Ái kỷ (tự luyến): Những kẻ cao ngạo đáng thương
Xung quanh bạn có ai ngồi soi gương hàng giờ đồng hồ mà không biết chán. Trong điện thoại hay máy tính của họ có hàng GB hình ảnh của bản thân.
Xung quanh bạn có ai ngồi soi gương hàng giờ đồng hồ mà không biết chán. Trong điện thoại hay máy tính của họ có hàng GB hình ảnh của bản thân. Họ thậm chí có thể có album “Mỗi ngày một tấm ảnh” đăng trên Facebook hay Instagram để mọi người có thể chiêm ngưỡng sắc đẹp tuyệt trần ai của mình. Hay người đó chính là bạn :).
Nhưng đó mới là một trong số ít những kẻ tự luyến có biểu hiện rõ rệt theo nghĩa thông thường là quá yêu bản thân. Còn những dạng thức khác của hội chứng rối loạn nhân cách ái kỷ. Và bài viết này sẽ bàn sâu hơn về những ca bệnh thực sự (kẻ ái kỷ cực đoan, kẻ ái kỷ bắt nạt, ái kỷ nghiện ngập, ái kỷ biết tuốt…:). Ví dụ trong bài viết là về những kẻ ái kỷ bắt nạt – có lẽ thường gặp hơn cả ở môi trường công sở và cả gia đình… Chúng ta cũng sẽ đi tìm nguyên nhân sâu xa đằng sau hội chứng ái kỷ này.
Các tư liệu trong bài được góp nhặt từ cuốn sách tâm lý Kẻ ái kỷ cô độc (The Narcissist You Know) của tác giả PhD Joseph Burgo.
Nếu các bạn muốn xem một bộ phim cực hài hước về vị phó chủ tịch ái kỷ, bạn có thể đọc review phim Thư ký Kim sao thế?
Ái kỷ là gì?
Trước hết, mời các bạn đọc một câu chuyện gây chấn động nước Mỹ nhé.
Ngày 9 tháng 9 năm 2013, truyền thông toàn Hoa Kì đã bị nhấn chìm trong một tin sốc. Rebecca Sedwick, một bé gái 12 tuổi, đã tự sát bằng cách nhảy xuống từ đỉnh của một tòa tháp. Nhiều tháng trước khi sự kiện khủng khiếp này xảy đến, Sedwick đã liên tục phải chịu sự tra tấn về mặt tinh thần trên không gian mạng. Thủ phạm đứng sau vụ án là Guadalupe Shaw, một nữ sinh 14 tuổi.
Shaw đã lợi dụng sự nổi tiếng của bản thân để tụ tập một nhóm gồm 12 nữ sinh khác. Mục tiêu bị nhóm nữ sinh công kích là Rebecca cùng bất cứ học sinh nào khác dám kết bạn với cô bé. Thông qua tin nhắn điện thoại, Facebook và nhiều nền tảng mạng xã hội khác, Shaw đã liên tục nhồi vào đầu Sedwick suy nghĩ rằng, cô bé chỉ là một đứa xấu xí, rằng cô bé nên “uống thuốc tẩy mà chết quách đi,” và không ngừng giục giã cô bé tự sát.
Trước khi lý giải tại sao Guadalupe Shaw lại được xếp vào nhóm ái kỷ và tại sao cô bé 14 tuổi này hành động như vậy, Hí sẽ đưa ra một định nghĩa về ái kỷ, sau đó là những biểu hiện cực đoan thường thấy của họ trước nhé. Cũng cần phân biệt những kẻ ái kỷ với những người hướng nội nhé:
Theo từ điển Cambridge, Ái kỷ (narcissism) là sự quan tâm và ngưỡng mộ quá mức tới vẻ bề ngoài và/hoặc khả năng của bản thân.
Biểu hiện cực đoan của hội chứng ái kỷ
Ở góc nhìn tâm lý học thì phức tạp hơn nhiều, cuốn Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các loại Rối loạn Tâm thần (Diagnostic and Statistical Manual for Mental Disorders , hay còn gọi là DSM) của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kì (American Psychiatric Association – APA), có những 9 tiêu chí để nhận biết một người có hội chứng Rối loạn Nhân cách Ái kỷ (Narcissistic Personality Disorder – NPD).
Ví dụ như: Phô trương quá mức tầm quan trọng của bản thân dù không có thành quả xứng tầm; Bị ám ảnh bởi ý tưởng về thành công rực rỡ, quyền lực vô biên, tài hoa lỗi lạc, sắc đẹp tuyệt trần hoặc tình yêu lí tưởng; Tin tưởng rằng bản thân là một người đặc biệt, độc nhất vô nhị; Nhu cầu được ngưỡng mộ quá cao; Thiếu sự đồng cảm, một người không sẵn lòng nhận biết hay cảm thông với cảm xúc cũng như nhu cầu của người khác; Ghen tị với người khác hoặc nghĩ rằng tất cả mọi người đều đang ghen tị với mình; Biểu hiện hành vi hoặc thái độ kiêu căng, ngạo mạn.
Nói thì rất dài nhưng tóm lại các biểu hiện này thuộc hai tiêu chí:
(1) Thái độ quá mức tự đề cao giá trị của bản thân và,
(2) Sự thiếu cảm thông dành cho người khác.
Chúng ta, dưới góc nhìn của tâm lý học, thì ít nhiều đều tự luyến. Chúng ta yêu bản thân mình, nhưng đến mức bị xếp vào mắc hội chứng rối loạn hay không thì tuỳ mức độ đáp ứng các tiêu chí.
