9 thói quen sẽ khiến bạn khổ sở nếu không từ bỏ sớm

9-thoi-quen-se-khien-ban-kho-so-neu-khong-tu-bo-som

Trong cuộc sống, chúng ta thường đau khổ trước những điều diễn ra không như ý muốn. Nhiều khi, nguyên nhân là do những yếu tố khách quan. Nhưng lắm lúc, chính những thói quen của bản thân mới là thứ dẫn đến điều đó.

Trong cuộc sống, chúng ta thường đau khổ trước những điều diễn ra không như ý muốn. Nhiều khi, nguyên nhân là do những yếu tố khách quan. Nhưng lắm lúc, chính những thói quen của bản thân mới là thứ dẫn đến điều đó. Sau đây là nhận ra 9 thói quen điển hình:

1. Thói vị kỷ

Hẳn bạn đã từng gặp những người chỉ chăm chăm vào bản thân mình. Họ soi gương khi đứng trước cửa kính của cửa hàng, ngắt lời người khác trong các cuộc họp, chuyển hướng câu chuyện về họ và đăng vô số ảnh tự chụp trên mạng xã hội. Họ cũng có xu hướng hay đòi hỏi và ích kỷ.

Ai cũng có cái tôi. Ai cũng muốn mình trông đẹp và thú vị trong mắt người khác. Nhưng càng tập trung vào những điều này, dường như ta càng bớt hạnh phúc. Liều thuốc giải cho thói vị kỷ là bắt đầu tập trung vào người khác.

“Thông thường, những người bị ám ảnh bởi ham muốn và cảm xúc của mình nhìn chung là không hạnh phúc trong cuộc sống bằng những người hướng tới việc phục vụ người khác hoặc vì một mục tiêu cao cả. Bạn có bao giờ nghe ai đó than phiền về cuộc đời vì họ đã giúp đỡ người vô gia cư, đã vui đùa cùng các con, hay là đã mua quà cho một đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn vào dịp Giáng Sinh không?”

- Shannon L. Alder

Những người giúp đỡ người khác và góp phần làm cho thế giới tốt đẹp hơn thường thú vị hơn nhiều so với những người không ngừng nói về bản thân mình.

2. Thói trì hoãn

Càng trì hoãn làm công việc sáng tạo quan trọng với bản thân, chúng ta càng khổ sở hơn.

“Chờ đợi là một cái bẫy. Sẽ luôn có lý do khiến ta chờ. Nhưng sự thật là: chỉ có hai điều trong cuộc sống - lý do và kết quả. Và lý do đơn giản là không quan trọng.”

- Robert Anthony

Trong cuốn “The War of Art”, tác giả Steven Pressfield đã định nghĩa sự trì hoãn sáng tạo vô tận là “sự phản kháng” - một lực lượng dường như không thể lay động và khiến ta trì hoãn.

Những người hay trì hoãn công việc quan trọng cuối cùng sẽ rất khổ sở. Để chống lại thói xấu này, hãy đặt lịch và hình thành những thói quen đáng tin cậy để ưu tiên công việc quan trọng. Làm vậy sẽ giúp bạn hạnh phúc hơn.

3. Thói “nghiện”

Có một sự khác biệt giữa thói quen lành mạnh, nỗi ám ảnh và chứng nghiện ngập. Theo một bài báo trên trang Evolvingman.com:

“Bất kỳ chất hoặc hành vi nào cũng có thể là một phần trong cuộc sống của bạn theo một cách lành mạnh hoặc không lành mạnh. Một thứ có trở thành ‘chứng nghiện’ hay không tùy thuộc vào việc nó có đang gây ra những hậu quả tiêu cực trong cuộc sống của bạn không. Văn hóa của chúng ta đã xác định những chứng nghiện tích cực - công việc, tập thể dục, thậm chí là nghiện người khác (giống như trong những bộ phim tình cảm lãng mạn); và có những chứng nghiện tiêu cực như ma túy, rượu bia, v.v. Sự thật là mọi chứng nghiện đều gây ra hậu quả tiêu cực trong cuộc sống của người nghiện. Về cơ bản, chứng nghiện gây hại cho người nghiện, nhưng người nghiện vẫn tiếp tục hành vi đó. Nói đơn giản, nghiện không bao giờ là một điều tốt cả”.

Khi bạn nghiện một thứ gì đó đến mức đánh đổi mọi thứ khác trong cuộc sống, nó trở thành một vấn đề.

“Mọi chứng nghiện đều xấu, bất kể chất gây nghiện là rượu, ma túy hay lý tưởng.”

- Carl Jung

Có những người khốn khổ vì cơn nghiện của họ chiếm đầu bảng trong cuộc sống. Ví dụ, một người nghiện công việc tập trung vào thành công cuối cùng lại lơ là bạn đời. Hoặc một người nghiện tập thể hình có thể bỏ bê sự trau dồi về mặt trí tuệ.

4. Thói đổ lỗi

“Những năm tháng đẹp nhất trong đời là lúc bạn quyết định rằng vấn đề của mình là do mình. Bạn không đổ lỗi cho cha mẹ, thế giới hay xã hội. Bạn nhận ra rằng bạn nắm trong tay chính số phận của mình.” - Albert Ellis

Những người khốn khổ luôn đổ lỗi cho người khác. Điều trớ trêu là trong hầu hết trường hợp, mọi người đều biết ai mới là người phải chịu trách nhiệm.

Khi một người biết nhận trách nhiệm và khắc phục sai lầm, họ đã trưởng thành hơn. Nhưng một điều còn tốt hơn nữa là người không đáng trách mà lại lặng lẽ khắc phục sai lầm do người khác gây ra.

