Bạn có phải người luôn cảnh giác? Một bài trắc nghiệm đáng suy ngẫm
Đôi khi, chúng ta sống đến nửa đời người mới dần nhận ra – rất chậm thôi – rằng mình thật khác biệt.
Đôi khi, chúng ta sống đến nửa đời người mới dần nhận ra – rất chậm thôi – rằng mình thật khác biệt. Trong thời gian dài, ta chỉ nghĩ rằng mình hơi bận tâm nhiều hơn người khác một chút, hoặc cuộc sống của mình, không rõ vì sao, lại có vẻ phức tạp hơn của bao người. Bạn bè có thể sẽ đùa vài câu về cách sống của ta, nhưng không phải lỗi của chúng ta nếu ta không nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Thế nên, một số câu hỏi dưới đây có thể giúp ta thấy rõ hơn bản chất vấn đề:
Bạn có thấy mình đồng ý với bao nhiêu trong số những điều sau đây?
— Mỗi ngày là một thử thách.
— Dù kiếm được bao nhiêu, tôi vẫn luôn lo cạn tiền.
— Tôi khó lòng tin tưởng ai.
— Tôi lo sợ người khác sẽ quay lưng với mình.
— Tôi rất sợ hãi.
— Nhưng lại quá xấu hổ để thừa nhận nỗi sợ này với bất kỳ ai.
Nào, hãy tăng độ khó lên một chút:
— Tôi không nghĩ mọi thứ sẽ ổn cả đâu.
— Có gì đó sắp sửa xảy ra rất tồi tệ.
— Khi không biết sợ điều gì, tôi rơi vào nỗi sợ vô danh.
— Sống là trong tình trạng khẩn cấp.
— Tôi luôn trong tình thế nguy hiểm.
— Tôi rất mệt mỏi.
— Nỗi sợ này mệt đến nỗi tôi thậm chí có lúc mong (xin đừng nói với ai nhé) mình không còn sống.
Nếu bạn trả lời “có” cho nhiều điều hơn mình muốn, có lẽ đã đến lúc bạn nhìn nhận bản thân theo cách khác: là thành viên của hội những người luôn cảnh giác quá mức.
Sự cảnh giác quá độ không chỉ đơn giản là lo lắng hay bất an; đó là nỗi sợ căn bản trước tất cả những điều trong cuộc sống. Đó là trạng thái liên tục dò xét mọi điều tốt đẹp có vẻ đang đến, chỉ để tìm dấu hiệu của nguy hiểm, đau khổ, ác ý hay sự tàn nhẫn. Vào bất kỳ lúc nào, người cảnh giác quá độ sẽ bận tâm về một điều gì đó – email vừa gửi đi, cuộc họp sắp tới, một bản tin, một người đồng nghiệp lạnh nhạt – nhưng vòng xoay liên tục của những nỗi lo này lại che giấu bản chất mãn tính của trạng thái này. Khi một nỗi lo vừa được giải quyết, sẽ không chỉ là nỗi lo khác xuất hiện; mà nó phải xuất hiện để phù hợp với cảm giác cơ bản, mong manh về bản chất của thực tại.
Nguyên nhân sâu xa của sự cảnh giác quá mức hầu như luôn bắt nguồn từ quá khứ. Nếu cảm xúc quá cuồng loạn, thì như câu nói cay độc có ý rằng: nó thuộc về lịch sử. Thảm họa mà người cảnh giác quá độ sợ sẽ đến thì thực ra đã xảy ra rồi – chỉ là nó đã bị quên lãng hoặc chưa từng được suy ngẫm đủ sâu, để rồi phủ bóng lên cả cuộc đời. Mỗi ngày mới lại thành một thử thách đầy sợ hãi khi ta chưa thực sự hiểu rõ điều từng khiến mình sợ hãi đến mức phải trốn chạy khỏi ý thức của chính mình.
Điều khiến trạng thái này khó chẩn đoán là vì tâm trí cứ cố khẳng định rằng mỗi vấn đề hiện tại là nguyên nhân duy nhất và chính đáng của nỗi bất an. Tâm trí bảo ta rằng, chỉ cần không vướng phải những rắc rối này ở công việc, gia đình, với bạn bè, hoặc trên mạng xã hội, thì ta sẽ ổn thôi. Nhưng điều ta vô tình bỏ qua lại là sự thật nghe có vẻ kỳ lạ rằng ta không thực sự lo vì một nguyên nhân cụ thể nào mà là do một cảm giác bất an sâu thẳm, gắn liền với một nhu cầu cổ xưa trong ta.
Đôi khi, ta cần tự hỏi một câu thật đơn giản và thẳng thắn: Gần đây có điều gì thực sự, thật sự tồi tệ xảy ra – ngoài những gì tâm trí ta tạo ra không?
Rất có thể là không, nhưng điều này chẳng đem lại niềm an ủi nào. Cơn ác mộng – dù chỉ là trong tâm trí – vẫn có vẻ đáng sợ và chân thực không kém gì đời thực.
Vậy, bước đầu tiên để tìm ra lời giải là nhận ra những điều sau:
Ta không chỉ lo lắng hay căng thẳng; ta xứng đáng sử dụng từ ngữ mạnh mẽ hơn: cảnh giác quá độ.
Nguyên nhân thực sự của nỗi lo lắng không phải nằm ở các vấn đề của hôm nay mà bắt nguồn từ những ám ảnh sâu xa, bị lãng quên trong quá khứ.
Những lo âu không xuất hiện một cách ngẫu nhiên; ta bị thôi thúc phải lo âu để xoa dịu cảm giác bất an từ bên trong; đó có thể là cách thư giãn “tuyệt vời” nhất mà ta có.
Cuộc đời ta sẽ là quá trình thay thế một nỗi lo cục bộ này bằng một nỗi lo khác, cho đến khi ta có thể quay về cảm thông với con người nhỏ bé, sợ hãi mà ta từng là.
Khi có thể, hãy bật cười mỉa mai với "liều thuốc độc" mà số phận đã gửi đến và tìm vài người bạn cùng chí hướng để đồng hành. Ta không còn cần phải nghĩ rằng mình cô đơn trong nỗi đau này nữa.
Nguồn: MIGHT YOU BE HYPERVIGILANT? A SOMBRE QUESTIONNAIRE