Mối quan hệ bố mẹ-con cái theo giới tính

moi-quan-he-bo-me-con-cai-theo-gioi-tinh

Đây là bài viết tập trung vào bằng chứng thực nghiệm liên quan đến các mối quan hệ bố mẹ-con cái được phân tầng theo giới tính.

Đây là bài viết tập trung vào bằng chứng thực nghiệm liên quan đến các mối quan hệ bố mẹ-con cái được phân tầng theo giới tính. Tôi xin bắt đầu bằng cách nói rõ là tôi thừa nhận rằng không phải mọi đứa trẻ đều được nuôi dưỡng trong các gia đình truyền thống, khác giới, có hai cha mẹ, và tôi không có ý ám chỉ rằng những đứa trẻ này đang gặp bất lợi. Tuy nhiên, những nghiên cứu thú vị đã được thực hiện trên các mối quan hệ bố mẹ-con cái theo giới tính, và tôi muốn nêu ra một số phát hiện đó trong bài viết này. Vì thế, hãy cùng khám phá những bằng chứng về những điều mà con trai-con gái cần gì ở cha-mẹ khi còn nhỏ.

Con gái cần gì ở Người Cha  

NHỮNG ĐIỂM CHÍNH
  • Khi người cha cho phép đứa con gái được là một đứa trẻ mà không phải gánh trên vai những trách nhiệm của người lớn, thì cô bé nhiều khả năng sẽ phát triển được các mối quan hệ lành mạnh.
  • Cảm nhận được cha chấp nhận mình và giao tiếp cởi mở, khéo léo với cô, dường như làm giảm nguy cơ mắc phải chứng trầm cảm ở cô gái.
  • Nghiên cứu cho thấy sự gần gũi, đáng tin, tình cảm của người cha và cho phép quyền tự chủ sẽ làm giảm nguy cơ mắc phải chứng rối loạn ăn uống ở cô gái.

Quyền được là một đứa trẻ—hoặc nguy cơ mối quan hệ trong tương lai sẽ lãnh hậu quả. Những bậc cha mẹ có trách nhiệm nên cẩn thận đừng dựa vào con cái để xoa dịu những bất an tâm lý của riêng họ. Bằng chứng từ một mẫu nghiên cứu hơn 500 phụ nữ trưởng thành nhớ lại trải nghiệm thời thơ ấu của họ với người cha cho thấy nhiều người đã trải qua sự "đảo vai--parentification," là một quá trình có hại mà trong đó đứa trẻ bắt đầu đảm đương những trách nhiệm chăm sóc mà đáng ra là của cha mẹ và cảm giác phải chịu trách nhiệm đáp ứng các nhu cầu tâm lý của cha mẹ chúng—ví dụ như nhu cầu xác nhận. Đối với những cô gái này—lớn lên trong gia đình mà không có cảm giác được cha mẹ chăm sóc—thì mức độ hài lòng trong mối quan hệ yêu đương và sự an toàn trong mối quan hệ thấp hơn đáng kể so với bạn bè đồng lứa của họ [1].

Sự nồng ấm, chấp nhận, sự sẵn sàng và ảnh hưởng tích cực—hoặc nguy cơ dễ bị trầm cảm. Trong một nghiên cứu so sánh một nhóm thiếu nữ bị trầm cảm với một nhóm các thiếu nữ chưa từng bị trầm cảm, kết quả nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ cha-con gái và chất lượng giao tiếp trong đó. Những cô gái bị chẩn đoán mắc trầm cảm có khả năng cao cho biết rằng họ cảm thấy bị cha chối từ và bỏ mặc, và có một mối quan hệ lạnh nhạt, xa cách. Những phát hiện này không phụ thuộc vào tình trạng đã kết hôn hay ly thân của bố mẹ cô gái. Hơn nữa, trong khi báo cáo của các ông bố cho thấy họ đồng ý với đánh giá của con gái về chất lượng giao tiếp kém, thì những ông bố của các thiếu nữ bị trầm cảm có vẻ như không nhận ra sự thiếu nồng ấm và gắn bó mà con gái họ cảm nhận—có thể do chất lượng giao tiếp kém [3].

