Tìm hiểu Chiến thuật học tập Feynman
Chiến thuật này được xây dựng bởi Richard P. Feynman, nhà khoa học đã từng đoạt giải Nobel, được đông đảo mọi người biết đến như một trong những nhân vật biểu tượng và gây ảnh hưởng nhất trong thời đại của ông.
Chiến thuật Feynman được sử dụng trong các thuyết về học tập. Về cơ bản, chiến thuật này dùng để ghi nhớ một nội dung văn bản nào đó. Chiến thuật này được xây dựng bởi Richard P. Feynman, nhà khoa học đã từng đoạt giải Nobel, được đông đảo mọi người biết đến như một trong những nhân vật biểu tượng và gây ảnh hưởng nhất trong thời đại của ông.
Mặc dù ông là một nhà khoa học lỗi lạc nhưng ông cũng nổi tiếng với chiến lược giúp quá trình học tập trở nên cực kỳ đơn giản mà vẫn hiệu quả này.
Nếu bạn đang đọc bài viết này thì có lẽ bạn đang tự hỏi làm sao để có thể học tập bằng Kỹ thuật này.
Đơn giản thôi:
Giải thích cái bạn đang cố học bằng những từ ngữ đơn giản nhất và lưu ý đến những lỗ hổng trong lời giải thích của bạn.
Một khi những lỗ hổng đã được phơi bày, bạn sẽ dễ dàng lấp đầy chúng.
Sức mạnh và tính hiệu quả của phương pháp Feyman đơn giản chỉ nằm ở khả năng giải thích mọi thứ. Mặc dù Feynman đã nghiên cứu về nhiều quá trình phức tạp nhưng ông lại có thể giải thích chúng đơn giản đến mức một đứa trẻ 12 tuổi cũng có thể hiểu những gì ông nói.
Đó là lý do tại sao ông được gọi là “Nhà giảng giải vĩ đại”
Cái bẫy “Nghe có vẻ thông minh”
Hãy cùng thống nhất điều này:
Chúng ta đều thích được mọi người khen “có vẻ thông minh.”
Chẳng có gì tuyệt hơn đối với những người có ăn có học là cảm giác được khen là mình hiểu biết. Nhưng điều đó đưa đến những rắc rối cho quá trình học tập.
Khi chúng ta quá quen thuộc với việc sử dụng những từ vựng mang tính học thuật, thì đó là cách ta lý giải một học thuyết nào đó cho bản thân khi ta đang tìm hiểu về nó. Từ vựng kỹ thuật mang đến cho chúng ta ảo tưởng rằng mình hiểu cái mà mình đang nói về.
Gần như lúc nào cũng vậy, lời giải thích của chúng ta mắc phải những lỗ hổng quá lớn, được ta khéo léo che đậy bằng những từ ngữ được chọn lọc cẩn thận. Và tệ nhất là ta thậm chí còn không nhận ra những lỗ hổng này. Nhưng nếu ta ngồi xuống và mổ xẻ từng dòng lời lý giải này ra thì ta sẽ thấy mình đã bỏ lỡ một vài mảnh ghép trong bức tranh ghép hình này.
Nền tảng của Kỹ thuật Feynman nằm ở lối giảng giải đơn giản; nghĩa là loại bỏ đi hết các biệt ngữ khoa học và cố giải thích những khái niệm làm sao để một đứa trẻ 12 tuổi có thể hiểu được.
Khi bạn cố làm điều đó, bạn sẽ thấy một số chỗ mình nói quá sức khó hiểu, hoặc bạn sẽ phát hiện ra mình đang nhảy cóc từ một điểm chính này sang điểm chính khác mà không có ý niệm là mình đã chuyển sang như thế nào.
Giải thích đơn giản và hiệu quả là một nghệ thuật và cần thời gian để làm chủ nó.
Vậy nên trong lúc đang giải thích vấn đề, hãy cố đơn giản hóa lời giảng giải vốn đã được bạn đơn giản hóa trước đó, từ đó bạn chỉ thể hiện ra khái niệm cốt lõi đằng sau nó.
Có 4 cấu phần cần học trong Kỹ thuật Feynman:
– Đọc/tìm hiểu sơ.
– Viết và giải thích.
– Lưu ý những lỗ hổng và những lý giải không phù hợp.
– Tham khảo lại tài liệu đã đọc.
Giờ hãy cùng tìm hiểu rõ hơn các cấu phần này.
-
Đọc/Tìm hiểu sơ bộ
Đầu tiên, bạn cần đọc bao quát tài liệu. Tôi không nói về việc đọc qua loa từ ngữ, mà bạn cần thực sự đọc hiểu, đọc ở trong đầu và thậm chí cố ghi nhớ nó.
Tôi thấy việc đọc “chỉ để đọc” khiến bạn không lưu trữ được nhiều thông tin. Vậy nên hãy cố gắng học và lưu trữ dữ liệu trong lúc bạn đọc.
Nhiều người nghĩ rằng việc giải thích cái bạn đang cố học sẽ phải xảy ra sau khi bạn đọc xong. Nhưng điều đó thường khiến bạn hiểu không rõ khái niệm, thôi thúc bạn phải đọc lại thông tin.
Nghiên cứu cho rằng đọc là một phương pháp học tập thiếu hiệu quả. Một gợi ý hay trong quá trình học bằng phương pháp Feynman là giải thích mỗi dòng bạn đọc được. Lối giải thích này cho phép bạn làm rõ khái niệm trong và sau quá trình đọc, tập trung vào quá trình lưu trữ thông tin.
