những khuynh hướng bẩm sinh này có thể bao gồm những khó khăn về học tập, các vấn đề về sự phát triển, nghiện ngập và tính khí.

Bất cứ khi nào người trẻ bộc lộ những vấn đề về hành vi thì nhiều chuyên gia sức khỏe tâm thần đã vội trách cứ cha mẹ của chúng. Tất nhiên, không ai có thể phủ nhận ảnh hưởng sâu sắc của cha mẹ lên con cái, nhưng cách nuôi dạy con có thực sự là nhân tố định đoạt toàn năng đối với tương lai của một đứa trẻ không?

Nếu việc nuôi dạy con thực sự là toàn năng thì những đứa trẻ được nuôi dạy bởi cùng cha mẹ sẽ là những bản sao: có tính khí, tính cách và sở thích giống nhau. Tuy nhiên, như ta đã biết, anh chị em cùng cha mẹ lại có những tính cách hoàn toàn khác nhau.

Việc nuôi dạy con có thúc đẩy những kết quả tích cực ở đứa trẻ hay không?

Qua hơn 25 năm làm việc với các bậc cha mẹ và trẻ em, tôi đã chứng kiến nhiều đứa trẻ bị nuôi dạy một cách tồi tệ và kém cỏi nhưng lớn lên lại trở thành những người xuất sắc. Và những đứa trẻ có cha mẹ xuất sắc thì lại có cuộc sống không được suôn sẻ. 

Mấy kết quả có vẻ ngẫu nhiên này lại luôn làm tôi thấy khó chịu. Tôi thường tự hỏi, “Thế quái nào lại có chuyện đó được? Ví dụ:

  • Làm sao mà một người nghiện heroin lớn lên lại trở thành một y tá nhi và người mẹ đảm đang?
  • Làm sao mà một học sinh siêu sao, từng giành giải thưởng kết cuộc lại đi vào con đường tội phạm?"

Tại sao cha mẹ thường bị đổ lỗi 

Việc vội vàng đổ lỗi cho cha mẹ thường bị thôi thúc bởi ảo tưởng rằng cha mẹ có toàn quyền kiểm soát hành vi của con trẻ. Bởi thế, chúng ta nhắm mắt làm ngơ trước phần lớn việc nuôi dạy con cái là điều không thể nói trước được. Đổ lỗi cho bố mẹ vì hành vi của đứa trẻ cũng tựa như giả định rằng mọi vụ tai nạn xe hơi đều là lỗi của tài xế.

Để các bậc cha mẹ thú nhận rằng họ không kiểm soát được tương lai của con cái thì quả là đáng sợ. Ví dụ, chúng ta cảm thấy choáng váng khi điều tồi tệ xảy đến với người tốt. Vì sự ngẫu nhiên trong cuộc sống có thể rất đáng sợ nên nhiều người trong chúng ta thích giả vờ rằng ta nắm toàn quyền kiểm soát đối với tương lai của mình. Tất nhiên là chúng ta không thể—đặc biệt khi nói đến tương lai của con cái chúng ta.

Tự nhiên và nuôi dưỡng

Tự nhiên và nuôi dưỡng đóng vai trò song song trong quá trình phát triển của trẻ. Nói cho rõ là:

  • Tự nhiên: những phẩm chất bẩm sinh không bị định đoạt bởi cách nuôi dạy, chẳng hạn như tính khí và tính cách. 
  • Nuôi dưỡng: văn hóa gia đình mà cha mẹ tạo ra và cách nó tác động đến lối sống của trẻ trong các mối quan hệ.

Khi tự nhiên áp đảo nuôi dưỡng  

Nhiều khi, tự nhiên áp đảo nuôi dưỡng, khiến các bậc cha mẹ hoang mang và bị sốc trước hành vi của con họ. Những khó khăn bẩm sinh này thường bay dưới tầm phát hiện của ra-da của việc dạy dỗ con và có thể khó phát hiện ra.

1. Những thách thức bẩm sinh không liên quan đến cách nuôi dạy con  

Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về ảnh hưởng sâu sắc của tự nhiên. Hãy nhớ rằng những khuynh hướng bẩm sinh mạnh mẽ này nhào nặn hành vi, bất luận cha mẹ đã cố gắng hết sức thế nào.

2. Những khó khăn về học tập   

Không phải mọi đứa trẻ đều có cách học giống nhau. Trẻ thuộc nhóm đa dạng thần kinh (Neurodivergent) có thể gặp khó khăn với việc tập trung chú ý, những hạn chế về thính giác hoặc thị giác, hoặc kỹ năng xử lý chậm hơn. Những khác biệt này có thể khiến cho việc học trở nên cực nhọc và trẻ liên tục ở trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi hoặc cáu kỉnh, khiến cha mẹ phải vất vả để vỗ về hay xoa dịu chúng.