Hoạt động thể chất chung và kỹ năng làm cha mẹ tích cực. Phải thú nhận là câu trên là sự đơn giản hóa quá mức về nghiên cứu này. Một nhóm các ông bố đã được huấn luyện cách sử dụng một chương trình được gọi là Dads and Daughters Exercising and Empowered (DADEE) [5], chương trình này tập trung vào việc cải thiện những kỹ năng làm cha mẹ cơ bản tích cực của họ, tối đa hóa sự đầu tư của các ông bố vào hạnh phúc cảm xúc-xã hội của con gái họ, thu hút bố và con gái tham gia vào những trò chơi năng động, phối hợp, liên quan đến sự khỏe mạnh thể chất. So với một nhóm kiểm soát danh sách chờ, những cô con gái tham gia vào nhóm huấn luyện này với cha mình thì có sự tăng trưởng nhiều hơn về năng lực cảm xúc—xã hội, kỹ năng ra quyết định, nhận thức xã hội, kỹ năng quan hệ, trách nhiệm cá nhân và kỹ năng quản lý bản thân sau 9 tháng. Nhìn chung, nghiên cứu này đã làm được một việc xuất sắc là nêu bật những kết quả đáng giá cho các cô con gái của những ông bố có kỹ năng nuôi dạy con chất lượng cao [7].

Sự gần gũi, đáng tin cậy, nhân từ và cho phép quyền tự chủ—hoặc nguy cơ mắc phải chứng rối loạn ăn uống. Trong một cuộc thăm dò có phương pháp đối với ba nhóm phụ nữ (1 nhóm bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn ăn uống [ED], 1 nhóm bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn tâm thần nhưng không mắc chứng rối loạn ăn uống và 1 nhóm không mắc phải bất kỳ chứng tâm thần nào), các nhà nghiên cứu yêu cầu những người tham gia nhớ lại bản chất của mối quan hệ của họ với cha khi còn nhỏ và trả lời một loạt câu hỏi định lượng và câu trả lời tường thuật. Kết quả cho thấy những cô gái mắc phải một chứng rối loạn tâm thần (ED hay chứng rối loạn khác) có nhiều khả năng miêu tả về người cha của họ là ít quan tâm, bảo vệ thái quá, tệ bạc và hay trừng phạt. Đặc biệt là đối với những cô gái bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn ăn uống thì người cha được mô tả là hay tránh né, xa cách, lạnh nhạt, và ích kỷ.

Hơn nữa, những cô gái mô tả cha họ có tính kiểm soát nhưng lại ít thể hiện tình cảm thì có nhiều khả năng    kiềm chế lượng thức ăn nạp vào người, bày tỏ những lo lắng về ngoại hình của họ và bị trầm cảm nhiều hơn những cô gái cùng trang lứa cho biết họ có người cha tương đối biết quan tâm [4]. Phù hợp với phát hiện này, một nghiên cứu gần đây tìm ra bằng chứng định tính cho thấy phụ nữ khốn khổ vì hình ảnh cơ thể và chuyện ăn uống cho biết khi còn bé, họ thiếu sự hỗ trợ và không được trao cho quyền tự chủ [6].

Sự tham gia và giao tiếp—ngay cả đối với cha dượng. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi sự quan tâm và giao tiếp của người cha là những hành vi có lợi cho mối quan hệ cha--con gái. Điều tôi đặc biệt thích ở nghiên cứu này là cách mà nó đo lường “sự tham gia” và “giao tiếp”: bằng cách hỏi các cô con gái về hoạt động chung nào trong số 5 hoạt động mà họ đã thực hiện cùng với bố và chủ đề nào trong số 4 chủ đề trò chuyện mà họ có với bố mình trong tháng trước.

Tuy nhiên, các tác giả khá bất ngờ khi thấy những tác động có lợi của sự tham gia và giao tiếp cũng đúng ngay cả với những cô con gái sống với bố dượng thay vì bố đẻ. Các tác giả cho rằng bố dượng tự nguyện quan tâm đến cuộc sống của con riêng của vợ thì cũng có thể bộc lộ những nét tính cách cần thiết cho việc tạo lập và duy trì một mối quan hệ khả thi với con gái [2]. Để có thêm nhiều lời khuyên về việc xây dựng và quản lý các mối quan hệ trong gia đình có con riêng, tôi khuyên bạn nên đọc cuốn sách, Surviving and Thriving in Stepfamily Relationships.

