Ai cũng thất bại, nhưng chỉ người khôn ngoan mới tìm thấy sự khiêm nhường

Thất bại giống như tội tổ tông trong Kinh Thánh: ai cũng mắc phải.
Thất bại giống như tội tổ tông trong Kinh Thánh: ai cũng mắc phải. Dù bạn thuộc tầng lớp nào, giai cấp nào, chủng tộc hay giới tính nào, thì bạn cũng sinh ra cùng với thất bại, tập tành thất bại suốt cả đời, rồi lại truyền nó cho thế hệ sau. Giống như tội lỗi, thất bại có thể là một điều đáng xấu hổ, nhục nhã và khó có thể thừa nhận. Và tôi có nói đến chuyện nó "xấu xí" chưa nhỉ? Đúng vậy, thất bại cũng xấu xí – xấu như tội lỗi, như người ta vẫn nói.
Mặc cho sự phổ quát của nó, thất bại lại ít khi được nghiên cứu một cách nghiêm túc, thậm chí còn bị phớt lờ. Dường như ngay cả việc nhìn thẳng vào thất bại cũng khiến ta bất an, như thể chỉ cần chạm vào nó thôi cũng đủ để ta bị lây nhiễm.
Nhưng nghiên cứu về thất bại không phải là một việc đơn giản. Nó giống như khuôn mặt hai đầu của thần Janus – ta phải nhìn vào chính mình (để nhận ra những thất bại về đạo đức, tư duy, phán đoán, hay trí nhớ), đồng thời cũng phải nhìn ra thế giới bên ngoài, nơi thất bại diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Dù việc tự soi chiếu bản thân có thể rất thú vị, nhưng hãy tạm gác lại chuyện đó. Hôm nay, tôi muốn nói về những thất bại ta gặp phải trong chính cuộc sống của mình.
Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi trên một chiếc máy bay, lơ lửng ở độ cao hàng nghìn mét. Một động cơ vừa bốc cháy, động cơ còn lại cũng chẳng khá hơn. Phi công buộc phải hạ cánh khẩn cấp. Giữa tình huống đó, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Chắc chắn là kinh hoàng. Xung quanh bạn vang lên tiếng khóc, tiếng cầu nguyện thì thầm, tiếng thét thất thanh. Trong khoảnh khắc ấy, bạn không thể suy nghĩ một cách bình tĩnh hay lý trí. Bạn chỉ có thể chấp nhận sự thật: bạn đang sợ hãi đến tột cùng, như bao người khác.
Nhưng rồi, chiếc máy bay hạ cánh an toàn. Tất cả hành khách bước ra mà không ai bị thương. Khi đã kịp trấn tĩnh, bạn bắt đầu suy nghĩ rõ ràng hơn về những gì vừa xảy ra.
Florida Keys Public Library/Flickr
Bạn chợt nhận ra rằng có những lúc, ranh giới giữa tồn tại và không tồn tại mong manh đến đáng sợ. Và bạn cũng hiểu ra rằng, những lần chạm trán với cái chết thường mang một nét thực dụng đến tàn nhẫn – gần như thô tục. Chỉ một bộ phận hỏng hóc, một con ốc lỏng lẻo, một đường ống bị rò rỉ – bất cứ thứ gì cũng có thể khiến mọi chuyện kết thúc. Chỉ cần thế thôi.
Khi ta đối diện với thất bại, ta bắt đầu nhìn thấy những vết nứt trong kết cấu của sự tồn tại, và cảm nhận được khoảng trống hư vô đang chực chờ bên kia. Nhưng chính lúc thất bại đẩy ta đến rìa vực thẳm, nó cũng cho ta cơ hội để nhìn lại mọi thứ – thế giới xung quanh, bản thân ta, những gì ta thực sự trân trọng – bằng một đôi mắt mới.
Thất bại lột trần chúng ta. Và cảnh tượng đó thật đáng kinh ngạc.
Từ vị trí tan hoang đó – từ chính sự đổ vỡ của bản thân – ta nhận ra rằng ta không vĩ đại hơn thế giới này, thậm chí còn nhỏ bé hơn phần lớn mọi thứ. Một viên đá nhỏ bạn nhặt lên từ lòng sông đã tồn tại từ rất lâu trước khi bạn sinh ra, và sẽ tiếp tục hiện diện sau khi bạn biến mất.
Con người chỉ là những thực thể mong manh, chật vật để tồn tại. Vậy lấy đâu ra đặc quyền?
Về bản chất, chúng ta là những sinh vật yếu ớt và dễ tổn thương. Nhưng nếu con người có thứ gì đó tách biệt với vạn vật, thì đó chính là lý trí. Và chính lý trí phải dẫn dắt ta đến một sự thật: vị trí của chúng ta trong vũ trụ này vô cùng nhỏ bé.
Và đó là lý do thất bại phải đi kèm với sự khiêm nhường.
Khiêm nhường không chỉ đơn thuần là một đức tính, mà nên được xem là một cách để ta hòa nhập vào thế giới, một lối sống. Trong The Sovereignty of Good (1970), nhà triết học Iris Murdoch đã đưa ra một định nghĩa đầy súc tích nhưng sâu sắc về khiêm nhường: "sự tôn trọng thực tại một cách vô ngã".
