Lý do những đứa trẻ lại giết cha mẹ chúng?

ly-do-nhung-dua-tre-lai-giet-cha-me-chung

Chúng là những đứa trẻ bị ngược đãi hoặc bị bỏ rơi, không có nhiều lựa chọn, những đứa thật sự nghĩ mình không còn lối thoát.

Người cha bị bắn hạ …. người mẹ bị đánh bằng dùi cui cho đến chết ….. Một gia đình bốn người gồm cha mẹ và hai đứa con bị thảm sát …. dưới tay chính đứa con trai ….. cùng con gái của mình …..

Khi chúng ta ngày càng có cái nhìn gần hơn với các sự kiện kinh hoàng hàng ngày trong xã hội thông qua các chương trình thời sự thì không điều gì rùng rợn cho bằng tin con giết cha mẹ ruột hoặc cha mẹ kế. Mặc dù chúng ta cho những sự kiện như vậy là hiếm, nhưng đó lại là những gì diễn ra hàng ngày trên đất Mỹ. Khoảng giữa năm 1977 và 1986, mỗi năm có hơn 300 người làm cha mẹ bị giết bởi chính những đứa con của họ.

Đừng cho rằng bọn trẻ thuộc bất kỳ một khuôn mẫu kinh điển nào – kiểu như những đứa mà chúng ta tin rằng sẽ không bao giờ dám giết người. Đây cũng không phải một ví dụ về những thanh thiếu niên tụ tập trong thành phố lên cơn và làm mọi thứ để có tiền mua ma túy: Một phân tích chuyên sâu trong Biên bản bổ sung Tội giết người của FBI giai đoạn này cho thấy đa số các trường hợp, đứa trẻ can tội giết người là 1 bé trai da trắng.

Vậy những đứa trẻ nào lại có thể ra tay tàn ác như vậy với cha mẹ chúng? Tình huống nào dẫn đến một kết cục đầy bạo lực đến vậy? Nếu nhìn xa hơn thực trạng các xu hướng đáng báo động nhất của xã hội thì có thể thấy một trào lưu ngầm đáng lo ngại, đó là: Chúng là những đứa trẻ bị ngược đãi hoặc bị bỏ rơi, không có nhiều lựa chọn, những đứa thật sự nghĩ mình không còn lối thoát.

Thời thiếu niên khốn khổ

Những kẻ sát nhân hầu như lúc nào cũng ở độ tuổi thanh thiếu niên [trong những vụ thảm sát như trên]. Tại sao lại là thanh thiếu niên? Những đứa trẻ trước tuổi vị thành niên – dưới 11 tuổi – thường không hiểu được khái niệm của cái chết và gặp trở ngại trong việc chấp nhận rằng những hành động của chúng lại dẫn đến kết quả không thể thay đổi. Trong khi đó, trẻ vị thành niên lại dễ trở thành sát nhân bởi vì những hỗn loạn thông thường ở tuổi vị thành niên dâng cao và chống lại những sự gò bó mà chúng cảm thấy đã bị người khác áp đặt lên chúng trong một hoàn cảnh không có nhiều lựa chọn.

Không như người trưởng thành giết cha mẹ, những thanh thiếu niên phạm tội giết cha mẹ khi cảm thấy không thể sống nổi trong căn nhà của mình nhưng lại không có cách giải quyết. Không giống người trưởng thành, trẻ em đơn giản không thể bỏ nhà đi. Luật pháp xem việc trẻ em bỏ nhà đi là phạm pháp. Thông thường, trẻ vị thành niên phạm tội giết cha mẹ từng nghĩ đến việc trốn khỏi nhà, nhưng nhiều đứa lại không biết phải nương thân chốn nào. Trong khi đó, những đứa trốn đi lại thường bị bắt về hoặc tự mình quay về: Sống vất vưởng ngoài đường không phải là một giải pháp thực tế cho trẻ vị thành niên khi mà trong túi thì không có tiền, trình độ văn hoá chưa đủ và không có nhiều kỹ năng để mưu sinh.

Thậm chí trong hoàn cảnh tốt nhất thì thời thanh thiếu niên vẫn là thời kỳ đầy sóng gió. Những đứa trẻ muốn vượt qua giai đoạn rất cần sự ủng hộ từ cha mẹ mình, những người cho chúng một mái ấm để lớn lên và giúp chúng đương đầu với những khó khăn. Những đứa phạm tội giết cha mẹ đều có những ông bố bà mẹ không sẵn lòng giúp đỡ chúng. Trên thực tế, chúng lại phải gánh vác trách nhiệm như một người trưởng thành trong gia đình mình. Quả thực, ngoài mặt trông chúng cực kỳ mẫu mực khi phải tự chăm sóc bản thân, lo cho cha mẹ cũng như quán xuyến công việc nhà.