Con trai cần gì ở Người mẹ 

Nuôi dạy con không--cưỡng ép trong thời thơ ấu—hoặc nguy cơ dẫn đến nhiều hậu quả xã hội tiêu cực. Nuôi dạy con kiểu cưỡng ép là cái chu kỳ rất phổ biến mà trong đó một người mẹ/cha chỉ đạo hành vi của đứa trẻ, sau đó gặp phải sự chống cự, rồi cha mẹ lại "tăng yêu cầu lên," có thể nói là vậy, bằng cách tăng mức độ trầm trọng của yêu cầu của họ với đứa trẻ, sau đó trẻ sẽ "hỗn" với cha mẹ bằng cách tranh cãi, la hét hoặc có hành vi hư hỏng vì tức giận. Cuối cùng, cha mẹ lùi lại và/hoặc buông xuôi, điều này củng cố hành vi sai trái của đứa trẻ.

Với một lượng mẫu lớn gồm các bé trai và mẹ của chúng, đã được theo dõi trong hơn 10 năm thơ ấu của chúng, các nhà nghiên cứu phát hiện thấy những bé trai nào có mẹ dùng lối dạy con kiểu cưỡng ép thì có tỷ lệ cao hơn về hành vi ứng xử và vấn đề xã hội, bao gồm cả việc bị những đứa trẻ khác ở trường học tẩy chay. Ở phía bên kia của phổ là những chiến lược nuôi dạy con tích cực, phù hợp hơn sẽ giúp bé trai (và tất nhiên cả bé gái nữa) phát triển các kỹ năng xã hội và ý thức về bản thân của chúng trong một khuôn khổ phát triển thích hợp [1].

Tối thiểu hóa xung đột và tối đa hóa sự ấm áp. Đừng hiểu nhầm ý tôi—sự ấm áp không có nghĩa là dễ dãi hay quá nuông chiều. Thay vào đó, những người mẹ nồng ấm luôn biết yêu thương, cứng rắn, tử tế và đầu tư vào sự phát triển của đứa con trai. Một lưu ý khác là sự xung đột và nồng ấm không phải là những biến số hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của một phụ huynh. Giống như mọi mối quan hệ, đó là một con đường hai chiều! Tuy nhiên, những bà mẹ nỗ lực để tối thiểu hóa xung đột và tối đa hóa sự nồng ấm giữa họ với con trai thì nhiều khả năng sẽ giúp đứa con trai phát triển được những kỹ năng xã hội có lợi như kết bạn, cải thiện sự phát triển đạo đức của con trai họ và thậm chí làm giảm khả năng cậu con trai dính vào những hành vi phản-xã hội như có hành xử không tốt ở trường học [5].

Hỗ trợ khả năng tự điều chỉnh bản thân của cậu con trai và không đối địch. Ai cũng biết rằng làm gương là một phần quan trọng của việc nuôi dạy con tích cực. Triết lý dạy con "Hãy làm như cha mẹ nói chứ đừng làm như cha mẹ làm" không phải là một nền tảng vững chắc để dạy thế hệ trẻ về những kỹ năng phức tạp cần thiết để sống khi trưởng thành. Thật dễ để dạy một đứa trẻ cách đánh răng—chí ít thì so với việc dạy một cậu nhóc tuổi teen cách kiểm soát cơn lo lắng của nó.

Trong một nghiên cứu về những thuộc tính giúp người mẹ xây dựng khả năng tự điều chỉnh bản thân của cậu con trai (bao gồm các kỹ năng tự kiểm soát bản thân, ra quyết định và quản lý cảm xúc), các tác giả đã đưa ra 2 yếu tố quan trọng. Đầu tiên, mức độ mà người mẹ đầu tư vào sự tự chủ và trách nhiệm cá nhân của con trai để tự điều chỉnh bằng cách thiết lập và duy trì mối quan hệ đáng tin cậy, gắn bó với con trai mình. Và thứ hai, những thói quen nuôi dạy con đối địch, chẳng hạn như phá hoại hoặc thao túng, gắn liền với mức độ thấp hơn của khả năng tự điều chỉnh của cậu con trai [2]. Phát hiện này không có gì đáng ngạc nhiên khi nghiên cứu đã được thiết lập vững chắc đã kết nối những chiến lược nuôi dạy con mang tính thao túng với những hậu quả tiêu cực đối với đứa trẻ.