3. Những vấn đề về phát triển 

Các cột mốc phát triển, chẳng hạn như đi bộ và nói chuyện, đôi lúc bị trì hoãn hoặc suy giảm nghiêm trọng. Ví dụ, những vấn đề về kỹ năng vận động, giao tiếp hay các vấn đề về giác quan do bại não, rối loạn phổ tự kỷ hoặc chậm phát triển lan tỏa đòi hỏi cần có trường chuyên biệt và những biện pháp can thiệp khác để hỗ trợ trẻ và cha mẹ.

4. Nghiện ngập

Lịch sử gia đình dính dáng tới ma túy và nghiện rượu có thể ảnh hưởng đến các thế hệ sau. Bởi vì chuyện nghiện ngập là không thể đoán trước và đôi lúc bỏ qua một thế hệ, nên không có gì lạ khi cha mẹ không lạm dụng chất gây nghiện nhưng lại có một đứa con bị nghiện. Những bậc cha mẹ như vậy thường bị sốc trước khuynh hướng nghiện ngập của con mình và thường tự trách bản thân vì một tình trạng rõ ràng thuộc về DNA của gia đình.

5. Vấn đề con nuôi

Nhiều trẻ được nhận làm con nuôi phải đấu tranh một cách dữ dội trong độ tuổi thiếu niên khi các vấn đề về danh tính và khuynh hướng gia đình ruột thịt xuất hiện. Nhiều cha mẹ nuôi của những đứa trẻ dễ thương thấy bản thân họ bị bắt nạt hoặc liên tục xung khắc với con trong suốt những năm vị thành niên của chúng. Họ chứng kiến những biến đổi cực đoan và không thể giải thích được ở đứa con cùng mức độ chống đối, thách thức gây hoang mang cho họ. Đáng buồn thay, họ có thể tự trách mình hoặc cảm thấy bị người khác đổ lỗi vì cách xử sự của đứa con.

6. Tính khí

Một số trẻ ngủ ngoan cả đêm, trong khi những đứa khác thì không. Một số trẻ ăn tất cả đồ ăn trên đĩa của chúng, còn những đứa khác thì khiến cha mẹ phát khùng vì tính kén ăn. Tính khí nổi lên từ rất sớm ở trẻ và thường có cảm giác không tương xứng với cách nuôi dạy mà chúng nhận được.

Tôi nhớ mình từng làm việc với hai phụ huynh rất điềm tĩnh, nhưng lại có một đứa con "không lúc nào ngừng cựa quậy ngay cả khi còn nằm trong bụng mẹ." Người mẹ kể với tôi rằng "Thằng bé bỏ qua giai đoạn tập đi và bắt đầu chạy và leo trèo liền." Rõ ràng là tính khí của cậu ấy đã được thiết lập ngay từ đầu và chẳng mấy liên quan đến cách nuôi dạy của cha mẹ mà cậu ấy nhận được.

7. Những vấn đề xã hội

Tình trạng căng thẳng do phân biệt chủng tộc tồn tại ở mọi nền văn hóa. Khi một đứa trẻ cảm thấy bị áp bức hay phân biệt đối xử vì chủng tộc của chúng thì điều này có thể ảnh hưởng lớn đến cách chúng nhìn nhận về bản thân. Những trẻ bị phân biệt chủng tộc thì có mức độ trầm cảm và lo âu cao hơn do các vấn đề thuộc xã hội—chứ không phải cách nuôi dạy con.

Những thách thức về y tế

Bố mẹ nào cũng cầu mong sinh được đứa con khỏe mạnh. Đôi khi các vấn đề y tế nảy sinh gây ra khó khăn, chẳng hạn như khả năng vận động, di chuyển bị hạn chế, bệnh tật, hay hệ miễn dịch bị tổn hại. Với những đứa trẻ phải đối mặt với tình trạng sức khỏe như vậy, cuộc sống dường như đầy rẫy những giới hạn bất công. Nỗi thất vọng và tuyệt vọng của chúng đương nhiên là sẽ ảnh hưởng đến hành vi của trẻ. Kết quả là cha mẹ có thể phải chịu đựng mức độ căng thẳng và lo lắng cao hơn.

Một cái nhìn mới đối với các vấn đề về hành vi   

Đã đến lúc phải thừa nhận rằng việc nuôi dạy con cái cũng có những giới hạn của nó và cần chấm dứt việc trách móc, đổ lỗi cho các bậc cha mẹ về mọi vấn đề hành vi của đứa trẻ. Phê phán các bậc cha mẹ tốt một cách khắt khe là việc tàn nhẫn và vô ích. Có được một cách nhìn nhận sâu sắc và đầy bao dung hơn về sự phức tạp của tình trạng thời thơ ấu là cần thiết nhằm tránh cho các bậc cha mẹ đang vất vả không cảm thấy tồi tệ hơn về bản thân họ hay con cái của họ.

 

Nguồn

https://www.psychologytoday.com/us/blog/when-kids-call-the-shots/202105/7-child-behaviors-have-nothing-do-parenting

menu
menu