Ai lại giết cha mẹ mình?

Có 3 loại trẻ dễ phạm tội giết cha mẹ. Thứ nhất là những đứa bị ngược đãi nặng nề, bị dồn đến đường cùng. Loại thứ hai là những đứa bị bệnh về thần kinh thuộc loại nặng. Và loại thứ ba là những đứa ưa thích các tin tức giật gân – những đứa trẻ thuộc dạng phản xã hội thuộc mức nguy hiểm.

Trẻ bị ngược đãi nghiêm trọng là loại tội phạm thường gặp nhất. Theo Paul Mones – một luật sư tại Los Angeles chuyên biện hộ cho thanh thiếu niên phạm tội giết cha mẹ, hơn 90% trẻ bị cha mẹ ngược đãi. Chân dung tỉ mỉ của những thanh thiếu niên này thường cho thấy chúng giết người vì không thể chịu đựng được hoàn cảnh trong nhà mình. Những đứa trẻ này bị hành hạ về mặt tâm lý bởi hoặc cha hoặc mẹ hoặc cả hai, chúng thường chịu đựng ngược đãi thể xác, tình dục và tổn thương bằng lời nói, cũng như chứng kiến cảnh những người trong gia đình mình bị ngược đãi. Thông thường, chúng không có tiền sử bệnh tâm thần nặng hay có hành vi phạm tội nghiêm trọng. Chúng không rành về phạm tội. Đối với chúng, việc tàn sát tượng trưng cho hành động của sự tuyệt vọng – cách duy nhất để thoát khỏi tình cảnh gia đình mà chúng không thể chịu đựng thêm nữa.

Rất hiếm trường hợp một đứa trẻ bị bệnh tâm thần nặng lại giết người. Những đứa trẻ này đều không có sự liên hệ với thực tại. Những trường hợp này thường có đầy đủ tài liệu về ghi chép các đợt điều trị trước đây bị thất bại. Nhiều trường hợp chưa từng được xét xử vì phạm nhân không đủ khả năng để tham dự phiên tòa.

Có một số ít trường hợp, những đứa trẻ dường như giết người mà không hề ăn năn hối hận, mặc dù cha mẹ chúng lại tử tế và ân cần. Trẻ phản xã hội thuộc dạng nguy hiểm này thường rất thích đọc các tiêu đề báo. Những tội phạm chưa thành niên này có đặc trưng là mắc chứng rối loạn hành vi – các hành vi bất bình thường một cách nghiêm trọng diễn ra liên tục hơn 6 tháng. Những đứa trẻ này ra tay sát hại cha mẹ mình chỉ đơn thuần vì một mục đích vật chất hết sức ích kỷ – ví dụ như, không bao giờ cần phải hỏi trước khi mượn xe của bố mẹ nữa.

Chân dung của nỗi đau

Tôi đã tiến hành phỏng vấn đánh giá khoảng 75 thanh thiếu niên bị buộc tội mưu sát hoặc mưu sát bất thành. Bảy vụ dính đến trường hợp con cái giết cha mẹ, trong đó 6 đứa là con trai, toàn bộ đều da trắng. Những trẻ này nằm trong độ tuổi từ 12 đến 17. Trong đó có 2 trường hợp giết cả cha lẫn mẹ. Tổng cộng, chúng giết 6 người cha, 3 người mẹ và 1 em trai. Trong tất cả trường hợp, hung khí đều là một khẩu súng có sẵn trong nhà. Sáu trong số bảy trường hợp là những đứa trẻ bị ngược đãi nặng, trường hợp thứ 7 được chẩn đoán bị rối loạn nhân cách hoang tưởng. Mặc dù 7 là một con số chưa đủ lớn để có thể rút ra kết luận, nhưng nó có giá trị để phân tích đặc điểm của một đứa trẻ phạm tội giết cha mẹ. Kết quả như sau:

KHÔNG HUNG BẠO: Phân tích cho thấy 6 đứa trẻ vị thành niên có tiểu sử bị ngược đãi nặng đã sống một cách tương đối thụ động cho đến khi phạm tội giết người. Năm đứa nghĩ rằng bản thân mình mạnh mẽ và có thể kiểm soát mọi việc. Bạn bè chúng đều là những đứa trẻ dễ thương, còn chúng thì chưa từng dính líu hành vi phạm tội trước khi nổ súng giết người.

