Tuổi 20, đặt câu hỏi gì để có một tương lai tốt đẹp hơn?

tuoi-20-dat-cau-hoi-gi-de-co-mot-tuong-lai-tot-dep-hon

Một bí mật mà ít ai nói cho bạn biết nhưng lại rất quan trọng, đó là tuổi hai mươi đôi khi thật tệ!

Có thể bạn sẽ cảm thấy lạc lõng khi vừa tốt nghiệp đại học. Điều này là hoàn toàn bình thường. Tuổi đôi mươi có thể coi là độ đuổi có nhiều thay đổi nhất trong cuộc đời bạn. Một phút trước có thể bạn cảm thấy mình đang đi đúng hướng, bạn có thể vượt qua mọi chông gai, và bạn hoàn toàn hiểu thế nào là trưởng thành. Nhưng ở ngay phút tiếp theo, bạn đột nhiên bị buộc thôi việc, và người bạn cùng phòng thông báo với bạn rằng cô ấy sắp chuyển đến một thành phố khác để gần bạn trai hơn. Giờ đây, bạn không biết phải làm gì cả - ăn một cốc kem? Say sưa xem Netflix? Hay gọi cho mẹ để được an ủi động viên?

Một bí mật mà ít ai nói cho bạn biết nhưng lại rất quan trọng, đó là tuổi hai mươi đôi khi thật tệ!

Tôi đã làm việc với nhóm tuổi này trong nhiều năm với tư cách là nhà trị liệu và một người định hướng cuộc sống. Trong suốt thời gian đó, tôi đã chứng kiến sự cô đơn, mơ hồ và nhiều cung bậc cảm xúc khác xuất hiện khi mà con người ta bước vào một trong những độ tuổi không chắc chắn nhất trong cuộc đời. Có thể bạn sẽ bị sốc khi phát hiện, hóa ra cuộc sống sau khi tốt nghiệp đại học chẳng hề dễ dàng như tưởng tượng, nhất là khi cuộc đời đi lệch khỏi quỹ đạo mà bạn đã vạch ra.

Nhà tâm lý học lâm sàng Meg Jay, tác giả của cuốn sách Tuổi 20 - Những Năm Tháng Quyết Định Cuộc Đời Bạn (The Defining Decade) đã viết “Tuổi 20 là một giai đoạn phát triển ngọt ngào” để lên kế hoạch cho tương lai. Tuổi 20 là thời điểm giao thời với nhiều thay đổi. Áp lực phải thành công trong sự nghiệp và tình yêu, trong hành trình tìm kiếm ý thức về bản thân và mục đích sống có thể gây tổn hại đến sức khỏe tình thần của một người. Nhiều người trẻ đã phải chịu cảm giác lo lắng và trầm cảm khi ở tuổi đôi mươi.

Nhưng tuổi 20 là thời điểm hoàn hảo để thực hiện các thử nghiệm được thiết kế để giúp bạn khám phá ra mình là ai, điều gì quan trọng nhất với bạn và tại sao? Câu trả lời của bạn là gì?

3 câu hỏi quan trọng ở tuổi 20

  1. Tôi là ai? (Điều gì mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của tôi?)

Hãy làm gì đó giúp bạn tích lũy vốn sống bằng cách đầu tư thời gian và sức lực thử các phương pháp mới để biết bạn muốn trở thành ai. Dừng ngay việc bào chữa và trì hoãn. Tuổi 20 là chính là thời gian để thử nghiệm. Tạo ra những thử nghiệm có mục đích dựa trên người mà bạn muốn trở thành trong những lĩnh vực mà bạn quan tâm nhất. Chẳng hạn, trong nhóm huấn luyện Girls Thrive Lab của chúng tôi, nhóm các cô gái trẻ ở độ tuổi 20 tập hợp lại với nhau để cùng phát triển bản thân. Mỗi buổi họp đều tập trung vào cách họ tạo ra cuộc sống mà họ mường tượng thông qua các bài tập về quản lí tâm trí và tâm lí học tích cực.

Một phần của việc tìm ra bạn là ai đòi hỏi bạn phải có kế hoạch. Bạn tạo ra chính mình thông qua tất cả các kinh nghiệm sống, dù là thành công hay thất bại. Song song với việc định vị bản thân, bạn cũng cần phải xác định bạn không là ai.

Tự nhận thức chỉ có được thông qua quá trình tự phản ánh. Bạn cần cảm thấy thoải mái với những việc không thoải mái. Đôi khi nó đòi hỏi bạn phải chuyển đến một nơi khác hoặc từ bỏ một công việc hoặc nghề nghiệp không phù hợp với con người bạn muốn trở thành. Đôi khi nó đòi hỏi phải từ bỏ những mối quan hệ không còn phù hợp với bạn nữa.

Cảm thấy thương tiếc cho bản thân mình chỉ khiến bạn mãi mắc kẹt trong khuôn mẫu cũ, hạn chế những cơ hội để phát triển và những mối quan hệ mới.