Bà cho rằng con người thường có một nhận thức sai lệch về thực tại: ta tự vẽ nên một bức tranh quá vĩ đại về chính mình, đánh mất khả năng nhìn thế giới như một thực thể độc lập với bản thân. Và chính điều đó hủy hoại ta, hơn bất cứ điều gì khác.
Để chữa lành, ta phải học cách khiêm nhường. Và đó chính là đức tính trung tâm – và khó đạt được nhất – trong tất cả các đức tính.
Tôi nhìn thấy ba giai đoạn lớn ở đây.
Giai đoạn đầu tiên, khiêm nhường bắt đầu bằng sự thừa nhận rằng con người chỉ là hạt bụi bé nhỏ trong vũ trụ bao la. Đây là một tư tưởng cổ xưa như chính triết học. Đó là điều mà Đức Chúa Trời muốn khắc sâu vào lòng Gióp khi hỏi ông: "Ngươi ở đâu khi Ta đặt nền móng cho trái đất?" Đó cũng là điều mà các nhà Khắc kỷ hướng đến khi khuyên con người nhìn nhận cuộc đời từ trên cao; là bài học mà Nữ thần Triết học đã dạy cho Boethius, người đang run rẩy trong ngục tối; hay gần đây hơn, là sự thức tỉnh mà Carl Sagan đã truyền tải qua những trang sách.
Chấp nhận sự nhỏ bé của mình trong vũ trụ là điểm khởi đầu tuyệt đối của kiếp nhân sinh – thấp hơn thế, ta không thể rơi nữa. Ở giai đoạn này, khi đã bị thất bại vùi dập và nhận ra sự mong manh của chính mình, ta có cảm giác như bị "đánh gục", "nghiền nát", "trở về với cát bụi". Nhưng cũng chính lúc đó, khiêm nhường đặt ta vào đúng vị trí của mình, đưa ta trở lại với bản chất trần trụi nhất của con người. Và đó không phải là điều nhỏ nhặt. Bởi lẽ, cùng với việc buông bỏ ảo tưởng về sự quan trọng của bản thân, ta cũng dần rũ bỏ những thói quen tự huyễn hoặc và tự tâng bốc – những điều vốn khiến ta mù quáng trước chính mình.
Giai đoạn thứ hai, ta nhận ra rằng chính nhờ bị "kéo xuống mặt đất", ta mới thực sự đứng vững. Ta không còn lơ lửng trong những ảo vọng của chính mình nữa. Ta đã có một sự tái sinh. Và quan trọng hơn, ta hiểu rằng chẳng có sự hạ thấp nào ở đây cả, bởi khi dám đối diện với sự bé nhỏ của mình, ta đang sống thật với bản thân. Có thể ta chẳng giàu có gì, nhưng ta lại chân thật đến đáng sợ – nhất là với chính mình. Và đó luôn là điểm khởi đầu tốt nhất. Từ đây, bất cứ hướng đi nào cũng đều là một bước tiến đáng giá.
Hơn nữa, không có gì lành mạnh và sảng khoái hơn việc đôi khi được kéo xuống mặt đất, đặc biệt là với những tâm hồn vốn bị cuốn lên quá cao bởi sức hút của mộng tưởng. Những kẻ mộng mơ cứng đầu, một lần thử "liệu pháp bùn đất", hẳn sẽ có một bữa tiệc đáng nhớ!
Giai đoạn thứ ba là sự mở rộng. Khi đã neo mình vào thực tại và lấy lại sự cân bằng hiện sinh, ta có thể hướng tới những điều lớn lao hơn. Những giấc mơ giờ đây có đủ trọng lượng để bay xa mà không còn là ảo tưởng. Ở giai đoạn này, khiêm nhường không còn là một rào cản, mà trở thành một nguồn sức mạnh. Đôi khi, không gì táo bạo hơn hành động của một người khiêm nhường.
Ở một ý nghĩa quan trọng, khiêm nhường đối lập hoàn toàn với sự hạ nhục. Không có gì đáng xấu hổ hay ê chề ở đây cả. Ngược lại, khiêm nhường giúp ta trẻ hóa, giàu có hơn, can đảm hơn. Nếu sự hạ nhục khiến ta tê liệt và bất lực, thì khiêm nhường lại tiếp thêm sức mạnh.
Rabbi Jonathan Sacks từng viết: "Khiêm nhường là một trong những đức hạnh rộng mở và nâng đỡ sự sống nhất."Khiêm nhường không phải là hạ thấp bản thân, mà là mở lòng đón nhận sự kỳ vĩ của cuộc đời.
Vậy nên, khiêm nhường trước thất bại, xét đến cùng, chính là một liệu pháp chữa lành. Nếu được tiếp nhận đúng cách, thất bại có thể trở thành phương thuốc chống lại thói kiêu căng, ngạo mạn và ngông cuồng. Và nếu ta đủ dũng cảm để thử, nó có thể cứu rỗi ta.
Nguồn: Everyone fails, but only the wise find humility | Aeon.co