Ba cạm bẫy hủy diệt đàn ông

ba-cam-bay-huy-diet-dan-ong

Chính trực là nền móng tạo nên một người đàn ông vĩ đại. Khi nền móng ấy một khi đã vỡ, thì dẫu có cố gắng hàn gắn, cũng không bao giờ trở lại như xưa.

Ba Cạm Bẫy Hủy Diệt Đàn Ông: Tiền Bạc

Chính trực là nền móng tạo nên một người đàn ông vĩ đại. Khi nền móng ấy một khi đã vỡ, thì dẫu có cố gắng hàn gắn, cũng không bao giờ trở lại như xưa. Giống như một món đồ trang sức bị đập vỡ thành trăm mảnh, có thể được gắn lại bằng keo, nhưng khi đưa ra ánh sáng, những vết nứt vẫn hiện lên rõ mồn một.

Ba lĩnh vực đặc biệt – tiền bạc, tình dục và quyền lực – từ xưa đến nay luôn là cái bẫy đánh gục sự chính trực và nhấn chìm cuộc đời của biết bao người đàn ông vĩ đại trong lịch sử. Những thứ ấy, nếu được nhìn nhận đúng và sử dụng hợp lý, hoàn toàn có thể mang lại lợi ích. Nhưng trớ trêu thay, chúng có một cách rất riêng để biến chất, trở thành thứ độc dược giết người trong lặng lẽ, với sức lan tỏa dữ dội. Những “sát thủ” ấy để lại sau lưng là cả một vệt dài đổ nát: sự nghiệp tiêu tan, gia đình ly tán, trái tim tan vỡ, và biết bao tiềm năng bị phí hoài.

Vấn đề không phải là bạn đối mặt với những cám dỗ trong ba lĩnh vực đó hay không, mà là khi nào. Bạn có thể tự nhủ “Chuyện đó sẽ không xảy ra với mình” – và rồi trở thành người tiếp theo gục ngã giữa thời đỉnh cao. Hoặc, bạn có thể chuẩn bị trước cho mình những cơ chế, những nguyên tắc sống để nâng cao cơ hội đi đến cuối con đường mà vẫn giữ nguyên được phẩm chất và danh dự của bản thân.

Chúng ta sẽ bắt đầu chuỗi ba phần này bằng chủ đề đầu tiên: TIỀN BẠC.

“Thưa quý bà và quý ông, lòng tham – nói một cách đơn giản – là điều tốt đẹp,”
Gordon Gekko từng tuyên bố như vậy trong bộ phim kinh điển Wall Street năm 1987. Ông tiếp tục khẳng định rằng, chính lòng tham là động lực cho sự tiến bộ của loài người. Không thể phủ nhận rằng nhiều phát minh vĩ đại và đột phá đã nảy sinh từ lòng tham. Nhưng vấn đề của lòng tham là: nó luôn dẫn bạn đến chỗ làm những điều mà bình thường bạn chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ làm.

Lòng tham có một cách rất lạ lùng: nó khiến các ranh giới đạo đức và sự chính trực trở nên... linh hoạt hơn rất nhiều, thậm chí là biến mất hoàn toàn. Dối trá, gian lận, trộm cắp – bỗng trở thành “nghệ thuật sinh tồn”, thay vì là những hành vi đáng khinh. Và đến cuối cùng, khoảng trống trong tâm hồn vẫn không được lấp đầy.

Tiền bạc tự thân không xấu, và mong muốn kiếm tiền cũng không sai. Tiền là một phần tất yếu của cuộc sống – hệ thống này vận hành như vậy. Nó chỉ là một công cụ, mà công cụ thì vốn không có đạo đức – tốt hay xấu tùy thuộc vào cách ta sử dụng. Nhiều người thường hiểu sai câu Kinh Thánh, cho rằng: “Tiền là cội rễ của mọi điều ác.” Nhưng thực ra, điều được viết là: “Lòng yêu tiền là cội rễ của mọi điều ác.” Cái bẫy bắt đầu khi ta định nghĩa bản thân bằng những gì mình sở hữu – tin rằng tiền bạc và tất cả những thứ đi kèm theo nó chính là chìa khóa của hạnh phúc. Một sự vặn vẹo nhỏ trong khát khao tự nhiên của đàn ông – muốn làm trụ cột, muốn kiến tạo – nhưng hậu quả lại rất lớn.

Bởi khi ta bắt đầu xác định giá trị của mình bằng những thứ mình có, thì ta sẽ mãi không bao giờ thấy đủ.

Ngoài kia luôn có người nhiều tiền hơn, nhà to hơn, xe mới hơn, đồ chơi xịn hơn. Ta tự nhủ, “Chỉ cần mình có thêm vài thứ đó nữa thôi, là sẽ ổn, sẽ hạnh phúc, sẽ mãn nguyện.”

Nhưng điều đó… không bao giờ xảy ra. Dù bạn có được căn nhà trong mơ, thì sớm thôi, một người hàng xóm mới sẽ chuyển đến và xây một tòa lâu đài khiến cả hoàng gia cũng phải ghen tị. Và guồng quay cứ tiếp tục. Chẳng mấy chốc, ta trở thành kẻ bị điều khiển bởi đồng tiền – kẻ nô lệ, thay vì người làm chủ.