BỊ NGƯỢC ĐÃI: Trong 6 trường hợp này đều xảy ra tình trạng trẻ bị ngược đãi rõ rệt, cụ thể là ngược đãi về mặt tâm lý và gây tổn thương bằng lời nói; trong đó có 5 trường hợp bị hành hạ tâm lý nặng nề. Bé gái duy nhất, ngoài việc bị ngược đãi thân thể, lời nói và tâm lý bởi người cha, còn bị ngược đãi tình dục và bị chính cha mình cưỡng hiếp. Cả 6 trường hợp đều không được cha mẹ chăm lo về thể chất và tình cảm. Trong đó có 2 trường hợp gần như không nhận được sự chăm sóc nào do cha mẹ chúng là những kẻ nát rượu. Không ai trong số 6 trường hợp được cha mẹ bảo vệ khỏi những tổn hại. Có ít nhất 1 trường hợp không được chăm lo sức khỏe. Trái với những gì mọi người nghĩ, độ tuổi thanh thiếu niên nếm đủ mùi vị bị hành hạ và bị bỏ mặc ở mức độ cao hơn so với trẻ em, theo Nghiên cứu kỳ 2 về Hành hạ và bỏ mặc trẻ em của NIS (NIS-2).

CÓ CHA MẸ LẠM DỤNG CHẤT GÂY NGHIỆN: Trong cả 6 trường hợp đều có tình trạng nghiện rượu nặng diễn ra trong gia đình. Bằng chứng đó là cả 5 người cha bị giết đều là kẻ nát rượu. Ba trường hợp sử dụng ma túy, một trường hợp hút cần sa và trường hợp còn lại dùng thuốc ngủ. Một trong số những người mẹ bị giết cũng là người nghiện rượu. Phần lớn những người cha người mẹ còn sống đều nghiện thuốc. Chỉ duy nhất 1 trường hợp được biết đến là không lạm dụng thuốc mặc dù chồng bà ấy là kẻ nghiện rượu. Hai trong số những người mẹ còn sống bị nghiện Valium thời gian dài như một cách để chịu đựng người chồng vũ phu của mình.

BỊ CÔ LẬP: Những gia đình này có khuynh hướng bị cô lập do những vấn đề xảy ra trong nhà. Sáu trẻ vị thành niên trên có ít cơ hội giải tỏa hơn những đứa trẻ khác do chúng phải gánh trách nhiệm của những người làm cha mẹ như nấu nướng, dọn dẹp, chăm sóc em. Thậm chí còn có một trẻ chưa đủ tuổi lái xe cũng phải chở em mình đi học mỗi ngày. Những đứa trẻ này bị cô lập không đơn thuần chỉ vì gánh nặng việc nhà, mà còn do cảm giác tủi hổ. Chúng ý thức được rằng gia đình mình không phải nhà Brady Bunch [tên 1 bộ phim truyền hình của Mỹ về một gia đình hỗn hợp nhưng chung sống với nhau rất vui vẻ và hòa thuận – ND] và cha mẹ chúng cũng không mấy hoà nhã với những đứa bạn mà chúng dẫn về.

Suốt nhiều năm, chúng cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ từ thầy cô, người thân hay thậm chí là những người lớn tuổi hơn trong gia đình không có hành vi ngược đãi chúng, nhưng hoặc là chúng bị phớt lờ hoặc là những nỗ lực của chúng trở nên vô ích. Dần dần, chúng tập trung vào mục tiêu thoát khỏi căn nhà bằng cách trốn đi hoặc tự sát. Theo thời gian, chúng cảm thấy quẫn bách khi sống trong một môi trường cứ liên tục dập tắt bất kỳ một sự ủng hộ nào. Cuối cùng, căng thẳng đến tột độ, chúng mất khả năng đương đầu dẫn đến mất kiểm soát hoặc lên kế hoạch giết người nhằm đối phó với những mối đe dọa công khai hoặc tiềm ẩn.

CHỈ GIẾT NGƯỜI KHI CẢM THẤY KHÔNG ĐƯỢC AI GIÚP ĐỠ: Ngay trước thời điểm ra tay giết người, cuộc sống đối với chúng ngày càng trở nên khó có thể chịu đựng. Trong 4 trường hợp giết cha, người mẹ đều không sống ở nhà tại thời điểm xảy ra án mạng. Trường hợp thứ nhất: mẹ kế hành động giống hệt những gì mẹ ruột thằng bé làm vài năm trước: đó là bỏ nhà đi – chỉ một tháng trước khi thằng bé trở thành sát nhân giết cha. Trường hợp thứ 2: bà mẹ thường xuyên bị bệnh và đã nhập viện vài tuần trước vụ thảm sát. Trong 2 trường hợp còn lại: người mẹ ly dị chồng vì bị hành hạ thể xác và tâm lý, sau đó đứa con sống với cha cách đó hàng ngàn dặm. Trường hợp khác thì đứa con trai đã giết cha mình sau 1 năm sống đơn độc không có mẹ, đứa con gái trong trường hợp còn lại ra tay chỉ 16 tháng sau khi mẹ mình bỏ đi.

