8 bài học vượt thời gian từ triết gia Epictetus

8-bai-hoc-vuot-thoi-gian-tu-triet-gia-epictetus

Triết gia Epictetus, tác giả của tác phẩm “The Art of Living” (Nghệ thuật sống) là một trong những đại diện vĩ đại nhất của Chủ nghĩa Khắc kỷ. Các Khắc kỷ gia tin rằng một người khôn ngoan là người không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc tiêu cực mà sẵn lòng tuân

Triết gia Epictetus, tác giả của tác phẩm “The Art of Living” (Nghệ thuật sống) là một trong những đại diện vĩ đại nhất của Chủ nghĩa Khắc kỷ. Các Khắc kỷ gia tin rằng một người khôn ngoan là người không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc tiêu cực mà sẵn lòng tuân theo quy luật tự nhiên và an bài của Thần.

“Xin ban cho con sự thanh thản để chấp nhận những điều con không thể thay đổi, sự dũng cảm để thay đổi những điều con có thể, và sự khôn ngoan để nhận ra sự khác biệt (giữa điều có thể thay đổi và điều không thể thay đổi).”

Sinh ra với thân phận nô lệ ở Hierapolis, Phrygia (ngày nay là Pamukkale, Thổ Nhĩ Kỳ) vào khoảng năm 55 sau Công nguyên, Epictetus là một triết gia người Hy Lạp, người ưa thích ngôn ngữ đơn giản và những bài học thực tế hơn là lý thuyết khôn khéo. Theo bước chân của các nhà hiền triết vĩ đại, ông đặt việc hoàn thiện bản thân và nhân cách là mục đích của cuộc sống, khuyến khích các học trò của mình nâng cao đạo đức thông qua các tình huống cụ thể trong cuộc sống hàng ngày.

Đối với Epictetus, sự hạnh phúc và thỏa mãn với cuộc sống của một người là hệ quả tự nhiên của hành vi đạo đức. Vì vậy, một cuộc sống hạnh phúc đồng nghĩa với một cuộc sống đạo đức. Bài viết này nêu bật một số bài học đáng nhớ nhất của Epictetus được biên soạn trong cuốn sách “Nghệ thuật sống” của ông, với mục đích giúp chúng ta trở thành một người tốt hơn và hạnh phúc hơn.

1. Biết những gì bạn có thể kiểm soát và những gì bạn không thể

Theo Epictetus, hạnh phúc và tự do chỉ có thể đạt được khi chúng ta hiểu rằng không phải mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát của mình. Khi chúng ta muốn kiểm soát những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát – chẳng hạn như cách người khác nhìn nhận về mình, gia đình mình có khá giả hay không, hoặc thân hình của mình như thế nào – chúng ta trở nên thất vọng, lo lắng và tìm lỗi.

Đối với những thứ chúng ta có thể kiểm soát, chẳng hạn như thái độ và hành xử của mình, Epictetus cho rằng việc chịu trách nhiệm về chúng không chỉ là nhiệm vụ chính mà còn là con đường dẫn đến sự bình yên nội tâm.

Tàn tích thời La Mã (Nymphaeum) tại Nicopolis. Epictetus sinh ra ở Pamukkale (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày nay. Ông sống ở Rome, nơi ông là một nô lệ thời trai trẻ và được tự do sau cái chết của Nero – hoàng đế La Mã thứ năm của triều đại Julio-Claudian. Sau đó, ông sống lưu vong ở thành phố Nicopolis của Hy Lạp, nơi ông thành lập một trường triết học và sống phần đời còn lại của mình. (Ảnh: Wikimedia Commons)

2. Phẩm giá quan trọng hơn danh tiếng

Trong các tác phẩm của mình, nhà triết học Hy Lạp thường phát triển các cuộc đối thoại với người đọc, dự đoán các câu hỏi có thể nảy sinh và nhanh chóng đưa ra câu trả lời. Khi dạy về tầm quan trọng của việc trở thành một người tốt so với danh tiếng và quyền lực, ông đã không tiếc công sức giải thích giá trị của một nhân cách tốt:

“Nếu có thể trở nên giàu có và quyền lực mà vẫn giữ được danh dự của bản thân, sự chung thủy với gia đình, bạn bè, với các nguyên tắc và lòng tự trọng của mình, thì hãy chỉ cho tôi cách và tôi sẽ làm theo. Nhưng nếu tôi phải hy sinh sự chính trực của mình, thì thật ngu ngốc và ngớ ngẩn khi thúc giục tôi làm vậy.”