Tolstoy từng viết một truyện ngắn về lòng tham. Trong đó, một người đàn ông tên là Pahom được trao một cơ hội kỳ lạ để có được đất đai. Chỉ với một nghìn rúp, ông được phép bắt đầu đi bộ từ lúc mặt trời mọc, khoanh quanh bao nhiêu đất cũng được. Miễn là trước khi mặt trời lặn, ông quay lại đúng điểm xuất phát, thì toàn bộ diện tích ông đã đi qua sẽ thuộc về ông.

Tham lam đất đai, Pahom cứ thế đi mãi, càng xa càng tốt, phớt lờ mọi dấu hiệu cho thấy ông đã đi quá đà. Khi mặt trời sắp lặn, ông hoảng hốt chạy ngược lại, nhận ra mình đã sai lầm nghiêm trọng. Nhưng đã quá muộn. Ông gục xuống, cách điểm xuất phát chỉ một đoạn ngắn, đúng lúc mặt trời khuất bóng.

Câu chuyện kết lại bằng một dòng đầy ám ảnh:

“Người đầy tớ của ông nhặt lấy cái xẻng, đào một cái huyệt vừa đủ dài để ông nằm xuống, và chôn ông tại đó. Từ đầu đến chân, ông chỉ cần sáu thước đất.”

Giống như Pahom, chúng ta thường bị cuốn vào vòng xoáy ham muốn có thêm – thêm tài sản, thêm của cải, thêm những điều tưởng chừng sẽ làm mình hạnh phúc. Nhưng rốt cuộc, lòng tham thường khiến ta mất mát nhiều hơn là nhận được.

Vậy làm sao để giữ cho trái tim và đôi tay mình luôn sạch sẽ, trong lành trước sức hút đầy mê hoặc của tiền bạc? Dưới đây là ba “mũi vắc-xin” đơn giản nhưng hiệu quả vô cùng:

1) Hãy cẩn trọng  

Tiền có sức mạnh rất lớn. Nó có thể khiến một người đàn ông làm những điều trái với lương tâm, rồi dần dần đánh mất chính mình. Vì thế, thật hợp lý khi ta luôn đề cao cảnh giác. Sự cẩn trọng bắt đầu từ việc quan sát kỹ cảm xúc và thái độ của chính mình đối với tiền bạc. Bạn có đang cảm thấy tuyệt vọng vì chưa kiếm đủ? Có liên tục lo lắng rằng mình không có nhiều như người khác? Có ghen tị trước thành công tài chính của họ? Nếu có, thì có thể bạn đang bước xuống một con dốc trơn trượt mà chẳng hay.

Dẫu ta có cố gắng tự soi mình thế nào, thì việc có những người thân yêu như gia đình, bạn bè bên cạnh để làm “tấm gương” phản chiếu lại mình vẫn là điều không thể thiếu. Hãy nhờ họ quan sát và thẳng thắn chia sẻ nếu họ thấy bạn đang thay đổi cách nhìn về tiền bạc hay vật chất. Có thể bạn sẽ thấy không thoải mái khi nghe điều đó, nhưng tốt hơn là chữa sớm còn hơn giữ sĩ diện mà để mọi thứ đổ sụp sau này.

2) Hãy rộng lòng 

Một trong những liều thuốc tốt nhất chống lại lòng tham là sự hào phóng. Có điều gì đó thật lạ lùng và đẹp đẽ xảy ra trong tâm hồn mỗi người khi ta sẵn sàng sẻ chia tiền bạc hay tài sản cho người đang cần hơn mình. Tự nhiên, những thứ ta từng nghĩ không thể sống thiếu lại trở nên... không mấy quan trọng. Sự cho đi giúp ta không bám víu quá chặt vào vật chất.

Tôi thường nghĩ rằng: hào phóng chính là cách để luyện tập... sống giàu có. Nhiều người viện lý do không đủ tiền nên không thể cho đi. Câu cửa miệng thường là: “Nếu tôi có nhiều hơn, tôi sẽ chia sẻ.” Nhưng sự thật là: nếu bạn không sẵn sàng cho đi trong lúc thiếu thốn, thì khi giàu có, bạn cũng sẽ chẳng làm điều đó đâu. Hào phóng là một thói quen – nó không tự nhiên xuất hiện khi tài khoản đạt đến một con số nhất định. Những ai không hiểu điều này, khi sống khá hơn, thường lại càng keo kiệt hơn. Vậy nên, hãy tập cho đi từ sớm. Và hãy cho đi thường xuyên.

3) Hãy biết ơn  

Cách đây vài năm, tôi có cơ hội đến Thái Lan trong một chuyến cứu trợ sau thảm họa sóng thần. Khung cảnh tàn phá vượt xa mọi tưởng tượng – cả làng mạc bị cuốn trôi, những gia đình có 5-6 người giờ chỉ còn 1 hoặc 2, và vô số cơn ác mộng không tên.