“PHONG TỎA” VỤ ÁM SÁT, KHÔNG HỀ THÍCH THÚ: Năm trong sáu trường hợp hẳn nhiên cho thấy rằng những đứa trẻ đều trong tình trạng “cô lập nhận thức” tại thời điểm gây án; có một sự thay đổi trong tiềm thức khiến những ký ức về vụ giết người không kết nối vào nhận thức của chúng [hãy tưởng tượng, nếu như nhận thức và ký ức của chúng ta như một cuốn phim nhựa, mỗi sự kiện nằm trong một khung hình, thì khung hình sự kiện “giết cha mẹ” đối với những đứa trẻ này bị cắt ra khỏi cuộn phim, tức cuộn phim không còn liên tục. Tuy nhiên khung hình đó không hẳn sẽ bị xoá, chỉ là nó không còn kết nối với khung hình của một sự kiện trước đó hay sau đó – ND] . Những đứa trẻ này không phủ nhận mình đã gây án hoặc chúng sẵn sàng chịu trách nhiệm, tuy nhiên trí nhớ chúng lại tồn tại một khoảng trống gọi là “điểm đen” cùng với cảm giác mọi thứ không thật hay như đang mơ ngay trong lúc ra tay giết người hay ngay sau đó. Có trường hợp, đứa trẻ còn không nhớ về vụ án mạng. Trường hợp khác, hung thủ chỉ quên mỗi khoảnh khắc bóp cò súng. Thằng bé hồi tưởng lại chuỗi sự kiện như sau: nỗi sợ hãi khi bị người cha đe dọa, hành hạ, nhớ lại những lần ông ta đánh đập mẹ nó, sau đó là cảnh tượng nó đứng bên thi thể đẫm máu của ông ấy. Thằng bé không nhớ chút gì về phát súng giết chết cha mình mặc dù nó biết rằng hẳn mình là người đã làm việc đó. [như đã nói, khung hình “giết cha mẹ” bị cắt ra khỏi cuộn phim, và như vậy, có khả năng rất cao là cuộn phim được nối, tức khung hình trước khi xảy ra án mạng nối vào khung hình sau án mạng, như trong trường hợp của cậu bé vừa mô tả trên đây – ND]

KHÔNG CÓ LỰA CHỌN KHÁC: Những đứa trẻ xuống tay giết cha mẹ nhằm đáp lại cảm giác của sự bất lực và bế tắc. Trong 2 trường hợp bị ngược đãi nghiêm trọng, cả hai đứa trẻ đều phản ứng lại mối đe dọa khi nhận thấy rằng mình sắp chết hoặc bị thương nặng. Trong 3 trường hợp còn lại, những đứa trẻ cảm thấy nỗi kinh hoàng và khiếp sợ dù là không có cái chết hoặc khả năng bị thương nào sắp xảy ra. Điều đáng nói trong các trường hợp này là các nạn nhân đều chết ở tư thế không phòng bị: 2 người bị bắn khi đang nằm ngủ, còn người thứ 3 bị giết khi đang xem TV lưng quay về phía con trai.

ÂN HẬN VỀ NHỮNG GÌ ĐÃ LÀM: Trong khi những tội phạm vị thành niên khác thích khoe chiến tích của mình thì những đứa trẻ này lại cảm thấy khó chịu về hành động giết người của mình. Chúng biết hành động của mình là sai, nhưng cuộc đấu tranh tư tưởng của chúng nghiêng về phần tác dụng – chúng ghê tởm cái hành động mà chúng cảm thấy bị thôi thúc phải làm, tuy nhiên chúng cũng thấy được giải phóng khi kẻ bị giết không còn có thể tổn thương đến chúng hay những người thân với chúng nữa. Dường như chúng đấu tranh tư tưởng do ý thức biến mình thành người bị hại. Chúng không xem bản thân mình là sát nhân hay tội phạm.

Chấm dứt cơn “điên loạn”

Sát nhân thực thụ trong những vụ án con giết cha mẹ này chính là hành động ngược đãi trẻ em. Thiệt hại nặng nề mà nó gây ra không chỉ là chết người mà chính là chết trong tâm hồn người bị liên tục ngược đãi.

Trên thực tế, rất ít trẻ bị ngược đãi nặng có hành động giết cha mẹ chúng. Nhưng tất cả chúng đều có nguy cơ trở thành phạm tội hoặc phụ thuộc xã hội cao hơn những đứa được cha mẹ hoặc người giám hộ chăm sóc. Thông thường, những ảnh hưởng tiêu cực do ngược đãi trẻ em gây ra không biểu hiện ra bên ngoài cho đến thế hệ sau. Phần lớn những người trưởng thành phạm tội giết người, bản thân họ đều là nạn nhân của hành vi ngược đãi khi còn nhỏ.

