Ai rồi cũng giống nhau hết... (và vì sao đó lại là tin tốt)

ai-roi-cung-giong-nhau-het-va-vi-sao-do-lai-la-tin-tot

Lúc mới vào nghề, như bạn có thể đoán, tôi thấy choáng ngợp và biết ơn vô cùng vì có quá nhiều người quan tâm đến suy nghĩ của mình. Trời đất, có gì ngầu hơn chuyện đó nữa chứ?

Tôi bắt đầu viết blog lần đầu tiên vào năm 2007. Đến năm 2011, việc viết lách và xuất bản trên mạng đã trở thành công việc toàn thời gian của tôi. Tới năm 2013, những gì tôi viết đã có hơn một triệu người đọc mỗi tháng. Và dù con số này có lên xuống theo thời gian, điều đó đến nay vẫn đúng.

Lúc mới vào nghề, như bạn có thể đoán, tôi thấy choáng ngợp và biết ơn vô cùng vì có quá nhiều người quan tâm đến suy nghĩ của mình. Trời đất, có gì ngầu hơn chuyện đó nữa chứ?

Nhưng rồi theo năm tháng, tôi bắt đầu nhận ra điều đặc biệt không nằm ở chỗ bao nhiêu người đọc mình viết, mà là ở chỗ tôi được tiếp xúc với bao nhiêu tâm tư và câu chuyện đời của người khác.

Suốt 15 năm qua, tôi ước chừng đã nhận được câu hỏi và chia sẻ từ khoảng 50.000 người. Họ ở mọi lứa tuổi – từ học sinh tiểu học đến các cụ ngoài 90 tuổi. Họ đến từ khắp nơi trên thế giới, từ Mỹ, châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản, châu Phi, rồi lại vòng về. Họ thuộc đủ mọi sắc tộc, tôn giáo, giới tính, xu hướng tình dục, tầng lớp xã hội. Cái sự phong phú về con người từng tìm đến hộp thư của tôi để xin lời khuyên ấy – thật sự choáng ngợp. Và tôi biết mình may mắn lắm mới có cơ hội được lắng nghe từ đủ mọi ngóc ngách của cuộc sống như vậy.

Thật ra, tôi tin rằng chính cái sự tiếp xúc đa chiều đó mới là thứ ảnh hưởng sâu sắc nhất đến công việc của mình. Khi bạn nghe chuyện đời, những nỗi khổ, những trăn trở đến từ Kenya, Serbia, Ấn Độ, Brazil và New York – tất cả trong cùng một buổi chiều – bạn bắt đầu nhìn ra được điều gì trong bản chất con người là phổ quát, và điều gì là đặc thù.

Và đó cũng là bài học lớn nhất mà tôi học được từ chính các bạn – những người đọc của tôi. Một bài học vừa khiến người ta cảm thấy nhẹ nhõm, vừa đơn giản đến mức bất ngờ:

Rằng dù vẻ ngoài chúng ta có khác nhau thế nào, thì bên trong, ai rồi cũng chỉ đang vật lộn với ba bốn vấn đề y chang nhau.

Ừ thì, bối cảnh sống khác, văn hóa khác, mỗi người một chuyện đời chẳng ai giống ai. Nhưng sâu thẳm bên trong, dù là một thiếu niên đang hoang mang ở Quebec, một phụ nữ kiệt sức ở Ấn Độ, một bà cụ đầy lo âu ở Texas, hay một người nhập cư tuyệt vọng đang sống ở Úc – tất cả đều đang xoay quanh một nhóm rất nhỏ những nỗi lo giống nhau đến kỳ lạ:

  • "Tôi không hạnh phúc trong mối quan hệ hiện tại, nhưng chẳng biết nên kết thúc hay cố gắng thêm nữa."
  • "Tôi chẳng chắc mình nên làm gì cho tương lai – cứ lo mình đang đi sai đường."
  • "Tôi vật lộn với lo âu, tức giận, trầm cảm – và nó đang phá hỏng bao nhiêu thứ trong đời tôi."
  • "Tôi tự ti về tiền bạc, địa vị, ngoại hình – và ước gì mình đừng quan tâm nữa cho nhẹ lòng."

Và điều tuyệt vời nhất là: phần lớn những người viết cho tôi đều nghĩ rằng chỉ có mình họ mới gặp phải vấn đề đó. Người phụ nữ ở Ấn Độ cảm thấy mình kỳ quặc khi nghĩ như vậy và không dám nói với ai – cũng giống như bà cụ ở Texas sợ bị đánh giá, hay cậu nhóc ở Quebec nghĩ mình là đứa duy nhất bị rối loạn thế này.

Thỉnh thoảng đọc email, tôi phải bật cười. Có người miêu tả nỗi buồn của họ rồi kết lại bằng câu: "Tôi nghĩ chắc chẳng ai hiểu nổi tôi đâu." Trong khi ngay lúc ấy, tôi đang có bốn email khác trong hộp thư – cùng một vấn đề, chỉ khác người kể. Nhiều lúc tôi chỉ muốn nối họ lại với nhau thành một nhóm tâm sự giấu tên cho xong.