Đáp ứng nhiệt tình, điềm đạm, và nồng ấm—hoặc nguy cơ chống đối và các vấn đề về sự chú ý. Một lần nữa, tôi sẽ vứt bỏ cảnh báo đường hai chiều của tôi. Khi nói đến mối quan hệ bố mẹ-con cái, giống như bất kỳ mối quan hệ nào, chúng ta không thể đặt 100 phần trăm trách nhiệm cho một trong hai bên. Song, những bà mẹ không đáp ứng nhiệt tình đối với con trai thì có nhiều khả năng phải chứng kiến cậu bé vật lộn với các vấn đề về sự chú ý và chống đối. Hơn nữa, những chiến lược kỷ luật phản ứng-quá mức như bộc lộ cảm xúc tiêu cực mạnh đối với hành vi của con trai hoặc thể hiện một triết lý nuôi dạy con kiểu độc đoán (trái ngược với kiểu dân chủ) cũng tương quan với các vấn đề về sự chú ý và chống đối, có thể là do chu kỳ nuôi dạy con theo kiểu cưỡng ép như đã bàn luận ở trên. Những kết quả đó giống nhau bất kể phân nhóm chẩn đoán ADHD của cậu con trai (tăng động vs. thiếu chú ý) và liệu đứa trẻ có được dùng thuốc để điều trị các triệu chứng của mình hay không [4].

Tránh chỉ trích cay nghiệt và can dự quá mức về mặt cảm xúcđể giúp ngăn ngừa các vấn đề về hành vi, cư xử. Thật thú vị khi các nghiên cứu về bé trai có vẻ như tập trung vào các vấn đề bên ngoài như hành vi chống đối xã hội và hành vi sai quấy. Ở một nghiên cứu khác, kiểm tra vai trò của lời chỉ trích và sự can dự quá mức về mặt cảm xúc của người mẹ trong việc dự đoán những triệu chứng của hành vi thách thức chống đối ở bé trai, các nhà nghiên cứu phát hiện thấy sự ủng hộ cho giả thuyết của họ, rằng những bà mẹ hay chỉ trích thì con trai của họ sẽ có nhiều hành vi sai trái hơn.

Những độc giả có hiểu biết có thể nhanh chóng chỉ ra rằng các cậu bé có hành vi sai quấy thì nhiều khả năng sẽ bị mẹ phê phán hơn. Dĩ nhiên điều này là đúng, nhưng điểm mấu chốt là lời chỉ trích cay nghiệt chẳng giúp ích được gì. Nói cách khác, những bà mẹ hay chỉ trích gay gắt thường không giải quyết rốt ráo hành vi sai quấy của đứa con trai. Điều đáng lưu ý là, mối quan hệ tương tự cũng được tìm thấy đối với việc can dự quá mức về mặt cảm xúc, mà nó được định nghĩa là hành vi bảo vệ thái quá và hành vi hy sinh bản thân quá mức. Cũng giống như việc chỉ trích gay gắt không phải là một kỹ thuật quản lý hành vi hiệu quả, cũng như việc gánh vác trên vai gánh nặng của quyền tự chủ tâm lý của riêng đứa con [3].

Nhìn chung, nghiên cứu về những động năng giữa mẹ và con trai dự báo những kết quả ý nghĩa ở đứa con có vẻ còn hạn chế hơn nhiều so với những gì mà tôi tìm thấy ở mối quan hệ giữa cha và con gái. Và, kết luận được rút ra bởi nghiên cứu được trích dẫn ở trên—rằng việc nuôi dạy con cái tích cực, sự tự chủ phù hợp, sự ấm áp, v.v. là tốt cho mối quan hệ mẹ-con trai—có thể cũng đúng bất kể giới tính của cha mẹ hay con cái. Mặc dù chưa bao hàm toàn diện, song các bài báo được trích dẫn ở đây mang đến một bản tóm tắt hay về nghiên cứu thực nghiệm về các kết quả trong ngắn hạn và dài hạn gắn liền với nhiều phẩm chất và đặc điểm của mối quan hệ giữa mẹ và con trai. 