Sự thực không thể chối cãi và những ảnh hưởng của ngược đãi trẻ em ngày càng được coi là bổn phận của mọi người trong giáo dục. Tuy nhiên, xã hội lại làm những đứa trẻ này thất vọng. Xã hội đã thất bại trong việc thực hiện đủ trách nhiệm với chúng, thất bại trong việc bảo vệ chúng và thất bại trong việc khuyến khích nuôi nấng con cái tốt.

Những gì xã hội cần lúc này

Kỹ năng làm cha mẹ và nguồn động viên từ cha mẹ chính là những vấn đề cực kỳ cần được quan tâm. Cần mở các lớp học để giúp bậc làm cha mẹ giải quyết những căng thẳng trong việc nuôi dạy con cái, cụ thể là những người có nhu cầu đặc biệt. Nghiên cứu cho thấy việc nâng cao kiến thức của người làm cha mẹ về chăm sóc nhà cửa con cái, cũng như nâng cao sự phát triển kỹ năng giao tiếp tốt, quan hệ tình cảm lành mạnh và mối quan hệ giữa cha mẹ – con cái giúp ngăn chặn tình trạng ngược đãi trẻ em.

Ngoài việc giáo dục người lớn và thiếu niên về sự phát triển của trẻ em và các kỹ năng làm cha mẹ, trường học các cấp trong nước nên mở các khóa học nhằm giúp trẻ em nhận thức được sự lạm dụng và bỏ mặc. Một cách lý tưởng, các khóa học này sẽ khuyến khích trẻ em phản kháng nếu bị hại hoặc đe dọa cũng như dạy chúng cách hành động; cũng sẽ có những người bênh vực trẻ em trong trường học để giúp đỡ chúng. Chương trình này nhằm khuyến khích phát triển lòng tự trọng và kỹ năng giải quyết mâu thuẫn để giúp đỡ trẻ vị thành niên trong việc tự bảo vệ bản thân.

Gần 40% trường học ở Hoa Kỳ không giáo dục phương pháp phòng ngừa. Các chương trình chỉ hạn chế giúp trẻ bảo vệ mình tránh khỏi việc bị lạm dụng không thôi là chưa đủ; trẻ em và thanh thiếu niên phải tìm hiểu tất cả các dạng lạm dụng. Tổ chức các hoạt động này càng sớm thì chúng ta càng sớm chặn đứng các hành vi lạm dụng cũng như sớm giải quyết các hệ lụy kéo theo.

Không phải lúc nào các nạn nhân cũng có thể nhận thức mình đang bị ngược đãi hoặc bỏ mặc. Khi tôi phân tích 2 vấn đề này trong một giảng đường đại học, chỉ lúc đó các sinh viên mới ý thức được rằng họ đã từng bị ngược đãi hoặc bỏ mặc khi còn nhỏ. Một vài bà mẹ của những đứa trẻ phạm tội giết cha đã để con mình bị ngược đãi vì họ chưa từng nhận ra sự thật rằng chính họ cũng là nạn nhân.

Và đa số lạm dụng tình dục đều là vụng trộm. Một đứa trẻ có cha hoặc mẹ xảy ra quan hệ tình dục với chúng đều biết điều đó là sai nhưng chúng cho rằng cũng không sao vì người làm điều đó cũng là Cha hoặc Mẹ chúng. Chúng thoát khỏi tâm trạng hỗn loạn bằng cách cho rằng “Chính mình là người không ổn”.

Nhất là, chúng ta phải lắng nghe con cái mình. Trong một cuộc phỏng vấn thực hiện 4 năm rưỡi sau khi nhận tội mưu sát, Scott Anders (xem dưới đây) bộc lộ sự chua xót khi nhớ lại mình đã tâm sự về những lần bị ngược đãi với biết bao thầy cô, hàng xóm và bà con – nhưng không một ai giúp thằng bé. “Chỉ vì một đứa bé còn nhỏ, nhưng đừng cho là nó ngốc. Ít nhất hãy lắng nghe nó. Sau đó, hãy tìm hiểu vấn đề.”

Mặc dù xã hội ngày càng quan tâm đến vấn đề ngược đãi trẻ em nhưng nhiều người vẫn không biết phải làm gì khi gặp trường hợp này. Nếu bạn nghi ngờ một đứa trẻ đang bị ngược đãi hoặc bỏ mặc, ít nhất bạn cũng nên gọi điện cho cơ quan địa phương hoặc quốc gia có thẩm quyền điều tra các trường hợp ngược đãi và bỏ mặc trẻ em. Ở nhiều quốc gia, các báo cáo có thể viết dưới dạng ẩn danh; trong bất kỳ trường hợp nào, nhân dạng của người gọi báo đều được giữ bí mật. Nếu cơ quan xác định rằng đứa trẻ đang gặp nguy hiểm, họ sẽ tạm thời cách ly nó khỏi gia đình và giữ nó ở một nơi an toàn trong khi chờ sắp xếp.