Khi bạn đọc cả bộ thông tin cùng lúc và rồi cố làm rõ các khái niệm sau đó thì hầu hết tất cả các thông tin sẽ bị rơi mất trong quá trình bạn cố giải thích và lưu trữ đồng thời cùng lúc.
-
Viết và giải thích
Một khi bạn đã đọc thông tin và giải thích nội dung từng câu một với bản thân, thì hãy đóng sách lại, lấy ra cây viết và một tờ giấy.
Bây giờ, hãy viết xuống tất cả những thứ bạn biết về chủ đề này.
Bất kể nội dung là gì hay bất kể bạn viết dễ hay khó hiểu, thì chỉ cần viết hết tất cả những thông tin ra và cố lý giải nó bằng những thuật ngữ cơ bản.
Nhớ rằng: Điều cực kỳ quan trọng ở đây là lối giải thích của bạn phải rõ ràng và sử dụng những từ ngữ đơn giản đủ để một đứa trẻ học lớp 6 có thể hiểu.
Nếu một đứa bé học lớp 6 không hiểu những gì bạn giải thích, có lẽ lời giải thích này chưa đủ tốt và bạn nên tiếp tục đơn giản hóa nó hơn nữa.
Bạn có thể giải thích nó với một cậu bé học lớp 6 thực sự… nếu điều đó cho phép.
Lợi ích quan trọng của hoạt động này là bạn sẽ thấy phản ứng thực tế đối với những gì mà một người bình thường hiểu và không hiểu.
-
Lưu ý đến những lỗ hổng và những nội dung giải thích không phù hợp
Bây giờ khi đã viết ra lời giải thích của mình, hãy dành một giây để nhìn lại nó và để ý xem mọi thứ đã dễ hiểu chưa.
Những ý tưởng có được kết nối trôi chảy từ nội dung này sang nội dung khác? Tất cả các khía cạnh của vấn đề nghe có gãy gọn và trọn vẹn chưa?
-
Tham khảo lại tài liệu đã đọc
Nếu bạn như hầu hết mọi người thì có thể bạn cũng nhầm nhọt và bị rối ở một số chỗ khi viết ra. Và bây giờ, bạn nên làm rõ những phần có vấn đề đó.
Quay lại với tài liệu bạn đang đọc và nghiên cứu một lần nữa. Lần này, đặt trọng tâm đặc biệt vào những phần bạn bỏ lỡ hoặc bị rối trước đó. Điều này giúp bạn sử dụng những phương pháp học tập tập trung, giúp cải thiện khả năng lưu trữ thông tin.
Lợi ích lớn nhất của Kỹ thuật Feynman.
Chúng ta đã thảo luận những lợi ích của việc thể hiện những nội dung còn yếu bằng Kỹ thuật Feynman. Nhưng có một điều ta chưa tập trung vào, đó là điều gì xảy ra sau khi những nội dung chưa tốt này bị phơi bày.
Lợi ích lớn nhất của Kỹ Thuật Feynman là sau khi bộc lộ những điểm chưa tốt, bạn biết cái gì cần phải tập trung ngay lập tức và phần nào bạn có thể bỏ qua khi tìm hiểu lại.
Kiểu tập trung mang tính chọn lọc này là cái giúp bạn lưu trữ những nội dung “khó nhằn” mà hầu như lúc nào bạn cũng quên.
Ứng dụng mở rộng trong giải quyết vấn đề
Mặc dù Kỹ thuật Feynman được sử dụng để học lý thuyết nhưng tôi thấy các nguyên lý này có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực. Và tôi đã đang sử dụng chúng trong quá trình ra quyết định trong cuộc sống.
Tôi đã ngừng cố gắng phức tạp hóa quá mức các vấn đề hay né tránh những cách lý giải nó.
Bất cứ khi nào đối diện với một vấn đề, tôi đều lấy ra một cây viết và một tờ giấy, ghi ra những cách giải thích cho quyết định của mình. Tôi cố giữ mọi thứ càng đơn giản và rõ ràng càng tốt, làm sao để một đứa trẻ 12 tuổi có thể hiểu được lý do đằng sau lựa chọn của tôi.
Nhiều khi, tôi thấy cách giải thích của mình không dễ hiểu lắm hoặc chúng chưa được trọn vẹn. Tôi cho rằng tôi biết cái mình đang làm trong khi thực tế là không.
Hầu hết chúng ta đều không sẵn sàng nghĩ nhiều về những quyết định khó khăn vì ta sợ phải đối mặt với chúng. Khi chúng xảy tới, ta nghĩ ta hiểu chúng và mức độ phức tạp của chúng cũng như hiểu được hành động và hệ quả hành động chúng ta làm.
Nhưng nếu ta tập trung vào những quyết định đó, mổ xẻ và giải thích chúng cho chính chúng ta lý do tại sao ta lại ra quyết định như vậy thì ta có thể đưa ra những lựa chọn tốt hơn.
Kết luận
Kỹ thuật Feynman là một phương pháp tuyệt vời giúp bạn hiểu được những quyết định và những thứ tưởng đã được chỉnh lý ổn rồi nhưng thực sự là vẫn chưa rõ ràng.
Nếu bạn muốn học tập hiệu quả, đặc biệt là những lý thuyết khó và phức tạp thì Kỹ thuật Feynman là một công cụ rất hiệu quả dành cho bạn.
Tham khảo
[1] The Nobel Prize: Richard P. Feynman
[2] Indiana University Bloomington:Improving Students’ Learning With Effective Learning Techniques: Promising Directions From Cognitive and Educational Psychology
Nguồn: https://www.lifehack.org/862931/feynman-technique
Như Trang dịch