Gia đình bất hạnh: “Cái nôi” tạo ra những kẻ ái kỷ cực đoan
Cùng Hí trở lại với câu chuyện của Shaw bằng lời tường thuật của cảnh sát trưởng đồn cảnh sát địa phương. Khi bị bắt giữ, cô nữ sinh này vẫn giữ thái độ khá lạnh lùng và có phần vô cảm. Trên trang Facebook cá nhân, Shaw đã thừa nhận việc bắt nạt Sedwick và tuyên bố công khai rằng mình “đếch việc gì phải quan tâm” tới cái chết của nạn nhân.
Không lâu sau đó, câu chuyện bi thảm này đã có một tình tiết bất ngờ. Mẹ kế của Shaw – Vivian Vosburg đã được đưa ra xét xử vì 2 tội danh lạm dụng trẻ em và 4 tội danh bỏ bê con cái. Trước đó, một đoạn video được đăng tải lên Facebook ghi lại cảnh cô đang đấm liên tục một cậu bé trong tiếng cười hả hê của một vài cô gái khác. Vosburg chưa từng chính thức kết hôn với cha của Shaw – ông Jose Ramirez. 2 người cùng với 7 đứa trẻ – 4 đứa con riêng của Vosburg và 3 đứa con riêng của Ramirez, tất cả đều trong độ tuổi từ 9 đến 14 – đã dọn về chung sống được một thời gian.
Việc phải sinh sống trong một gia đình có các thành viên mang nhiều dòng máu khác nhau (vẫn lại là kết quả của những mối quan hệ, cũng như những cuộc hôn nhân không thành) và một lịch sử đầy bạo lực – một thế giới hoàn toàn khác xa với khái niệm “gia đình” thông thường – đã giải thích triệt để hành vi tàn bạo và nhẫn tâm của Guadalupe Shaw.
Khi tìm hiểu về quá khứ của những kẻ Ái kỉ Bắt nạt, chúng ta sẽ thấy phần lớn trong số họ đều kéo sau lưng một lịch sử tương tự của những gia đình tan vỡ, những hỗn loạn trong cảm xúc, cũng như những vụ lạm dụng trẻ em.
Những kẻ ngạo mạn đáng thương
Với những kẻ ái kỷ cô độc đích thực, đừng nhìn vẻ bề ngoài cao ngạo, thiếu cảm thông và chia sẻ với người khác, mà nghĩ rằng họ không quan tâm chút nào tới ý kiến của những người xung quanh. Thực ra, họ chưa bao giờ thôi bận tâm về cái nhìn của người ngoài về bản thân.
Hành vi cũng như nhân cách của những người Ái kỷ là biểu hiện của thái độ không ngừng nỗ lực để thoát khỏi mặc cảm tự ti và khiếm khuyết ở bản thân. Qua việc hành hạ người khác và buộc nạn nhân phải nếm mùi thất bại, kẻ bắt nạt sẽ phủ nhận cảm giác thất bại trong lòng. Họ tự thuyết phục bản thân rằng, mình chính là người chiến thắng, mình là người đáng được quan tâm và ngưỡng mộ. Đây là hành động nhằm trút bỏ những trải nghiệm không mong muốn hoặc ngoài sức chịu đựng ở bản thân vào một “vật chứa” khác.
Ứng xử ra sao với những kẻ ái kỷ
Cuộc sống bên cạnh những kẻ ái kỷ là một cuộc chiến thắng-thua, tôi đúng-anh sai, tao trên-mày dưới. Bằng nhiều cách, những kẻ ái kỷ khiến cuộc sống của những người xung quanh họ, hoặc phấn chấn, đam mê, lên mây (tuýp Ái kỷ Quyến rũ), hoặc cảm thấy mình thấp kém, thua cuộc, khổ sở (Ái kỷ bắt nạt, Ái kỷ Cực đoan).
Theo cuốn sách Kẻ ái kỷ cô độc, khi nhận biết được các hành vi có tính tự luyến ở những người xung quanh cũng như những ảnh hưởng của chúng lên tâm lí của bản thân, bạn nên tránh khơi gợi những biểu hiện nguy hiểm nhất của triệu chứng tâm lý này ở họ. Bạn cần khéo léo sống hoà thuận, đừng chọc vào nỗi đau đó.
Xoa dịu và tạo cho họ cảm giác an toàn, tránh mọi lời nói cũng như hành động có khả năng khơi dậy ở họ cảm giác xấu hổ, bất kể ý định ban đầu của bạn là gì, tốt đẹp hay không. Đừng tiến vào mối quan hệ cùng một người ái kỷ với suy nghĩ rằng bạn có thể thay đổi con người này, hoặc rằng người đó sẽ thay đổi vì tình cảm dành cho bạn.
Kẻ ái kỷ từng bị bắt nạt, giờ đây, là kẻ chuyên đi bắt nạt. Kẻ ngạo nghễ nhất đôi khi lại là kẻ đáng thương nhất, “thèm” được yêu thương nhất. Hãy cảm thông với nỗi hổ thẹn, đau khổ ẩn chứa sâu trong tâm hồn của họ và bạn sẽ tránh tham gia vào một trận chiến hơn-thua vô nghĩa. Bạn cần một nhận thức đặc biệt rõ ràng về bản thân, cũng như đủ tin tưởng vào giá trị con người của mình, mà không cần đến sự thừa nhận của người ngoài. Từ đó, có thể tránh tham gia vào cuộc chiến họ đang cố công khởi xướng. Đây là chìa khoá quan trọng nhất giúp bạn đối mặt với những kẻ ái kỷ.
Nguồn: https://soulstudiovn.com/ai-ky-tu-luyen-nhung-ke-cao-ngao-dang-thuong/