Cuối cùng, trong cùng một xã hội, chúng ta phải thông cảm với những đứa trẻ phạm tội giết cha mẹ. Chúng không phải là những đứa trẻ bất trị nhưng sau bản cáo trạng, chúng thường bị đối xử khắc nghiệt, mặc dù việc chúng nhỏ tuổi được coi là một nhân tố giảm nhẹ hình phạt của bản án. Chúng trước đó đã bị ngược đãi trong một thời gian dài, do đó chúng cảm thấy tức giận và đau khổ. Chúng cần hiểu được tấn thảm kịch, hiểu rằng hành động của chúng là sai, rằng đó không phải cách để giải quyết vấn đề và rằng lẽ ra chúng nên chọn một cách giải quyết khác không gây thiệt hại. Chúng cần vượt qua rất nhiều mất mát – mất tuổi thơ, mất tương lai tươi sáng, cũng như mất đi cha hoặc mẹ. Chúng cần được giúp nhận ra chúng đã có những tình cảm tốt đẹp về cha mẹ mình, và để những cảm xúc chôn sâu trong lòng được bày tỏ để chúng có thể tìm được giải thoát. Đây không phải những mâu thuẫn có thể giải quyết được bằng án tù tội.

Xét cho cùng, bất hạnh của chúng là đã được sinh ra trước khi chúng ta có thể tạo ra một thế giới an toàn cho chúng.

TÍNH CÁCH CỦA SÁT THỦ THIẾU NIÊN

Mặc dù các nghiên cứu không có nhiều nhưng TS. Heide đã dựa trên những nghiên cứu trước đây cùng với các vụ án bà đã thụ lý để phác họa đặc điểm chung xuất hiện ở 50 vụ án mà sát thủ chỉ ở độ tuổi thiếu niên như sau:

  • Có dấu hiệu bạo lực gia đình
  • Nỗ lực tìm kiếm sự giúp đỡ, nhưng thất bại
  • Cố gắng bỏ nhà đi hoặc tự tử
  • Bị cô lập khỏi bạn bè
  • Môi trường sống ngày càng bí bách
  • Cảm thấy bất lực trong việc thay đổi hoàn cảnh gia đình
  • Không thể ứng phó được với những gì đang xảy ra với bản thân
  • Không có tiền sử phạm tội
  • Trong nhà có sẵn súng
  • Có cha mẹ nghiện rượu
  • Xảy ra tình trạng “hổng” trí nhớ sau vụ giết người
  • Cái chết của nạn nhân được xem là cách giải thoát cho tất cả mọi người trong nghịch cảnh đó.

 

NẾU SUY NGHĨ CÓ THỂ DẪN ĐẾN GIẾT NGƯỜI

Mặc dù điều này đáng lo ngại nhưng lại hoàn toàn có thật. Những ý nghĩ giết cha mẹ còn phổ biến hơn những gì có thể xuất hiện trong giấc mơ của chúng ta như những gì đồng nghiệp của tôi TS Eldra Solomon và tôi mới phát hiện trong một cuộc khảo sát thực hiện trên 40 phụ nữ trưởng thành từng bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ. Bảng câu hỏi, thực hiện dưới dạng ẩn danh, gồm 200 vấn đề về lạm dụng và bỏ mặc. Do nhiều người không nhận ra những gì cha họ làm với họ là lạm dụng, nên bảng câu hỏi không gọi bất kỳ hành vi nào là lạm dụng hay bỏ mặc; nó chỉ đơn thuần mô tả những hành vi và hỏi xem chúng có từng xảy ra hay không.

Một trong những câu hỏi được đặt ra là: trước năm 18 tuổi, bạn có từng nghĩ đến việc giết người cha hay người mẹ bạo lực của mình chưa? Có đến 50% – tức 20 phụ nữ – trả lời có với tư cách là một thanh thiếu niên. Một số còn cho biết thậm chí họ còn lên kế hoạch giết người.

Chúng ta biết rằng phụ nữ ít hung bạo hơn đàn ông rất nhiều, tuy nhiên có đến 50% trường hợp được ghi nhận có tư tưởng muốn giết cha hoặc mẹ. Một câu hỏi thú vị đặt ra “Phải chăng con số này còn cao hơn đối với nam giới?”

