Bàn về ham muốn được người khác ganh tỵ

ban-ve-ham-muon-duoc-nguoi-khac-ganh-ty

Bàn về tính phức tạp về mặt đạo đức của một thói xấu và những hệ quả của nó đối với hạnh phúc.

Đố kỵ có thể là điều xấu xa. Bá tước Monte Cristo của Alexander Dumas, nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết cùng tên, bị ganh ghét vì những đức tính của anh, vì công danh thăng tiến và có được tình yêu của một cô gái xinh đẹp khiến anh bị ghép tội oan. Trong bộ phim Raise the Lantern (Đèn lồng đỏ treo cao) của Trương Nghệ Mưu, một phụ nữ trẻ tên Songlian phát hiện ra việc người hầu gái của mình, Yan’er, giữ một con búp bê ếm bùa (voodoo)–một mô hình của Songlian–bị đâm bằng ghim. Trong vở kịch Người hầu gái của Jean Genet, hai cô hầu phong ganh tỵ với bà chủ của mình đến mức thông đồng với nhau tìm cách sát hại bà. (Mặc dù chưa rõ liệu họ thực sự muốn giết bà hay chỉ đơn giản là muốn mơ tưởng về chuyện đó.)

Songlian được mát-xa chân. Nguồn: Cảnh trong Trong bộ phim Raise the Lantern

Chúng ta có nhiều lý do để cảnh giác trước những kẻ đố kỵ với mình. Tai họa có thể ập đến chúng ta vì sự đố kỵ, như trường hợp của Bá tước Monte Cristo đã minh họa. Nhưng câu chuyện về lòng đố kỵ còn có một khía cạnh khác, bàn đến một vấn đề đạo đức phức tạp: Một số người mong muốn—nói đúng hơn là, thèm khát—được mọi người ganh tỵ.

Mong muốn, hay sự thèm khát khác thường này không hiếm chút nào. Mark Twain, trong tác phẩm Following the Equator (Theo đường xích đạo), đã đi xa hơn khi cho rằng, “Con người sẽ làm nhiều thứ để được yêu thương; nhưng anh ta sẽ làm tất cả để được thiên hạ ganh tỵ.” [1] Còn trong tiểu thuyết Daniel Deronda, George Eliot mô tả về một người đàn ông có tên Grandcourt mà hạnh phúc của anh ta phụ thuộc vào lòng ganh tỵ của người khác. Anh ta đặc biệt hào hứng muốn khơi dậy lòng ganh tỵ ở người em họ của mình, Deronda. Eliot nói thế này:

Grandcourt tin rằng Deronda, người mà anh ta chắc chắn là vai em họ bên nội của anh, bên trong luôn khép nép với mình vì vai vế giữa họ; do đó sự hiện diện của người kém may mắn kia làm cho anh ta cảm thấy dễ chịu hơn là không. Sự ganh tỵ trong tưởng tượng, ý tưởng cho rằng kẻ khác cảm thấy bản thân họ kém cỏi hơn, là đoàn tùy tùng của tính vị kỷ; và những chú chó nhà không phải là đối tượng duy nhất mà Grandcourt thích có cảm giác chinh phục bằng cách làm chúng ganh tỵ. [2]

Thật ra thì, trên thực tế, Deronda không hề ganh tỵ với Grandcourt, và anh cũng không có lý do nào để làm vậy. Deronda là một người đàn ông cao quý: anh ấy thanh cao hơn Grandcourt và đứng trên lòng ganh tỵ. Nhưng giả sử Grandcourt thành công trong việc khơi dậy lòng ganh tỵ. Khi ấy thì cả người ganh tỵ anh ta và bản thân Grandcourt đều có lỗi. Một nạn nhân của lòng ganh tỵ nhưng đã cố tình khơi dậy lòng ganh tỵ thì đó chẳng phải là nạn nhân vô tội. [3]

