8 vấn đề tâm lý ẩn giấu sau một… căn phòng lộn xộn
Nhìn vào sự sạch sẽ, ngăn nắp của một căn phòng hay căn hộ, ta có thể phần nào đoán được tính cách của chủ nhân không gian đó. Tương tự như vậy, một căn phòng bừa bộn cũng thể hiện phần nào các vấn đề tâm lý của người sở hữu.
Chúng ta vẫn thường chê trách những người sống thiếu khoa học và cảm thấy khó chịu khi phải bước vào một căn phòng – thậm chí là một ngôi nhà – bừa bãi, lộn xộn. Lẽ dĩ nhiên, mọi người đều thích sống trong một không gian sạch sẽ, ngăn nắp. Nhưng, cũng có những người cảm thấy khó khăn khi phải dọn dẹp mỗi ngày hay tự cảm thấy lộn-xộn-có-quy-tắc là cách sống của họ. Tuy nhiên, ngay cả người sống trong một căn phòng bừa bộn cũng chưa chắc nhận ra các vấn đề tâm lý ẩn sau lối sống của họ. Cùng tìm hiểu xem đó là những vấn đề tâm lý nào nhé!
HỌ CÓ MỘT ĐỐNG LỘN XỘN GIẤU TRONG NGĂN KÉO, HỘC TỦ VÀ NHỮNG CÁI HỘP
Thoạt nhìn, căn hộ hoặc căn phòng của họ có vẻ hoàn hảo khi sàn nhà thì sạch sẽ, sách được sắp xếp gọn gàng, giấy dán tường tươm tất. Nhưng một khi bạn nhìn vào ngăn kéo nhà bếp hoặc tủ quần áo, bạn có thể thấy cơ man là đồ, từ kéo hỏng, bút cũ, thẻ tín dụng hết hạn cho đến hóa đơn hoặc quần áo nhàu nát.
Chủ nhân của không gian sống như thế này thường là người hào nhoáng. Vấn đề tâm lý của họ là quá chú trọng gây ấn tượng với người khác nhưng lại không thực sự quan tâm đến bản thân mình. Vì thế, họ cảm thấy dễ dàng hơn trong việc che giấu tất cả những thứ cũ kỹ và vô dụng thay vì loại bỏ chúng. Với họ, việc trở nên thu hút quan trọng hơn chuyện dọn dẹp nhiều lần.
ĐÃ LÂU RỒI CĂN HỘ CỦA HỌ KHÔNG ĐƯỢC SỬA SANG LẠI
Có một loại người thế này: Họ chấp nhận sống với chiếc vòi rỉ nước và bức tường tróc sơn loang lỗ thay vì tân trang chúng. Họ coi nơi ở chỉ là một chỗ trú tạm bợ, như thể họ dự định đi xa vậy.
Tuy nhiên, sự tạm bợ đó có thể đã kéo dài… nhiều thập kỷ. Từ quan điểm tâm lý, những người này có xu hướng sống trong tương lai. Họ xem hiện tại như một sự chịu đựng tạm thời và ít khi có kế hoạch vững chắc. Họ đơn giản chỉ là quen sống như vậy và luôn hy vọng sự trợ giúp từ bên ngoài thay vì tự mình thay đổi.
NƠI LÀM VIỆC CỦA HỌ QUÁ Ư LỘN XỘN
Theo tâm lý học, không gian làm việc là một trong những nơi tiết lộ nhiều nhất về một con người. Chắc chắn là sẽ có những không gian làm việc ngăn nắp với hồ sơ, tài liệu được phân loại rõ ràng. Ngược lại, cũng có những chiếc bàn làm việc chất ngổn ngang giấy, bút, laptop và phủ bụi. Điều này có thể cho thấy lòng tự tôn cao và thiếu chín chắn.
Nhưng nếu họ có một chiếc bàn lộn xộn mà vẫn có thể biết rõ vật mình đang tìm ở đâu, trong trường hợp đó, có thể họ là một người sáng tạo. Đối với các công việc như vẽ vời hay điêu khắc, một nơi làm việc sạch sẽ, gọn gàng dường như là việc bất khả thi.