Kết quả thu được đã chứng thực chiều sâu cảm xúc mà tình trạng ngược đãi tạo ra. Nó gây ra nỗi đau, sự sợ hãi, cơn giận dữ và sự tủi thân mà nhiều người phải cố gắng kìm nén trong suốt cuộc đời. Căn cứ vào cường độ cảm xúc mà sự ngược đãi gây ra cho các nạn nhân, câu hỏi chính xác không phải là “Tại sao những đứa trẻ lại giết cha mẹ chúng?” mà phải là “Tại sao không có nhiều đứa trẻ hành động như vậy?”. Và tiếp đó, chúng ta cần tìm hiểu điều gì ngăn chúng hành động.

VỤ ÁN CỦA SCOTT ANDERS

Scott Anders là một thằng bé da trắng sinh ra trong một gia đình trung lưu lớp dưới. Khi xuống tay giết người cha 36 tuổi, thằng bé chỉ mới 15 tuổi. Vào trưa ngày xảy ra án mạng, Scott đã tâm sự với một người bạn rằng mọi thứ trong nhà ngày càng trở nên tồi tệ. Thằng bé cho biết cha nó ngày nào cũng trở về nhà trong trạng thái phê cần sa và cocain. Ông ấy nhiều lần chửi mắng, đe dọa thậm chí đòi giết nó. Chiều tối hôm đó, người cha hút cần sa và tiếp tục quát tháo thằng bé. Lúc đó Scott đã trốn khỏi nhà và nói rằng sẽ trở về, hy vọng cha nó sẽ tỉnh táo lại. Khi Scott bước vào cửa, nó thấy khẩu súng lục 12 li của cha nó đang dựng cạnh ghế.

“Khi cháu quay về nhà, nhìn thấy cháu bước vào cửa, cha lại bắt đầu chửi cháu. Ông quát tháo om sòm và đòi nện cháu một trận. Đó là điều cuối cùng cháu nhớ. Khi ông ấy chuẩn bị mồi thuốc thì cháu chụp lấy khẩu súng và bóp cò. Ông ấy lùi lại, đổ vật xuống và máu phun ra từ miệng ông ấy. Đôi mắt ông giật giật, rồi cháu bắn thêm một phát nữa. Sau đó, cháu cảm thấy rất sợ”.

Scott chạy đi tìm đứa bạn thân Kirk và nói rằng mình sắp tự sát vì “Khi bắn ông ấy, tớ như một con người khác”. Kirk lấy lại khẩu súng từ tay Scott và dắt nó về nhà. Khi cố gắng xem xét tình trạng của ông Anders, Kirk nhớ Scott đã “gào khóc bù lu bù loa” lên. Hai đứa báo cảnh sát và Scott đã thú nhận tất cả. Hội đồng tối cao quyết định khởi tố Scott với tư cách người trưởng thành với bản cáo trạng gồm hai tội: tội thứ nhất mưu sát mức độ 1 và tội thứ hai là sở hữu súng.

Scott Anders là đứa con trai chung duy nhất của Lily và Chester Ander. Năm Scott lên ba, bà Anders bỏ nhà ra đi dẫn theo hai đứa con riêng một trai một gái. Trong suốt bốn năm sau đó, Scott đã phải bốn lần chuyển chỗ ở nhờ hết nhà người bà con này đến nhà người bà con khác. Khi cha đi bước nữa, Scott dọn đến sống cùng với mẹ kế, Mary, người phụ nữ khiến Scott nhớ lại một cách trìu mến. Nhưng cuộc hôn nhân này kéo dài không được bao lâu, chẳng mấy chốc bà ấy cũng bỏ nhà đi. Ông Anders sau đó lại cưới một “Mary thứ hai” và Scott dọn về sống với họ tại một khu được coi là nơi trú ẩn của những kẻ buôn bán ma túy.

Scott “chưa bao giờ tham gia chơi bóng chày hay bất cứ cái gì khác”, cũng không thể đi đến Scouts hay chơi đùa vì thằng bé “lúc nào cũng bận bịu việc nhà. Phụ làm việc vặt”. Việc vặt ư? “Cháu phải quét nhà, lau nhà, quét sân, rửa xe, dọn phòng, dọn gara, cắt cỏ và giúp hàng xóm làm việc vặt nữa”.

Ông Anders là một người đàn ông nóng tính từng nhiều lần hành hạ vợ cả về thể xác lẫn gây tổn thương bằng lời nói. Scott nhớ rằng cha mình xem những bà vợ là “những con mụ đàng điếm, ông sẵn sàng nện họ tơi bời mà không có bất kỳ lý do nào. Tính khí ông gắt gỏng từ lúc banh mắt thức dậy đến lúc lên giường đi ngủ. Nếu chú pha cà phê không đúng, ông sẽ tạt thẳng vào mặt chú. Tiêu quá nhiều tiền khi mua sắm, ông sẽ dạy cho chú bài học để chú không bao giờ được như thế nữa”. Scott còn xác nhận một sự thật là cha nó từng mấy lần dùng súng đe dọa Mary thứ hai, còn việc thượng cẳng chân hạ cẳng tay thì xảy ra hơn cả trăm lần.