Theo Epictetus, danh tiếng là một sự theo đuổi vô ích, vì nó phụ thuộc vào ý kiến của người khác, một thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Ông khẳng định rằng, bất chấp những lợi thế của việc có danh tiếng mang lại như có thể giúp đỡ bạn bè, nắm giữ những vị trí quyền lực và được mời đến những bữa tiệc sang trọng, thì tất cả đều vô nghĩa nếu phải đánh đổi tư cách đạo đức – điều duy nhất mà một người có quyền kiểm soát và khía cạnh duy nhất có thể tạo ra sự khác biệt thực sự.

3. Làm chủ bản thân là mục đích thực sự của chúng ta

Khái niệm “tu dưỡng bản thân” phổ biến ở cả xã hội phương Đông và phương Tây cổ đại. Cũng giống như các nguyên tắc tâm linh của Phật giáo và Đạo giáo giảng về việc điều chỉnh tâm trí và thanh lọc tâm hồn để đạt được sự thăng hoa về tinh thần, Epictetus đã dạy các học trò của mình từ bỏ những thói quen có hại như lười biếng, hay quên hoặc sao nhãng… để lấy lại mục đích thực sự của họ trong cuộc sống.

Trường phái triết học Hy Lạp giảng rằng đức hạnh là đủ cho hạnh phúc và do đó quan trọng hơn những thứ bên ngoài như sức khỏe, của cải, sự thỏa mãn và danh tiếng. “Khi chúng ta nhớ rằng mục tiêu của mình là sự thăng hoa về tinh thần, thì chúng ta sẽ quay lại nỗ lực để trở thành con người tốt nhất của mình. Đây là cách giành được hạnh phúc.” (Ảnh: Giuseppe Rossi/ Wikimedia Commons)

Nhà triết học Hy Lạp giải thích rằng chúng ta có khả năng làm chủ bản thân khi trung thực với chính mình, biết rõ cả ưu điểm và khuyết điểm của mình. Khi chúng ta nhận biết được những tài năng trời phú của mình và nghe được tiếng gọi đặc biệt trong tâm, chúng ta sẽ tự nhiên phát triển trong những lĩnh vực mà chúng ta được định sẵn để vượt trội.

Epictetus cũng khuyến khích các học trò của mình chấp nhận thử thách và không ngừng trau dồi kỹ năng. Hoàn cảnh khó khăn được coi là điều kiện tốt nhất để phát triển trí tuệ và nâng cao thể chất và đạo đức.

4. Làm tốt vai diễn của mình

Theo Epictetus, tất cả chúng ta đều được Thần giao cho những vai trò trong cuộc sống. Vì vậy, dù là lãnh đạo hay thường dân, người nổi tiếng hay người bình thường, chúng ta nên làm tròn bổn phận của mình trong khả năng tốt nhất mà không phàn nàn. Chỉ bằng cách cống hiến một vai diễn hoàn hảo, chúng ta mới có thể hòa hợp với sự an bài đã định sẵn và đạt được hạnh phúc.

5. Tiếp cận cuộc sống như một bữa tiệc

Triết gia Hy Lạp giảng rằng hành vi của một người phải phản ánh đạo đức và phẩm giá của anh ta. Vì vậy, ông khuyến khích các học trò của mình tránh xa hoa lãng phí và tự kiềm chế bản thân.

Để truyền đạt bài học này, Epictetus đã so sánh cuộc sống với một bữa tiệc. Khi thức ăn được phục vụ, một người nên tự lấy cho mình phần vừa phải. Khi một món ăn đi qua, anh ta nên thưởng thức những gì đã có trên đĩa. Và nếu món ăn vẫn chưa đến, anh ta nên kiên nhẫn chờ đến lượt mình.