Con gái cần gì ở người mẹ 

NHỮNG ĐIỂM CHÍNH
  • Nghiên cứu cho thấy, một mối quan hệ hồi bé tích cực với mẹ, có thể là một yếu tố dự báo mạnh mẽ về lòng tự trọng cao hơn và hình ảnh cơ thể lành mạnh hơn khi trưởng thành.
  • Nghiên cứu cho thấy những bà mẹ làm theo cái được gọi là phong cách nuôi dạy con dân chủ có thể giúp con gái lớn lên mà ít mặc cảm xấu hổ và sự cô lập xã hội, cùng với những mặt lợi ích khác.
  • Nghiên cứu khác biện mình cho những bà mẹ đặt ra kỳ vọng cao, nhưng thực tế đối với con gái. Những kỳ vọng như vậy dường như dự đoán được thành tích học tập và tính tự chủ của bé gái.

Cảm giác ấm áp, hỗ trợ và gần gũi    

Chẳng có gì bất ngờ khi những cô con gái cảm thấy mối quan hệ của họ với mẹ được đánh dấu bởi những đặc điểm này thì có xu hướng thông báo rằng mối quan hệ nói chung là tích cực. Tuy nhiên, báo cáo của các cô con gái về chất lượng mối quan hệ của họ trên thực tế có tương quan với lòng tự trọng và hình ảnh bản thân lành mạnh của họ. Nói cách khác, những cô con gái từng phải chịu đựng mối quan hệ nhiều xung đột và đau khổ thì có khả năng cao sẽ thông báo về lòng tự trọng thấp và nhiều nỗi bất an về ngoại hình. Tôi hy vọng là không cần phải nói, nhưng cho tôi được nói rõ ở đây: cả tôi cũng như nghiên cứu này không ngụ ý rằng chất lượng của mối quan hệ giữa mẹ và con gái là thành tố duy nhất của lòng tự trọng hay sự phát triển hình ảnh cơ thể–một cấu trúc bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố văn hóa-xã hội.  

Hơn nữa, các tác giả lưu ý là không nên rút ra kết luận nguyên nhân từ những mối tương quan đó, song lại tồn tại một mối quan hệ máy móc hợp lý–đặc biệt là với tuổi trung bình của các con gái được khảo sát trong nghiên cứu này: 10 tuổi [6, 1]. Một câu hỏi thú vị được đặt ra là mức độ mà lòng tự trọng thấp và hình ảnh cơ thể đáng thương của những cô con gái ngăn cản khả năng tạo lập những mối quan hệ gần gũi, yêu thương của họ như là với mẹ của họ, so với mức độ mà những yếu tố từ người mẹ đã kiềm chế khả năng thiết lập mối quan hệ khiến cho các cô con gái mang những đặc điểm đó.

Tự tin và chấp nhận cơ thể  

Tương tự, nghiên cứu về các cặp mẹ-con gái ở tuổi trưởng thành cho thấy cảm giác xấu hổ và chối bỏ cơ thể của người mẹ có liên quan chặt chẽ đến sự thiếu tự tin với cơ thể của cô con gái. Và, những bà mẹ thường xuyên quan sát cơ thể của mình (soi gương, kiểm tra những khuyết điểm trên cơ thể, v.v...) thì khả năng cao là con gái họ cũng làm vậy–mặc dù những hành vi này chỉ liên quan đến cảm giác xấu hổ ở người mẹ (chứ không phải cô con gái) có thể liên quan đến sự suy giảm theo quy chuẩn phát triển ở những đặc điểm được xã hội cho là hấp dẫn trong suốt cuộc đời. Tác giả tìm thấy ý nghĩa của những phát hiện đó bằng cách khuyến khích các bà mẹ hãy chứng minh cho con gái họ thấy rằng "cơ thể của một phụ nữ trưởng thành là có thể chấp nhận được" và rằng những hành vi có liên quan đến hình ảnh-cơ thể có thể được phản chiếu một cách đặc biệt gần gũi so với những kiểu hành vi làm gương khác (của người mẹ), do sự giống nhau về mặt ngoại hình do ảnh hưởng di truyền giữa mẹ và con gái [5]. Ví dụ, nếu mẹ và con gái có chung một đặc điểm riêng biệt nào đó mà người mẹ cảm thấy bất an thì có nhiều khả năng là cô con gái cũng sẽ mang theo nỗi bất an đó. 