Từ khi biết chuyện thì những trận đòn đối với Scott nhiều như cơm bữa. Đôi khi cũng có một số “lý do” (Mary thứ hai không làm việc nhà và đổ thừa cho Scott), đôi khi không (“cháu té ngã rồi ông ấy nổi điên lên”). Mức độ ác liệt của những trận đòn cũng phụ thuộc vào tình trạng say xỉn của cha nó. “Khi ông ấy tỉnh, ông ấy sẽ đánh chú. Nhưng một khi ông ấy có hơi men… đó là lúc ông ấy thật sự lên cơn”.

Scott cho biết cha nó cũng quý nó mặc dù ông ấy coi nó là vô tích sự. Mary thứ hai lại đối xử với Scott “như một con chó. Lấy cho tao chai bia. Lau sạch hành lang. Cắt khoai tây”. Chính bà ấy bắt Scott vứt bỏ con chó – người bạn quý của thằng bé vì bà ấy chỉ thích cún con.

Những ngày cuối tuần mới thực sự là địa ngục. Ngày thường, ông Anders bắt đầu nhậu nhẹt từ một giờ và cứ thế đến khi gục thì thôi. Vào thứ Bảy và Chủ nhật, cả ông và bà Mary thứ hai đều nhậu rồi sau đó đi bar, bỏ mình Scott ở nhà. Khi còn nhỏ, nó rất sợ bị bỏ một mình. Sau này khi lớn hơn, nó luôn rất tức khi bị bỏ một mình. Scott nghĩ thà là bị đánh còn hơn bị bỏ một mình.

Trận đòn ác liệt nhất là khi Scott cố gắng bỏ nhà đi nhưng sau đó lại quay về vì sợ cha mẹ mình lo. Khi Scott về đến nhà, cả hai người đều đang say ngủ. Lúc thức dậy “Mary thứ hai đánh cháu một trận tơi bời đến 1 giờ sáng. Bà ấy ên cơn nhảy vào đấm, tát và đánh cháu túi bụi”. Sáng hôm sau, đến lượt cha Scott. “Ông cũng cho cháu một trận lên bờ xuống ruộng. Ông đánh vào bụng, mặt và khắp mình mẩy cháu.” Trận đòn ác liệt đến mức ông ấy cho Scott nghỉ học ở nhà mấy ngày vì đầu nó sưng lên mấy cục.

Một tháng trước khi xảy ra thảm sát, bà Mary thứ hai đã bỏ trốn cùng một ông bạn của Anders. Vì chuyện đó, cha Scott đổ lỗi cho nó và cho rằng “Mọi chuyện trở nên ngày càng tệ hại”. Cùng với sự ra đi của Mary thứ hai, rồi đây Scott sẽ phải làm hết các công việc nấu nướng và quét dọn. Ông Anders không thể đi làm do sức khỏe yếu. Không còn được uống rượu nữa, ông chuyển sang chơi ma túy rồi ngày càng trở nên bạo lực. “Ông ấy bắt đầu dọa giết cháu”.

Buổi tối xảy ra vụ án mạng, Scott và cha nó cãi nhau một trận về chuyện nó không muốn ở nhà một mình (nó cứ phải chờ bên ngoài đến khi cha nó trở về). Ông ấy cứ “chửi mắng và quát tháo, rồi khi cháu chạy đi ông ấy nói “Tốt nhất là mày đừng nên đi đâu”. Cháu rất sợ, chỉ biết nhanh chân chạy mất. Khi cháu về nhà thì cháu thấy khẩu súng”.

Khi trước mắt không có một mối đe dọa nào, thì hành động giết cha mẹ lại là kết thúc một quá trình tích tụ lâu dài. Scott nhớ lại mình đã nổ phát súng thứ hai bởi vì nó thấy sợ “những gì ông ấy có thể làm với nó” sau khi bắn phát đầu tiên.

Tính đến năm học lớp 7, Scott đã tìm đến sự giúp đỡ từ bạn bè và ông bà bằng cách kể cho họ nghe những lần bị đánh đập, hành hạ. Nhưng “không ai muốn dính líu”. Sau đó, nó trở nên ít nói kể cả với những đứa bạn thân nhất vì nó không muốn họ biết sự thật. Scott cho biết nó ghét từ “ngược đãi trẻ em” vì nó ghét những gì mà từ đó ngụ ý về người cha của nó.

Bích Ngọc dịch

Nguồn: http://www.psychologytoday.com/articles/200910/why-kids-kill-parents

menu
menu