Nhưng điều khiến tôi ám ảnh mãi không phải là cảnh tượng tang thương, mà là tấm lòng rộng lượng phi thường của những người tị nạn mà chúng tôi gặp. Những con người mất sạch mọi thứ vẫn cố gom góp vài món còn sót lại để tặng lại cho chúng tôi – những người đang giúp họ dựng lại mái nhà.
Nếu ai có lý do để giữ lại tất cả cho riêng mình, thì chính là họ. Nhưng không – họ chia sẻ cho chúng tôi nước, thức ăn, những món quà nhỏ bé nhưng đầy tình nghĩa – và luôn với một nụ cười rạng rỡ trên môi.

Trong khoảnh khắc đó, tôi nhận ra họ giàu hơn rất nhiều người Mỹ mà tôi từng gặp – không phải giàu về tiền, mà giàu về tinh thần. Họ hiểu rằng: dù mất đi mọi thứ, họ vẫn còn điều để trân quý và vẫn còn điều để trao tặng. Điều đó để lại trong tôi một dấu ấn sâu sắc – khiến tôi ngẫm lại cuộc sống của chính mình, những gì tôi đang có, những con người bên cạnh tôi, và những cơ hội tôi từng nhận được. Và tôi thấy lòng mình tràn đầy biết ơn.

Có lẽ, đó chính là nơi mà lòng tham đánh mất ý nghĩa – khi nó khiến ta nhìn mãi ra ngoài, vào tiền bạc và vật chất, thay vì nhìn vào trong – nơi giàu có thật sự thuộc về tinh thần. Khi ta kỳ vọng tiền bạc sẽ mang lại sự đủ đầy và hạnh phúc, ta luôn thất vọng – bởi nó vốn không có khả năng làm điều đó. Càng sớm hiểu điều này, ta càng sớm có thể chiến thắng lòng tham.

Ba Cạm Bẫy Hủy Diệt Đàn Ông: Quyền Lực

"Để đạt được quyền lực và giữ lấy nó, con người phải yêu quyền lực; nhưng tình yêu ấy không đi kèm với điều thiện, mà gắn liền với những phẩm chất đối lập: kiêu ngạo, mưu mô, và tàn nhẫn."
Leo Tolstoy

Giống như tiền bạc, quyền lực mang trong mình một thứ men say khó cưỡng – mà nếu không cẩn trọng, có thể trở thành chất độc chí mạng.

Từ những nhà cầm quyền độc tài như Robert Mugabe ở Zimbabwe, đến những giám đốc điều hành tự cho mình cái quyền ngạo mạn và cư xử phi đạo đức chỉ vì ngồi ở ghế cao – quyền lực bị lạm dụng khi người ta bắt đầu tin rằng mình đứng trên luật lệ và lương tâm.

Quyền lực là cần thiết. Nếu không có nó, mọi việc sẽ đình trệ. Cảnh sát sẽ không thể khiến ai nghe theo nếu họ không có quyền bắt giữ. Một quốc gia không có quân đội hay vũ khí hạt nhân sẽ dễ dàng bị xâm chiếm. Và một người quản lý doanh nghiệp sẽ khó lòng điều hành hiệu quả nếu không có quyền tuyển chọn hay thay thế nhân sự.

Khi được sử dụng đúng cách, quyền lực có thể trở thành công cụ để cải thiện cuộc sống của những người thân yêu, đồng nghiệp và cả cộng đồng. Nhưng điều đó chỉ xảy ra nếu người đàn ông luôn tỉnh táo, không để quyền lực làm hoen ố tâm hồn mình, làm mờ đi ranh giới đạo đức, và cuối cùng là kéo mình xuống vực thẳm.

Bao nhiêu lần bạn từng nghe ai đó bức xúc tuyên bố: “Nếu tôi làm chủ, mọi chuyện đã khác rồi!”

Gần như ai trong chúng ta cũng từng nghĩ rằng nếu mình có quyền lực trong tay, mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Tác giả Gene Edwards từng viết trong Chuyện ba vị vua: "Những người đàn ông ấy không tưởng tượng ra bất kỳ trở ngại nào trong vương quốc tương lai của mình." Trong đầu họ, một khi được cầm quyền, vũ trụ sẽ hòa hợp, chiến tranh chấm dứt, và nhân loại tay trong tay cất cao bài hát “We Are the World.”

Chính vì thế, cũng không lạ gì khi nhiều người sẵn sàng đánh đổi cả nhân cách, cả sự tử tế, để đạt được thứ quyền lực mà họ khao khát đến tuyệt vọng. Và khi nắm được chút quyền trong tay, họ lập tức siết chặt nó như thể lẽ ra nó vốn thuộc về mình từ đầu. Nhưng quyền lực cũng giống như nắm cát trong tay – bạn càng siết chặt, càng mất nhiều hơn giữ.