Có những thành phần trong nền văn hóa của chúng ta phản ánh sự phức tạp về mặt đạo đức của lòng ganh tỵ. Một mặt, chúng ta coi sự ganh tỵ là một thói xấu. Trong Cơ đốc giáo, đó là một trong bảy tội lỗi chết người và theo nhà thơ thời Trung cổ Chaucer, nó là tội nặng nhất trong tất cả các tội: “Quả thật, những tội lỗi khác đôi lúc chỉ chống lại một phẩm hạnh đặc biệt nào đó, nhưng lòng Ganh tỵ thì chắc chắn là chống lại mọi phẩm hạnh và chống lại mọi điều thiện lành. Vì nó không vui trước mọi điều tốt lành của người hàng xóm, và theo cách này, nó khác với mọi tội lỗi khác.” [4] Tuy nhiên, chúng ta có những chuẩn tắc nhằm chống lại thói huênh hoang và phô trương những thành tựu của một người. Khoe khoang cũng bị coi là thói xấu. Cả người ganh tỵ và người được ganh tỵ đều có thể bị xem là sai trái.

Xin lưu ý rằng khoe khoang dường như chỉ là một thói xấu khi đặt trong bối cảnh của một xu hướng ganh tỵ đang lan rộng. Nói cách khác, đó là một thói xấu còn tùy thuộc vào sự tồn tại của một thói xấu khác. Giả sử người khác chẳng có gì ngoài thiện chí dành cho bạn và không có khuynh hướng ganh tức trước những đức tính tốt đẹp của bạn. Khi ấy bạn có thể khoe khoang bao nhiêu tùy thích, và điều đó chỉ khiến họ cảm thấy hạnh phúc. Trong một thế giới như vậy, việc khoe khoang là điều hoàn toàn có thể chấp nhận được. (Cũng giống như khi bạn nói chuyện với cha mẹ bạn. Nếu bạn có cha mẹ tốt thì họ chẳng có gì ngoài thiện ý dành cho bạn, vì thế mà bạn có thể khoe về những thành tựu của mình, và điều đó chỉ khiến họ thêm vui mừng. Điều này lý giải tại sao không có quy tắc nào chống lại việc khoe khoang với cha mẹ. Tất nhiên, đối với cha mẹ bạn thì những thành tựu của bạn cũng là một phần của họ.)

Những gì chúng ta có ở đây là hai khuynh hướng—hay những khiếm khuyết về tính cách, nếu bạn muốn dùng ngôn ngữ đạo đức—tác động qua lại lẫn nhau: ganh tỵ và khơi dậy lòng ganh tỵ. Cả hai khuynh hướng, hay khiếm khuyết này, đều bắt nguồn từ một xu hướng chung là so sánh bản thân với người khác, và một ham muốn được vượt lên. Chúng ta có nên nhượng bộ trước những khuynh hướng ‘rất người’ này không?

Rõ ràng là có những lý do tư lợi để tìm cách giải phóng bản thân khỏi lòng ganh tỵ: Nó là một cảm xúc đầy đau đớn (và bị coi là cảm xúc duy nhất trong số các tội lỗi chết người thì chả có gì vui). Nhưng còn mong muốn khơi dậy lòng ganh tỵ thì sao? Tôi cho rằng cũng có nhiều lý do để xóa bỏ mong muốn đó. Đúng là người được ganh tỵ có thể nhận được cảm giác thỏa mãn từ nó, nhưng tìm cách để có được lạc thú từ việc đảm bảo rằng người khác cảm thấy thấp kém khi họ so sánh bản thân với chúng ta là đang chấp nhận một quan điểm sống thiển cận. Tôi không tin rằng chúng ta thực sự muốn gánh chịu rủi ro khi những kẻ ganh ghét nói xấu chúng ta sau lưng (chưa kể đến việc có những con búp bê ếm bùa có ghim tên của chúng ta, giống như Yan’er).

Ngoài ra, nếu bạn muốn được ganh tỵ thì bạn có thể không được toại nguyện, rồi sau đó tình hình có thể dễ dàng đổi chiều: Bạn trở thành kẻ ganh tỵ, và điều đó thật là đau khổ. Chẳng hạn, ở ví dụ trước ta có thể tưởng tượng ra cảnh Grandcourt nhận thấy Deronda không đố kỵ với anh ta, và trở nên ganh tức với Deronda vì Deronda cho thấy mình là người đàn ông mạnh mẽ hơn; người không để cho hạnh phúc của bản thân bị bắt làm con tin trong một hệ thống giai tầng xã hội.