San sẻ gánh nặng tinh thần và sự an ủi về mặt cơ thể  

Trong một nghiên cứu thú vị đo mức độ stress bằng cách dùng phản ứng trên da, các cô gái tuổi teen được hướng dẫn thực hiện một bài phát biểu ngẫu hứng về giáo dục kéo dài 3 phút (để mô phỏng sự căng thẳng xã hội và gây lo lắng). Trong khi đó, các bà mẹ được hướng dẫn nắm tay con gái khi cô bé phát biểu hoặc im lặng ngồi bên chúng. Bằng chứng từ dữ liệu phản ứng trên da cho thấy khi người mẹ nắm tay con gái thì cô con gái không cảm thấy nhiều lo lắng trong suốt bài phát biểu của mình như những cô con gái có mẹ ngồi bên cạnh mà im lặng. Tuy nhiên, ở các cặp mẹ-con gái có chất lượng mối quan hệ cao thì sự chia sẻ gánh nặng tinh thần tương tự được cảm nhận ngay cả khi không có tiếp xúc cơ thể. Các tác giả kết luận rằng mối quan hệ mẹ-con gái vững chắc có thể bảo vệ khỏi những mối đe dọa về cảm xúc ở mức độ tương tự như hành động chạm vào [4]. Thực tế mà nói, điều này có nghĩa là những bạn teen hay lo lắng (và có lẽ cả những người trưởng thành) có thể được an ủi nhờ tin tưởng vào mối quan hệ giữa mẹ và con gái của họ giống như cảm giác được an ủi khi được người thân yêu chạm vào.

Nuôi dạy con theo kiểu dân chủ

Các chiến lược nuôi dạy con thường được Baumrind xếp làm bốn loại: độc đoán, dân chủ, dễ dãi, và không can thiệp. Trong một nghiên cứu về các cô con gái trưởng thành, các báo cáo về kiểu nuôi dạy con theo kiểu quyết đoán trong thời thơ ấu có liên quan đến sự phát triển của lược đồ nhận thức tích cực, một thuật ngữ đề cập đến cách suy tư của một ai đó về bản thân họ và thế giới. Ví dụ, những cô con gái cho biết mình được nuôi dạy bởi người mẹ dân chủ thì ít có khả năng sở hữu những lược đồ nhận thức liên quan đến sự xấu hổ/khiếm khuyết, cô lập về mặt xã hội, phụ thuộc vào người khác và điểm kiểm soát bên ngoài (quan điểm cho rằng người đó có quyền kiểm soát ở mức tối thiểu đối với những trải nghiệm của họ trong cuộc đời này) [3]. Với các mối liên hệ đã biết giữa những chiến lược tư duy có vấn đề và sự phát triển của những vấn đề về sức khỏe tâm thần và hành vi trong tương lai, các bà mẹ nên được thúc đẩy để theo đuổi lối nuôi dạy con theo kiểu dân chủ với con gái của họ (và cả con trai nữa!) để bảo vệ chúng khỏi những vấn đề phức tạp rắc rối sau này.

Có những kỳ vọng cao (nhưng không bất khả thi)   

Sử dụng dữ liệu theo chiều dọc (thông tin được thu thập từ cùng một nhóm người theo thời gian) là một cách tuyệt vời để giúp rút ra các kết luận về chiều hướng nhân quả khi việc thao túng thực nghiệm không thể làm được vì lý do đạo đức. Nói cách khác, yêu cầu một nhóm ngẫu nhiên các bà mẹ được chọn không hỗ trợ con gái của họ sẽ không vượt qua được bất kỳ hội đồng đạo đức nào.

Sử dụng tập dữ liệu đã theo dõi một nhóm các cô con gái trong hơn 20 năm, các nhà nghiên cứu phát hiện thấy niềm tin bình dị của người mẹ vào khả năng hoàn thành chương trình phổ thông đúng thời điểm của con gái 10 tuổi họ (lúc bấy giờ) dự đoán về việc các cô con gái tự báo cáo về cảm giác kiểm soát đối với cuộc đời của của mình khi cô ấy 30 tuổi. Kết quả này vẫn giữ vai trò quan trọng ngay cả sau khi các nhà nghiên cứu đã kiểm soát về mặt thống kê đối với yếu tố sắc tộc, sự lựa chọn nghề nghiệp, khả năng trí tuệ, các vấn đề về sức khỏe tâm thần, địa vị kinh tế-xã hội, và cấu trúc gia đình cha mẹ, trong số các biến khác [2]. Trong khoa học xã hội, các phát hiện từ dữ liệu theo chiều dọc vững chắc để đo lường và kiểm soát nhiều biến nội tại và ngoại tại có liên quan với một kích thước mẫu lớn (trên 3,000) càng gần với những điều mà chúng ta có thể có được để hoàn toàn tin tưởng.