Câu Chuyện Về Một Vị Vua

Vua Saul đã nếm trải bài học cay đắng này một cách trọn vẹn. Ông là vị vua đầu tiên của dân tộc Israel – cao lớn vượt trội, khôi ngô tuấn tú, mạnh mẽ và ăn nói lưu loát. Saul tưởng chừng như là hiện thân hoàn hảo cho một người nắm quyền lực. Thế nhưng, câu chuyện của ông lại là một bản bi ca về tiềm năng lớn lao bị lãng phí. Như bao người đàn ông trước và sau ông, khát vọng quyền lực đã len lỏi vào trái tim và trói buộc ông trong những năm tháng cuối đời, khi ông cố gắng níu giữ ngai vàng bằng mọi giá.

Đối tượng mà ông dồn tất cả cơn thịnh nộ chính là chàng thanh niên David – người đã chinh phục lòng dân sau khi hạ gục Goliath. Mỗi lần nghe dân chúng tung hô David, lòng Saul như thắt lại. "Tên nhãi ranh này thì biết gì về lãnh đạo!" – hẳn là ông đã nhiều lần lẩm bẩm như thế. Và rồi, lòng ghen tị tầm thường ấy bị khát vọng quyền lực hun đúc thành cơn thịnh nộ điên cuồng, khiến ông quyết tâm truy sát David.

Nhưng cuối cùng, Saul thất bại. Không những không thể giết được David, quân đội Israel còn đại bại trên chiến trường. Và trong giây phút tủi nhục cùng cực ấy, chỉ cái chết mới có thể giải thoát ông. Saul ra lệnh cho người mang áo giáp của mình kết liễu ông, nhưng người ấy không nỡ ra tay.

Một vị vua từng trị vì cả vùng đất rộng lớn chỉ bằng cái gật đầu, giờ đây đến thuộc hạ cũng chẳng chịu nghe lời. Đó là nhát chém cuối cùng. Trong sự thất bại và vô vọng, Saul tự kết liễu đời mình bằng cách ngã gục lên thanh gươm. Ông ra đi trắng tay – vì đã cố nắm giữ mọi thứ.

Cũng như Saul, sớm muộn gì mỗi người đàn ông rồi cũng sẽ được trao quyền lực – có thể không phải với cả một dân tộc, nhưng ít nhất là với ai đó, hoặc điều gì đó. Cách ta sử dụng quyền lực không chỉ định đoạt số phận của người dưới trướng, mà còn khắc sâu lên cuộc đời chính mình. Để không kết thúc như Saul, đây là vài cách giúp ta sử dụng quyền lực một cách đúng đắn và đúng chỗ:

1) Đừng tin vào lời tung hô

Khi bạn đang ở trên đỉnh cao, người ta sẽ không tiếc lời khen tặng: bạn tuyệt vời ra sao, đáng ngưỡng mộ thế nào... Một làn khói ảo vọng được thổi lên – và ta dễ dàng hít vào những lời tâng bốc ấy vì vốn dĩ ta cũng muốn tin điều tốt đẹp về mình. "Ờ nhỉ, giờ nghĩ lại thì mình quả thật là lãnh đạo tài ba!"

Nhưng khoảnh khắc bạn bắt đầu tin vào điều ấy, cũng là lúc đồng hồ điểm nửa đêm. Không phải là sự tự tin lành mạnh – mà là thứ ảo tưởng đầy ngạo mạn, kiểu như: "Tôi chính là ông trời con!"

Nguy hiểm ở chỗ, khi chìm trong vòng xoáy của sự ca tụng, ta đánh mất khả năng nhìn nhận bản thân một cách trung thực. Ai cũng bảo bạn hoàn hảo, bạn dễ lầm tưởng mình không có gì để sửa, không có lỗi nào để sợ. Nhưng rồi, bùm!– mọi thứ sụp đổ chỉ vì bạn không thấy cái hố ngay trước mặt, bởi xung quanh toàn những kẻ "gật gù" che khuất.

Hãy giữ bên mình ít nhất một người dám nói thật – một người không ngại chỉ ra rằng "nhà vua đang khỏa thân" – để kéo bạn về thực tại, giữ bạn không lạc lối.

2) Kiểm soát sự kiêu hãnh

Như đã nói khi bàn về đức khiêm nhường, kiêu hãnh thường bị ngộ nhận là phẩm chất tốt. Nhưng thật ra, kiêu hãnh là dấu hiệu của người đàn ông đo giá trị bản thân bằng cách so sánh với người khác. Anh ta không phấn đấu để vượt qua chính mình, hay để giúp ích cho ai, mà chỉ để hơn người bên cạnh – hơn địa vị, hơn quyền lực, hơn ánh hào quang.

Khi bị kiêu hãnh chi phối, người đàn ông sẽ xem mọi hành động – kể cả mưu mô hay dối trá – là chấp nhận được. Với anh ta, người đồng hành không còn là bạn bè, mà là đối thủ. Anh nghĩ: "Nếu mình không chớp lấy cơ hội – dù nó mờ ám – thì kẻ khác sẽ giành lấy thôi." Và khi bạn nhắc đến điều đúng, điều phải, anh sẽ phản bác: "Vậy thì việc thằng kia lợi dụng cơ hội đó có công bằng không?" Thế là mọi thứ đều có thể được biện minh, miễn là anh ta giữ vững vị trí dẫn đầu.