5. Thói đi tắt

“Bạn không thể phát triển mạnh mẽ hơn nếu né tránh khó khăn. Tôi chưa bao giờ thấy ai nói rằng, ‘Tôi rất mừng là đã toàn đi đường tắt.’”

- Jason Vallotton

Thực tế, không có nhiều lối tắt để cải thiện đáng kể hoặc làm giàu cho cuộc sống của bạn. Có thể là có một vài lối tắt thật, nhưng hầu hết những điều bạn tự hào nhất trong đời là kết quả của sự chăm chỉ và nỗ lực không ngừng nghỉ.

Nếu muốn trở thành người giỏi nhất trong một lĩnh vực nào đó, bạn phải nỗ lực hết mình. Và phải làm vậy mỗi ngày. Không có lối tắt nào dẫn đến những nơi đáng đến.

6. Thói bi kịch hóa vấn đề

Những câu chuyện phiếm có thể đem ra để mua vui, miễn là nó không liên quan đến chúng ta. Và việc đắm mình vào những tấn kịch tâm lý tình cảm của người khác dường như là một trò giải trí quốc dân. Bạn cứ mở TV ra mà xem - phim ảnh và chương trình truyền hình nổi tiếng đã có đầy cảm xúc đau đớn và kịch tính rồi đấy thôi.

“Đừng đưa ra giả định. Hãy dám đặt câu hỏi và bày tỏ những gì bạn thực sự muốn. Hãy giao tiếp một cách rõ ràng nhất có thể để tránh hiểu lầm, mất lòng và chuyện bé xé to. Chỉ vậy thôi là bạn đã có thể hoàn toàn biến đổi cuộc đời mình rồi.”

- Don Miguel Ruiz

Nếu bạn muốn đau khổ, cứ làm mọi chuyện to ra là đủ.

7. Thói bừa bộn

Không ít người để cho không gian của mình rất bừa bộn. Sách chất đống trên sàn và giấy bút rải rác quanh bàn. Đó là một thói quen xấu.

“Càng xem xét vấn đề về thói bừa bãi, tôi càng nỗ lực chống lại nó, vì nó thực sự là một gánh nặng.”

- Gretchen Rubin

Sự bừa bãi trong cuộc sống, cả về mặt vật chất lẫn tinh thần, đều sẽ khiến bạn khổ sở. Càng bỏ bớt đi những thứ không cần thiết, bạn càng có thể tập trung vào những thứ tốt đẹp.

8. Thói đố kỵ

“Cầu xin Thượng Đế hãy trừ bỏ lòng đố kỵ, mang ta ra khỏi thị phi, và ban cho ta một sự tập trung vào bên trong để sự chú ý của ta không bị cuốn đi.”

- Rumi

Ngưỡng mộ sự may mắn của người khác là một lẽ, nhưng đừng bao giờ oán giận họ vì họ may mắn. Giữa sự ngưỡng mộ và lòng đố kỵ chỉ có một lằn ranh nhỏ.

Mỗi người chúng ta đều được trời phú cho những tài năng và khả năng khác nhau. Thay vì ghen tỵ với người khác hoặc với những thứ họ sở hữu, hãy tập trung phát triển tài năng của mình. Hãy nhìn vào bên trong và tập trung vào việc hoàn thiện bản thân, rồi bạn sẽ tránh được sự đau khổ sinh ra từ lòng đố kỵ.

9. Thói hoài nghi bản thân

Một số người nổi tiếng nhất trên thế giới đã phải vất vả vượt qua những khoảnh khắc hoài nghi bản thân. Có những ca sĩ và diễn viên nổi tiếng vẫn “đánh trống ngực” trước giờ biểu diễn.

Ví dụ như giọng ca siêu sao Adele. Theo một bài báo trên Songbirdsf.com:

“Adele chia sẻ rất thẳng thắn rằng cô sợ sân khấu trong một cuộc phỏng vấn với Rolling Stone như sau, ‘Tôi sợ khán giả.’ Tuy nhiên, nỗi sợ này đã không ngăn được người nghệ sĩ mạnh mẽ, ngay cả khi việc lấy hết can đảm lên sân khấu tốn rất nhiều nỗ lực. Chia sẻ thẳng thắn của cô về sự lo âu khi trình diễn đã không làm cô mất mặt, mà còn khiến người hâm mộ yêu mến cô hơn nữa.”

Vũ khí bí mật của bạn để chống lại sự hoài nghi bản thân là HÀNH ĐỘNG. Khi ta hành động, tức là ta không cho phép nỗi lo đó làm ta bất động.

“Bạn mạnh mẽ hơn sự hoài nghi bản thân đó. Hãy nhắc mình như vậy mỗi ngày.”

- Caroline Ghosn

Hãy nhớ rằng hầu hết mọi người không tập trung quá nhiều vào bạn đâu. Họ quá bận suy nghĩ về cuộc sống và mục tiêu của họ.

Nếu bạn hát lạc giọng một bài khi đi karaoke với bạn bè hoặc không giành được giải thưởng tại một chương trình nghệ thuật thì đã sao? Ta học được nhiều từ thất bại hơn là thành công.

 

Nguồn tham khảo: John P. Weiss

https://medium.com/personal-growth/do-you-know-which-habits-make-you-miserable-bc669ef65abf

Nội dung được dịch và biên tập bởi Team Trần Đăng Khoa. 

https://www.facebook.com/diengia.trandangkhoa/photos/a.10158645740797733/10158693892847733

menu
menu