Điều tuyệt vời về phát hiện này là những bà mẹ trong hiện tại và tương lai có thể đem nó vào việc nuôi dạy con thật đơn giản làm sao. Hãy tin tưởng vào con gái của bạn! Hãy giữ tiêu chuẩn cao đối với chúng! Chúng sẽ biết ơn bạn khi 30 tuổi.

Con trai cần gì ở Người cha  

NHỮNG ĐIỂM CHÍNH
  • Các bé trai dựa vào cha để được dẫn dắt, và có một hình mẫu về cách hành xử trong cuộc sống và trong các mối quan hệ.
  • Nghiên cứu cho thấy khoảng thời gian tích cực ở bên cha có thể làm giảm nguy cơ lo lắng, trầm cảm hoặc hung hăng ở bé trai.
  • Con trai cũng khao khát sự nồng ấm, tình cảm và dịu dàng từ người cha.
Một tấm gương mẫu mực tuân thủ pháp luật      

Giống như nhiều hành vi khác, khi nói đến hoạt động bất hợp pháp thì “Cha nào, con nấy”. Theo nghiên cứu theo chiều dọc [3] trên hàng ngàn người cha và con trai của họ, những người đàn ông phạm pháp rất có thể cũng có cha phạm pháp. Đối với những cậu con trai của những người cha tuân thủ pháp luật thì người ta chỉ phát hiện thấy 4% bị kết án về nhiều hơn một hành vi phạm pháp. Trái lại. đối với những cậu con trai có cha phạm pháp thì khoảng 40% đã từng có nhiều hơn một hành vi phạm pháp.

Các tác giả của nghiên cứu này cẩn thận lưu ý rằng có nhiều yếu tố văn hóa-xã hội đóng vai trò môi trường trong việc làm tăng hoặc giảm nguy cơ xảy ra hành vi phạm pháp. Suy cho cùng, khoảng một nửa số con trai của những người cha từng bị kết án chưa từng phạm tội. Do đó, tấm gương của người cha không hẳn là sẽ sai khiến hành vi của đứa con trai, song lại có một mối tương quan.

"Trò chuyện về tình dục"

Tất nhiên, bất kỳ người lớn đáng tin cậy nào cũng có thể mang đến "cuộc trò chuyện về tình dục" với các bé trai ở độ tuổi phù hợp, nhưng nghiên cứu cho thấy đối với các bé trai có cha ở nhà thì cuộc trò chuyện này thường được tạo điều kiện thuận lợi bởi người cha [2]. Tuy nhiên, đáng tiếc là các ông bố báo cáo về cảm giác tự tin vào khả năng của mình thấp hơn đáng kể khi nói đến những cuộc trò chuyện với đứa con của họ về tình dục [6]. Các nhà nghiên cứu lo ngại rằng sự bất an về khả năng trò chuyện về tình dục với con trai sẽ hạn chế lượng thông tin và chỉ dẫn mà người cha cung cấp. Trên thực tế, bằng chứng cho thấy các bậc cha mẹ thường cảm thấy mình kém cỏi trong việc giải thích cho con trai cách từ chối “chuyện ấy” (!) [6]. Chắc chắn là, tất cả chúng ta đều nhất trí rằng trẻ em và người lớn không phân biệt nam nữ, cần nhận được thông điệp rõ ràng như sau: bạn có thể nói “không” với hành vi tình dục ngoài ý muốn.

Dĩ nhiên là dù người mẹ có thể trò chuyện về chuyện ấy với con trai, song người cha thường cầm cương trong các gia đình có hai bố mẹ là người dị tính luyến ái [2]. Này các ông bố: hãy táo bạo lên! Hãy "Nói chuyện" và cố gắng không xem nó như một cuộc chuyện trò “một lần rồi thôi”. Mà thay vào đó, hãy giữ cho cuộc đối thoại được cởi mở và đảm bảo rằng con trai của bạn có cảm giác an toàn để học hỏi và xin ý kiến của bạn khi nói đến các vấn đề tình dục.  

