Bao nhiêu tuổi là quá già để cố trông trẻ lại?
Nghiên cứu tiết lộ cách người trẻ nhìn nhận nỗ lực níu kéo tuổi xuân.
Những điểm chính:
- Những người lớn tuổi cố gắng trông trẻ hơn có thể bị người trẻ đánh giá tiêu cực.
- Những người trẻ tuổi gần với độ tuổi của người lớn tuổi đang cố trông trẻ có thể cảm thấy bị đe dọa về mặt xã hội.
- "Người giả mạo tuổi tác" thường bị coi là đe dọa đến bản sắc xã hội của người trẻ.
Như tôi đã viết trong một bài đăng trước đây, không phải ai cũng sẽ có phản ứng tích cực với nỗ lực trông trẻ của bạn. Mỗi người sẽ phản ứng khác nhau, tùy thuộc vào động cơ của bạn khi muốn “dừng chiếc đồng hồ tuổi tác”. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, còn có một yếu tố khác ảnh hưởng đến cách người khác đánh giá về vẻ ngoài liên quan đến tuổi của bạn, và điều đó có thể chẳng liên quan gì đến bạn.
Alexander M. Schoemann và Nyla R. Branscombe (2011) đã nghiên cứu cách mà người trẻ nhìn nhận về các phương pháp chống lão hóa. Nghiên cứu của họ với 94 sinh viên dưới 25 tuổi (tuổi trung bình là 19) cho thấy cả nam lẫn nữ trẻ tuổi đều đánh giá người lớn tuổi cố gắng trông trẻ hơn một cách tiêu cực so với những người không cố gắng làm vậy. Những đánh giá tiêu cực này bắt nguồn từ cảm giác rằng bản sắc xã hội của người trẻ đang bị đe dọa. Điều thú vị mà họ tìm hiểu là: tại sao lại như vậy?
KẺ GIẢ MẠO TUỔI TÁC
Schoemann và Branscombe mô tả một "kẻ giả mạo" là người tự nhận mình thuộc về một nhóm mà không có đặc điểm hay hành vi thực sự phù hợp với nhóm đó. Ví dụ, họ đưa ra hình ảnh một người tự nhận mình là người ăn chay nhưng thỉnh thoảng vẫn ăn thịt. Trong bối cảnh liên quan đến tuổi tác, họ chỉ ra rằng những người lớn tuổi cố gắng trông trẻ hơn có thể bị coi là "kẻ giả mạo tuổi tác", đặc biệt khi họ cố gắng giống như một "người trưởng thành trẻ tuổi".
Điều thú vị là nghiên cứu của Schoemann và Branscombe cho thấy những người lớn tuổi cố gắng trông trẻ hơn thường bị gh.ét nhiều nhất khi họ gần với độ tuổi của người đánh giá, đặc biệt là với những người đánh giá có sự đồng nhất mạnh mẽ với nhóm tuổi của mình. Sự không ưa thích này không xuất phát từ độ hấp dẫn của người lớn tuổi, cũng như không bị ảnh hưởng bởi giới tính của cả hai bên — người lớn tuổi và người đánh giá.
KHI VẺ NGOÀI TRẺ TRUNG TRỞ THÀNH MỐI ĐE DỌA
Schoemann và Branscombe đã khám phá cách nhìn nhận về những nỗ lực "giả mạo tuổi tác" ở các độ tuổi khác nhau. Họ phát hiện ra rằng, những người lớn tuổi cố che giấu tuổi thật của mình thường phải đối mặt với cái giá xã hội khá đắt, đó là bị người trẻ không ưa, dù họ ở độ tuổi 30, 50 hay 60. Đặc biệt, những người lớn tuổi nhưng gần với độ tuổi của người trẻ lại bị coi là "quá gần gũi", gây cảm giác khó chịu. Theo nghiên cứu, những người ở độ tuổi 30 cố gắng làm mình trông trẻ hơn lại gây ra mối đe dọa lớn hơn đến bản sắc xã hội của người trẻ so với những người ở độ tuổi 60. Vì thế, họ bị đánh giá tiêu cực nhiều hơn.
SỰ KHÔNG TÔN TRỌNG NHƯ MỘT CÁCH BẢO VỆ LÃNH THỔ
Những phát hiện này mang ý nghĩa quan trọng từ góc độ hành vi thực tế. Bởi vì nghiên cứu chỉ ra rằng người trẻ phản ứng lại mối đe dọa từ những người lớn tuổi cố gắng trông trẻ hơn bằng cách coi thường họ, điều này có thể giải thích lý do tại sao một số người trẻ lại thiếu tôn trọng hoặc không ưa "người lớn tuổi". Nếu cảm giác tiêu cực mạnh nhất khi người lớn tuổi gần với độ tuổi của người trẻ, điều này có thể lý giải những động lực tiêu cực trong các mối quan hệ cá nhân hoặc sự cạnh tranh trong môi trường làm việc đầy người trẻ, hoặc trong các không gian xã hội dành cho nhóm dưới 40 tuổi – nơi mà tưởng chừng như mọi người sẽ đồng nhất về bản sắc xã hội, nhưng thực tế không phải vậy.
Ngoài ra, có thể những người lớn tuổi thành công trong việc làm mình trẻ lại, dù là qua phẫu thuật, trang điểm hay ăn mặc, không bị nhìn nhận tiêu cực bởi họ thực sự trông trẻ hơn, và vì thế không bị coi là những kẻ giả mạo đang cố gắng xâm nhập vào một nhóm mà họ đã qua tuổi.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là, mặc dù vẻ ngoài luôn là yếu tố quan trọng trong bất kỳ độ tuổi nào, những phẩm chất chân thành như sự tử tế, quan tâm, chú ý và tôn trọng thì không bao giờ lỗi thời. Ấn tượng đầu tiên không chỉ phụ thuộc vào ngoại hình mà còn phụ thuộc vào cảm giác mà người khác mang lại cho ta.
Tham khảo:
[i] Schoemann, Alexander M., and Nyla R. Branscombe. 2011. “Looking Young for Your Age: Perceptions of Anti-Aging Actions.” European Journal of Social Psychology 41 (1): 86–95. doi:10.1002/ejsp.738.
Nguồn: How Old Is Too Old to Try to Look Young? | Psychology Today
Tìm đọc cuốn sách SỐNG CÙNG MÁI TÓC HOA RÂM
Phụ nữ phải trẻ trung thì mới đẹp. Cứ mỗi lần nhận được lời đánh giá đó, những người phụ nữ không còn trẻ trung lại bị giày vò bởi cảm giác lo lắng, khó khăn và tuyệt vọng. Thế nhưng, nếu chấp nhận tuổi già của mình và chấp nhận nó như Kondou Sato thì sao? Nhất định bạn sẽ nhẹ lòng hơn, sống vui vẻ hơn đấy. Đây là cuốn cẩm nang đưa ra lời kêu gọi chúng ta không nên phủ nhận tuổi già mà hãy đón nhận nó và sống một cuộc đời khỏe khoắn, yên vui.