Kiêu hãnh cũng khiến cái tôi của người đàn ông phình to, che mờ lý trí. Anh ta tự nhủ: "Ta quyền uy thế này, đâu cần sống như lũ phàm nhân kia!" Và thế là anh biện hộ cho những hành động mà trước đây chính anh từng cho là đáng khinh. Nhưng như câu nói xưa: "Kiêu ngạo đi trước, vấp ngã theo sau." Sớm muộn gì anh ta cũng sa chân, bị phát hiện, và mất hết phẩm giá.

Thay vì mãi so bì với người khác, hãy tập trung vào việc vượt qua chính mình, chạm đến chuẩn mực mà bạn đặt ra cho bản thân. Không phải để "hơn người" – mà để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

3) Đừng Để Mất Liên Kết Với Cuộc Sống

Ở trên đỉnh cao, thường rất cô đơn. Và một khi bạn đã vươn đến đỉnh ấy, không còn trò chuyện, tiếp xúc với những người bình thường nữa, thì cũng dễ dàng đánh mất sự thấu cảm với họ – với cách họ nhìn nhận thế giới và những lo toan trong đời sống thường nhật. Bạn dần bị tách rời khỏi những vận hành hằng ngày trong tổ chức, cũng như những con người mà bạn đang có quyền lãnh đạo. Bạn không còn ở trong cùng một vòng quay, không gặp những vấn đề giống nhau, không nhận mức lương như họ. Khi bạn đứng quá xa người mình dẫn dắt, chính sách và quyết định của bạn sẽ ngày một xa rời thực tế, không còn phục vụ đúng lợi ích của họ, và sớm muộn gì cũng gây nên sự bất mãn, mất niềm tin.

Hãy xem việc dành thời gian cho những người ở tầng dưới của hệ thống như một ưu tiên. Hãy đến những nơi, gặp gỡ những con người mà người ở vị trí của bạn thường không lui tới. Ví dụ, David Neeleman – giám đốc điều hành của hãng hàng không Jet Blue – cố gắng mỗi tuần đều bay trên máy bay của chính công ty mình. Ông phát bánh, rót nước, chuyện trò với tiếp viên và hành khách – một cách đơn giản nhưng đầy hiệu quả để giữ mình gắn bó với thực tế.

4) Lãnh Đạo Là Để Phục Vụ

Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy ai đó đã để quyền lực làm mờ lý trí, chính là việc họ dùng quyền ấy để phục vụ cho bản thân, thay vì cho người khác. Trong suốt dòng chảy lịch sử, những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất (theo nghĩa tốt đẹp) cũng luôn là những người biết phục vụ.

Phục vụ những người dưới quyền chính là cách tốt nhất để giữ cái nhìn đúng đắn về quyền lực. Điều này đi ngược lại hoàn toàn với những gì thế giới thường dạy ta về sức mạnh, nhưng nếu bạn nhìn lại những người từng khiến bạn nể phục, có lẽ họ đều đã từng giúp đỡ bạn theo cách nào đó. Việc phục vụ người khác giúp bảo vệ trái tim ta khỏi sự tha hóa mà quyền lực có thể mang đến, bởi nó luôn đặt trọng tâm vào việc nâng đỡ và hỗ trợ người khác – chứ không phải tôn vinh bản thân.

5) Chia Sẻ Quyền Lực – Chia Sẻ Thành Công

Những người đang nắm quyền thường có thói quen giữ khư khư quyền hành, kiểm soát và ảnh hưởng trong tay – như một cách để củng cố vị trí. Họ sống trong nỗi sợ thường trực rằng nếu nhường nhịn chút ít, thì sớm muộn gì cũng sẽ bị hất khỏi ngai vàng bởi một kẻ trẻ trung và tham vọng hơn. Nhưng chiến lược này hiếm khi đem lại kết quả như mong đợi. Lịch sử đã chứng minh không ít lần rằng lối cai trị độc đoán ấy thường kết thúc trong hỗn loạn hoặc sụp đổ nhanh chóng. Người đi theo chỉ có thể chịu đựng được chừng mực, trước khi họ vùng lên đòi thay đổi.

Thực ra, con đường nhanh nhất để bạn có được quyền lực, có khi lại chính là việc biết chia sẻ nó. Một con đường khôn ngoan hơn nhiều, là giúp những người dưới quyền đạt được mục tiêu của họ – khi họ đang hỗ trợ bạn thực hiện mục tiêu chung. Hãy cho họ thấy rằng khi cùng nhau đạt được thành công của tổ chức, không chỉ bạn được hưởng lợi, mà họ cũng sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng. Khi bạn tạo ra một sứ mệnh chung và biết chia sẻ quyền lực, bạn sẽ nhanh chóng giành được sự kính trọng và trung thành từ những người xung quanh – và khi ấy, sức ảnh hưởng của bạn cũng theo đó mà lớn dần lên, bền vững hơn bất cứ ngai vàng đơn độc nào.