Nếu tất cả những điều đó vẫn chưa đủ sức thuyết phục thì hãy xem xét đến một thí nghiệm suy nghĩ. Giả dụ có một người đã thành công trong việc khiến cho tất cả mọi người ganh tỵ với anh ta. Thật không may là lòng ganh tỵ lại ngăn chặn tình yêu, vì vậy mà chẳng có mấy người thương anh ta. Anh ta sắp chết và hầu như chẳng có ai rơi lệ. Vậy khi đó bạn nghĩ anh ta sẽ cảm thấy vui sướng ra sao trước sự ganh tỵ của thiên hạ? Chúng ta chẳng cần đến câu trả lời.

Ở đây cần lưu ý rằng người ta cũng có thể đi quá xa trong việc cố gắng không khơi gợi lòng đố kỵ ở người khác. Một nhà trị liệu tâm lý mà tôi gặp từng kể với tôi rằng bà đang trong quá trình điều trị cho một bệnh nhân. Cô ấy liên tục tự làm khổ mình vì sợ vượt trội, giỏi giang hơn chị gái mình. Bệnh nhân này vừa thông minh và xinh đẹp hơn chị cô, và cô đau lòng khi thấy chị mình thiệt thòi hơn. Người ta chỉ biết hy vọng rằng người chị dẫu cho đang ở vị trí thua kém hơn sẽ động viên em gái đừng làm khổ bản thân, có thể bằng cách tỏ ra tự hào trước những thành tựu của em gái.

Triết gia Thomas Nagel cho rằng cảm xúc của chúng ta, là một vấn đề riêng tư cá nhân, không phải là việc của người khác. Nagel cho rằng nhiều người trong chúng ta khá xấu tính, thầm ganh tỵ với thành công của bạn bè hay mong điều xui rủi xảy đến với người khác. Theo ông, tự thân điều đó không phải là vấn đề. Theo Nagel, một vấn đề sẽ nảy sinh nếu chúng ta bắt đầu dốc hết ruột gan trong mọi trường hợp. Nhưng chúng ta không cần làm thế. Hơn nữa, chúng ta không cần phải thấy tội lỗi vì đôi lúc vụng về của con tim chúng ta. Tất cả những gì ta cần phải làm đối với những suy nghĩ và cảm xúc khiếm nhã của mình là đảm bảo rằng chúng không lộ ra ngoài. Sự gắn kết xã hội đòi hỏi chúng ta phải uốn lưỡi trước khi nói và làm. Thêm nữa, chúng ta không cần phải chỉnh sửa những điều ta suy nghĩ và cảm nhận. Nagel viết: “Tiếp nhận quá mức vị trí xã hội của một người và xem những cảm xúc và suy nghĩ nội tâm xung đột với nó là đáng khinh hoặc ô uế là một điều tai hại. Mọi người thi thoảng đều có quyền phạm tội giết người trong trí tưởng tượng, chưa kể đến những tội nhẹ hơn.” [5].

Ở đây tôi không hề nói điều gì mâu thuẫn với phân tích của Nagel. Tôi sẵn sàng nhượng bộ rằng cảm xúc của chúng ta là vấn đề riêng tư. Chúng ta không chịu trách nhiệm trước người khác về cảm xúc của chúng ta. Điều đó bao gồm cảm giác ganh tỵ hoặc ước muốn được người khác ganh tỵ. Điều mà tôi đang tranh luận là việc thầm ao ước được người khác ganh tỵ với chúng ta không phải là chiến lược tốt nhất để có được hạnh phúc. (Lòng ganh tỵ đó có hại cho kẻ ganh tỵ, tôi hiểu rõ điều này.) Lập luận của tôi không phải về mặt đạo đức mà thiên về mặt khôn ngoan, thận trọng: khi chúng ta càng khiêu khích lòng ganh của thiên hạ thì họ sẽ càng ít thương ta, và chúng ta sẽ sống tốt hơn khi ít bị người ta ganh tỵ và được yêu thương nhiều hơn.

Nhưng còn nhận định của Twain rằng con người khao khát được thiên hạ ganh tỵ còn mãnh liệt hơn là khao khát được yêu thương thì sao? Sao tôi không khuyến khích một con đường dẫn đến ham muốn bất thành?

