Bạn không thông minh lắm đâu - 46 cách khác nhau bạn đang sử dụng để tự đánh lừa bản thân

ban-khong-thong-minh-lam-dau-46-cach-khac-nhau-ban-dang-su-dung-de-tu-danh-lua-ban-than

Hiệu ứng Dunning-Kruger

Hiệu ứng Dunning-Kruger

Bạn Vẫn Tưởng
Bạn có thể dự đoán được chính xác khả năng của mình ở mọi tình huống.

Sự ThậT Là
Về cơ bản thì bạn khá kém trong việc đánh giá khả năng của bản thân và độ khó của những công việc phức tạp.

Hãy tưởng tượng rằng bạn chơi rất giỏi một trò nào đó. Trò nào cũng được - cờ vua, Street Fighter1, bài poker - không quan trọng. Bạn thường xuyên chơi trò này với lũ bạn và lúc nào cũng thắng. Bạn cảm thấy mình thật giỏi, và bạn tin rằng mình có thể giành chiến thắng ở một giải đấu nếu có cơ hội. Vậy là bạn lên mạng tìm xem giải đấu khu vực sẽ diễn ra ở đâu và khi nào. Bạn trả phí tham gia và rồi bị hạ đo ván ngay trong hiệp đầu tiên. Hóa ra là bạn không giỏi lắm đâu. Bạn cứ nghĩ rằng mình thuộc dạng đỉnh của đỉnh, nhưng mà thực chất bạn chỉ là một tay ngang thôi. Đây được gọi là hiệu ứng Dunning-Kruger, và nó là một phần cơ bản trong bản chất của con người.

Hãy thử nghĩ về những ngôi sao Youtube mới nổi trong mấy năm gần đây - những người múa máy một cách vụng về với các loại vũ khí, hoặc là hát chẳng bao giờ đúng tông cả. Những màn trình diễn này thường rất tệ. Không phải họ cố tình dùng bản thân để mua vui cho người khác đâu. Trình độ của họ thực sự tệ, và chắc hẳn bạn cũng thắc mắc là tại sao lại có người có thể tự đặt mình lên một sân khấu toàn cầu với những màn trình diễn đáng xấu hổ như vậy. Vấn đề nằm ở chỗ họ không tưởng tượng được là công chúng toàn cầu có thể khắt khe và đòi hỏi cao hơn so với lượng khán giả nhỏ bé họ vốn đã quen thuộc là bạn bè, gia đình và những người đồng cấp. Như nhà triết học Bertrand Russell đã từng phải than thở: “Trong thế giới hiện đại ngày nay thì những kẻ khờ khạo luôn tự tin hết mức trong khi những người khôn ngoan thì lại luôn nghi ngờ.”

Hiệu ứng Dunning-Kruger là lý do tại sao mà những chương trình như America’s Got Talent1 hay American Idol2 có thể diễn ra. Ở trong phòng karaoke với lũ bạn, bạn có thể là người hát hay nhất. Nhưng để đối chọi với các thí sinh trong cả một quốc gia? Khó lắm.

Đã bao giờ bạn nhận thấy rằng những người có bằng cấp cao về khoa học khí hậu hay sinh học chẳng mấy khi lên mạng và tham gia vào những cuộc tranh cãi nảy lửa về biến đổi khí hậu hay là thuyết tiến hóa? Bạn càng biết ít về một vấn đề gì đó thì bạn càng dễ tin là vấn đề đó chẳng có gì mấy để mà tìm hiểu cả. Chỉ khi đã sở hữu một lượng thông tin nhất định, bạn mới nhận ra độ sâu và dày của biển kiến thức mà bạn chưa thể chạm tới.

Tất nhiên, vừa rồi chỉ là khái niệm chung chung. Năm 2008, nhà kinh tế học Robin Hanson đã chỉ ra rằng cụm từ “hiệu ứng Dunning-Kruger” có xu hướng trở thành một câu cửa miệng của nhiều người ở khoảng thời gian gần lúc bầu cử vì nó có tác dụng làm cho đối thủ của họ trông giống một kẻ đần độn.

Tên của hiệu ứng này xuất phát từ nghiên cứu của Justin Kruger và David Dunning vào năm 1999 tại Cornell. Họ đã cho sinh viên làm những bài tập về ngữ pháp, logic, và tự dự đoán kết quả của mình. Những người đạt điểm cao thì dự đoán tương đối chính xác trình độ của mình, trong khi đó nhóm đạt điểm thấp lại có xu hướng đoán thứ hạng của mình cao hơn so với thực tế. Nhìn chung, nghiên cứu này cho thấy rằng chúng ta không thực sự giỏi trong việc tự đánh giá khả năng của bản thân.

Một số nghiên cứu gần đây đã cố gắng phản biện lại kết luận rạch ròi của hiêu ứng Dunning-Kruger, rằng “những người có trình độ hạn chế lại chính là những người không nắm rõ được rằng mình kém nhất”. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Burson, Larrick, và Klayman vào năm 2006 cho thấy “Trong những tác vụ đơn giản, khi có thiên hướng tích cực, những người thực hiện tốt nhất cũng là những người dự đoán chính xác nhất khả năng của bản thân. Trong khi đó với những tác vụ khó khăn hơn có chứa thiên hướng tiêu cực, những người thực hiện tồi nhất lại dự đoán chính xác hơn.”