Hồi đầu sự nghiệp, mỗi email như thế khiến tôi căng thẳng. Tôi chưa nhận ra điểm chung giữa các câu chuyện, nên hay bị cuốn vào từng chi tiết nhỏ. Trong đầu tôi lúc đó, làm thiếu niên ở Quebec chắc chắn sẽ khác xa với bất kỳ thiếu niên nào khác trên đời. Tôi tưởng rằng, có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu kiểu vấn đề.

Nhưng rồi thời gian trôi qua, tôi dần nhận ra rằng—những nỗi lo, những trăn trở tưởng chừng rối rắm kia thật ra lại vô cùng... bình thường. Chúng là một phần tất yếu của kiếp người, là bản nhạc nền chung mà ai sống trên đời cũng phải nghe qua một lần. Và điều tốt nhất mà tôi có thể làm, trong phần lớn các trường hợp, chỉ đơn giản là trấn an người ta rằng: "Này, bạn không hề kỳ cục chút nào đâu."

Rằng những rắc rối ấy không hề đặc biệt hay quái gở gì cả. Rằng bạn hoàn toàn có thể – và nên – mở lòng chia sẻ điều đó với ai đó bên ngoài.

Bởi cuối cùng, tôi đâu có biết hết về cuộc đời họ. Tôi chẳng rõ chuyện tình cảm của họ ra sao. Nhiều khi, tôi còn không rành cả văn hóa họ đang sống trong đó. Nhưng có một điều mà tôi biết rất rõ – và điều này cực kỳ quan trọng, dù không mấy ai có cơ hội được thấy tận mắt:

Đó là – họ không hề đơn độc.

Chính vì vậy mà tôi đã thiết kế các khóa học online của mình theo cách tôi vẫn làm: xoay quanh năm, sáu nỗi lo lặp đi lặp lại mà tôi nghe hoài không hết – nào là chuyện tình cảm, ý nghĩa sống, cảm xúc, nghị lực, định hướng cuộc đời, thói quen. Lặp lại. Lặp lại nữa. Cứ thế.

Vì dù cho giá trị sống, văn hóa, hoàn cảnh mỗi người có thay đổi thế nào đi nữa, thì những vật lộn cốt lõi của con người vẫn cứ là... như cũ.
Chuyện tình cảm thì phức tạp, nhưng ta không thể sống thiếu nó.
Tổn thương là không tránh được, nhưng chữa lành là điều hoàn toàn có thể.
Cảm xúc thì không thể “chiến thắng”, mà chỉ có thể học cách chấp nhận và điều hòa.
Còn ý nghĩa sống, nó không phải là thứ bạn “tìm thấy”, mà là thứ bạn cần “tự tạo ra”.

Những khó khăn này – chúng chẳng bao giờ thật sự biến mất. Hôm nay bạn có thể đã tạm ổn với các mối quan hệ, nhưng biết đâu vài năm nữa sẽ có biến cố xảy ra, xáo trộn tất cả, và bạn lại phải bắt đầu lại từ đầu. Hôm nay bạn có thể nghĩ mình đã tìm được hướng đi, nhưng mười năm nữa, một cú xoay mình về giá trị sống sẽ khiến bạn phải dựng lại toàn bộ hành trình. Hôm nay bạn có thể cảm thấy mình làm chủ được cảm xúc, nhưng rồi một ngày nào đó, một biến cố bất ngờ sẽ kéo bạn trở lại vòng xoáy đời.

Và khi điều đó xảy ra, bạn phải tự nhắc mình rằng: Cái cảm giác “đặc biệt” của nỗi khổ kia, thật ra chỉ là ảo ảnh. Cảm giác rằng bạn “khác người”, “bất thường” – hoàn toàn do tâm trí bạn vẽ nên. Và trong lúc bạn cố gắng tỏ ra “ổn” mà sống tiếp, thì thật ra mọi người xung quanh cũng đang làm y chang như bạn thôi – mỗi người đều đang gắng gượng, mỗi người đều đang giấu một nỗi gì đó.

Chính vì vậy, sự dũng cảm để thành thật với bản thân và người khác – hay gọi nôm na là “lột trần cảm xúc” – lại trở nên quý giá và mạnh mẽ đến vậy. Không chỉ vì nó giúp bạn được nói ra nỗi đau và sự xấu hổ của mình, mà còn vì khi bạn dám mở lời, bạn vô tình trao quyền cho những người khác – những người cũng đang im lặng – được nói theo. Nó không chỉ là sự chữa lành dành cho bạn, mà còn là phép màu cho cả những người xung quanh bạn.

Hoặc, nếu chưa sẵn sàng, bạn có thể cứ viết email cho tôi cũng được. Và tôi sẽ trả lời như tôi vẫn thường trả lời mọi người: “Cái này hoàn toàn bình thường mà. Rồi bạn sẽ ổn thôi. Nhưng bạn nên thử nói chuyện với ai đó thân thiết ngoài đời. Hãy kể cho họ đúng như bạn vừa kể với tôi.”

Nguồn: Everyone Is Mostly the Same… (And Why This Is Good News) | Mark Manson

menu
menu