8 điểm chung của những cô con gái bị cha bỏ rơi

8-diem-chung-cua-nhung-co-con-gai-bi-cha-bo-roi

Khó quyết đoán, sợ mất hết tất cả, v.v.

NHỮNG ĐIỂM CHÍNH

  • Bị bỏ rơi ảnh hưởng lâu dài đến con người ở tuổi trưởng thành, đặc biệt nếu nó xảy ra trong những năm phát triển quan trọng.
  • Bị bỏ rơi dẫn đến sang chấn tâm lý, có thể biểu hiện dưới dạng những đặc điểm rối loạn chức năng trong và ngoài các mối quan hệ.
  • Quan hệ tình dục sớm và sử dụng thức ăn hoặc các chất kích thích khác để đối phó là những cách phổ biến để kiểm soát nỗi đau tinh thần.

image: Marija Nedovic/Shutterstock

Joanne được đưa đi trị liệu tâm lý sau lần thứ ba bị bắt vì đánh nhau ở trường. Sự tức giận của cô ấy đã lộ rõ ​​ngay từ buổi trị liệu đầu tiên, nhưng tôi vẫn chưa hiểu nguyên do.

Trong thời gian điều trị, tôi biết được rằng cô ấy bị cha bỏ rơi khi còn ở tuổi thiếu niên. “Ông ấy chuyển đi và lập gia đình mới,” một ngày nọ, nỗi uất hận của cô biến thành cảm giác u sầu lạ lẫm. Không biết làm sao để đối mặt với những cảm xúc khó khăn bao trùm kể từ khi ông bỏ đi, Joanne phải vật lộn với các mối quan hệ với mọi người, thường xuyên gây gổ và gần đây nhất là đánh nhau với bạn.

Theo thời gian, cô ấy có thể học cách quản lý những cảm xúc tiêu cực tốt hơn, thay thế những hành vi trước kia bằng những kỹ năng đối phó an toàn hơn. Nhưng sự tức giận, buồn bã cùng cảm giác bị bỏ rơi vẫn đeo bám cô đến tận tuổi trưởng thành.

Một ngày nọ cô hỏi "Nếu ông ấy không quan tâm đến tôi đủ nhiều để ở lại chăm sóc tôi thì tại sao tôi phải quan tâm đến bản thân mình?" Căn phòng vẫn tĩnh lặng, không khí giữa chúng tôi dường như nặng nề hơn. Làm sao tôi có thể thuyết phục cô gái trẻ này rằng cô ấy xứng đáng được yêu thương và tôn trọng khi người lẽ ra phải yêu thương và chăm sóc cô ấy đã rời bỏ cô?

Câu chuyện của Joanne dù rất đau lòng nhưng lại phổ biến ở nhiều thân chủ của tôi. Là một nhà trị liệu làm việc với những người sống sót sau sang chấn tâm lý, tôi gặp nhiều thân chủ đã từng trải qua chuyện bị cha/mẹ bỏ rơi hoặc sự ra đi của người chăm sóc. Điều này có thể xảy ra vì vô vàn lý do: tù tội, cái chết, sự chia ly. Đôi khi cha mẹ ra đi không phải do lỗi lầm hay lựa chọn của họ. Tuy nhiên, mọi sự bỏ rơi đều có thể gây tổn thương nặng nề, đặc biệt nếu đứa trẻ không có những công cụ cần thiết để đương đầu và sống tiếp.

Nhưng tổn thương nặng nề nhất là những người chăm sóc tự nguyện rời đi. Cha của Joanne bỏ đi vào thời điểm cô đã đủ lớn để có mối quan hệ gắn bó với ông nhưng vẫn còn đủ trẻ để tự trách móc bản thân vì sự rời bỏ của cha.

Những ai từng kinh qua trải nghiệm như vậy thường có những đặc điểm tính cách tương tự, là hệ quả của việc phải chịu đựng những tổn thương tinh thần giống nhau.

Họ có 8 điểm chung sau đây:

  1. Suy giảm lòng tự trọng hoặc ý thức về bản thân. Khi không có sự hỗ trợ và khuyến khích của (những) người chăm sóc lành mạnh trong những năm phát triển của mình, thanh thiếu niên sẽ gặp khó khăn trong việc phát triển lòng tự trọng lành mạnh và ý thức mạnh mẽ về bản thân. Không có gì nói với một đứa trẻ rằng chúng chẳng đáng được yêu hơn việc cha mẹ tự nguyện rời bỏ chúng.
  2. Cảnh giác cao độ. Khi một đứa trẻ phải trở thành chỗ dựa tinh thần của chính mình, chẳng hạn như khi chúng bị người chăm sóc bỏ rơi trong những năm còn nhỏ, chúng thường nảy sinh những nỗi sợ hãi và lo lắng phi lý. Thường thì chúng sẽ có cảm giác sợ hãi dữ dội rằng điều gì đó tồi tệ sẽ xảy ra, luôn bất an hoặc căng thẳng. Bị người chăm sóc bỏ rơi, cảm giác an toàn của một người bị mất ổn định.
  3. Hành vi tình dục sớm phát triển hơn hoặc gia tăng. Người trẻ thường khao khát tình yêu và sự an ủi từ người khác, nhưng họ không biết làm cách nào để đáp ứng được nhu cầu này. Hành vi quan hệ tình dục sớm cũng được nhìn thấy khi thanh thiếu niên cố gắng tìm kiếm sự kết nối về mặt cảm xúc và thể chất mà họ thiếu với người chăm sóc. "Những bé gái sớm vắng bố có tỷ lệ quan hệ tình dục sớm và mang thai ở tuổi vị thành niên cao nhất, tiếp theo là những bé gái vắng bố muộn, tiếp theo là những bé gái có bố." (Ellis và cộng sự 2023.)
  4. Sợ bị bỏ rơi. Nỗi sợ hãi có thể biểu hiện dưới dạng thèm khát trong các mối quan hệ, chẳng hạn như đeo bám. Các cô gái trẻ bộc lộ nỗi sợ bị bỏ rơi khi họ cảm thấy tự ái, để bụng nếu bạn bè có những sở thích khác, người yêu không đáp lại tình cảm hoặc họ không được mời đến những buổi họp mặt. Trong những năm sau đó, nỗi sợ bị bỏ rơi có thể xuất hiện khi họ vẫn tiếp tục duy trì những mối quan hệ không lành mạnh vì khó rời bỏ. Hoặc họ có những nỗi sợ đối với các mối quan hệ.
  5. Khó quyết đoán (hoặc ngược lại, quá hung hăng, như một cơ chế phòng thủ). Khi chúng ta tiếp thu thông điệp rằng chúng ta không xứng đáng được yêu thương và hỗ trợ, như nhiều người bị người chăm sóc bỏ rơi, chúng ta rất khó để trở nên quyết đoán vào những lúc cần thiết. Một số người bù đắp quá mức cho cảm giác tiêu cực này bằng cách tỏ ra hung hăng, như một cách để ngăn người khác làm tổn thương họ thêm lần nữa. Những người khác thì lại khó tự đứng lên bảo vệ chính mình, thường là do sợ làm người khác nổi giận.
  6. Có những hành vi rối loạn hoặc nghiện ngập. Khi trẻ không học được những hành vi tự xoa dịu bản thân để đối phó với những cảm giác tiêu cực và khó chịu do bị bỏ rơi (hoặc những trải nghiệm đau buồn khác), chúng có thể tìm đến thức ăn hoặc các chất kích thích khác như một nguồn an ủi khi những cảm giác đó xuất hiện. Con gái của những người cha vắng mặt có nhiều khả năng mắc chứng rối loạn ăn uống, béo phì hoặc sử dụng chất gây nghiện. (Teachman, 2004).
  7. Sợ “mất tất cả”. Đây là cảm giác chung của những người bị bỏ rơi vào thời điểm quan trọng của cuộc đời mà nhiều người khó diễn đạt thành lời. Hơn cả trạng thái cảnh giác cao độ, đó là cảm giác sắp "mất tất cả" kéo dài triền miên, rằng họ chỉ còn một ngày tồi tệ nữa là mất nhà cửa, mất tài sản, thậm chí cả gia đình hoặc các mối quan hệ của mình. Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, tôi nhận thấy điều đó nhiều hơn ở những người bị bỏ rơi trong những năm phát triển quan trọng như tuổi thiếu niên hoặc tuổi mới trưởng thành.
  8. Liên tục cố gắng để giải quyết hoặc vượt qua tổn thương. Trong suốt các mối quan hệ ở tuổi vị thành niên cho đến khi trưởng thành, nhiều cô gái bị bỏ rơi cho biết họ sợ có con, hoặc họ có thể sinh con từ rất sớm để bằng cách nào đó “chứng minh” với bản thân rằng họ đủ khả năng có một gia đình bình thường, đầy yêu thương hoặc có mối quan hệ đặc biệt mà họ đã bỏ lỡ với người chăm sóc của chính họ. Tương tự, nhiều người cho biết họ muốn tránh có con, thường là do không muốn lặp lại những hành vi mà họ đã trải qua.

Joanne phải mất nhiều năm trị liệu để vượt qua và hồi phục sau trải nghiệm của mình. Cô ấy vẫn có những khoảnh khắc nghi ngờ bản thân hoặc những lúc tổn thương của cô ấy bộc lộ theo những cách không rõ ràng, chẳng hạn như vật lộn với sự chỉ trích, sợ bị bỏ rơi và xung đột với người khác. Nhưng nhìn chung, với sự hỗ trợ và thấu hiểu, cô ấy đã có thể vượt qua các giai đoạn chữa lành sau những trải nghiệm sang chấn thương hồi bé của mình 

Tài liệu tham khảo

Ellis BJ, Bates JE, Dodge KA, Fergusson DM, Horwood LJ, Pettit GS, Woodward L. 2023. Does father absence place daughters at special risk for early sexual activity and teenage pregnancy? Child Dev. 74(3):801-21. doi: 10.1111/1467-8624.00569. PMID: 12795391; PMCID: PMC2764264.

Schäfer, I., Pawils, S., Driessen, M., Härter, M., Hillemacher, T., Klein, M., Muehlhan, M., Ravens-Sieberer, U., Schäfer, M., Scherbaum, N., Schneider, B., Thomasius, R., Wiedemann, K., Wegscheider, K., & Barnow, S. (2017). Understanding the role of childhood abuse and neglect as a cause and consequence of substance abuse: the German CANSAS network. European journal of psychotraumatology, 8(1), 1304114. https://doi.org/10.1080/20008198.2017.1304114

Teachman, J. D. (2004). The Childhood Living Arrangements of Children and the Characteristics of Their Marriages. Journal of Family Issues, 25(1), 86–111. https://doi.org/10.1177/0192513X03255346

Rubi dịch

Nguồn: Psychology Today

menu
menu