Vậy, kết luận lại là hiệu ứng Dunning-Kruger không chỉ đơn thuần khiến bạn tự tin thái quá khi vốn chỉ là một kẻ thường thường bậc trung. Thực chất nó hoạt động như thế này: Bạn càng giỏi việc gì đó, bạn càng bỏ nhiều thời gian ra để luyện tập, thì bạn càng có nhiều kinh nghiệm, và bạn sẽ có thể so sánh bản thân mình với người khác một cách chính xác hơn. Khi càng cố gắng để tiến bộ, bạn sẽ nhận ra những điểm mà bạn cần cải thiện. Bạn bắt đầu nhìn ra được sự phức tạp và chiều sâu của vấn đề; bạn biết đến những người đang dẫn đầu trong ngành, tự so sánh với họ và nhận ra điểm thiếu sót của mình. Mặt khác, khi bạn càng kém việc gì đó, bạn càng bỏ ra ít thời gian cho việc luyện tập và càng nắm được ít kinh nghiệm. Vì vậy, khả năng so sánh bản thân với người khác của bạn cũng kém hơn. Những người xung quanh lại không chỉ ra điều đó, hoặc là bởi vì trình độ của họ cũng chỉ bằng hoặc kém bạn, hoặc là họ không muốn làm bạn tổn thương. Sự cách biệt nho nhỏ giữa bạn và những người mới nhập môn khiến cho bạn tin rằng mình thật là siêu phàm. Charles Darwin đã tổng hợp một cách vô cùng súc tích: “Ngu dốt mới là thứ hay sinh ra sự tự phụ chứ không phải là tri thức.” Dù là chơi đàn guitar hay viết truyện ngắn, tấu hài hay chụp ảnh, những kẻ nghiệp dư thường tự cho mình là chuyên gia hơn là chính bản thân các chuyên gia. Giáo dục không chỉ gói gọn trong việc học về những điều bạn chưa biết, mà còn bao hàm cả việc trau dồi những gì bạn đã biết.

Sự nổi lên gần đây như nấm mọc sau mưa của những chương trình truyền hình thực tế là một ví dụ tuyệt vời cho hiệu ứng Dunning-Kruger. Cả một ngành công nghiệp của những kẻ đểu cáng kiếm sống bằng cách bơm vào đầu những người đẹp mã nhưng bất tài ý niệm họ là những nghệ sĩ thiên tài. Bong bóng xung quanh những ngôi sao truyền hình thực tế này dày tới nỗi đôi khi họ không bao giờ có thể thoát ra được. Thậm chí, có những lúc chính khán giả cũng tham gia vào trò hề này, nhưng những người nằm ở trung tâm của bi kịch vẫn không hề hay biết.

Bước chuyển từ nhập môn qua nghiệp dư, tới chuyên nghiệp, và cuối cùng là bậc thầy có ranh giới rất mờ nhạt. Hơn nữa, càng đi lên cao, con đường để bước tới bậc tiếp theo càng dài. Nhưng mà khoảng cách giữa mức độ nhập môn và nghiệp dư là khá ngắn, và chính đây là nơi mà hiệu ứng Dunning-Kruger phát huy tác dụng. Bạn nghĩ rằng chỉ với cùng khoảng thời gian và nỗ lực đầu tư để nhảy từ bậc nhập môn lên nghiệp dư, bạn cũng có thể tiếp tục nhảy lên mức chuyên nghiệp. Tiếc là thực tế không phải như vậy.

Mọi người đều trải qua hiệu ứng Dunning-Kruger này một vài lần trong đời. Phải trung thực với bản thân, tự nhận ra những khuyết điểm và khiếm khuyết của mình không phải là một lối sống dễ dàng. Cảm giác kém cỏi và bất tài thực sự rất đáng sợ - và bạn phải vật lộn với đống cảm xúc này hàng ngày mới có thể đối mặt với cuộc sống. Nhìn một cách tổng thể, hiệu ứng Dunning-Kruger nằm ở vị trí đối lập của hội chứng rối loạn lưỡng cực với cảm giác bất an thường trực.

Đừng để hiệu ứng Dunning-Kruger tác động tiêu cực lên bạn. Nếu muốn trở nên giỏi giang, bạn cần phải luyện tập và tham khảo thành tựu của những người đi trước, những người đã làm việc đó cả cuộc đời. Hãy so sánh và đối chiếu, giữ mình khiêm tốn, rồi tự nhận ra khuyết điểm của mình để khắc phục.


Trích từ cuốn sách sắp được phát hành "You are not so smart" (Bạn không thông minh lắm đâu - 46 cách khác nhau bạn đang sử dụng để tự đánh lừa bản thân)

Tác giả: David McRaney

menu
menu