 

Ba Cạm Bẫy Hủy Diệt Đàn Ông: Tình Dục

Phần lớn những người đứng ở vị trí lãnh đạo đều sẽ – vào một lúc nào đó – đối mặt với cơ hội bước chân vào một mối quan hệ sai trái. Bạn sẽ có cơ hội để vượt qua ranh giới – về mặt tình dục. Sẽ có lúc tình huống xuất hiện khiến bạn nghĩ: "Mình không thể bỏ qua được đâu!" Không phải là “nếu”, mà là “khi nào”. Vì vậy, trừ khi bạn muốn bị hạ gục bởi “sát thủ Boom Chicka Wah Wah” – thì chúng ta cần phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để đưa ra những lựa chọn đúng đắn trong chuyện tình cảm và tình dục.
Deadly Viper

Chúng ta khép lại chuỗi chủ đề “Ba Cạm Bẫy Hủy Diệt Đàn Ông” bằng một vấn đề nhức nhối nhất, phổ biến nhất – và cũng nguy hiểm nhất: tình dục.

Không cần phải là một sử gia, ai trong chúng ta cũng có thể kể tên hàng loạt người đàn ông tài năng, đầy hứa hẹn – rồi lại gục ngã vì tình dục: Elliot Spitzer – Thống đốc bang New York, John Edwards – ứng cử viên Tổng thống, John Browne – CEO của tập đoàn BP… À mà, còn vụ việc chấn động một thời có liên quan đến cô nàng Lewinsky nữa chứ?

Họ đều là những nhà lãnh đạo thành công, có tương lai rộng mở. Thế nhưng họ đã đánh đổi tất cả – vì một cuộc phiêu lưu tình ái. Họ đã nghĩ gì trong đầu khi đưa ra quyết định đó? Vì sao họ lại lựa chọn bước vào một điều mà họ biết rõ là quá mạo hiểm? Có điều gì ở tình dục khiến đàn ông dễ dàng đi xa hơn điều họ muốn, ở lại lâu hơn điều họ định, và trả giá đắt hơn điều họ từng tưởng?

Trong cuốn The Truth About Cheating, chuyên gia tư vấn gia đình M. Gary Neuman đã nghiên cứu hàng trăm người đàn ông từng ngoại tình để tìm hiểu nguyên nhân thật sự đằng sau hành vi ấy. Và kết quả khiến nhiều người ngỡ ngàng:

  • 48% – chủ yếu do bất mãn về mặt cảm xúc
  • 32% – bất mãn cả về cảm xúc lẫn tình dục
  • 8% – chủ yếu do bất mãn tình dục

Điều đáng chú ý nhất trong những con số này là: phần lớn đàn ông ngoại tình vì không được đáp ứng về mặt cảm xúc, chứ không phải vì tình dục.
Cảm xúc ư? Thật sao? Chúng ta đâu nghe thấy điều đó trong những cuộc trò chuyện thường ngày giữa cánh đàn ông. Hãy thử tưởng tượng cảnh bạn nói với hội bạn thân trong giờ nghỉ giữa trận bóng rằng vợ bạn không chăm sóc đủ cho tâm hồn bạn đi… Có khi đấy là lần cuối bạn được mời xem bóng đá cùng họ!
Đàn ông chúng ta lớn lên thường được dạy rằng đừng nói quá nhiều về cảm xúc, và càng không nên thổ lộ nó ra ngoài. Chúng ta không nhận ra mình có vấn đề cho tới khi nhìn lại, khi mọi chuyện đã muộn.

Và đây không chỉ là vấn đề của những người đã lập gia đình. Những người đàn ông độc thân cũng thường bị cuốn vào chuỗi quan hệ thoáng qua, luôn mong sẽ tìm thấy một người phụ nữ có thể xóa tan mọi bất an trong lòng và khiến họ cảm thấy mình thật sự là "đàn ông". Nhưng phần lớn sẽ chẳng bao giờ thừa nhận điều đó – họ thường chọn cách khoác lên mình những chiếc mặt nạ như “tay sát gái”, “người đào hoa” hay “đang trải nghiệm cuộc sống” – thay vì gọi tên đúng bản chất: sự bất anyếu đuối.

Chuyện lạ ở tình dục là: nó không bao giờ chỉ là chuyện thể xác. Luôn có một điều gì đó sâu xa hơn phía sau hành vi ấy – có thể là nỗi cô đơn, là sự xa cách với người bạn đời, là sự thiếu tự tin, hay là nhu cầu muốn kiểm soát điều gì đó. Tình dục dường như hứa hẹn một liều thuốc giảm đau nhanh chóng và dễ chịu cho những tổn thương mà ta đang mang trong lòng.

Có lẽ chính việc chúng ta không nhận ra tầm quan trọng của kết nối cảm xúc đã trở thành gót chân Achilles trong hành trình giữ mình tránh khỏi cám dỗ tình dục. Hoặc cũng có thể là do chúng ta ngần ngại thừa nhận: trong thời đại của Botox, vòng một nhân tạo và hàm răng trắng loá, thì không phải mọi thứ đều xoay quanh vẻ ngoài.