Sự giám sát, giao tiếp và tham gia của cha mẹ  

Công bằng mà nói, những kỹ năng nuôi dạy con cơ bản sẽ là một yếu tố tích cực trong cuộc đời của một đứa trẻ, bất chấp giới tính của chúng hoặc cha mẹ chúng. Nhưng lý do mà tôi bao gồm “nhu cầu” này là vì tôi mới phát hiện ra một nghiên cứu thú vị gần đây (2020) tập trung vào hiệu quả của một chương trình huấn luyện cho cha mẹ dành cho người không thường trú (nghĩa là họ không sống với con trai của họ), những ông bố người Mĩ gốc Phi và những bé trai từ 8 đến 12 tuổi [5]. Điều này hiếm khi xảy ra trong nghiên cứu nuôi dạy con cái vì nó khám phá một ngách quan trọng mà các nghiên cứu điển hình (thường lấy mẫu là các bà mẹ da trắng, thuộc tầng lớp trung lưu, cư trú) còn thiếu. Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy, ngay cả đối với những người cha không sống cùng con trai của họ thì việc huấn luyện cha mẹ sẽ cải thiện cách nhìn của cậu con trai về khả năng nuôi dạy con của cha chúng và tăng ý định tránh xung đột, ẩu đả của các cậu con trai trong tương lai. Các ông bố có thể đóng một phần quan trọng của một nhóm cùng nuôi dạy con–ngay cả khi họ không sống cùng nhà với con họ.  

Thời gian

Người ta đã xác định rõ rằng những thói quen và chiến thuật nuôi dạy con cái tích cực là những yếu tố bảo vệ trẻ em chống lại sự khởi phát của những triệu chứng ngoại hiện (ví dụ, không vâng lời, xung hấn, v.v...) và nội tại (ví dụ, lo âu, trầm cảm và những chứng rối loạn tâm trạng khác) ở trẻ em thuộc mọi lứa tuổi.

Trong một nghiên cứu gần đây [4] xem xét các yếu tố bảo vệ này, những ông bố đã lập gia đình cho biết thường xuyên đi mua sắm, chơi một môn thể thao, tham dự các sự kiện giải trí, chơi game, nấu nướng và/hoặc xem tivi cùng với con thì nhiều khả năng đứa con của họ sẽ không bộc lộ các triệu chứng ngoại hiện hoặc nội tại. Điều thú vị là, tác động mà khoảng thời gian người cha dành cho đứa con của mình đối với việc bảo vệ trẻ khỏi những triệu chứng đó thường mạnh mẽ hơn đối với con trai hơn con gái, mặc dù nó vẫn hiện hữu bất chấp giới tính của đứa trẻ.

Sự ấm áp, tình cảm và sự dịu dàng

Tôi hy vọng là mình không cần phải quá cố gắng để thuyết phục các ông bố hãy bộc lộ sự nồng ấm và dịu dàng đối với các cậu con trai. Nhưng trong trường hợp bạn cần có thêm động lực để làm việc này thì đây là một phát hiện thực nghiệm thú vị: con của những ông bố được đối xử đầy trìu mến khi còn bé đạt điểm cao hơn đáng kể trên các thang đo chuẩn hóa về khả năng nhận thức (đo bằng kỹ năng đọc và làm toán) lúc 4 tuổi. Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu một mẫu gồm những người tham gia là người Mĩ gốc Phi, người gốc Tây Ban Nha, và người da trắng, và phát hiện này vẫn đúng bất chấp sắc tộc.

Những người mới lên chức bố: nếu vẻ dễ thương của cậu con trai nhỏ vẫn chưa đủ thì đây là một lý do khác để cưng nựng cậu bé. Trên thực tế, tần suất người cha ôm hôn cậu con trai 2 tuổi là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến việc xây dựng "tình cảm nồng ấm" dự đoán tích cực về số điểm môn tập đọc và làm toán của cậu bé.  

 

Dịch bởi Chó béo cute

Nguồn

https://www.psychologytoday.com/us/blog/behavior-problems-behavior-solutions/202012/5-things-son-needs-his-mom

https://www.psychologytoday.com/us/blog/behavior-problems-behavior-solutions/202103/what-son-needs-his-dad

https://www.psychologytoday.com/us/blog/behavior-problems-behavior-solutions/202012/what-daughter-needs-her-dad

https://www.psychologytoday.com/us/blog/behavior-problems-behavior-solutions/202102/what-daughter-needs-her-mom

menu
menu