Thông qua sự so sánh khiêm tốn này, Epictetus đã bày tỏ tầm quan trọng của việc kiểm soát sự bốc đồng, dứt bỏ những ham muốn và trân trọng những gì mình đã có. Hành xử nhã nhặn và lịch sự là những đặc điểm của một quý ông.

Aureus của Marcus Aurelius (176–177 sau Công nguyên). Trong số các học trò của Epictetus có Marcus Aurelius, một học trò xuất sắc, người sau này trở thành người cai trị Đế chế La Mã. Được hướng dẫn bởi những lời dạy của thầy, ông được coi là một trong năm vị hoàng đế tốt nhất trong lịch sử La Mã, người sử dụng trí tuệ và đức hạnh để cai trị. Các bài viết của ông, được biên soạn trong cuốn sách có tên “Suy tưởng” (Meditations), đã đưa ra những hiểu biết quan trọng về triết học Khắc kỷ. (Ảnh: CNG/ Wikimedia Commons)

6. Đổ lỗi là vô nghĩa

Epictetus giải thích rằng chúng ta không bị ảnh hưởng bởi các sự kiện mà bởi cảm xúc và phản ứng của chúng ta đối với sự kiện đó. Các tình huống phát sinh chỉ đơn giản là bản chất của chúng, và chúng ta bị ảnh hưởng thế nào là do suy nghĩ của chúng ta quyết định. Vì vậy, khi chúng ta gặp thất bại, nản lòng hoặc thất vọng, chúng ta không nên đổ lỗi cho ai ngoài thái độ của chính mình.

“Một trong những dấu hiệu khởi đầu của sự tiến bộ đạo đức là sự đổ lỗi dần dần mất đi.”

Đổ lỗi cho người khác về những bất hạnh là thói quen của những người có đầu óc nhỏ nhen. Trách móc người khác là phổ biến giữa những người bình thường. Tuy nhiên, người khôn ngoan biết rằng chỉ tay vào người khác là việc vô ích, ngược lại, họ coi khó khăn như một cơ hội để đề cao bản thân.

7. Không có gì thuộc về chúng ta

Nhà triết học Khắc kỷ tin rằng không có gì thực sự là của chúng ta và mọi thứ chúng ta sở hữu cuối cùng sẽ trở về nơi nó đến. Ví như một đứa trẻ đã qua đời có thể được coi là sự trở về nơi xuất phát của sinh mệnh chứ không phải là sự mất mát.

Epictetus khuyên rằng trong trường hợp mất mát vật chất — chẳng hạn như bị kẻ xấu trộm mất đồ — chúng ta nên kiềm chế để không cảm thấy tức giận mà thay vào đó, hãy coi đó là sự trả lại đồ vật về nơi xuất phát. Chỉ khi đó chúng ta mới nhìn nhận sự mất mát dưới ánh sáng thích hợp.

Vì vậy, ông khuyến khích các học trò của mình hết sức quan tâm đến những gì họ có trong khi cuộc đời cho phép họ có nó, coi sự hài lòng và lòng biết ơn là những đức tính cần thiết của một người có đạo đức.

8. Sống hài hòa với cách cuộc sống đang diễn ra

Theo Epictetus, sự bình yên trong tâm hồn có thể đạt được khi một người luôn thực hiện các việc của mình trong khả năng tốt nhất có thể. Khi một người toàn tâm toàn ý cho các việc hiện tại, không bởi hoàn cảnh bắt buộc hay theo đuổi kết quả, thì người đó đã làm tròn vai trò của mình, dẫn đến sự tự nhận thức và thanh thản.

Bằng cách này, ngay cả khi những khó khăn mà Epictetus mô tả là ‘một phần an bài của Thần’ phát sinh, thế giới nội tâm của một người vẫn không bị xáo trộn, vì người đó hiểu rằng sẽ đạt được một điều: Hoàn thành tốt nhất vai trò của mình trong thế giới này.

Nguồn: trithucvn

Tìm đọc sách NHỮNG LỜI GIÁO HUẤN CỦA EPICTETUS
 
menu
menu