Dù là độc thân hay đã có gia đình, đàn ông luôn có một khao khát sâu thẳm: được có ích, được tin cậy, được trân trọng, và cần đến.

Chỉ cần nghĩ đến những hình mẫu anh hùng mà ta vẫn ngưỡng mộ là hiểu – như hình ảnh Russell Crowe trong phim Cinderella Man, mỗi đêm ra sàn đấu để kiếm vài đồng mua sữa cho con, giữ cho căn hộ nhỏ của gia đình còn hơi ấm. Khát vọng bảo vệ và chu cấp cho những người mình yêu thương – đó là tiếng gọi bẩm sinh của người đàn ông.

Vì thế, dễ hiểu tại sao đàn ông lại bị cuốn hút bởi những người khiến họ cảm thấy hữu íchđược trân trọng – và dễ lạc lối khỏi mối quan hệ với những người khiến họ cảm thấy vô hình.

Neuman giải thích rằng: cảm giác không được ghi nhận là yếu tố cảm xúc phổ biến nhất trong những người đàn ông ngoại tình. Giữa những lần thay tã và những hóa đơn nhà đất, sự biết ơn dần bị thời gian làm phai nhạt trong hôn nhân. Những cặp đôi từng viết thơ tình cho nhau giờ đây thậm chí chẳng thể gượng gạo nói một lời “cảm ơn”. Và điều đó khiến đàn ông tổn thương tận sâu trong lòng.

Đó cũng là lý do giải thích vì sao nhiều đàn ông lại sa ngã với những người cấp dưới nơi công sở. Neuman phát hiện: “Gần một nửa số người ngoại tình đã quen tình nhân của mình tại nơi làm việc.” Một cô thư ký trẻ, gọi bạn là “sếp”, luôn lắng nghe từng yêu cầu của bạn – quả thật trông có vẻ hấp dẫn hơn rất nhiều so với ánh mắt lườm nguýt mà bạn nhận được mỗi khi bước chân về nhà.

“Đàn ông có thể trông mạnh mẽ, quyền lực, đầy bản lĩnh. Nhưng bên trong họ cũng đầy bất an như bất kỳ ai. Họ cũng đang tìm kiếm ai đó có thể khơi gợi trong họ cảm giác được coi trọng và cần thiết,” Neuman chia sẻ.

Rõ ràng là bạn không thể tự mình tạo ra cảm giác được trân trọng hay được cần đến – điều đó cần đến sự phản hồi từ người phụ nữ bên cạnh bạn. Và vì vậy, phụ nữ giữ một vai trò rất quan trọng trong việc gìn giữ sự thủy chung của một mối quan hệ. Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả trách nhiệm đổ lên vai cô ấy.

Dù bạn không thể ép vợ hay người yêu mình đối xử với bạn bằng một thái độ đầy biết ơn, bạn vẫn có thể chủ động làm nhiều điều để nuôi dưỡng tình yêu giữa hai người. Hãy đối xử với cô ấy bằng chính sự trân trọng mà bạn mong muốn nhận lại. Hãy làm những điều cô ấy nhờ bạn một cách nhanh chóng, không than phiền nửa lời. Hãy chủ động làm hơn cả những gì được yêu cầu – từ việc nhà cho đến những cử chỉ lãng mạn. Và hãy thẳng thắn chia sẻ với vợ bạn về cảm xúc và nhu cầu tinh thần mà bạn đang có.
Đàn ông thường không thích nói về những nhu cầu cảm xúc của mình, nhưng hãy cố gắng – nói ra ngay bây giờ vẫn dễ chịu hơn rất nhiều so với việc sau này ngồi đổ lỗi cho cô ấy khi bạn đã phản bội.

Tất nhiên, ai trong chúng ta cũng tốt hơn khi ở cạnh một người biết nâng đỡ và tiếp sức cho mình. Nhưng bên cạnh điều đó, còn có nhiều cách khác giúp ta gìn giữ nhân cách, bảo vệ lòng trung thành và biến tình dục trở thành điều tốt đẹp – chứ không phải kẻ huỷ diệt.

1) Tự chịu trách nhiệm  

Mỗi người đàn ông đều cần có những người anh em sẵn sàng hỏi thẳng những câu khó nghe về đời sống tình dục của anh ta.
Tự chịu trách nhiệm không phải là khái niệm chỉ dành cho những người tham gia các hội nhóm như “Người nghiện ẩn danh” – tất cả chúng ta đều cần điều đó. Bởi vì, khi ta cô đơn một mình, ta dễ dàng biện hộ cho từng vết nứt trong nhân cách, từng bước lùi nhỏ trên con đường đạo đức – và chẳng có ai soi sáng để giúp ta nhận ra mình đang đi lệch hướng.

Tự chịu trách nhiệm không cần đến một cuộc họp trang trọng – nó chỉ cần một người bạn thân đủ chân thành và thẳng thắn, người không làm ngơ khi thấy bạn đang đi sai đường, người dám hỏi bạn về chuyện tình cảm, hôn nhân, công việc, và cả những khía cạnh riêng tư nhất. Chỉ riêng việc biết có ai đó quan tâm đủ để hỏi han – đôi khi cũng đã đủ để ngăn ta khỏi những quyết định sai lầm.