  1. Điều gì quan trọng nhất với tôi và tại sao? (Ra quyết định dựa trên giá trị)

Bạn cần tìm ra giá trị của bản thân và thường xuyên xem xét lại trong suốt cuộc đời để xem những lựa chọn của bạn có còn phù hợp với giá trị của bạn tại thời điểm đó hay không. Nhận thức này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn con người thực của bạn so với hình mẫu mà bạn hướng đến để tiếp tục quá trình thay đổi bản thân có mục đích.

Giá trị cốt lõi của bạn là những điều quan trọng nhất đối với bạn. Chúng là những niềm tin nội tại quyết định cách sống và cách con người ta cư xử. Các giá trị này định hướng và chỉ ra cho ta cách cư xử bằng cách soi tỏ những gì quan trọng nhất. Mahatma Gandhi từng nói rằng hạnh phúc là khi những gì bạn nghĩ, những gì bạn nói và những gì bạn làm nhất quán và hài hòa với nhau.

Chúng ta thường đánh mất những gì thật sự quan trọng với mình. Bạn có thể dành hàng giờ lo lắng về những suy nghĩ của người khác đối với mình hay cực kì căng thẳng khi không nhận được lời mời của ai đó. Đôi khi bạn có thể bị ám ảnh bởi những thứ bạn muốn nhưng không đạt được.

Bắt đầu bằng cách thành thật với chính mình. Để tìm ra điều gì quan trọng nhất với mình, bạn cần thừa nhận rằng cuộc sống hiện tại của bạn là kết quả trực tiếp của những lựa chọn trong quá khứ. Hãy chấp nhận khi một số lựa chọn, hành động, ý tưởng hoặc niềm tin trước đây không còn phù hợp với bạn nữa.

Sau đó, hãy thật can đảm để bỏ ngoài tai những suy nghĩ của người khác. Chỉ tập trung lắng nghe trái tim mình và ý kiến của những người quan trọng nhất. Tự hỏi bản thân những câu hỏi sau đây có thể giúp bạn biết được các lựa chọn có phù hợp với các giá trị của bạn hay không:

“Vào thời điểm này, lựa chọn này sẽ đưa tôi đến gần hơn hay xa hơn mục tiêu của mình? Lựa chọn này sẽ mang đến tương lai như thế nào?”

Cuối cùng, bạn có thể nâng cao khả năng tự nhận thức bằng cách điều chỉnh nội tâm của mình qua việc tìm hiểu về nguồn gốc những niềm tin của bạn, và xem liệu chúng còn phù hợp với bạn hay không. Hãy luôn nhắc nhở chính mình rằng bạn có thể đưa ra các lựa chọn khác nhau để tạo ra những cơ hội mới.

  1. Mục đích của tôi là gì? (Mục đích của tôi tại thời điểm này là gì)

Đưa ra dự định cho bản thân song song với việc thấu hiểu bạn muốn làm gì với cuộc sống của mình vào thời điểm này. Việc khám phá mục đích của một người về cơ bản là việc tìm ra một hoặc hai việc quan trọng hơn bản thân và những người khác xung quanh bạn.Có thể đó không phải là việc đạt được thành tích lớn lao nào đó, mà chỉ đơn giản là tìm ra cách sử dụng thời gian có mục đích.

Vậy nên, khi mọi người nói: “Tôi nên làm gì với cuộc sống của mình?” hay “Mục đích sống của tôi là gì?” thì thực chất, họ muốn hỏi rằng “Tôi có thể làm gì với khoảng thời gian quan trọng trong đời mình?”. Miễn là bạn có thể xác định được một phương hướng có ý nghĩa và những khác biệt mà nó mang lại cho bạn, thì điều đó chính là mục đích.

Nếu bạn nói: “Tôi muốn tạo ra sự khác biệt, nhưng tôi không biết phải làm thế nào,” thì có lẽ bạn đang trên hành trình tìm kiếm mục đích của mình. Nhưng nếu bạn nói: “Tôi muốn tạo ra khác biệt và tôi biết tôi làm rất tốt trong việc giảng dạy, vì vậy, mục đích của tôi sẽ liên quan đến lĩnh vực giáo dục”, khi đó bạn đã biết mục đích cụ thể của mình là gì. Sau đó, bạn cần quyết định bước đi tiếp theo sao cho đúng đắn.

3 yếu tố giúp tìm ra mục đích sống đó là: mục tiêu, ý nghĩa và động lực.

Khi mới bước chân vào thế giới của người trưởng thành, bạn có thể thử những vai trò và cá tính khác nhau để tìm ra vị trí của mình. Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc tham gia vào những hoạt động có mục đích (chẳng hạn như thử các hoạt động mới, gặp gỡ những người mới, học những kĩ năng mới) có thể giúp con người khám phá ra những điều có ý nghĩa với họ, đồng thời những kĩ năng mà họ học được cũng sẽ giúp ích cho cộng đồng.

Quá trình phản ánh và tự nhận thức sẽ giúp bạn tìm ra mục đích sống của mình. Từ đó, tìm kiếm các cơ hội cho phép bạn hành động theo mục đích đó có thể giúp bạn hiểu rõ hơn con đường đời mà bạn muốn chọn.

-------------------------------------------

Tác giả: Pam Willsey

Link bài gốc: The 3 Most Important Questions to Ask in Your Twenties 

Dịch Giả: Thanh Uyên - Nguồn: ToMo - Learn Something New

menu
menu