Câu trả lời của tôi là mặc dù nhận định của Twain có phần đúng, song câu giải thích cho hiện tượng này lại mang tính tiến hóa. Xu hướng liên tục so sánh bản thân với người khác và vượt lên trước người khác có thể giúp chúng ta có lợi thế hơn về mặt sinh tồn và sinh sản. Nhưng nó sẽ không làm cho ta hạnh phúc, và quả thật, nó có thể gây nhiều khổ não cho ta. Tiến hóa chẳng mấy quan tâm đến sự phát triển của chúng ta. Một số ham muốn mà nó gieo vào trong ta—và ham muốn được thiên hạ ganh tỵ nằm trong số đó—có thể làm cho ta bất hạnh không chỉ khi chúng không được thỏa mãn, mà ngay cả khi được thỏa mãn. Rằng chúng ta có kiểu ham muốn này là một trong những bi kịch của thân phận con người, nhưng chúng ta không cần phải cam chịu với nó. Thay vào đó, chúng ta có thể tìm cách để giải phóng—nếu bạn muốn, thiết lập lại—bản thân chúng ta.

Nhưng chúng ta có thể làm điều đó bằng cách nào? Chúng ta ít có khả năng kiểm soát được cảm xúc và ham muốn của mình.  

Đây là sự thật. Ở trên tôi đã đưa ra một số xem xét nhằm khiến cho viễn cảnh được thiên hạ ganh tỵ trở nên không đáng thèm muốn. Ở đây, tôi muốn đề cập đến một điều khác. Đây là kết luận của tôi. Tôi cho rằng Nagel đã đúng khi nói rằng người khác không có tiếng nói trong cách mà chúng ta cảm nhận. Bây giờ tôi muốn nói thêm rằng chúng ta có thể chấp nhận điều đó và hãy thừa nhận rằng chúng ta đóng một vai trò đối với cảm xúc của người khác. Trên thực tế, chúng ta kiểm soát rất tốt điều đó, có lẽ còn nhiều hơn những gì chúng ta có thể kiểm soát đối với cảm xúc của chính mình. Điều này ẩn chứa một thông điệp đầy hy vọng: Dù chúng ta có thể bất lực trước việc thay đổi những ham muốn của riêng mình, song chúng ta vẫn có thể ảnh hưởng đến ham muốn của người khác, và họ có thể làm điều tương tự với chúng ta. Chúng ta có thể giảm bớt đau khổ cho nhau bằng cách kiên quyết không khơi dậy trong nhau cảm xúc đau khổ của sự ganh tị. Chúng ta cũng có thể giảm bớt ham muốn được ganh tỵ của người khác chỉ đơn giản bằng cách không bộc lộ sự ganh tị và bày tỏ niềm vui mừng trước thành công của cô ấy.

Chắc chắn ta không có bổn phận phải làm việc này—chúng ta có thể bỏ mặc người khác tự chiến đấu với con ác quỷ của họ, còn ta thì lo chiến đấu để khuất phục con quỷ trong mình—nhưng đó sẽ là một điều tốt. Nó là một điều tốt mặc dù cả lòng đố kỵ và ham muốn khơi dậy nó là những khiếm khuyết về tính cách (một vị thánh đạo đức sẽ không có những điều đó); và bất chấp thực tế rằng bất kỳ nỗi đau khổ nào do những khuynh hướng đó gây ra, những ai đang có chúng phải, theo quy ước chung, giữ nỗi đau đó cho riêng mình và tìm cách giải quyết chúng một cách kín đáo nhất có thể. [6]

 

Tham khảo

[1] Twain, M. (1897/1989). Following the Equator. New York, NY: Dover Publications, p. 206.

[2] Eliot, G. (1876/1996). Daniel Deronda. London, UK: Wordsworth, p. 231.

[3] Fileva, I. (2020). "Envy's Non-Innocent Victims," Journal of Philosophy of Emotion 1 (1): 1-22.

[4] Chaucer, G. (c. 1387/2011). The Parson’s Tale. Arcadia, CA: Tumblar House, p. 66.

[5] Nagel, T. (1998). “Concealment and Exposure,” Philosophy and Public Affairs 27: 3–30, 7.

[6] Fileva, I., "Envy's Non-Innocent Victims."

 

Tác giả: Tiến sĩ Iskra Fileva là phó giáo sư triết học tại Đại học Colorado, Boulder.

Dịch bởi Chó béo cute

Nguồn

https://www.psychologytoday.com/us/blog/the-philosophers-diaries/202004/the-desire-be-envied

menu
menu