2) Hãy có đời sống tình dục tuyệt vời với vợ bạn 
Câu nói “tấn công là cách phòng thủ tốt nhất” không chỉ đúng trên sân cỏ – mà còn đúng trong đời sống tình dục của bạn. Thực tế là: một người đàn ông được thỏa mãn trong đời sống chăn gối với vợ mình sẽ ít có nhu cầu tìm kiếm điều đó ở nơi khác. Nhưng cũng như ai đã từng trải qua, ta biết rõ một mối quan hệ tình dục lành mạnh sẽ không tự nhiên mà có – nó cần sự chủ động, quan tâm và nỗ lực xây đắp.

Điều này có nghĩa là bạn phải nói chuyện thật sự với vợ mình – về những điều cô ấy thích, những điều còn thiếu, những điều khiến cô ấy cảm thấy không hài lòng. Nghe có vẻ khó tin với một số người – nhưng đây là điều bắt buộc nếu bạn muốn giữ cho đời sống tình dục luôn mạnh khỏe và hạnh phúc. Một mối quan hệ thể xác thăng hoa sẽ mang đến vô vàn lợi ích – từ công việc, sức khỏe thể chất đến tinh thần. Và quan trọng hơn cả – nó giúp bạn giữ được sự chú ý của mình nơi vợ, chứ không phải ánh mắt của cô thực tập sinh mới đến.

3) Đừng bước xuống con đường của cô ta 

Tôi từng đọc một câu ngạn ngữ kể về một chàng trai trẻ đi ngang qua con phố nơi sống của một người đàn bà quyến rũ trong vùng. Khi anh ta vừa đi ngang, như thể đã chờ sẵn, cô bước ra mời mọc – ăn mặc khêu gợi và nói rằng chồng mình đang đi công tác xa

“Vào đây đi, chúng ta hãy vui vẻ đến sáng,” cô nói.
Với những lời lẽ mềm mại và ánh nhìn mê hoặc, cô đã lôi được anh ta vào nhà.

Câu chuyện kết thúc với những dòng như sau:

Ngay tức thì, anh ta theo cô như một con bò đực bước vào lò mổ, như một con nai sập bẫy chờ mũi tên xuyên qua gan, như một con chim lao vào chiếc lưới – không hề hay biết rằng, anh vừa đánh đổi bằng cả mạng sống mình.

Tôi kể câu chuyện ấy cho một người bạn và nói: “Thật ngốc khi anh ta bước vào nhà cô ta dù biết trước điều gì sẽ xảy ra.”
Bạn tôi chỉ mỉm cười và đáp: “Không, cậu sai rồi. Anh ta đã ngốc ngay từ lúc đặt chân xuống con phố ấy.”

Đừng bao giờ bước xuống con đường của sự phản bội.
Đừng đi ăn trưa “thân mật” với cô thư ký.
Đừng nán lại công ty chỉ để tán gẫu với đồng nghiệp nữ.
Đừng nhắn tin riêng tư với bạn của vợ.

Nhưng giữ mình không chỉ dừng lại ở việc tránh những cám dỗ hiển hiện và dễ thấy. Chúng ta còn phải giữ cho tâm trí mình trung thành – điều này không hề dễ dàng trong một thế giới ngập tràn hình ảnh gợi dục.

Ở bất kỳ đâu, người đàn ông cũng bị bủa vây bởi quảng cáo, phim ảnh, truyền thông – tất cả đều như mời gọi, như khiêu khích. Đặc biệt là nội dung khiêu dâm – thứ ngày càng phổ biến và dễ dàng tiếp cận trong sự riêng tư của một chiếc điện thoại hay màn hình máy tính. Đừng bước một bước nào trên con đường mộng tưởng về một người phụ nữ không phải là vợ mình.

4) Học cách bay máy bay 

Chẳng có gì lạ khi nhiều người đàn ông ngoại tình vì họ cần một cú “kích thích” mới trong một cuộc sống đang dần trở nên nhạt nhẽo.
Đối với nhiều người, vấn đề không hẳn là tình dục – mà là sự thoát ra khỏi vòng lặp buồn tẻ. Họ muốn cảm thấy mình đang sống – thật sự sống.

Với những người đàn ông rơi vào tình huống này, sự thất bại không đến từ mối quan hệ – mà là từ cách họ đang sống cuộc đời mình. Nếu tình dục là điều duy nhất khiến bạn hứng khởi – thì đã đến lúc bạn cần một sở thích mới. Hãy học lái máy bay, lấy bằng lặn biển, thử sức với leo núi… Chúng ta thường cảm thấy trọn vẹn nhất khi đang học điều gì đó mới – và chính cảm giác được làm mới bản thân ấy sẽ lấp đầy khoảng trống mà đáng lẽ bạn sẽ đi tìm trong vòng tay một người phụ nữ khác.

Nguồn: 3 Man Killers | Art of Manliness

menu
menu