Tại sao bạn không cần một tuổi thơ khổ đau để có một tuổi trưởng thành rối ren
“Tại sao tôi lại chật vật đến thế, trong khi chẳng có chuyện gì tệ hại xảy ra với tôi hồi bé?”
Những ai tin rằng tuổi thơ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình cuộc đời trưởng thành đôi khi có thể tự đặt ra một câu hỏi đau đáu:
“Tại sao tôi lại chật vật đến thế, trong khi chẳng có chuyện gì tệ hại xảy ra với tôi hồi bé?”
Ta có thể buộc phải đi đến kết luận rằng những rắc rối hiện tại chẳng liên quan gì đến tuổi thơ cả. Bố mẹ ta cũng đâu phải người xấu, gia đình khá giả, căn nhà đủ tiện nghi, và chưa bao giờ có ai phải gọi chính quyền. Có lẽ mọi thứ chỉ là do gene, một điểm yếu sinh học bẩm sinh nào đó, hoặc đơn giản là những sai lầm và hỗn loạn của riêng ta.
Nhưng còn một khả năng khác – ám ảnh hơn: có thể những vấn đề ta đang đối mặt thật sự có gốc rễ từ tuổi thơ, chỉ là ta cần nhìn lại khái niệm “tuổi thơ khó khăn”. Có thể chẳng cần điều gì ghê gớm lắm xảy ra để những lực lượng hủy hoại bắt đầu chuyển động.
Photo by Markus Spiske on Unsplash
Chúng ta dễ tự đánh lừa mình bằng những định nghĩa quá rõ ràng và dữ dội về chấn thương: rằng nó nhất định phải là những đứa trẻ bị đánh đập, bị bỏng, bị chửi rủa hay bị tấn công; những đứa trẻ hằng đêm bị làm nhục và không bao giờ được ăn một bữa cơm nóng sốt hay đi chơi biển.
Nhưng nhấn mạnh vào những câu chuyện dữ dội ấy lại che giấu một sự thật khó tin về bản chất con người: chúng ta yếu đuối đến kinh ngạc.
Chỉ cần đặt tay lên thái dương và vuốt nhẹ, bạn sẽ thấy cơ thể mình mỏng manh đến mức nào. Chỉ một chiếc kẹp giấy cũng đủ giết ta. Lực cần để bẻ gãy một que diêm còn nhiều hơn để hủy hoại ta. Ấn vào động mạch cảnh trong 15 giây là đủ để kết thúc mọi chuyện. Tĩnh mạch của ta có thể bị cắt dễ dàng hơn cả vỏ một quả táo xanh. Chúng ta thật sự là những sinh vật vô cùng mong manh.
Chẳng cần gì quá ghê gớm cũng có thể khiến hệ thống cảm xúc của ta sụp đổ hoàn toàn. Ta có thể bị lạc hướng chỉ bởi những thái độ hoặc sự kiện mà thoạt nhìn không có gì ghê gớm, chẳng để lại dấu vết nào trên ảnh chụp, hoàn toàn tương thích với một gia đình đầy tình yêu thương và tử tế – những thứ mà chính ta cũng muốn lãng quên.
Chẳng hạn, lòng tự tin của ta có thể bị đánh gục chỉ bởi một người chăm sóc lặng lẽ làm ta mất mặt trong suốt một thập kỷ. Sự ghen tỵ ngấm ngầm từ cha mẹ có thể cùng tồn tại với những nụ cười vui vẻ và sự sung túc vật chất. Một chút thiên vị hay vài lời nói nửa đùa nửa thật cũng có thể làm chệch hướng cuộc đời ta. Những người quyến rũ và thông minh đôi khi lại vô tình (hoặc cố ý) sử dụng sự quyến rũ đó để điều khiển, thao túng cảm xúc của ta. Một bí mật có thể bóp nghẹt tâm hồn cả một thế hệ mà không cần lời nào được nói ra.
Những người bước vào liệu pháp tâm lý thường vướng phải một nghịch lý: họ nhớ bố mẹ mình rất tốt. Thế nhưng, khi nhìn sâu vào tuổi thơ, họ nhận ra những năm đầu đời đó dường như có liên quan đến những thất bại lớn của họ trong hiện tại.
Manh mối của câu đố này nằm ở sự nhạy cảm quá mức của chúng ta. Chỉ một cơn gió nhẹ cũng đủ làm ta chệch hướng. Một cú chạm bằng lông vũ có thể để lại dấu ấn mãi mãi. Chỉ cần một âm thanh ở tần số nhất định là ta đã có thể sụp đổ.
Hầu hết các bậc cha mẹ đều có ý tốt, nhưng thật đáng buồn, một số không nhỏ trong đó lại vô tình làm cho cuộc sống của con cái mình trở nên kém lành mạnh, ít dễ chịu hơn so với lẽ ra nó phải thế.
Bởi đơn giản, chúng ta – không may và không tránh khỏi – là những sinh vật nhạy cảm nhất trong vũ trụ này.
Nguồn: WHY YOU DON’T NEED A VERY BAD CHILDHOOD TO HAVE A COMPLICATED ADULTHOOD