HỌ CÓ QUÁ NHIỀU THỨC ĂN THỪA TRONG NHÀ BẾP
Nhà bếp được cho là nơi sạch sẽ nhất trong nhà vì đây là nơi chúng ta ăn và nấu nướng. Vết dầu mỡ, thức ăn thừa, vết cà phê và trà trên cốc – tất cả những thứ này không chỉ làm cho nơi này trông xấu đi mà còn có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe. Ngay cả những người không thực sự thích dọn dẹp cũng cố gắng giữ cho nhà bếp sạch sẽ vì sự an toàn. Tuy nhiên, có những người cảm thấy ổn với một nhà bếp bẩn.
Và đôi khi vấn đề không chỉ là sự lười biếng. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng việc hiếm khi dọn dẹp nhà cửa là một trong những dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Khi không cảm thấy việc dọn dẹp nhà cửa quan trọng, họ sẽ dành rất ít thời gian cho nó. Tệ hơn, có thể họ cho rằng họ không họ xứng đáng được sống ở một nơi sạch sẽ.
HỌ ĐỂ THÙNG RÁC, GIỎ QUẦN ÁO BẨN HAY BỒN RỬA ĐẦY Ụ
Mặc dù rất ít người hứng thú với việc dọn dẹp, có những người còn xem nó như cơn ác mộng. Họ dùng tất cả những chiếc đĩa cho đến khi không còn chiếc nào hay mặc đến bộ quần áo cuối cùng trong tủ.
Sự trì hoãn là một vấn đề tâm lý mà rất nhiều người mắc phải. Nó thường xảy ra ngay trong các công việc hàng ngày. Làm từng việc một có vẻ hợp lý hơn làm hết tất cả mọi việc cùng lúc. Nhưng trên thực tế, mọi người luôn tìm ra những cái cớ để không phải làm, dù là công việc nhỏ nhất. Đổ lỗi cho sự bận rộn hay cái tôi lười biếng luôn kéo chúng ta chậm lại.
Vì thế, để đánh lùi sự trì hoãn, ta nên tự tập cho mình thói quen tốt như: dọn dẹp ngay sau khi ăn hay đổ rác mỗi tuần. Sự đều đặn và tự giác không chỉ giúp ích trong việc vệ sinh, mà còn hữu ích trong công việc và tình cảm.
PHÒNG TẮM CỦA HỌ QUÁ BẨN
Quảng cáo sản phẩm vệ sinh cá nhân thường đem lại cảm giác phòng tắm có thể giúp bạn quên đi tất cả các vấn đề của mình để thư giãn hoàn toàn. Và điều đó đúng! Tắm nước nóng hoặc lạnh có ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể chúng ta. Các mùi hương khác nhau có thể đánh thức giác quan của chúng ta. Bên cạnh đó, muối và tinh dầu giúp cải thiện tình trạng của da cũng như chức năng của các cơ quan nội tạng.
Chỉ cần nhìn vào phòng tắm là đủ để biết mức độ quan tâm của chủ nhân, không chỉ là sự quan tâm về cơ thể, mà còn là sự thoải mái về tâm lý.
Một phòng tắm sạch sẽ thường là dấu hiệu để nhận biết rằng nó được sử dụng thường xuyên. Sữa tắm, kem đánh răng chất lượng cao, kem bôi mặt và sữa dưỡng thể – tất cả những điều này cho thấy chủ nhân quan tâm đến bản thân họ. Nếu thứ duy nhất trong phòng tắm là một chai sữa tắm hoặc dầu gội, nó không có nghĩa là người đó bị trầm cảm. Điều đó chỉ cho thấy là người đó thực sự bị căng thẳng và không có nhiều thời gian để quan tâm đến vẻ ngoài của mình.
HỌ CÓ QUÁ NHIỀU ĐỒ ĐẠC
Việc bỏ đi những món đồ yêu thích thực sự rất khó khăn. Luôn có những căn hộ với những bộ trà không ai sử dụng, đồ cũ được đặt trên ban công, một chiếc xe đạp cũ bỏ xó trong một thời gian dài và những thứ vô dụng khác.
Trong trường hợp tốt nhất, hành vi này là một dấu hiệu của tính cách bảo thủ: họ không muốn thay đổi mọi thứ và cố gắng trốn khỏi việc phải thay đổi. Trường hợp xấu nhất là một người có xu hướng liên tục mang những thứ vô dụng về nhà. Không ngừng tích trữ có thể là biểu hiện của sự lo lắng thái quá, là dấu hiệu của hành vi cưỡng chế và rối loạn thần kinh.
Lược dịch: Ánh Xuân
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Brightside