Bạn có cần tha thứ?
Chúng ta thường được khuyên nên “tha thứ” cho ai đó khi họ làm điều gì đó gây tổn thương chúng ta.
Nghe Podcast bài này tại đây: https://open.spotify.com/show/0woBaAKRd2VlGQ2yg69mNI
-----------------
Chúng ta thường được khuyên nên “tha thứ” cho ai đó khi họ làm điều gì đó gây tổn thương chúng ta.
Forgiveness (“sự tha thứ”), theo định nghĩa của từ điển Webster, là “ngưng cảm thấy căm hận (một kẻ xâm hại nào đó)” hoặc “từ bỏ sự căm hận hoặc muốn đáp lại bằng cách tha thứ cho một sự xâm phạm”. Động từ “forgive” (“tha thứ”) là một khái niệm rất rộng, bao hàm một số thành tố lớn giúp định hình nên cách chúng ta nhìn nhận chính mình, như tinh thần trách nhiệm, tính cách, và đạo đức. Khi ai đó bảo chúng ta cần phải tha thứ, tức là họ yêu cầu chúng ta hành xử theo một cách nhất định, mà theo cách hành xử đó, chúng ta không chỉ giải thoát cho kẻ gây tội ác trong đời sống chúng ta, mà còn giải thoát cho chính chúng ta.
Với lời khuyên phổ biến trên, nhiều người nói với chúng ta rằng việc tha thứ cho bất cứ sự phản trắc nào mà chúng ta từng chịu đựng đều sẽ giúp chúng ta được giải thoát khỏi quá khứ, khỏi nỗi đau và khỏi bất cứ ký ức buồn nào đang níu giữ chúng ta. Tuy nhiên, việc cho rằng mình chỉ có một phương án duy nhất là tha thứ đôi khi lại là một con đường nguy hiểm: khi mà chúng ta không thể thật lòng tha thứ, chúng ta thường cảm thấy hổ thẹn và tội lỗi, vì cho rằng mình chưa tốt vì không biết cách tha thứ, và thế là chúng ta sẽ rất phiền muộn.
Sự thật là: Trong một số tình huống, bạn không cần phải tha thứ. Một số người có khả năng tha thứ dễ dàng hơn người khác do họ có tính cách dễ bỏ qua cho người có lỗi với mình.
Trong khi đó, một số người khác ban phát sự tha thứ dựa trên từng trường hợp cụ thể. Ví dụ: Người gây ra tổn thương cho bạn nhận ra mình đã làm điều không tốt và cảm thấy hối hận, day dứt vì việc làm không tốt đó. Họ xin lỗi bạn, nhận trách nhiệm về hành vi sai trái của mình và cố gắng không tái phạm để bạn và bất cứ ai khác không phải hứng chịu việc làm không tốt đó nữa.
Nhưng nếu kẻ tội đồ không hối hận và cũng không biết rằng mình đã làm tổn thương người khác thì sao? Chúa Jesus có nói: “Hãy tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. Giải pháp này cho thấy một người có thể tha thứ cho người khác vì sự thương hại và cảm thông, khi mà đối tượng không biết được hậu quả mà hành động của mình gây ra.
Tuy nhiên, cái không đáng được tha thứ chính là sự ác ý thực sự. Khi kẻ gây ra tội ác không hề hối hận, và kẻ đó biết rõ mình vừa làm điều ác, nhưng lại cảm thấy thỏa mãn khi thấy người khác bị tổn thương, bạn không nhất thiết phải tha thứ cho kẻ đó. Tuy nhiên, bạn có thể bày tỏ acceptance (sự chấp nhận), ví dụ như một người từng bị xâm hại lúc nhỏ, dù không thể tha thứ cho kẻ xâm hại, nhưng người này có thể chấp nhận rằng điều không may đó từng xảy ra trong quá khứ của mình.
Liệu chúng ta có cần lúc nào cũng phải tha thứ? Không, chúng ta cần hiểu, cần chấp nhận, và cần bắt kẻ làm điều ác phải chịu trách nhiệm. Chúng ta cần đau buồn khi nghĩ đến những điều tốt đẹp hơn lẽ ra nên xảy ra với chúng ta thay cho những sự xâm hại chúng ta phải gánh chịu khi còn nhỏ. Chúng ta cần yêu phiên bản bé bỏng của mình khi phiên bản ấy phải chịu những tổn thương đó. Và chúng ta cần lên kế hoạch để bản thân mình có thể tiếp tục tiến lên.
Tha thứ là một hành động đòi hỏi sự can đảm và mang tính tiến bộ, nó cho phép chúng ta vận hành trong một xã hội được xây dựng trên nền tảng niềm tin. Trong phần lớn tình huống, sự tha thứ là một hành vi lành mạnh, cần thiết và được khuyến khích. Tuy nhiên, đôi khi việc không tha thứ có quyền năng lớn hơn, nó cho phép chúng ta học cách đối mặt với cái ác, trưởng thành và tiến lên phía trước.
Tham khảo
McCullough, M. E., Worthington Jr, E. L., & Rachal, K. C. (1997). Interpersonal forgiving in close relationships. Journal of personality and social psychology, 73(2), 321.
Triệu Khánh Ngọc dịch
Nguồn: Mariana Bockarova
https://www.psychologytoday.com/intl/blog/romantically-attached/201909/why-we-dont-always-have-to-forgive